Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt đối với Nguyễn Lâm Thái

Đại diện VKS cho rằng, Nguyễn Lâm Thái phạm tội mang nhiều tình tiết tăng nặng, án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 26 năm tù là chưa tương xứng với hành vi phạm tội.

Ngày 1/10, Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyển Lâm Thái. Sau khi trình bày quan điểm của mình, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo kêu oan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xin giảm nhẹ một phần hình phạt về tội “trốn thuế” của Nguyễn Lâm Thái, giữ nguyên bản án sơ thẩm và hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên phạt trước đó. Đại diện VKS cho rằng, Nguyễn Lâm Thái phạm tội mang nhiều tình tiết tăng nặng, án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 26 năm tù là chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Ngoài ra, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đặng Thị Thu Hà (nguyên kế toán “tập đoàn” CIP), nhưng vẫn giữ nguyên tội danh “Trốn thuế”.

Đối với nhóm bị cáo nguyên là giám đốc các công ty con trong “Tập đoàn CIP” gồm: Vũ Anh, Vũ Công Đại, Vũ Ngọc Hoan, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành và Phạm Văn Tiến, Căn cứ vào hồ sơ vụ án, bản án của tòa sơ thẩm và qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa đã có cơ sở cho thấy, các bị cáo đã tham gia tích cực trong việc làm thủ tục báo giá, thư chào hàng, hồ sơ dự thầu để tham gia đấu thầu trong quá trình giúp Nguyễn Lâm Thái ký kết hợp đồng với các bưu điện, soạn thảo những bộ hồ sơ chào hàng mang tính cạnh tranh giả tạo. Từ đó cho thấy, án sơ thẩm đã qui kết các bị cáo về tội lừa đảo là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Về tội danh “Trốn thuế”, VKS khẳng định án sơ thẩm đã tuyên phạt (từ 1 năm đến 5 năm) trước đó là quá nhẹ, dưới khung hình phạt nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội danh này, bác kháng cáo kêu oan về tội “lừa đảo”

Đối với 10 quan chức ngành bưu điện như : Nguyễn Hoàng Nhân, Nguyễn Văn Thịnh, Phạm Hồng Khanh, Ngô Quang Thạch, Phạm Minh Quang, Phạm Chương, Lâm Minh Thủy, Lê Anh Hùng, Lê Thanh Hùng, Tạ Quang Vĩnh, do không đưa ra bất kỳ một tình tiết xin giảm nhẹ hình phạt nào mới, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự và trả lại số tiền mà các bị cáo đã nộp tại cơ quan điều tra nhằm khắc phục hậu quả. Ngoài ra, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của các bị cáo đã nộp lại số tiền khắc phục hậu quả, vì đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo mà trước đó tòa sơ thẩm đã xem xét.

Riêng 2 bị cáo Lê Quang Trung (Nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Tứ Dũng (Nguyên kế toán trưởng), ngoài việc bị VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo, phía VKS còn đề nghị HĐXX tổng hợp thêm mức án đã có hiệu lực từ một bản án khác (vụ Tăng Thị Ba) mà 2 bị cáo đã phạm tội.

Chuyển sang phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái và các giám đốc con trong “Tập đoàn CIP” tiếp tục kêu oan về tội “lừa đảo”. Phía luật sư cho rằng, Nguyễn Lâm Thái và các cộng sự chỉ phạm tội “trốn thuế”, không lừa đảo, vì đến nay chưa có bưu điện nào kiện Nguyễn Lâm Thái là lừa đảo cả. Trong phần tự bào chữa, Nguyễn Lâm Thái tiếp tục kêu oan và đề nghị HĐXX “hoãn phiên tòa do vắng mặt giám định viên Bộ Tài chính. Theo bị cáo đây chính là chìa khóa của vấn đề làm rõ việc thẩm định giá các thiết bị mà bị cáo đã bán cho các bưu điện để HĐXX xem xét”.

Ngày 2/10, phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên