Sờ cái “sờ sờ ra đấy”

Một phát ngôn được coi là “nóng” trong tuần qua của PGS.TS Nguyễn Thế Chính (Đại học Kinh tế quốc dân) đã làm nhiều người liên tưởng công tác quản lý Nhà nước không chỉ trong vụ Vedan mà còn nhiều vụ việc bức xúc khác...

PGS.TS Nguyễn Thế Chính, Trưởng khoa kinh tế, quản lý môi trường và đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khi bày tỏ quan điểm về vai trò quản lý Nhà nước trong vụ Vedan “giết” sông Thị Vải, ông nói: “Bây giờ ô nhiễm môi trường sờ sờ ra đấy, người dân còn nhìn thấy mà cơ quan quản lý Nhà nước bảo là không thấy, là vô lý. Như thế làm sao người ta không nghi ngờ là có sự thoả hiệp được?”.

Câu nói này đã làm nhiều người liên tưởng công tác quản lý Nhà nước không chỉ trong vụ Vedan mà còn nhiều vụ việc bức xúc khác. Xin nêu thêm ra đây một vụ.

Đó là vụ sữa bột trẻ em kém chất lượng – “sữa sạn thận”. Đầu tiên, làm hoang mang người tiêu dùng là những thông tin được báo chí liên tục đăng tải về số trẻ em Trung Quốc vì uống sữa, ăn bánh, kẹo, sôcôla nhiễm melamine do Trung Quốc sản xuất phải… cấp cứu trong các bệnh viện, thậm chí bị tử vong. Tiếp đến là các ông bố, bà mẹ choáng váng khi cơ quan chức năng Việt Nam công bố thông tin phát hiện hàng chục tấn sữa YiLi Trung Quốc bị nghi ngờ có chứa melamine đang bày bán tràn lan trên thị trường. Và rồi, mọi người “không biết đâu mà lần” khi thông tin trên báo chí về các ý kiến của cơ quan chức năng rất “tiền hậu bất nhất”.

Sau những lời công bố vội vã về việc Cục ATVSTP chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm sữa Trung Quốc tại Việt Nam, ngày 23/9, đích thân ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP đã công bố lại: Đã có 11 sản phẩm sữa của Trung Quốc được Cục cấp phép lưu hành. “Việc lúc trước nói không, giờ lại nói có, là một sai sót về quản lý của Cục ATVTP” - Ông Khẩn giải thích trên công luận. Đáng chú ý là trước đó một ngày, chính ông Hoàng Thuỷ Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP  là người đã ký giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa YiLi Trung Quốc, lại không hề nhớ là mình đã ký. Một Phó Cục trưởng phó khác, ông Nguyễn Hùng Long, thì thản nhiên nói: “Nếu kiểm tra thấy sản phẩm sữa YiLi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vẫn cho phép lưu hành”.

Trong khi đó, chính Công ty sản xuất sữa YiLi của Trung Quốc đã chính thức yêu cầu Công ty Kim Ấn (doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam) thu hồi toàn bộ sản phẩm thuộc lô hàng gồm 1.494 thùng sữa và 10 thùng hàng mẫu về lưu kho để chờ giải quyết (Báo Lao động ngày 23/9). Và đến lúc này, các cơ quan chức năng mới vội “nhảy vào” thanh tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa. Nào là lấy mẫu sữa để đem đi xét nghiệm; nào là giám sát các bệnh nhân bé bỏng đang dùng sữa…  Các ông bố, bà mẹ nháo nhác hỏi nhau; các trường mẫu giáo mầm non “khẩn trương” thay… sữa; thông tin trên báo chí đậm đặc dần lên…         

Qua 2 vụ trên, và nhiều vụ khác gây hoang mang cho người dân xuất hiện trong thời gian gần đây, có thể thấy sờ sờ một điều: Cái lỗ hổng yếu kém trong quản lý đã quá lớn. Cùng với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, chu vi của lỗ hổng đó càng lớn dần lên, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm – 2 lĩnh vực quan thiết đến an sinh xã hội, đến sự an nguy của mỗi người dân. Chính vì thế, đã đến lúc cơ quan pháp luật phải sờ tới cái “sờ sờ ra đấy” này. Chí ít thì đây cũng là biện pháp cấp thời để nâng cao ý thức và trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong công tác quản lý Nhà nước – biện pháp đầu tiên trong nhiều biện pháp làm nhỏ dần và tiến tới khép lại “lỗ hổng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên