Tàu thuyền hoạt động từ vĩ tuyến 15° trở lên cần về bờ tránh bão

 Lực lượng công an, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích phải có nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho ngư dân tại khu neo đậu trong khi tất cả các thuyền viên lên bờ tránh trú bão.

>> Bão số 8 di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc

Bộ tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng yêu cầu biên phòng các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tham mưu cho tỉnh có biện pháp chỉ đạo địa phương kiên quyết kêu gọi số tàu thuyền hoạt động ở khu vực từ vĩ tuyến 15° trở lên di chuyển về bờ tránh bão số 8. Đồng thời, cử cán bộ, chiến sỹ xuống gia đình các chủ tàu của các phương tiện hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và bãi Cạn phía đông Nam quần đảo Hoàng Sa để đôn đốc, vận động, yêu cầu chủ tàu đưa tàu về bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tính đến 6 giờ ngày 3/10, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà còn 14 tàu/164 người (Đà Nẵng: 6 tàu/62 người; Quảng Ngãi: 8 tàu/102 người) đang hoạt động ở khu vực giữa và bắc biển Đông. Ngoài ra, có 12.531 tàu/75.027 người đang hoạt động tại khu vực ven bờ và các vùng biển khác. Hầu hết các tàu ở khu vực giữa và bắc biển Đông đang đi ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện các địa phương đã thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, tổ chức kiểm soát chặt chẽ, duy trì liên lạc và hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi neo đậu để đảm bảo an toàn.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6 giờ ngày 3/10, bão số 7 đã làm 12 người chết (Hà Tĩnh: 3 người, Quảng Bình: 7 người, Quảng Trị: 2 người) và 5 người mất tích, bị thương 13 người; Sập, hư hỏng gần 6.500 ngôi nhà và chìm 45 tàu, trong đó thiệt hại nặng nhất là tỉnh Quảng Bình với 29 tàu. Hiện đoàn công tác của Trung ương phối hợp với các địa phương giúp đỡ nhân dân từng bước ổn định đời sống và khắc phục nhanh hậu quả bão lũ. Rút kinh nghiệm từ những cơn bão trước, chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền để đảm bảo an toàn; hướng dẫn ngư dân biện pháp, kỹ thuật neo đậu tàu, thuyền trong khu vực tránh, trú bão tránh va đập, đứt dây neo gây chìm tàu thuyền. Khi có bão, cần vận động, thuyết phục, trong trường hợp cần thiết phải cưỡng chế các thuyền viên rời tàu, thuyền khi đã neo đậu tại khu vực tránh trú, bão. Bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho ngư dân tại khu neo đậu trong khi tất cả các thuyền viên lên bờ tránh trú bão.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, tại Trung bộ mực nước sông Cả sẽ tiếp tục lên cao, các sông ở khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông khác ở Trung Bộ đang xuống. Các sông Bắc bộ như sông Hồng, sông Thái Bình đang xuống nhanh. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên. Đến ngày 6/10, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,75m (trên BĐII: 0,15m), tại Châu Đốc ở mức 3,15m (trên BĐII: 0,15m), tại Mộc Hóa lên mức 1,6m (dưới BĐIII: 0,2m).

** Hồi 13 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 13 giờ ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 9.

Trong 48 đến 72 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 6/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh. Từ đêm nay (3/10), vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên