100 năm ngày sinh tướng Nguyễn Sơn (1/10)

Nhớ một người Hà Nội!

Sự nghiệp của “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn đã đi vào huyền thoại với những chiến công vang dội ở cả Việt Nam và Trung Quốc; với cả sự lịch lãm, hào hoa của một vị tướng “văn võ song toàn”…

Một thời kiêu dũng...

Nguyễn Sơn - tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác - sinh ngày 1/10/1908 tại căn nhà số 74 phố Yên Ninh (quận Ba Đình, Hà Nội). Quê gốc của ông ở làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (hồi đó còn thuộc địa phận Bắc Ninh) - làng có nghề làm vàng quỳ nổi tiếng.

Ở trường Bưởi, Nguyễn Sơn học khá giỏi nhưng cũng sớm là đối tượng theo dõi của mật thám Pháp vì những hoạt động yêu nước của ông.

Năm 1925, Vũ Nguyên Bác theo Nguyễn Công Thu bí mật sang Quảng Châu. Tại đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Ái Quốc.

Vũ Nguyên Bác gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được mang tên mới Lý Anh Tự... Khi đó ông mới 17 tuổi.

Cuối năm 1926, tại Quảng Châu, Nguyễn Sơn dự lớp huấn luyện chính trị thứ ba do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Phùng Chí Kiên, Trần Đình Long...

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện chính trị mùa xuân năm 1927, Nguyễn Sơn được cử đi học quân sự tại trường Hoàng Phố cùng với Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi... Sau khi tốt nghiệp khóa IV trường quân sự Hoàng Phố, Nguyễn Sơn được giữ lại trường công tác...

Nguyễn Sơn đã in dấu chân mình trên khắp các nẻo đường cách mạng của Hồng quân Trung Quốc: Tham gia cuộc vạn lý trường chinh; tham gia cuộc kháng chiến chống Nhật; ba lần đi qua núi tuyết, ba lần bị khai trừ rồi ba lần lại được khôi phục đảng tịch...  Nhân dân Trung Quốc biết đến Nguyễn Sơn dưới cái tên Hồng Thủy với những phẩm chất vô song: “là một khối thép không han gỉ trong đói rét cực nhọc, không run sợ trước mọi sự hăm dọa, không gục ngã trước mưa bom bão đạn, không giận hờn bởi sự hiểu lầm, hoặc bị xúc phạm...”.

Cuối năm 1945, Nguyễn Sơn cùng với Nguyễn Khánh Toàn về đến Hà Nội. Chỉ vài ngày sau khi về nước, ông được điều vào làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Trung bộ (từ Quảng Nam tới Khánh Hòa). Đầu năm 1946 ông được bầu làm Ủy viên xứ ủy Trung kỳ, phụ trách quân sự. Năm 1947, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV (bao  gồm  các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình - Trị - Thiên)...

Những kinh nghiệm chiến đấu đã được Nguyễn Sơn đúc kết và vận dụng trong cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên đã chặn được bước tiến của quân địch. Các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh được củng cố, là hậu phương trực tiếp vững chắc của cuộc kháng chiến.

Tháng 1/1948, Nguyễn Sơn được phong quân hàm thiếu tướng cùng với 9 tướng lĩnh khác trong lần phong cấp đầu tiên. Trong dịp này, Hồ Chủ tịch đã “Tặng Sơn đệ”, với bản tính ngang tàng khí khái, 4 câu:

 “Đảm dục đại
Tâm dục tế
Trí dục viên
Hạnh dục phương”.

Mùa hè năm 1950, tướng Nguyễn Sơn trở lại nhận công tác ở Trung Quốc. Ông giới thiệu về địa chí, phong tục tập quán, tình hình chiến sự ở Việt Nam cho các đoàn chuyên gia Trung Quốc sang giúp Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.

Sau khi tốt nghiệp khóa I Học viện quân sự Nam Kinh loại ưu, Nguyễn Sơn được bổ nhiệm Cục phó Cục Điều lệnh thuộc Bộ Tổng giám huấn luyện Quân giải phóng nhân dân Trung quốc. Sau đó ông được giao là Xã trưởng (chủ nhiệm) kiêm Tổng biên tập tạp chí Huấn luyện chiến đấu.

Ngày 27/9/1955, Nguyễn Sơn được Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng cấp Sư trưởng. Về sự kiện này, Nhân dân nhật báo viết:“Nhân dân Trung Quốc vĩnh viễn không thể quên người chiến sĩ chủ nghĩa quốc tế kiệt xuất, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc.”.

Tướng quân hào hoa nhưng vô cùng bình dị…

Bên cạnh việc đánh giặc bảo vệ độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, Nguyễn Sơn rất chú trọng nâng cao tâm hồn của người Việt Nam... Cái tâm trong sáng, cái tài hào hoa của “ông tướng” đã thu phục được nhân tâm các văn nghệ sĩ.

Những người đã gặp Nguyễn Sơn, biết Nguyễn Sơn đều ngưỡng mộ ông. “Ngoài tài năng quân sự, Nguyễn Sơn còn là thủ lĩnh của một đoàn quân văn hóa đông đảo và tài danh. Trong con mắt công chúng thời bấy giờ, ông là một vị tuớng văn võ song toàn, một nhà văn hóa lớn...”. Ông đã xây dựng Liên khu IV trở thành một trung tâm văn hóa lớn của nước Việt Nam kháng chiến...

Có vẻ ngoài dữ dằn của một võ tướng nhưng Nguyễn Sơn rất yêu mến và am hiểu, sành sỏi về văn nghệ. Tại lớp văn hóa kháng chiến ở Thanh Hóa, ông thường đến dự, học viên muốn ông nói chuyện, ông sẵn sàng nói ba bốn giờ liền. Người nghe không chán, người nói càng say sưa... Một lần ở Sim (Thanh Hóa), ông nói bảy buổi liền về đường lối văn nghệ của Đảng, phân tích những cái hay của truyện Kiều, diễn giảng từng động tác trong kịch Lôi vũ của Tào Ngu...

Nhiều người đã ngạc nhiên khi nhìn thấy Nguyễn Sơn “đường đường” là vị tướng tư lệnh Liên khu IV nhưng có tác phong gần gũi bình dân đến bất ngờ. Người ta thấy ông đi chiếc xe đạp cũ, đi chợ ở Rừng Thông, đi chợ ở Đô Lương, buổi chiều vào bãi đá bóng, mặc quần đùi cùng tập chạy với anh em bộ đội, vào nhà nông dân cũng có thể lăn ra ngủ... Cái đức tin ở quần chúng nhân dân của Nguyễn Sơn thật là hiếm gặp.

Ông rất yêu quý các cháu thiếu niên... Nguyễn Sơn đúng là người ngoảnh mặt coi khinh ngàn lực sĩ nhưng sẵn sàng cúi đầu làm ngựa cho nhi đồng... Đến nay, những cựu học sinh trường thiếu sinh quân liên khu IV còn nhớ những lần được bác Sơn cọ bộ râu rậm lởm chởm vào má.

Năm 1956, phát hiện thấy bệnh hiểm nghèo khi đang công tác tại Trung Quốc, ông xin về nước.

Ông mất ngày 21/10/1956 tại Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên