Nhập siêu tăng vì nội lực yếu kém

Con số nhập siêu của Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này khiến chúng ta phải xem xét lại chính sách hỗ trợ xuất khẩu, điều hành tỷ giá và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước…

Tính đến hết tháng 8/2008, mức nhập siêu đã lên 15,965 tỷ USD, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2007 và bằng 36,85% tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng. Trong cơ cấu nhập siêu, khoảng 85% giá trị hàng nhập khẩu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị cho sản xuất, phần lớn từ các nước châu Á, ASEAN. Trong khi, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản thô và hàng gia công.

“Với qui mô và tính chất của nhập siêu ở Việt Nam hiện nay, nhập siêu có tác động tiêu cực nhiều hơn là tác động tích cực đến nền kinh tế và định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Trọng tâm chính sách trong những năm tới nên nhanh chóng giảm nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại” - TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện NC Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định.

Doanh nghiệp trong nước kém cỏi?

Theo một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đáng lẽ Việt Nam phải nhập siêu từ các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu để tiếp thu tri thức, công nghệ và các sản phẩm tiên tiến, thì với thị trường này Việt Nam lại xuất siêu. Trong khi ở khu vực châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, Việt Nam luôn ở trong thế nhập siêu và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm. Thậm chí, chúng ta còn giúp cho họ tiêu thụ sản phẩm tồn kho.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Có lẽ đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng “chi tiêu và đầu tư của Việt Nam có xu hướng sính ngoại”- TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện NC Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phản ánh.

Bên cạnh đó, theo ông Ánh, thị trường trong nước chưa được các doanh nghiệp sản xuất trong nước quan tâm, vì thế đây là mảng trống để các doanh nghiệp nhập khẩu lấp đầy. “Doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất ra sản phẩm tốt nhất để phục vụ tiêu dùng và sản phẩm tốt vừa vừa để phục vụ xuất khẩu. Còn Việt Nam, cái gì tốt nhất thì dành cho xuất khẩu, cái gì lỗi, không bán được thì đem về phục vụ thị trường trong nước” – ông Ánh đưa ra dẫn chứng.

Trong khi khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu. Điều này cho thấy hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp. Đó cũng là hệ quả của việc thiếu đầu tư dài hơi, nhập khẩu thiết bị, công nghệ trình độ thấp, rẻ. Theo số liệu điều tra của Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đến 88% doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta có công nghệ trung bình hoặc lạc hậu.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, một lý do không được nhìn nhận thẳng thắn để giải thích tại sao mức độ nhập siêu lại cao như vậy, dường như chính là thuế nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam. Nói cách khác, càng nhập khẩu nhiều thì tổng thu ngân sách Nhà nước lại càng lớn với hàng rào thuế quan đang được duy trì ở mức tương đối cao dù đang chịu áp lực giảm xuống do các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghịch lý điều hành

Trong điều hành chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xuất khẩu, chính sách thuế giữ vai trò quyết định.

Kinh nghiệm ngành Thép thời gian qua đã gặp những khó khăn trở ngại không đáng có, làm ảnh hưởng không tốt đến xuất khẩu thép, gây khó khăn cho nhiều công ty thép.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đưa ra dẫn chứng: Khi giá thép thế giới tăng cao, dự trữ nguyên liệu của Việt Nam quá lớn, có nguy cơ ứ đọng, nhưng do nhận định tình hình không chính xác chúng ta đã tìm cách nâng cao thuế xuất khẩu phôi thép để các doanh nghiệp sản xuất phôi không thể xuất khẩu được. Hiện tại, giá phôi hạ nhanh, phôi tồn kho quá lớn nhưng xuất khẩu sẽ lỗ thì Việt Nam vẫn còn đang phải xử lý để hạ thuế xuất khẩu phôi thép về mức cũ.

Ông Cường đưa ra một dẫn chứng khác, việc ban hành thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu tự động với ngành thép tháng 7/2008 cũng là một thí dụ về chính sách quản lý cản trở xuất khẩu vì thực chất của biện pháp này là áp dụng cho việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thép (phôi thép) để phòng thiếu nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước nhưng Bộ Công thương lại ban hành áp dụng chung cho các sản phẩm thép xuất khẩu dẫn tới các sản phẩm thép khác mà Việt Nam dư thừa, đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu như thép xây dựng, ống thép, thép mạ, thép phủ mầu… cũng gặp trở ngại, lượng xuất khẩu sụt giảm chỉ còn 1/3 mức bình thường do các thủ tục hành chính. Thực tế này đã buộc các công ty xuất khẩu phải kiến nghị Bộ Công thương bãi bỏ qui định này sau 2 tháng ban hành.

Các doanh nghiệp xuất khẩu rất cần USD. TS Ngô Trí Long phân tích: Nhìn bề ngoài, thị trường ngoại tệ Việt Nam còn một số mâu thuẫn: Việt Nam đang nhập siêu, thâm hụt cán cân thương mại và thường xuyên thâm hụt cán cân vãng lai. Nhưng lại có một nghịch lý là từ đầu năm 2007 và những tháng qua của năm 2008 cung ngoại tệ luôn tăng. Thứ nữa, trong khi lãi suất USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và lãi suất Sibor giảm thì lãi suất cho vay USD của nước ta lại tăng và tăng cao hơn. Do đó, giá thành xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn, nói cách khác là thu lợi nhuận thấp hơn.

Theo TS Ngô Trí Long, Việt Nam neo giữ tỷ giá VND/USD quá lâu, không đúng với diễn biến của thị trường hối đoái quốc tế, trong khi USD giảm giá mạnh trong 2 năm qua là nguyên nhân quan trọng gây nên lạm phát cao hiện nay.

Phá giá VND?

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, việc điều hành tỷ giá hối đoái có vai trò rất quan trọng.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam không áp dụng bài học của Trung Quốc năm 1994, phá giá đồng nội tệ 30% so với USD.

Ông Phí Đăng Minh-Vụ phó Vụ ngoại hối (NHNN) khẳng định: “Điều này là không thể”.

Ông Minh lý giải: Thứ nhất, chúng ta đã là thành viên của WTO nên không thể cứ làm gì cũng được mà phải thực hiện các cam kết khi vào WTO và chúng ta không thể điều chỉnh thuế của chúng ta được (điều này Trung Quốc năm 1994 lại có thể làm được); Thứ hai, chúng ta chưa phải thực hiện chiến lược kiên quyết như Trung Quốc không vì mục tiêu của chúng ta là vừa hạn chế, thay thế hàng nhập khẩu đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu là rất khó làm; thứ ba, FDI vào Việt Nam chỉ chạy theo số lượng (cứ nhiều tỷ USD là phấn khởi) chứ chưa hướng vào xuất khẩu là chủ yếu. “Trong điều kiện của ngày hôm nay, nếu phá giá VND thì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại, vì độ co giãn xuất nhập khẩu của chúng ta không đủ lớn; thứ nữa là giá nhập khẩu đắt lên khi đó sẽ làm thâm hụt cán cân thương mại cao hơn hiện tại. Phá giá VND còn gây nên hiệu ứng dẫn truyền từ tỷ giá sang lạm phát. Khi kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu như Việt Nam hiện nay thì tăng tỷ giá, giá trong nước tăng lên, giảm tính cạnh tranh hàng nội địa.

Cơ chế điều hành tỷ giá VND đến hôm nay là căn cứ vào cung-cầu ngoại tệ và thực tế trên thị trường ngoại tệ và có sự điều tiết của Nhà nước; không để phá giá mạnh quá và lên giá mạnh quá, vì nếu biến động tỷ giá mạnh thì lập tức FDI sẽ tác động mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào họ rất lo lắng, nếu VND mất giá mạnh thì chúng tôi “chết”, VND lên giá mạnh chúng tôi cũng “sập tiệm”. Cho nên, trong bối cảnh này chúng ta không thể làm theo Trung Quốc năm 1994./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên