Hội nghị chính sách thế giới tại Pháp:

Thảo luận một loạt vấn đề của thế giới

Hội nghị thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới không chỉ bởi sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo, chuyên gia thế giới, mà còn vì nó diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều biến động về mặt chính sách tại nhiều khu vực trên thế giới.

Tại Pháp, đang diễn ra Hội nghị quốc tế lần đầu tiên về chính sách thế giới. Với 18 phiên thảo luận chuyên đề, hội nghị đề cập một cách bao quát về hầu hết các khu vực trên thế giới, các vấn đề nóng bỏng đang được quan tâm liên quan đến chính sách của các nước.

Tầm quan trọng của Hội nghị quốc tế đầu tiên về chính sách thế giới thể hiện ở sự tham gia của hàng chục các vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước cùng nhiều chuyên gia, nhà phân tích nổi tiếng thế giới. Trong đó đáng chú ý có Tổng thống và Thủ tướng nước chủ nhà Pháp, Tổng thống các nước Nga, Serbia, Tây Ban Nha, Estonia, Israel, Croatia, Mông Cổ…, Thủ tướng Palestine, Luxumburg… Cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, Tổng thư ký NATO G.H Safer, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng có mặt tại hội nghị.

“Thế giới trông đợi gì ở nước Mỹ- quốc gia được xem là không thể thiếu?” và “Chính sách phát triển đối nội và đối ngoại của nước Nga” là tên hai phiên họp đầu tiên của hội nghị.

Hiện thế giới đang diễn ra nhiều cuộc thảo luận về sự trở lại của nước Nga trong vai trò một cường quốc- thách thức vị trí mà nước Mỹ luôn gọi là “không thể thiếu” của Washington. Nắm trong tay sức mạnh mềm là nguồn dầu khí dồi dào cùng sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, nước Nga đã vươn dậy từ khủng hoảng, nợ nần để khẳng định lại vị thế của mình trên trường chính sách quốc tế. Và cuộc chiến chớp nhoáng tại Grudia đã chính thức đánh dấu sự trở lại đó. Sự kiện này đã khiến không ít quốc gia phải xem xét lại chính sách của mình, giữa một bên là quan hệ với Nga và một bên là Mỹ và phương Tây. Bản thân châu Âu cũng lâm vào tình thế khó xử và muốn tránh bị trở thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ.

Về phía Mỹ, Washington tuyên bố không nao núng trước sự vươn lên của Nga và nhấn mạnh rằng nước Mỹ vẫn đóng vai trò của một cường quốc không thể thiếu được của thế giới. Tuy nhiên, tổn thất mà Mỹ phải hứng chịu tại các chiến trường Iraq và Afghanistan cũng như thất bại của Mỹ làm trung gian hoà giải ở một số điểm nóng đã khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính ở phố Wall cho thấy tính “dễ tổn thương” của hệ thống tài chính Mỹ và ảnh hưởng nặng nề đối với toàn thế giới.

Một số phiên họp đáng chú ý khác như “Trung Quốc- chính sách phát triển đối nội và cường quốc mới nổi”; “Nhật Bản- quyền lực và chiến lược nào?”, “Mỹ La tinh: chủ nghĩa dân biểu và sự phát triển”, “Châu Âu với 27 thành viên hoặc hơn liệu có bền vững?”, “Vòng cung khủng hoảng từ Iraq đến  Pakistan”...

“Khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế: cần phải làm gì?” là chủ đề được chú ý nhiều nhất trong các vấn đề về chính sách kinh tế được thảo luận tại hội nghị. Những ngày qua, các chuyên gia kinh tế nói nhiều đến khủng hoảng lòng tin vừa là cội nguồn, vừa là nhân tố làm lây lan khủng hoảng kinh tế, tài chính ở Mỹ, Châu Âu... Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập đến mối đe doạ từ các cuộc chiến tranh thương mại, vấn đề di cư, cũng như mối quan hệ qua lại giữa kinh tế và khí hậu.

“Chính sách quản lý toàn cầu trong vấn đề sức khoẻ” là một chủ đề mang tính thời sự trong bối cảnh cả thế giới đang hoang mang trước các sản phẩm sữa bị nhiễm độc xuất phát từ Trung Quốc.

Rà soát chính sách đối nội và đối ngoại của các nước ở hầu khắp các khu vực, Hội nghị đầu tiên về chính sách thế giới đóng vai trò như một diễn đàn quốc tế quan trọng- nơi các nhà lãnh đạo, các chuyên gia sẽ bày tỏ quan điểm về thế giới trong “một giai đoạn bất ổn chính sách”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên