Thị trường hàng hoá cuối năm sẽ không có mặt hàng tăng giá đột biến

Để ổn định thị trường hàng hóa trong những tháng cuối năm, đảm bảo cân đối cung- cầu, tránh thiếu nguồn hàng, nhiều ý kiến cho rằng: Biện pháp chống giảm phát hữu hiệu nhất là kích cầu tiêu dùng và sử dụng vốn...

Chỉ số giá tiêu dùng lần đầu tiên liên tục giảm là điều đáng mừng song cũng nhiều điều đáng quan tâm khi hàng hóa tiêu tiêu thụ chậm, tồn kho ở mức cao; giá hàng nông thủy sản giảm mạnh… Tổ Điều hành thị trường trong nước đã nhận định như vậy, ngày 27/10. Tuy nhiên, với việc tiếp tục thực hiện hàng loạt các giải pháp do Chính phủ đề ra, các chuyên gia dự báo thị trường hàng hoá những tháng cuối năm sẽ không có mặt hàng tăng giá đột biến.

Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước, các chuyên gia đã phân tích CPI liên tục giảm cho thấy chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã có tác dụng. Mặc dù vậy, hiện nay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp như kinh doanh thép, vật liệu xây dựng, dệt may… đang gặp khó khăn lớn vì tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho lớn, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó phải 40%-50% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hoạt động cầm chừng giữ mối liên hệ với ngân hàng. Vì thế, Chính phủ và Ngân hàng đã có những biện pháp điều hành linh hoạt hơn về tăng lãi suất dự trữ bắt buộc tiền gửi, thanh toán trước hạn trái phiếu, giảm lãi suất tái chiết khấu để nâng khả năng thanh khoản cho ngân hàng nhằm giảm lãi suất cho vay mà thực chất đây là nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Để ổn định thị trường hàng hóa trong những tháng cuối năm, đảm bảo cân đối cung- cầu, tránh thiếu nguồn hàng, nhiều ý kiến cho rằng: Biện pháp chống giảm phát hữu hiệu nhất là kích cầu tiêu dùng và sử dụng vốn, nhất là khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước qua việc giảm giá bán, khuyến mại... nên cần rà soát lại cân đối cung- cầu hàng hóa năm 2009. Riêng về chính sách tài khóa: phấn đấu giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP; kiểm soát thị trường và chỉ đạo chuẩn bị tốt kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán.

** Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là bảo đảm ổn định thị trường, bình ổn các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị đủ hàng cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Thành phố chỉ đạo các đơn vị dự trữ hàng hóa cung ứng trước và sau Tết, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ, giá cả tăng cao. Các sở ngành kiểm tra về giá, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt kiểm tra gắt gao tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Yêu cầu doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu hàng nông sản, lương thực thực phẩm, ưu tiên mua, sử dụng hàng trong nước, hỗ trợ bà con nông dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên