Tuổi thơ trong thành phố bị chiếm

Bãi dâu xanh xa xa, mặt sông Hồng màu nâu đỏ hơi nháng lên vì ánh nắng, một con đò lững lờ trôi xuôi như đếm thời gian. Trên bờ, những vườn chuối dưới chân cầu Long Biên oằn mình vì gió tràn từ bãi cát tới.

Trên nền trời xanh là cánh diều đang bay cao, cầm dây diều là Quang- cậu bé mười ba tuổi mặc quần đùi, chân đất. Bên cạnh Thanh, em gái của Quang và Hoàng, bạn Quang.

Nắng hè đã gần đứng bóng. Thanh nheo mắt nhìn Quang. Hai tay cầm hai chiếc guốc, môi dẩu ra phụng phịu:

- Anh Quang, về đi. Mợ bảo đến bữa không về đúng giờ ăn cơm là bị phạt đấy.

Hoàng cũng mặc quần đùi đứng cạnh Quang, mắt hấp háy dưới nắng nhìn cánh diều nói :

- Thôi về đi Quang ơi. Cái Thanh cứ lèo nhèo sốt cả ruột.

Quang không chịu, mắt vẫn hướng lên cánh diều nói dứt khoát :

-Không. Diều đang no gió bỏ về tiếc lắm. Thanh ơi, em xem diều này, bay cao không ?

Thanh nguẩy đi:

- Ứ ừ… Em về đây. Anh không về á. Thế nào cũng bị phạt. Em về trước để phụ cho mợ cơm nước đây. – Nói rồi xỏ guốc vào chân dằn dỗi quay đi, vẫn ngoảnh mặt nói với lại – Các anh nhớ về ngay đấy…

Hoàng nhìn theo Thanh rồi ngồi bệt xuống cát, một lát chừng cũng nóng ruột giật giật gấu quần đùi của Quang làm xệ hẳn xuống hở cả mông:

- Này này… về thôi, đừng cố nữa.

Quang túm lấy quần :

- Đừng! Bỏ tay ra Hoàng – Bị lỏng tay, dây diều giật mấy cái mất đà bổ nhào xuống – Tại mày đấy. Diều đang bay cao.

- Hôm khác lại đi. Tao cũng đói rồi. – Hoàng đấu dịu.

- Ờ thì về. Mày phải giúp tao cuộn dây diều vào đã.

Hoàng cùng Quang cuộn dây diều, xong hai đứa đi qua khỏi mặt đê, Quang nói:

- Nào, mình chạy thi nhé. Hai… ba! chạy nhé!.

Cả hai co cẳng chạy gần hết phố Hàng Giấy thấy một cậu bé chạy ngược chiều lại một tay cầm xấp báo, một tay giơ tờ báo lên rao. Hoàng và Quang dừng chân ngẩn ra nghe tiếng rao báo: “Báo đơi… báo đơi. Việt Minh đột nhập rạp Quảng Lạc, Tố Như diễn thuyết, rải truyền đơn… Báo đơi báo đơi…”

Quang nhìn theo cậu bé bán báo nói:

-Rải truyền đơn có gì khó đâu. Mình cũng làm được.

Hoàng nhíu mày :

-Nếu rải truyền đơn thì khó gì. Nhưng muốn rải truyền đơn thì phải là Việt Minh cơ. Ai cho nhóc con làm Việt Minh.

Quang vênh mặt lên vẻ thông thạo :

-Xí… thế bọn nhóc trong đội tình báo Bát Sắt cũng là người lớn à ? Nếu cậu mợ tao đồng ý á, tao cũng đi theo. Vào Việt Minh được bắn súng, được đánh Tây…

Cậu bạn bĩu môi trợn mắt vẻ diễu cợt:

- Mày chỉ bơi, thả diều, bắt nạt cái Thanh là giỏi… đánh Tây gì mày. Nhìn thấy bọn mũi lõ đã sợ tè cả ra quần rồi.

Quang hậm hực làu bàu :

-Mày nhát như thỏ thì biết cái gì ?

Hoàng nhìn tay Quang nói :

- Mày còn cầm cái đuôi diều làm gì vậy ? Vứt đi.

Quang chợt nhớ ra, cười:

- Ừ, tiếc cái diều nên tao cứ thế cầm đi về. Hì hì…

Quang nghếch mặt nhìn về phía chợ Đồng Xuân thấy hai tên lính Pháp đang nghênh ngang vừa đi vừa ngó vào tận mặt mấy cô bán hàng hoa chợt nẩy ý nghịch ngợm, nói:

- À, mày sang bên kia đường với tao.

Hai đứa chạy tới quang gánh của bà bán bún, Quang dừng lại nói:

-  Mày ra xin mấy cọng bún ra đây. Tao sẽ cho hai lão mũi lõ có đuôi đi diễu phố cho mọi người xem.

Hoàng chạy đi, Quang ngồi bệt dưới chân cột đèn bứt đôi cái đuôi diều vuốt lại cho thẳng, khi Hoàng mang bún tới, hai đứa miết bún lên hai đầu giấy chờ hai tên lính tới gần, Quang cười toe toét chào:

-Bonjuor (Xin chào) …

Hai tên Pháp cảnh giác ngó ra sau thấy là trẻ con liền ồ lên:

-  Oh… “Enfant” (Trẻ em)

Hai chú choai lăng xăng bên hai tên lính đập vào mông vẻ thân mật cười cười nói nói. Quang:

-  “Comment ca va” ( Bạn khỏe không?)

Hai tên lính gật gù đáp :

-  “Bien” (Khỏe)

Vừa nói tiếng Pháp, vừa tiếng Việt khiến hai tên lính Pháp lúc thì gật đầu cười, lúc lại nhướn hai chân mày khó hiểu. Thấy hai cái đuôi đã dính chặt đằng sau hai lính Pháp rồi, Quang nháy mắt với Hoàng ra hiệu bỏ đi, trước khi quay đi nghiêng đầu chào thân mật:

- “Au revoir” (Tạm biệt).

Chạy được một quãng, Hoàng níu tay Quang nói nhanh:

- Ê Quang … Có tiếng chuông tàu điện từ Hàng Đường về Bưởi đấy.

- Tàu đến đừng lên vội, chờ nó chạy một đoạn mình chạy theo nhẩy lên mới sướng. – Quang hào hứng.

- Tao cũng thích thế – Hoàng cười hì hì.

Quang chỉ đoàn tàu đang tới cùng tiếng chuông leng keng :

 - Tàu đến kìa, tới Vườn ươm mình xuống rồi đi bộ về nhà gần hơn.

Cả hai chạy nhanh ra hướng tàu điện. Những bà con buôn bán ở cửa chợ Đồng Xuân ngó hai cái đuôi lả lướt sau lưng hai tên lính Pháp thi nhau cười nghiêng ngả, mấy cô gái áo mớ ba mớ bảy bán hoa thì che miệng khúc khích. Thấy mọi người nhìn mình cười, hai tên lính nhìn nhau nhún vai khó hiểu rồi cũng cười theo không hề biết hai cái đuôi giấy vẫn phấp phới sau lưng.

Về tới cổng nhà, Quang nói:

 - Mẹ mày đang về quê, mày đừng về nhà. Vào nhà tao ăn cơm một thể rồi chiều lên Quảng Bá bơi.

 Hoàng ậm ừ chưa biết tính sao nhưng Quang cứ kéo tay đi, Hoàng thung thẳng theo sau vào tới sân đã thấy Thanh đang trải chiếu xuống nền gạch hoa. Bà Nhân bê nồi cơm ra, nói :

 - Hôm nay nóng quá. Công nhân Nhà máy đèn đình công rồi thành ra không có điện, ngồi dưới đất ăn cho mát. Lát nữa cậu về, mợ dọn mời cậu sau. Trời nắng thế này mà anh con đi chơi bây giờ mới về ?

Vừa nhìn thấy mâm cơm, Quang buông tay bạn chạy vào vừa ngồi xuống bên mâm cơm nhón quả cà bỏ vào mồm. Hoàng hích vào đầu gối Quang :

- Cái Thanh nó nhìn thấy kìa.

Quang vừa nhai vừa ngúc ngoắc cái đầu:

- Tao cóc sợ nó. Nó được cậu mợ tao chiều nên toàn bắt nạt tao thôi.

Thanh bê nồi cơm từ dưới bếp lên ngó Quang:

-  Anh Quang phải rửa chân tay đi mới được ăn cơm đấy nhá. Chân đi đầu đông cuối tây về bẩn như thế mà ngồi vào chiếu, em mách mợ đấy.

Quang trề môi trêu tức cô em rồi cùng Hoàng đi lấy guốc mộc ở dưới bậc tam cấp rồi ra bể nước:

- Mày thấy không ? Nó ỷ có mợ tao ở nhà là cứ lên giọng như chị tao ấy. Tại tao ham chơi, nếu không á… cóc sợ nó đâu – Hoàng nghe vậy cười – Mày cười cái gì ?

- Này, mày cầm tinh con gì ? – Hoàng nghếch mặt hỏi.

Quang ngạc nhiên :

-Tự nhiên hỏi tuổi làm gì ? Tao với mày bằng tuổi nhau. Mày tuổi rồng, tao cũng tuổi rồng.

Hoàng hạ giọng :

-  Nhầm rồi. Mày tuổi cua, cầm tinh con cua, nên cứ ngang như cua.

- Ừ, mày nói đúng. Nếu có mười ba con giáp thì tao nhận cầm tinh con cua. Ha ha… – Quang há hốc mồm phá lên cười.

Bà Nhân đang loay hoay với nồi cơm , Quang vừa ngồi vừa nói :

- Mợ ơi. Thằng Hoàng nó bảo con là cầm tinh con cua.

Thanh đang chia đũa cho từng người, nói chen vào :

-  Đúng đấy. Anh Quang hay nói ngang ngược, tính cũng ngang phè phè… Phải không mợ ?

- Thôi, con đừng châm chọc anh nữa. Còn Quang lớn rồi cũng đừng đi chơi nhiều quá. Ngoài phố lính Pháp đi nghênh ngang, các con cũng phải giữ gìn đấy nhé. – Bà Nhân nhắc nhở.

- Thưa mợ, vâng ạ – Quang đáp.

Bà Nhân lại nói:

 - Ba đứa ăn cơm đi, xong mợ còn đi ra phố có việc. Hôm nay mợ bận quá không đi chợ được chỉ có canh đậu phụ nấu hẹ và rau muống xào. Mai đi chợ mợ cho ăn bù nhé. Quang đang nhai đầy mồm cơm lúng búng trả lời “Vôm ộ” làm cho Thanh và Hoàng cùng nhìn nhau cười.

Ngoài cổng có tiếng rao “Khóa ơ… Ơ khóa…”. Một người đàn ông chừng trên bốn mươi tuổi đội mũ vành rộng cứng bọc vải bước vào.

Bà Nhân ngó ra vội chạy đến, khẽ nói:

- Bác Thọ đấy ạ ? – Móc trong túi ra mảnh giấy – Đây là tên những học sinh trường Bưởi tham gia trong đội tự vệ Hà Thành. Em đã hẹn tối nay gặp họ tại hiệu sách Việt Ngữ ở boulevard Gia Long (phố Bà Triệu).

Thấy mẹ và bác Thọ lào thào gần bể nước, Quang buông bát nói :

-Bác Thọ là công nhân nhà máy đèn. Tại sao hôm nay lại là thợ sửa khoá rong nhỉ ? Tao phải ra nghe trộm xem bác Thọ và mợ nói chuyện gì mà bí mật thế ?

Quang rón rén tới phía sau nấp cạnh bể nước cố giỏng tai lên nghe trộm. Ông Thọ đưa mắt nhìn quanh rồi hạ giọng nói nhỏ với bà Nhân :

-Cô bố trí người giả là khách đến mua sách để có người ra vào, nếu chỉ có người vào, không có người ra thì bọn cảnh sát sẽ nghi.

Bà Nhân nói:

- Vâng, em cho các cháu ăn cơm sớm để chờ bác mang danh sách tới là em tranh thủ đi ngay ạ.

Thanh thấy Quang và Hoàng bỏ ra ngoài cũng buông bát đũa mắm môi bám theo. Thanh vỗ nhẹ vai Quang :

 - Anh Quang. Nghe trộm mợ đang nói chuyện với bác Thọ nhé.

Quang giật mình, cau mày “suỵt”.

Nói chuyện xong, ông Thọ quay ra cửa tiếp tục rao “Khóa ơ…Ơ khóa…”.

Bà Nhân quay lại. Quang cuống lên:

 - Chết rồi. Mợ quay vào đấy.

Cả ba đứa cũng co cẳng chạy ùa vào nhà nhảy tót vào chiếu ngồi ăn cơm như không có chuyện gì.

Ông Nhân về, mặc bộ com lê cũ. Ba đứa trẻ vội đứng lên chắp tay trước bụng chào lễ phép “Con mời cậu xơi cơm ạ”. Bà Nhân vội tới giúp chồng treo áo vét, treo mũ, nói ân cần:

- Ông vào rửa mặt cho mát mẻ rồi ăn cơm kẻo nguội.

Ông Nhân không nói gì gieo người xuống ghế tràng kỷ ngửa mặt lên trần nhà, sau đó lại ra sân suy nghĩ gì đó rồi trở vào rót nước uống như cố trấn tĩnh. Bọn trẻ không dám bén mảng vào trong nhà, Quang thập thò bên ngoài nhìn trộm ông. Bà Nhân lo lắng ngồi xuống ghế hỏi chồng:

- Ông làm sao mà vẻ mệt mỏi thế ? Nói tôi nghe được không ?

Ông Nhân điềm tĩnh hơn, nói:

- Thật là nhục quốc thể. Bọn Pháp chiếm cả trường học làm chỗ ở cho lính, ô tô, thiết giáp chạy cày nát cả sân trường. Chúng ta đã cùng nhau tìm cách đánh trả chúng đến như thế mà chẳng thấm vào đâu.

Bà Nhân ý tứ nhìn quanh rồi nói nhỏ với chồng :

- Ai thấy cảnh ấy cũng đau lòng huống hồ ông lại là thầy giáo, phải bình tĩnh ông ạ. Cả Hà Nội đang dốc lòng cùng nhau chống Pháp, chúng ta phải nén đau từng ngày. Ông đừng để bọn trẻ nó hoang mang.

Ngoài sân, cả ba đứa trẻ nhìn nhau như chung một câu hỏi “Phải làm gì đi chứ?”. Tuy không nói ra nhưng đứa nào cũng tinh nghịch xếp vào hạng “ưu” như thế chắc là chúng không chịu bó tay.

 -- o0o -- 

Trong hiệu sách Việt Ngữ, ông Nhân vẫn bình thản đứng bên cạnh quầy thu tiền. Vài thiếu nữ áo dài tha thướt đến mua sách, lúc sau lại xuất hiện vài học sinh nam. Bà Nhân trong bộ áo dài tơ tằm đoan trang của bà giáo điềm tĩnh bước ra cửa quan sát thấy không có gì đáng ngờ thong thả rút khăn tay chấm nhẹ lên mặt. Nhận được tín hiệu an toàn, ông Thọ đang ngồi ăn lạc rang trên một ghế đá bên Bờ Hồ từ từ đứng lên quan sát rồi mới đi tới hiệu sách.

Trong khi đó, Quang, Thanh và Hoàng đang lang thang qua trường học. Một chiếc xe cam nhông chở sĩ quan Pháp đang chạy vào sân trường theo sau là chiếc xe tải chở đầy lính phía sau thùng xe. Quang dừng lại nói:

- Này, tao muốn trèo vào trong sân trường xem thế nào. Bây giờ cái Thanh ở đây để anh với Hoàng vào nhé.

Thanh biết mình không thể trèo tường được nên đành gật đầu. Quang và Hoàng ngó quanh rồi bám vào chấn song sắt leo vào sân trường, mon men nấp sau một bức tường thấy vài tên lính đang loay hoay sửa xe. Hoàng nói :

- Vì bọn này mà mình không có chỗ ngồi học đấy.

Quang:

-   Tao đang nghĩ là phải làm cái gì đó cho bõ tức.

Hoàng mỉm cười :

-  Mình có thể làm gì bây giờ ?

Quang :

- Ban ngày chưa làm được gì đâu. Bây giờ quan sát kỹ nơi ăn, ở, nơi để xe của chúng đã. Về nhà rồi nghĩ cách.

Hoàng chỉ một tên lính lái xe người Việt đang dùng một ống cao xu nhỏ lấy xăng từ trong can xăng ra một cái khay phụ tùng để lau chùi, nói :

-  Lấy xăng đốt xe của nó ?

Quang :

- Đúng rồi. Tụi nó đang chuẩn bị ăn trưa đấy.

Vài tên lính lái xe quần áo chỉnh tề lần lượt vào nhà bếp. Một tên lính từ trong phòng ra gọi tên lái xe đang loay hoay xếp lại phụ tùng, lau tay rồi đứng lên. Quang nói:

-  Tìm xem có cái chai nào không ?

Hai đứa lần ra thùng rác bới lên thấy vài vỏ chai bia và một cái lõi ngô. Quang lăm lăm hai tay hai vỏ chai nói :

- Bây giờ mày canh chừng nhé. Tao ra lấy xăng.

-Được rồi – Quang khom người định đi, Hoàng túm lấy áo.

- Gì nữa ? – Quang sốt ruột.

-Khoan đã !

Một người lính bê khay thức ăn bước lên bậc tam cấp đi vào một phòng của sĩ quan Pháp. Hai đứa hồi hộp chờ người lính trở ra đi xuống bếp. Hoang đẩy vai Quang :

- Cẩn thận đấy.

Quang đưa mắt quan sát rồi chạy thật nhanh đến can xăng để gần ô tô, mở nắp can xăng lấy ống cao su hút xăng vào hai vỏ chai bia, bẻ lõi ngô nút lại rồi quay về chỗ Hoàng đang đợi. Hai đứa chạy tiếp tới bụi cây hoa tigon dấu hai chai xăng vào đó.

Ra khỏi sân trường, hai đứa lấy vạt áo lau mồ hôi. Hoàng vừa thở vừa nói:

- Tao vẫn còn hồi hộp Quang ạ.

-  Tao cũng vậy. Mình chưa bao giờ làm thế này mà. Vì tao ghét bọn nó chiếm trường học nên muốn trả thù thôi. Dù là nhỏ mọn, nhưng còn hơn không làm gì.

Hoàng nhíu chân mày:

 - Tao sợ cái Thanh mách cậu mợ mày.

 - Tao cũng sợ thế.

Thanh vừa thấy Quang và Hoàng đã nói ngay:

- Em dòm qua bụi cây thấy hết rồi. Các anh liều thật đấy.

Quang xẵng giọng với Thanh:

- Này, đừng có về mà bẩm với cậu mợ đấy.  

Tối hôm đó, ông Nhân ngồi điềm tĩnh ngồi uống trà với vợ, lúc sau ông đặt chén nước xuống bàn, hỏi vợ:

 - Bọn trẻ đâu hả bà ?

Bà Nhân phe phẩy cái quạt giấy về phía chồng nói nhỏ:

- Chúng sợ ông, trốn trên gác, cũng ngủ say rồi. Thôi, chuyện nghịch ngợm của tụi nó, ông đừng quở trách nữa.

Ông Nhân lắc đầu cười:

- Sao lại quở trách ? Thật là cha mẹ sinh con mà không hiểu hết những trò tinh quái của chúng.

Thực ra Quang và Thanh không ngủ cùng đứng ở cửa cha mẹ nói chuyện. Hai đứa bấm nhau bước ra, Quang nói:

 - Thưa cậu mợ, chúng con không nghịch tinh quái đâu ạ – Ông bà Nhân ngạc nhiên quay lại – Quang tiếp – Chúng con chỉ muốn chứng tỏ là những đứa con muốn theo gương của cha mẹ thôi ạ

Hai ông bà bất ngờ nhìn nhau. Cả nhà bỗng im lặng, chưa biết nói gì. Quang nói lúng búng trong miệng:

 - Chúng con nghỉ học chẳng biết làm gì giúp cậu, mợ. Hôm qua… con thấy bác Thọ… giả là thợ sửa khóa… đến… con đã nghe hết bác nói với mợ, nên… con rủ bạn Hoàng và em Thanh …

Thanh, nét mặt vẫn sợ, mếu máo :

 - Anh Quang nói… Chúng con là trẻ con… thì … bọn lính không để ý.

 - Thưa cậu, thưa mợ. Chúng con tuy thích thả diều, đi bơi và tinh nghịch. Nhưng chúng con cũng xin làm theo cậu mợ và bác Thọ để bảo vệ Hà Nội. Chúng con là con, là cháu cũng xin gánh vác việc nhỏ cũng được. Cậu mợ trước nay là nhà giáo, vốn chân yếu tay mềm đã làm được thì chúng con cũng chịu được gian khổ và dũng cảm không sợ nguy hiểm, như đội thiếu niên tình báo Bát Sắt ấy ạ.

Vợ chồng ông Nhân ngẩn ra trước lý lẽ của Quang, trong lòng vui mừng, lo lắng lẫn lộn.

Quang và Thanh cùng nhìn nhau không biết ý của cha mẹ ra sao. Quang cúi đầu, khoanh tay trước ngực, nói lí nhí :

- Thưa cậu. Từ khi lên trung học, con không đánh nhau nữa. Hôm qua, con và bạn Hoàng ghé thăm trường học… thấy trong sân trường toàn xe ô tô và lính, có cả sĩ quan Pháp – Mếu máo – Nếu không vì bọn chúng chiếm trường học làm trại lính thì chúng con vẫn được đến trường gặp bạn bè và thầy cô giáo ạ. Con…

Ông Nhân đưa tay lên ra ý đừng nói nữa, ông nói:

- Thôi, mọi chuyện em con đã cho cậu mợ biết hết rồi – kéo Quang ngồi xuống bên cạnh – Đánh giặc Pháp là sứ mạng của quốc gia. Nếu con và Hoàng chỉ đốt cháy một chiếc xe ô tô cho bõ tức thôi cũng chẳng giải quyết được việc gì. Hành động tự phát của các con rất nguy hiểm cho tính mạng, ngược lại sẽ khiêu khích chúng càng ngông cuồng hơn, vừa không có lợi cho phong trào mà chúng sẽ cảnh giác hơn, ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động bí mật của thành đoàn. Nhưng các con cũng đã thể hiện lòng yêu nước bằng hành động. Cậu sẽ báo cáo việc này với cấp trên để giao nhiệm vụ khác cho các con.

Quang và Thanh nghe ông Nhân nói xong thì cả hai bật khóc thành tiếng. Quang :

 - Thưa cậu, mợ… Hà Nội mình đang bị giặc xâm chiếm thì chúng con làm gì còn tuổi thơ nữa.

Bà Nhân cảm động mỉm cười xoa đầu hai đứa con. Ông Nhân bặm môi nén xúc động nói:

 - Vậy mà tôi cứ tưởng tuổi thơ của chúng chỉ biết ăn và chơi thôi. Từ ngày cậu mợ được sinh ra các con chưa bao giờ thấy hạnh phúc như lúc này. Nhưng kháng chiến còn dài, sẽ còn gian khổ hơn. Đây là những công việc của người lớn, hai con không thể đảm đương nổi những việc ấy. Đó là những công việc đòi hỏi ở mỗi con người nhiều điểm ưu tú. Sự thông minh thôi cũng chưa đủ mà còn có lòng can đảm và biết hy sinh nữa kia. Các con nhớ không ?

Hai đứa trẻ cùng ngước lên nhìn cha mẹ gật đầu “Vâng ạ”. 

-- o0o -- 

Trên phố vắng, xuất hiện một người đàn ông đội chiếc mũ sụp xuống trán, hàng ria mép đen, lưng hơi còng trong bộ quần áo Tàu màu xanh chàm, đeo trên vai thùng bán lạc rang đi từ phố Hàng Bạc dần về hướng rạp hát Kim Chung thỉnh thoảng rao khàn khàn “Phá xang!”.

Vừa lúc khán giả từ trong rạp hát nhốn nháo đi ra, người bán lạc lọt thỏm vào dòng người. Quang, Thanh và Hoàng cũng đang tới hoà vào đám đông len lỏi tới chỗ người bán lạc. Quang móc túi lấy tiền mua lạc rồi chia cho ba người, người bán lạc móc túi trả tiền thừa. Hoàng và Thanh đứng sát nhau che cho ông và Quang đang nói nhỏ với nhau. Người bán lạc nói nhanh:

 - Có một sĩ quan Pháp hằng ngày đi xe mô tô chở công văn, điện tín đi ngang qua khu nhà Bác Cổ. Cháu theo dõi xem nó xuất phát từ đâu và giao công văn đến những chỗ nào rồi báo cho bác biết.

Nhận nhiệm vụ xong, Quang vừa bỏ lạc vào miệng nhai vừa thoát ra ngoài. Hoàng và Quang ngó quanh thấy an toàn liền chạy theo Quang. Tiếng rao “Phá xang” xa dần trong đêm khuya. Thanh phải thỉnh thoảng chạy vài bước mới theo kịp Quang và Hoàng, Thanh thì thào :

 - Anh Quang. Em nhận ra người bán lạc rang không phải là người Tàu.

Quang lừ mắt:

-Về nhà đã, đừng có bép xép ở ngoài đường, nhớ chưa ? Khuya rồi, về nhà ngủ đã.

Đi tới ngõ Gạch, có tiếng tàu điện leng keng. Hoàng reo lên :

- Vẫn còn tàu điện đấy. Chạy nhanh lên. Nào, một hai ba !

Ba đứa trẻ co cẳng chạy ra cửa chợ Đồng Xuân thì hai toa tàu rùng mình giật giật rồi từ từ chuyển bánh. Cả ba đứa vừa tới nơi, Thanh và Hoàng đỡ cho Thanh lên trước rồi bám theo nhẩy lên tàu sau. Trên toa tàu vắng hoe, ông bán vé tàu thủng thỉnh nói:

-  Ba cháu đi dâu mà về khuya thế hả ? Chỉ có đi xem tuồng, chèo, cải lương mới về khuya thế này thôi. Thế các cháu xem gì ?

Quang nhanh nhẩu nói :

 - Thưa bác. Chúng cháu đi xem cải lương ở rạp Kim Chung ạ.

- Ừ, bác lại thích xem tuồng. May cho các cháu là chuyến tàu này là cuối cùng đấy. Thế các cháu xuống đâu ?

Thanh nhanh nhẩu :

 - Chúng cháu xuống dốc Vườn ươm ạ.

Ông bán vé cười :

-          Ờ, thế thì các cháu xuống trước rồi. Tàu chạy về Công ty xe điện thì nghỉ nên bác cho các cháu đi nhờ không phải mua vé đâu.

Hoàng cười hì hì:

- Thưa bác. Chúng cháu cũng không có tiền mua vé đâu ạ. Cháu cũng đang định nói xin bác cho chúng cháu đi nhờ đấy ạ.

Ông bán vé bật cười ha hả :

- Thế hả ? Ha ha…

Ba đứa trẻ cũng cười ngất ngưởng.

 

Khu vườn nhỏ có đủ cây ăn trái. Hoàng, Quang, Thanh đang ngồi chồm hổm dưới cây bưởi, ba đứa chụm đầu vào nhau chăm chú vào một tờ giấy trải dưới đất. Đó là bản vẽ sơ đồ. Thanh nói:

-          Em vẽ thế này là chính xác lắm đấy. Cứ mười hai giờ trưa là một tên sĩ quan Pháp lại cưỡi chiếc mô tô kiểu Harley… Nó chạy từ hướng phố Hàng Vôi rồi qua nhà Bác Cổ…

Hoàng :

 - Gần đó có bộ tham mưu của quân viễn chinh Pháp. Tao phải đạp xe hết tốc lực bám theo. Còn Thanh vẫn quan sát tại chỗ. Bốn ngày liền tao và Thanh chia ra theo dõi thì đã biết chắc quy luật của nó. Sau khi qua nhà Bác Cổ nó chạy ra hướng bờ sông lại chạy thẳng tới khu nhà tròn ở vườn hoa Hàng Đậu. Thời gian vừa đi vừa về hết một tiếng.

Quang dò xét nét mặt Thanh và Hoàng rồi nói :

-          Chắc Ban chỉ huy muốn cướp tài liệu của tên sĩ quan Pháp này. Liệu ba đứa mình có cách nào cướp được cái cặp tài liệu này không ?

-          Hoàng đăm chiêu :

-          Cái khó là mình phải cướp giữa ban ngày – Hoàng nói.

Thanh dẩu môi lên rồi huơ tay, nói :

-          Em nghĩ ra rồi. Xe tên Pháp chạy rất nhanh chỉ cần gặp chướng ngại vật là hắn lộn tùng phèo .

Quang mắt sáng lên, nắm tay lại, ghìm giọng:

- Đúng rồi, hay ! – Cả ba đứa vỗ tay reo lên, Quang nói tiếp – Sáng kiến hay lắm. Tớ sẽ báo phương án với bác Thọ xin ý kiến xem sao đã.

 

Trên hè phố bên song sắt ngôi nhà lớn bên kia đường, đối diện nhà Bác Cổ. Thanh đang chơi nhảy lò cò một mình. Bên hông Nhà hát lớn, Quang ngồi vắt vẻo trên boocpaga xe đạp đuyara trắng. Bên kia đường Hoàng đang ngồi trên cán xe ba gác, trên cổ quàng chiếc khăn mặt, tay cầm cái mũ lá cũ phe phẩy quạt.

Hai tên lính Pháp từ hướng Nhà hát lớn bá cổ nhau vừa đi vừa nói chuyện, một tên huơ tay vào không khí mô tả gì đó cùng tiếng cười khoái trá. Khi qua khung vẽ hình chữ nhật nhẩy lò cò của Thanh, một tên lính cố tình đá văng hòn đá của Thanh đang chơi rồi cười ồ ồ. Thanh quát:

 - Ơ hay ông này. Sao lại đá đồ chơi của tôi ?

Một tên lính dùng mũi giầy hất hòn gạch trở lại, cười ngạo mạn :

-          Này cô bé, cho ta chơi thử xem ta có nhẩy giống cô bé không nào. – Hắn bắt chước Thanh nhảy lò cò qua vài ô, nói – Ồ… quả là một trò chơi quá đơn giản.

Tên lính kia nói:

-Đây không phải là “trò chơi đơn giản” mà là một trò chơi dân gian của xứ An Nam.

Thanh nén giận đứng tránh sang một bên nhưng chúng không bỏ đi. Quang thấy hai tên Pháp trêu chọc Thanh nhưng không có vẻ gì nguy hiểm nên đưa mắt ra hiệu cho Hoàng đừng phản ứng gì. Hoàng nhìn đồng hồ đã mười một giờ bốn mươi phút, cậu kéo đầu khăn lên chấm mồ hôi liếc sang góc phía Nhà hát xem ý tứ của Quang thế nào. Quang đang ngồi sau yên xe đạp ngả mũ ra quạt tỏ ý nhắc Hoàng bình tĩnh. Trêu chọc cô bé Thanh xong, tên lính nháy mắt với Thanh giơ tay chào. Tên lính kia nghếch mặt về phía Hoàng bước tới. Hoàng nhận ra hai tên lính bị dán đuôi giấy sau áo ở cửa chợ Đồng Xuân vội lấy khăn mặt lên đầu rồi lấy mũ đội xụp xuống che bớt mặt. Một tên nhăn nhở với Hoàng “Bonjuor” rồi ngó vào mặt Hoàng :

-  Ồ… cậu bé này có vẻ quen quen – Hắn ngó vào mặt Hoàng để nhận diện rồi nói – Hình như nó và thằng bạn nó đã cho ta mọc đuôi ở cửa chợ Đồng Xuân ?

Hoàng giả ú ớ chỉ vào tai lắc đầu tỏ ý không hiểu. Hai tên lính cười, một tên nhún vai, nói :

- Nó có nghe được đâu, hỏi nó làm gì cho mệt mỏi.

Tên lính kia hiểu ra, nói to :

 - Hà hà… Hoá ra là một thằng bé bị câm lại bị điếc… – Rồi cả hai tên lắc đầu nhún vai bỏ đi.

Chờ cho hai tên lính đi hẳn, cả ba đứa trẻ cùng nhìn nhau thở một hơi dài nhẹ nhõm. Thanh chạy tới chỗ Hoàng hỏi :

-  Anh Hoàng. Tại sao vừa rồi anh có vẻ sợ hai tên lính Pháp thế ?

Hoàng nhăn nhó:

-  Tại… cách đây vài tháng, anh và Quang dán đuôi diều sau lưng nó cho mọc đuôi ở cửa chợ Đồng Xuân.

Thanh nguýt Hoàng:

- Hú vía. May mà anh đóng kịch giỏi, nếu không thì hỏng việc mất. – Có tiếng xe mô tô ì ì từ xa, Thanh hốt hoảng – Có tiếng xe đấy. Chuẩn bị.

Một tên lính phóng xe máy hai bánh chạy qua. Thanh và Hoàng cùng đồng Thanh “Không phải”.

Quang nhìn đồng hồ đã mười hai giờ. Ba đứa nhìn nhau vẻ nóng ruột rồi kín đáo nhìn quanh. Là khu vực vốn vắng người đi lại, giờ giữa trưa nóng bức càng không có người qua lại. Cơ hội đánh thắng trận phục kích như tiếp sức mạnh cho ba đứa trẻ. Chừng ba mươi phút sau, một chiếc xe Harley do tên sĩ quan Pháp lái phóng với tốc độ rất nhanh từ hướng Nhà hát lớn chạy tới. Hoàng nói nhanh với Thanh :

 - Nó đấy ! Nó đấy !

Hai tay Hoàng nắm chắc hai càng xe ba gác chạy thục mạng băng ra giữa đường. Chiếc xe mô tô bất ngờ gặp chướng ngại vật không tránh kịp đâm thẳng vào xe ba gác đánh sầm ! Xe mô tô lộn nhào, còn tên Pháp văng ra vỉa hè, một vết máu chảy ra từ thái dương oằn người lên rồi bất tỉnh.

Thanh nhanh chân chạy tới gỡ thật nhanh cái cặp bỏ thật nhanh vào cái túi dết quàng vào người. Quang phóng xe đạp tới, Hoàng nhẩy lên ngồi gióng xe ngang phía trước, Thanh nhẩy lên poocpaga phía sau. Chiếc xe nặng nề chuyển bánh ỳ ạch, Thanh nhẩy xuống gò lưng đẩy cho xe chạy vài mét mới nhảy phốc lên sau. Quang bặm môi, gò người ráng sức đạp ra khỏi khu vực nhà bác Cổ. Quang, nói :

 - Tới phố Hàng Khoai rồi hai đứa lên tàu điện về, để tao đạp xe một mình cho nhanh về cất tài liệu đã nhé.

Thanh :

-Các anh có sợ không ? Đến giờ mà tim em vẫn muốn nhẩy ra ngoài đây này. Hí hí… Tên Pháp to như con bò mộng bị đâm vào xe ba gác văng ra đường nằm bẹp dí như con gián.

Hoàng:

 - May quá không có ai đi qua nhìn thấy. Không ngờ bác Thọ đã chọn địa điểm để cướp tài liệu thuận lợi thật.

Thanh lo lắng :

- Đạp xe nhanh lên Quang ơi. Em sợï cảnh sát đuổi theo lắm.

Quang:

-  Yên tâm, anh là tay lái xe đạp vĩ đại, thằng Hoàng là tay lái ba gác vĩ đại đấy.

Thanh nhăn nhó :

 - Thôi, đừng nói chuyện nữa.

Quang :

- Vụ này bọn mình về báo cáo chi tiết với bác Thọ sẽ vui lắm. Này, tao thấy chạy đến đây mà không có tiếng còi “toét” ầm ĩ phía sau là an toàn rồi đấy.

Thanh :

- Ừ nhỉ. Đúng là “Thần hồn nát thần tính”. Hí hí…

Hoàng :

 - Nhưng đừng chủ quan. Vẫn phải cảnh giác.

Tới ngã tư phố Hàng Khoai và Hàng Giấy, Quang dừng xe cho Hoàng và Thanh xuống, nói :

- Hai đứa cẩn thận nhé. Tàu điện tới thì lên ngay để về. Chú ý có đuôi bám theo đấy.

Hai đứa trẻ gật đầu rồi nhanh chóng biến vào trong chợ Đồng Xuân sau những quầy hàng. 

-- o0o --

Quang đang ngồi dưới một gốc cây, tay cầm cần câu nhứ nhứ mồi trên mặt hồ. Cách đó vài mét, trên một ghế đá, ông Nhân đang ngồi đọc báo. Bên kia đường có hai người đàn ông đứng hút thuốc nói chuyện.

Một cậu bé nhỏ nhắn nhưng nét mặt già rặn, mặc quần soọc trắng, xách cần câu đi thẳng tới bên Quang đang ngồi đá vào mông Quang, giọng xấc xược ngắc ngứ vì lắp

 - Ê! Đư…đứng… lên, giả chố (chỗ)

Quang bị bất ngờ nghếch mặt lên lừ mắt nhưng không nói gì thản nhiên ngồi câu. Cậu bé nói lắp không buông tha vừa cầm cần câu vừa xốc quần đang tụt xuống hông, chun mũi xịt một cái, vẫn giọng lắp bắp :

 - Ê ! Mày… đ… đ điếc hả ? – Đá tiếp vào mông Quang một cái, há mồm uốn lưỡi quát – Đứng lên ! Chố này là… của tao.

Quang mím môi rất muốn đứng lên đá thằng nhóc nói lắp một cái cho lộn nhào xuống hồ, đang nhổm lưng đứng dậy thì nghe tiếng ho của ông Nhân ngồi gần đó, Quang trấn tĩnh lại cầm ống sữa đựng mồi rời chỗ khác không quên trừng mắt răn đe thằng nhóc đang gây sự.

Ông Nhân rời mắt khỏi tờ báo quan sát hai đứa trẻ. Dù ngồi cách nhau chừng dăm mét nhưng hai cu cậu vẫn gườm gườm nhìn nhau. Cậu bé nói lắp mỗi lần bỏ lạc vào miệng lại vênh mặt nhìn Quang như tỏ ý “coi chừng tao đấy”. Ông Nhân liên tục nhìn đồng hồ, kim đồng hồ đã chỉ 15 giờ 30. Vừa lúc người đàn ông trong bộ trang phục màu sáng, cổ thắt ca vát màu vàng nhạt, tay cầm bó violet màu tím xuất hiện. Ông đưa mắt quan sát xung quanh phát hiện có hai người đàn ông hút thuốc từ nãy tới giờ vẫn lảng vảng phía đền bà Kiệu nhìn về phía ông. Ông Nhân bình thản cúi xuống buộc dây giầy. Lập tức Quang thu lại cần câu đi về hướng phố Rue du Pont en bois (phố Cầu gỗ ngày nay). Quang tiến thẳng tới trước mặt người khách chặn lại nói:

 - Thưa ông, trời nóng quá nên không câu được cá ạ.

Người đàn ông lập tức quay ngược trở lại đi rất nhanh ngõ Gia Ngư, vừa đi vừa bỏ áo vét, lấy trong người ra chiếc mũ lưỡi trai đội lên đầu. Quang vẫn bám sát theo sau nhận chiếc áo vét của người đàn ông đó gấp nhanh giấu vào trong người. Hai người đàn ông lạ mặt đang đứng nói chuyện phát hiện người đàn ông mặc complet màu sáng liền nhao người băng qua đường đuổi theo thì người đó đã biến mất trong ngõ Gia Ngư, họ ngó nghiêng một cách cuống cuồng một lúc rồi thất vọng quay trở ra khỏi chợ

Quang đi sau một quãng thấy ông khách lách ra thoát được phố Hàng Đào an toàn, chú bé mới rẽ trái đi về hướng phố Bảo Khánh tiếp tục chạy ngoằn ngoèo qua vài con phố ngắn rồi qua phố Ấu Triệu đề phòng có đuôi bám theo, tới ngã ba phố phố Phủ Doãn thì gặp Thanh đang đứng chờ sẵn với phích bán kem đeo trên vai. Vừa gặp em gái, Quang hỏi ngay :

- Còn kem không ?

Thanh cười :

- Còn chớ. Em để phần cho anh năm cái cơ. Nhưng mà trời nóng quá, cứ thấy em đeo phich kem là người ta hỏi mua nên em đành phải bán, bây giờ còn có mỗi một cái thôi.

Quang chộp lấy phich kem mở nắp lấy kem vừa ăn vừa nói:

- Anh khát quá – Nhét chiếc áo vét của người đàn ông cởi ra ở chợ Hàng Bè vào trong phich kem, đóng nắp lại – Thôi, về nhà đã, anh sợ cậu chờ ở nhà nóng ruột chưa biết chú cán bộ đã thoát được an toàn.

Quang đeo cái phich kem trên vai, Thanh thảnh thơi đi nhẩy chân sáo bên cạnh, tới Rue Borgnis Desbordes (phố Tràng Thi), Quang chợt sững lại phát hiện cậu bé nói lắp tay xách cần câu đang băng qua đường. Cậu bé cũng nhìn thấy Quang, cả hai gườm gườm mắt nhìn nhau như thể sẵn sàng nhào vào nhau đấm đá cho bõ tức. Một chiếc xe cam-nhông do một lính Pháp đang phóng rất nhanh tới sau lưng cậu bé nói lắp. Cậu bé sững lại như trời trồng ngóac mồm ra la thất thanh hết cỡ khiến cho mọi người đang đi đường đều phải ngóai nhìn. Thấy chiếc xe đang lao tới gần cậu bé, không kịp nghĩ gì, Quang quẳng que kem, bỏ cái phích kem xuống đất chạy nhanh tới ôm chặt lấy cậu bé lăn đi mấy vòng, cả hai nằm lịm gần lề đường. Cùng lúc, tiếng chuông nhà thờ đổ dồn. Một số người xúm lại quanh hai cậu bé. Thanh vội gọi một cái xich lô. Vài người lớn đỡ cả hai cậu bé lên xe. Chiếc xe chuyển bánh. Một bà chép miệng, nói: “ Lạy chúa. Nếu không có bạn cứu thì thằng bé mặc quần soọc trắng chết dưới gầm xe cam nhông rồi”.

Mặt trời đã lặn để lại phía tây một khoảng màu da cam sáng rực.

-- o0o --  

Thanh và bà Nhân sốt ruột ngồi chờ trên ghế đá, rì rầm trò chuyện với nhau. Một lát sau, cô y tá ra gọi người nhà của Quang và báo với bà Nhân:

 - Thưa bà. Em Quang và cậu bé kia dã tỉnh lại rồi ạ.

Bà Nhân, cười điềm đạm :

 - Ôi… Cám ơn trời Phật. Cám ơn cô. Bà dắt Thanh vào khu buồng bệnh. Gường của Quang và cậu bé nói lắp kê song song với nhau. Bà Quang thấy cánh tay trái của Quang cuốn đầy băng như không tin vào mắt mình vội bước nhanh tới rờ rờ lên cánh tay của con.

Thấy có người nắm tay mình, Quang mở mắt ra nhận ra mẹ, cố mỉm cười:

 - Mợ. Con không sao đâu mà.

Bà Nhân nghẹn ngào:

-  Tay con bị gẫy phải bó bột thế này mà nói là không sao hả con ? Con có đau lắm không ? Biết con đang đói lại thích ăn cháo gà nên mợ mua cho con đây, thơm mà ngon lắm con ạ.

Bà lấy garmen cháo múc ra bát cho Quang, rồi múc cả cho cậu bé kia một bát. Bà để bát cháo trên  tapđờluy cạnh giường chú bé nói lắp, quay sang nói với Quang :

 - Tội nghiệp. Cậu bé xinh trai quá!.

Cậu bé ti hí mắt rồi mở to ra, thấy người đàn bà lạ đang đặt tay lên mặt mình liền la toáng lên giống như lúc nhìn thấy ô tô lao vào mình ở giữa đường. Mọi người trong phòng bệnh đều ngơ ngác. Thanh đang xúc cháo cho Quang ăn cũng phải bỏ bát xuống bịt tai lại, còn Quang thì nhăn mặt chịu đựng. Một ý tá đẩy chiếc tapđờluy đựng dụng cụ y tế vào phòng. Cậu bé chưa hiểu chuyện gì thấy toàn người lạ cứ rúm hết cả người vào rồi kéo chăn chùm lên mặt. Bà Nhân lúng túng như người có lỗi, phân trần với mọi người :

 - Tôi… tôi chỉ muốn hỏi thăm cậu bé thôi mà. Cậu ấy chưa có người thân đến thăm.

 Cô ý tá điềm đạm nói:

- Cậu bé bị sốc nên tinh thần còn hơi hoảng loạn. Chúng tôi đang chờ cậu bé tĩnh tâm một chút sẽ hỏi xem nhà cậu ấy ở đâu để báo về gia đình.

Cô nói với những người nhà bệnh nhân – Xin người nhà ra ngoài để bệnh nhân nghỉ ngơi ạ.

Mọi người từ từ ra khỏi phòng. Cậu bé lại thò đầu ra ngó quanh, nhìn cô y tá hỏi:

 - Cô ơi… cháu bị là… làm sao thế ?

Cô y tá chợt nhớ ra cười :

- À… cháu vừa tỉnh dậy nên không biết rồi. Cháu bị tai nạn ô tô, may mà không bị làm sao đấy.

Cậu bé quay sang thấy quang liền trợn mắt quát :

 - Ê… Đư… đư… đứng dậy. Giả chố !

Quang lạ lùng nhìn cậu bé rồi bật cười. Cô y tá đang xem bản bệnh án bước lại gần cậu bé hỏi:

 - Cháu vừa quát gì thế ? Ai giả chỗ ? Đây là bệnh viện mà ?

Cậu bé gườm gườm nhìn Quang rồi quay mặt đi. Nghe tiếng kéo, kim tiêm lách cách, nhìn thấy cô ý tá dốc ngược ống thuốc hút vào ống tiêm, lộ vẻ sợ hãi nói:

 - Cháu khô… không tiêm đâu.

Cô ý tá cười:

-  Không sao đâu mà chú bé. Nào nằm sấp xuống nhé.

Cô lật cậu bé nằm sấp, kéo lưng quần xuống tiêm vào mông.

Cậu bé lại là toáng lên:

 - Á a a… Bác sĩ cút đi!.

Cô y tá phì cười:

 - Dám đuổi cả bác sĩ nữa hả? Đấy, có đau đâu nào ? Này, cô hỏi… Cháu học la hét ở đâu mà giỏi thế ? Cháu dạy cô với nhé ?

Cậu bé dẩu môi, rụt cổ lại lí nhí:

 - Ở nhà… Chá… cháu cứ la như thế là mẹ cháu phải sợ cháu.

Cô y tá:

 - Nhưng ở đây cháu la hét như vậy mà cô có sợ đâu. – Vuốt tóc cậu bé, dịu dàng – Từ nay, cháu đừng la như vậy nữa nhé. – Cầm bệnh án, hỏi – À, mà cháu tên gì hỉ ?

Cậu bé chớp mắt nói:

 - Thưa cô… chá… cháu tên An.

Cô y tá dịu dàng:

- Tên đẹp quá. Bây giờ cháu có muốn ăn cháo không ? Cháo gà của mẹ anh Quang mang vào, mẹ anh ấy múc để phần cho cháu đây này. Nào, cháu nói “A” xem nào – Chú bé há miệng, cô y tá xúc cháo cho ăn.

Hết bát cháo, cô y tá đi khỏi, cậu bé An nằm im một lúc chừng như nghĩ gì đó, lát sau ngảnh mặt sang phía Quang hỏi:

 - Anh tên là Quang à ? – Quang nhìn cậu bé gật đầu. Cu An lại nghĩ gì đó rồi nói – Em nhớ ra rồi. Hôm qua có xe ô tô muốn đâm vào em, anh đã ôm em nằm xuống ? Sao anh lại cứu em ? – Quang chỉ mỉm cười, bé An lại nói – Hôm qua, em đá đít anh, anh có đau không ? – Quang lại phì cười – Cậu bé vẫn hỏi – Cái cần câu của em đâu ?

Quang nói:

 - Anh không biết, chắc là bị hỏng rồi. Cả cần câu của anh cũng vậy.

An nói:

 - Ngày nào em cũng ra đấy câu cá. Anh có muốn ngồi ở đấy câu nữa không ? – Cậu bé vươn cánh tay phải ra khỏi chăn huơ huơ về phía Quang ra hiệu muốn nắm tay – Quang lật chăn ra dùng tay phải chỉ vào cánh tay mé bên An đang bó bột mỉm cười – Cậu bé há hốc mồm kinh ngạc – Anh bị gẫy tay à? – Mếu máo – Anh cứu em mà bị gẫy tay ? Hu hu…

Quang nhẹ nhàng:

 - Thôi nào, đừng khóc. Anh không sao đâu. Mấy ngày nữa anh khỏi sẽ ra đền Ngọc Sơn câu cá với An nhé ?

An quệt nước mắt gật đầu.

Vừa lúc ấy, một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi trong bộ đầm sang trọng cùng một người Pháp mặc thường phục bước vào. Họ đến gần giường bé An, cậu bé lại mếu máo:

 - Mẹ… Mẹ ơi, con muốn về nhà…

Người Pháp đưa tay lên miệng “suỵt”, nói:

 - Đây là bệnh viện, con không nên làm ồn.

An phụng phịu:

 - Sao bây giờ mẹ mới đến. Con không ở đây đâu. Con muốn về nhà cơ.

Người mẹ cầm tay con nói trong nước mắt:

 - Hồi chiều, đến giờ ăn không thấy con về, dượng con cho xe ra đền Ngọc Sơn tìm con mà không thấy. Suốt tối nay lòng mẹ như có lửa đốt đứng ngồi không yên. Nào ngờ con bị tai nạn thế này. – Người phụ nữ nhìn Quang hỏi – Có phải cháu là Quang không ?

An nói ngay:

 - Anh Quang vì cứu con mà bị gẫy tay đấy.

Người phụ nữ sửng sốt:

 - Vậy à ? Sao không thấy mẹ của cháu nói gì. Ôi… Ân nhân của gia đình tôi. – Lo lắng nhìn cánh tay bó bột của Quang – Chắc cháu đau lắm ? Cô tên là Thu. Còn đây là ông Menras.

Người Pháp kia nói:

- Cám ơn cậu bé. Thật là một hành động đáng trân trọng. Một người Việt nhỏ mà hành động không nhỏ – Ông hỏi hóm hỉnh – Gia đình tôi phải đền đáp cái ơn này như thế nào ?

An nói với người Pháp:

- Dượng ơi. Con muốn anh Quang về nhà mình chơi.

Menras nói với Quang:

- Được. Nhưng phải chờ xem anh bạn nhỏ này của gia đình ta có muốn không đã chứ. – Với Quang – Cháu thấy thế nào ? Hãy rộng lượng đồng ý cho chúng tôi mời cậu về tư gia nhé. Tất nhiên là sau khi lành cái tay què này – Tất cả cùng cười ồ với câu “tay què” của Menras. 

-- o0o -- 

Cánh đồng mía nằm sát con đê. Một số nông dân đang lúi húi chặt mía phía cuối ruộng. Trên lối đi xen trong ruộng mía có hai người đàn ông đang ngồi cạnh nhau. Đó là ông Thọ, ông Nhân, ông Hậu – người đàn ông mặc comple màu sáng xuất hiện ở phố Hoàn Kiếm. Ông Thọ, nói :

-Sau hôm anh Hậu thoát khỏi tầm mắt của mật thám ở khu vực Bờ Hồ đã thực hiện phương án hai là về Thường Tín cơ sở của ta ở đây. – Ông nhìn xuống chậm rãi nói tiếp – Hiện chúng ta đang có ba đồng chí nằm trong cơ sở của địch. Do tình hình ngày càng có nhiều cơ sở bí mật của ta bị lộ nên cần phải cài người của ta vào Sở Liêm phóng của chúng để tìm ra tên chỉ điểm. Qua vụ cháu Quang cứu được cháu An không ngờ lại lập được mối quan hệ với một trung úy người Pháp làm ở Sở Liêm phóng, nhà ở trong ngõ Hạ Hồi, đó là khu ở của các sĩ quan của Pháp.

Ông Nhân:

 - Tôi nghĩ… Nhà tôi có thể làm quen để xin cho anh Hậu về làm lái xe cho ông ta.

Cả ba cùng im lặng suy nghĩ. Ông Thọ nói :

 - Ngõ Hạ Hồi nằm ngay bên hông Sở Liêm phóng, thím Nhân nên tìm cách tiếp cận thêm với gia đình của cậu bé An. Cháu Quang đã xả thân cứu con trai họ. Thế nào mẹ của chú bé cũng tìm cách gặp mặt để cám ơn.

Ông Nhân:

 - Vâng. Em sẽ về bàn với nhà em ạ. Đây đúng là cơ hội để ta tranh thủ móc nối đưa cán bộ vào hoạt động trong cơ sở của địch.

Ông Hậu:

-Trong thời gian ngắn vừa qua, tất cả các vị trí tác chiến của địch ở rạp Majestic, nhà máy nước, nhà máy điện Yên Phụ và nhà máy đèn Bờ Hồ đều bị ta tấn công bất ngờ. Địch rất lúng túng, chúng đang tập trung tấn công ta trong nội thành nên đã viện binh từ Hải Phòng lên Hà Nội. Hiện tập kết ở trung đội lính lê dương. Chủ chương của ta là “Mỗi người dân là một người lính”, “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài”, “Mỗi đường phố là một chiến tuyến”. Ban chỉ huy giao cho chúng ta tìm mọi cách tiếp cận quanh ngôi nhà của trung đội lính lê dương ở phố Hàng Bột để khoét tường gài mìn và bộc phá tiêu diệt chúng. – Ngoài lộ, có tiếng còi ô tô “bim bim”, ông Hậu ngảnh mặt ra thấy một chiếc xe cam nhông nhỏ sát bên ruộng mía, ông nói – Thôi, xe đến đón các anh rồi. Các anh cứ về nội triển khai kế hoạch. Tôi sẽ báo cáo về Quân khu chuẩn bị vũ khí để cung cấp vào nội thành.

Ông Thọ và ông Nhân đứng dậy. Ông Hậu níu tay ông Nhân hỏi nhỏ:

 - Nhà tôi và cháu Hoàng…

Ông Nhân: - Chị nhà vẫn khỏe. Còn cháu Hoàng thì lớn lắm rồi, vẫn cùng hai đứa trẻ nhà tôi làm được một số việc cho cơ sở bí mật của ta. Anh cứ yên tâm.

Ông Hậu: - Cháu Hoàng được ở gần gũi gia đình anh chị và hai cháu tôi không yên tâm sao được. Không biết dùng lời nào cám ơn cho phải.

Ông Nhân: - Nhà tôi cũng thỉnh thoảng sang thăm mẹ cháu Hoàng. Tội nghiệp chị nhà, sau lần anh bị địch bắt rồi bỏ trốn nhẩy xuống sông. Báo chí loan tin anh đã chết, hiện chị vẫn để anh trên bàn thờ. Từ ngày đó tới nay chưa bao giờ chúng tôi thấy chị cười nữa.

Ông Hậu chớp chớp mắt, gặng cười:

 - Khi nào tôi trở về là bà ấy sẽ cười thôi mà.

Ông Nhân:

- Vâng. Ngày ấy không còn xa nữa đâu…

 -- o0o -- 

Ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, lối đi rải sỏi trắng, hai bên là cỏ xanh mướt. Dưới rặng cây hoa sữa là bộ bàn ghế bằng mây. Cuối vườn, trên một khoảnh đất trống, An và Quang đang chơi bắn bi ve. Tay trái của Quang vẫn đeo trong băng trắng quàng trên vai.

Bà Nhân nói với bà Thu:

 - Dạ thưa.... Cháu Quang được ở đây cho cô chăm sóc cũng ba ngay rồi, làm phiền ông bà quá. Hôm nay tôi xin phép ông bà cho tôi được đón cháu về ạ.

Bà Thu:

 - Ơ… tay cháu Quang chưa lành hẳn mà chị. Với lại… hai đứa đang chơi với nhau, nếu cháu Quang về rồi thì cháu An nhà em sẽ buồn lắm. – Bà Thu vẫy tay gọi bé An – An ơi… Lại đây con. Hôm nay bác Nhân đến đón anh Quang về đấy.

Ánh mắt Bé An đang vui vẻ nghe bà Thu nói vậy liền xị mặt ra dậm chân:

 - Ứ ừ… Con thí… thí… thích chơi vớ… ới anh Quang cơ.

Bà Thu thở dài, nói với bà Nhân:

- Đấy, chị xem. Nó cứ không bằng lòng ai cái gì là lắp lấy lắp để. Nghe cứ sốt hết cả ruột lên chị ạ.

Bà Nhân và Quang cùng phì cười, bà Nhân nói:

-  Nghe qua cách nói lắp của cháu An thế này… Theo tôi, hình như cháu… khi chưa nói sõi đã qua một trận ốm nặng ?

- Bà Thu bảo Quang dắt An ra chơi rồi nói nhỏ: – Thưa chị. Đúng là hồi cháu gần hai tuổi… đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh bố nó say rượu đánh đập em… Một đêm trời mưa to gió lớn anh ấy về nhà người ướt như chuột rồi bị thương hàn. Một tuần sau thì bố cháu mất.

 Bà Nhân cầm tay bà Thu tỏ ý chia sẻ sự thông cảm:

 - Trời ơi… Mẹ góa, con côi. Tội nghiệp!

Bà Thu kể tiếp giọng đều đều:

- Từ khi còn học ở trường Trưng Vương, ba mẹ em thấy em thích cầm, kỳ, thi, họa nên cho học thêu thùa, học đàn tam thập lục. Sau khi chồng em mất, em dạy đàn cho học sinh. Một người bạn của chồng em đang ở trong quân đội Pháp biết Menras thích học đàn tam thập lục nên giới thiệu em.

Bà Nhân :

- Cháu An bị nói lắp không phải do bẩm sinh. Chỉ là mỗi lần thay đổi tâm lý mới bị nói lắp thôi. Nếu cháu được ổn định về tinh thần thì sẽ chữa khỏi hẳn được mà.

Bà Thu nói như reo:

- Đúng thế chị ạ. Khi nào cháu vui thì nói chuyện ngoan lắm. Chị ơi, mấy hôm nay em để ý cháu An chơi với cháu Quang không bị nói lắp lần nào. Nếu chị thương em và cháu thì cho Quang ở lại đây thêm vài ngày nữa được không ?

Bà Nhân thấy khó xử cười:

- Vâng. Để tôi về nói với nhà tôi một câu ạ. À, hôm nay… hôm nay chủ nhật ông Menras cũng phải đi làm ạ?.

 Bà Thu:

 - Sáng chủ nhật hàng tuần anh ấy đến nhà một người bạn học tiếng Việt. – Ngừng một lát – Hôm trước Menras nghe cháu Quang kể là cả anh và chị đều là nhà giáo nên đã nói với em là mời chị dạy tiếng Việt cho anh ấy. Menras nói sống ở đất Việt mà không nói được tiếng Việt thì không hiểu hết được người Việt. Chị giúp Menras nhé.

 Bà Nhân mỉm cười:

 - Cám ơn cô đã tin cậy tôi mà đặt vấn đề này. Nhưng thật ra tôi cũng rất bận – Bà dừng lại thăm dò – Thưa cô… tôi có thể giới thiệu người anh họ của tôi hiện chưa có việc làm, ông ấy cũng từng là dạy học và lái xe rất giỏi. Nếu cô đồng ý thì tôi sẽ…

 Bà Thu:

 - À… Cách đây một tuần, cậu lái xe của Menras bị du kích đánh mìn chết ở Hưng Yên, Menras cũng chưa chọn được ai lái xe nên đang phải tự lái đến Sở. Nếu vậy, chị để em hỏi thử Menras đã nhé.

Có tiếng xe ô tô đi vào cổng. Tiếng đóng cửa xe rồi tiếng giầy đi lạo xạo trên sỏi. Menras về.

Hai người đàn bà cùng quay ra. Menras hôn vợ rồi quay sang bà Nhân:

- Chào bà. Bà vẫn khỏe, thưa bà ?

Bà Nhân đứng lên bắt tay, đáp:

- Thưa ông, tôi vẫn khỏe. Cám ơn ông.

Menras ngồi xuống ghế. Bà Thu nói :

- Menras. Bà Nhân đang muốn đón cháu Quang về vì sợ nó ở lâu làm phiền nhà mình.

Menras tủm tỉm :

- Ô… thật là tiếc. Hai anh bạn nhỏ đang chơi rất vui vẻ với nhau mà. Theo phong tục Á đông thì tôi thấy hai đứa trẻ này đã quen biết nhau trong một tình huống thật là có duyên phận. Đã là cái duyên gặp được nhau thế này thì không nên chia rẽ tình bạn của hai đứa vừa được nhen nhóm. Phải không thưa bà ?

Bà Nhân càng nghe càng ngạc nhiên :

- Tôi rất bất ngờ trước sự hiểu biết về văn hóa của người Á Đông khá sâu sắc đấy, thưa ông.

 Menras vui vẻ :

 - Cha tôi là một nhà sử học. Vào thế kỷ 18, cha tôi đã từng sang Việt Nam. Khi ông trở về Pháp, tôi đã từng nghe ông nói rằng: “Việt Nam là một hòn ngọc chưa có dịp tỏa sáng. Vì người Việt tuy nhỏ về vóc dáng nhưng không nhỏ về trí tuệ và ý trí. Người Pháp có mở nhiều cuộc chiến Tranh ở Việt Nam kéo dài tới hàng trăm năm chăng nữa thì cũng không thể thắng được họ”. Khi tôi đến tuổi nhập ngũ, người ta điều động tôi sang Việt Nam, tới xứ sở này rồi tôi càng hiểu cha tôi nói đúng. Cha tôi nay đã rất già yếu, nhưng ông vẫn dặn tôi rằng: “Khi sang Việt Nam cố gắng học thật giỏi tiếng Việt. Sẽ có nhiều điều thú vị khi con đã hiểu rõ về văn hóa của đất nước đó”.

 Bà Nhân:

 - Thưa ông. Tôi rất cảm động trước tấm thịnh tình của người cha của ông và của ông nữa.

 - Cha tôi nói: Việt Nam có những vị như Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Lãnh binh Trương Ðịnh, Nguyễn Trung Trực thì không bao giờ họ chịu để mất nước. Tôi đang ở đất nước này là vì nghĩa vụ của một quân nhân, những điều tôi nói về con người Việt Nam là của một con người của một quốc gia chứ không phải tiếng nói của người đang tham chiến. Ngược lại, người Việt cũng rất có cảm tình với doctor Yersin, nhà bác học Louis Pasteur… 

-- o0o --

Chiếc xe cam nhông cắm cờ Pháp chạy nhanh trên quốc lộ 1 về hướng Hà Nội. Người cầm tay lái là ông Hậu, ông Nhân và ông Thọ đang ngồi phía sau. Ông Thọ, nói:

 - Không ngờ từ việc cháu Quang cứu cháu An thóat khỏi tai nạn xe lại phát triển sự việc làm quen với Menras. Như vậy, chúng ta có thể hiểu Menras là người không đồng tình với cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam, trước khi vận động Menras giúp chúng ta cũng phải thăm dò kỹ lưỡng. Theo tôi hiện giờ Menras xếp sắp cho anh Hậu vào công việc lái xe là hết sức thuận lợi cho việc liên lạc và đưa đón cán bộ của ta từ ngoại thành vào. Nhưng nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm cho cán bộ ta và cho chính anh Hậu và cả Menras nữa.

Ông Hậu: - Tôi hiểu. Hiện tôi ở ngay trong trại hiến binh, nếu cán bộ ta đi ban đêm trong giờ giới nghiêm thì tôi có thể đưa về đấy ngủ tạm.

Ông Thọ : -Chú Hậu đã tìm hiểu về tên Chủ tịch Hội đồng bảo an chưa ? Đây là một tên chiêu hồi, hắn biết rất nhiều cơ sở bí mật của ta. Từ khi trở thành tên Việt gian, hắn đã bắt rất nhiều cán bộ của ta.

Ông Hậu : - Hôm qua, hắn bắt một cán bộ của ta bên ty công an đưa ngay về phòng hỏi cung và tra tấn tại chỗ, đồng chí này đang bị cảm nên không chịu nổi đòn đã chết ngay đêm qua.

Ông Nhân: - Tôi đã đến quan sát và tìm hiểu về tên chủ tịch Hội đồng bảo an, nhà hắn ở gần phố Avenue Général Bichot (Cửa Đông) luôn có hai tên cận vệ kèm sát phía sau. Giờ giấc đi lại của hắn không theo quy luật nào cả. Hắn đi chiếc Mercedes màu đen. Nhà hắn cũng kín cổng cao tường và nuôi rất nhiều chó becgiê.

 Ông Thọ :- Chúng ta phải điều nghiên kỹ và lên kế hoạch tiêu diệt tên này. Nếu không các cơ sở của ta sẽ còn tổn thất rất nặng.

 Sau khi ba người bàn bạc kế hoạch hành động xong, ông Hậu dừng xe bên lề vườn hoa Tập kèn cho ông Thọ và ông Nhân đi xuống. Quang và Hoàng đã chuẩn bị hai cái xe đạp Super Globe chờ sẵn để họ đi, còn hai đứa trẻ lại ra tháp Hòa Phong bên bờ hồ chờ tàu điện nhảy lên. Có lẽ hai đứa chỉ chờ những cơ hội tương tự như vậy để lại được nhẩy tàu. 

-- o0o --  

Một cậu bé ngồi trên chiếc xe đạp Peugeot đang ngoáy tít mông, bặm môi phóng bon bon trên phố Square Gambetta (Trần Hưng Đạo cũ) rẽ qua rạp Majiestic. Đó là bé An, chú bé đạp xe tới đâu hút theo sự chú ý của mọi người đi đường tới đó vì trên người cậu có hàng chục quả bóng màu được buộc khắp người, từ tay lái, yên trước, yên sau đều buộc bóng cùng tiếng chuông bấm kính coong liên tục. Vừa tới rạp Majestic thì cậu thấy những tờ giấy bay lả lơi trên đầu, liền giơ tay đón lấy một tờ. Có tiếng hô “Việt minh rải truyền đơn !”. Tiếng còi cảnh binh toét lên giữa đám người ồn ào đang bủa ra từ trong rạp Majestic. Bé An phải đạp xe lạng sang mé trái để tránh đám đông thì nhìn thấy Quang, Thanh, Hoàng vai đeo phic bán kem đang rút truyền đơn từ trong phic kem ra vừa chạy vừa tung lên cao. Bé An đạp tới chỗ Quang nói:

 - Cho em làm với!

Quang giật mình khi thấy An, nói nhanh :

- Em không làm được đâu, đạp xe đi khỏi đây nhanh lên.

 Bé An dẩu môi :

 - Ứ, anh cứ đưa đây, em làm được.

An giằng lấy xấp truyền đơn trên tay Quang rồi đạp xe thật nhanh tung lên cao. Cậu bé ngóai nhìn theo những tờ giấy rơi lả tả cười ha hả. Không để ý hai tên cảnh binh đứng chặn xe, một tên quát :

 - Đứng lại ! Thằng điên !

An dừng xe lại ngơ ngác rồi quát:

- Tránh ra. Giả chố. – Định lên xe đi tiếp thì một tên cảnh binh giữ lại, An gườm gườm mắt, nói – Giả chố cho quan ôn đi. – Đẩy xe về phía trước – Ẻn én en…

 Một tên cảnh binh khó hiểu nói với tên thứ hai:

 - Tiên nhân thằng nhóc. Nó bị điên thật hay sao ấy ?

 Tên kia nói :

- Không điên mà lại đeo bóng đủ thứ màu trên người với xe thế kia. Bắt nó về chỉ tổ bị sếp chửi thêm. Hắn nhặt một tờ truyền lên đọc – “Phản đối bắt học sinh – sinh viên đi lính ! Ủng hộ Việt Minh !”

Trong khi hai cảnh binh túm giữ “thằng bé điên” thì Quang, Hoàng và Thanh đã rút lui. Hai cảnh binh đảo mắt vào đám đông lúng túng không phát hiện ra tên Việt minh nào rải truyền đơn. Cậu bé An đã thản nhiên đạp xe ra hướng Bờ Hồ vẫn bấm chuông inh ỏi. Sau khi dạo một vòng hồ Hoàn Kiếm, An đạp xe về tới đầu ngõ Hạ Hồi đã thấy Quang đầu đội mũ lưỡi trai với chiếc xe đạp đã đứng đợi bên gốc cây. Lúc này trên người cậu bé chỉ còn những đầu dây và đuôi những quả bóng bị vỡ, vài quả bị teo lại lủng liểng sau lưng. Gặp Quang, An hỏi ngay :

 - Anh đợi em ạ ? Anh Quang, anh là … Việt Minh à ?

Quang “sụyt”, ghé tai An, nói:

- Nói nhỏ thôi, nghe chưa ? Anh dặn An này. Em không được nói với bất cứ ai là hôm đã gặp anh và nhìn thấy anh làm gì ở cửa rạp Majestic nhé.

 An phụng phịu:

 - Em là đàn ông mà. Em không nói linh tinh với ai đâu. Anh Quang ơi. Thế… anh là Việt Minh à. Cho em làm với. Em thích lắm.

 - Em còn bé lắm, không được đâu. – Quang cố thuyết phục

 - Em chỉ bé hơn anh có hai tuổi mà.

 - Nhưng mà nguy hiểm lắm.

 - Em không sợ đâu. Lúc nẫy, có hai ông cảnh binh bắt em còn bị em quát cho đấy.

 - Em có đá đít hai ông ấy không ? – Quang phì cười:

 - Em đang ngồi trên xe đạp đá đít làm sao được – An cười :

 Quang chuyển đề tài câu chuyện:

 - Em có thích thả diều không ? Hôm nào anh rủ em đi nhé

 - Vâng ạ. – cậu bé toét miệng cười :

 - Thôi. Em về nhà đi. Hôm khác anh tới, nhé.

Chờ cho bé An lên xe chạy đi khuất vào trong ngõ Quang mới lên xe quay về. Đạp xe ngang qua trước cửa hiệu sách Việt Ngữ chợt Quang hoảng hốt thấy cảnh sát đang khám xét bên trong. Cậu dừng xe ngó vào trong, một tên cảnh sát thấy Quang liền quát:

- Ê! Nhóc con dòm cái gì ? Đi chỗ khác !

 Quang cố dấu nét mặt lo lắng dưới vành mũ lùi lũi dắt xe ra tới ngã tư thì gặp Thanh và Hoàng. Như một thói quen, Thanh nhìn sang hiệu sách thì thấy cảnh hiệu sách của cha bị khám xét định nhao người chạy sang thì Quang nhanh tay bịt miệng Thanh. Quang ghìm giọng nói:

- Đừng, nguy hiểm lắm. Em lấy xe phóng ngay về nhà báo cho mợ biết là cơ sở ở hiệu sách đã bị lộ. Chắc có phản bội chỉ điểm.

 Thanh quệt nước mắt gật đầu rồi lùi lũi lấy xe đạp đi.

 Quang nói tiếp với Hoàng :

 - Còn Hoàng tìm mọi cách liên lạc với bác Thọ để bác báo cho các đầu mối liên lạc kịp thời báo cho các cán bộ trốn ngay hoặc thay đổi địa điểm. Đây là việc rất nghiêm trọng, dù phải hy sinh cũng phải hoàn thành công việc. Còn tớ ở đây xem chúng có dẫn cậu đi đâu không và còn xem ai là kẻ chỉ điểm.

 Quang lại len lỏi ra trước hiệu sách thấy một tên cảnh sát đang hất hàm hỏi ông Nhân với giọng hách dịch :

-  Ông có phải là Việt Minh không ?

 Ông Nhân từ tốn trả lời :

- Tôi suốt ngày ở trong hiệu sách này có rời ra lúc nào đâu. Vợ tôi còn phải mang cơm cho tôi ăn. Tối về nhà dạy con học hành thành người tử tế, đêm thì ngủ lấy sức cho ngày hôm sau đi làm. Ông bảo tôi đi làm Việt Minh vào lúc nào ạ ?

 Tên cảnh sát cao giọng :

-          Ông là một nhà giáo hết thời, bây giờ lại mở nhà sách để chờ thời phải không ? Nhà sách hả ? Hay là nhà Việt minh ? Hừ ! Ông nói là ông không đi khỏi đây ? Nhưng Việt Minh tìm đến ông.

 Ông Nhân vẫn bình tĩnh nói :

-  Thưa ông, cửa hàng tôi khách ra vào thường xuyên chỉ là vào mua sách. Cũng chỉ là người giống người cũng như “thủ giống thủ, xôi giống xôi” thôi ạ. Làm sao tôi biết ai là Việt Minh, thưa ông ?

Tên cảnh sát gằn giọng:

- Được, ông giỏi lý sự lắm. Tôi sẽ cho ông thấy ai là Việt Minh – Hắn hất hàm ra hiệu, một cảnh sát khác dắt ra một người đàn ông tiều tụy, trên mặt đầy những vết đánh thâm tím, tên cảnh sát hỏi người vừa được dắt vào – Ông gặp ông này mấy lần rồi ?

Người đàn ông đáp:

 - Tôi chưa thấy ông này bao giờ.

 Tên cảnh sát hỏi ông Nhân:

 - Ông biết ông này chứ ?

Ông Nhân vẫn lịch lãm:

- Thưa ông. Tôi cũng không biết ông này.

Tên cảnh sát lừ lừ mắt đi vòng quang ông Nhân, ngó quanh các giá sách, dòm giấy tờ trên bàn, vẫn gằn giọng :

 - Ông ngoan cố lắm. Được, để xem ông sẽ ngoan cố được bao lâu. Hừ ! các ông chỉ là một nhúm Việt Minh thì làm sao thoát khỏi mạng lưới quan sát của chúng tôi. Chỉ cần có chứng cớ… ông nhớ đấy. Chỉ cần có chứng cớ thì cái dùi cui này lập tức sẽ nói chuyện với ông đấy. Lúc ấy để xem ông nhà giáo, nhà sách còn lý sự “Thủ giống thủ, xôi giống xôi” nữa không nhá. – Quay lại khoát tay với mấy cảnh sát khác – Rút !

-- o0o -- 

Trung đội lính lê dương đóng trong một nhà máy nằm trên Rue Soeur Antoine (nay là phố Hàng Bột), có tường xây bao quanh. Dưới một rặng cây gần đó, ông Thọ nhìn đồng hồ, kim ngắn chỉ hai giờ. Ba nhóm được phân công khoét tường, mỗi nhóm hai người. Nhóm ông Thọ cùng với Quang, nhóm ông Nhân cùng với Hoàng, ông Hòa và một đứa trẻ nữa cũng trạc tuổi Quang. Sau khi quan sát an toàn, ông Thọ khoát tay cho ba nhóm vào ba vị trí. Cả ba người lớn đều dùng dao găm dồn sức hì hục khóet tường. Ba đứa trẻ vừa phụ việc vừa cảnh giới. Khi tường đã được khoét khá sâu, họ dùng một ống nứa chừng hai tấc để đo chiều sâu và bề rộng của tường để đặt vừa thỏi mìn vào trong. Từng nhóm một hoàn thành nhiệm vụ lần lượt rút ra khỏi khỏi vị trí biến vào bóng đêm. Nhóm ông Thọ vẫn còn loay hoay chưa xong, ông nói với Quang:

-  Chúng ta khoét đúng vào cốt thép rồi, bác phải đào lệch ra một chút mới được.

Bỗng có tiếng chó sủa ầm ĩ, cả hai người giật mình ngó quanh, ông Thọ ngẩng nhìn lên cao phát hiện một tên lính da đen khoác súng đứng trên chòi cao chừng hơn mười mét, hắn đang ngó xuống đất. Tán lá cây che khuất tầm nhìn nên không phát hiện ra chỗ ông Thọ và Quang đang nín thở hồi hộp đề phòng chuyện bất trắc xẩy ra. Sau một lát đã im ắng, ông đặt mìn vào trong tường, nhìn đồng hồ kém 5 phút nữa là ba giờ sáng. Ông nói :

- Còn 5 phút nữa đến giờ “hóa vàng” chúng rồi. Nào, rút !

Đêm khuya, đường phố vắng lặng. Một chiếc xe cam nhông đợi sẵn ở bên tường rào của trường Giám (Văn Mếu), ông Hậu trong sắc phục của lính, đội mũ ca nô ngồi vị trí lái xe. Ông Nhân, ông Hòa, Hoàng và một cậu bé đã ngồi sẵn hàng ghế sau. Mọi người vẻ nóng ruột. Ông Hậu nhìn đồng hồ rồi nói, còn 30 giây nữa là khai hỏa rồi… không biết có chuyện gì rủi ro không. Mấy ngón tay của ông cứ tuột lên tuột xuống trên vô lăng vẻ nóng ruột.

Mặc cho mọi người nôn nóng, riêng Hoàng cứ dán mắt vào ông Hậu, dường như cậu đang phát hiện gì đó ở người tài xế mặc sắc phục của lính Pháp. Nhưng dưới bóng đêm, cậu không thể nhận biết đó là ai, đã gặp ông ở đâu. Nguyên tắc tổ chức cũng không cho phép cậu được quyền tự hỏi chuyện người khác khi không được giao nhiệm vụ.

Hai bóng người một lớn, một bé đang chúi đầu chạy rất nhanh về hướng xe ô tô, đó là ông Thọ và Quang. Cửa xe bên trái mở sẵn, Quang nhẩy lên xe ngồi thu mình hàng ghế sau. Hoàng và cậu bé kia nhanh chóng ngồi lên lòng người lớn để nhường chỗ cho Quang. Sau tiếng sập cửa của ông Thọ, xe lập tức vọt lên, cùng lúc một tiếng nổ rung chuyển cùng một biển lửa đỏ rực làm sáng cả một khu phố. Chiếc xe cam nhông dừng lại ở một lối mòn đi vào làng hoa chờ cho mọi người xuống hết, chiếc xe lại lao vút đi. Sáu người lớn lẫn thiếu nhi chia ra làm ba nhóm rảo bước về ba hướng khác nhau trong đêm mờ mịt.

Hoàng về tới nhà chưa kịp đẩy cửa vào thì mẹ cậu đã ra đón với ánh mắt lộ vẻ lo lắng, bà nói:

- Mẹ nấu cháo trắng cho con ăn với đậu phụ rim, món mà con thích ăn đấy. Thức cả đêm thế này chắc đói lắm phải không con ? Cháo đây, ăn ngay đi con ơi.

Hoàng ăn cháo được vài thìa bỗng dừng lại hỏi mẹ:

 - Mẹ ơi. Mẹ có giữ cái ảnh nào của bố con không mẹ ?

Bà Huy hơi sững người, nhíu chân mày hỏi con:

- Cha con đi kháng chiến xa nhà đã năm năm nay. Sao bỗng dưng… con đi cả đêm gần sáng về tới nhà lại… hỏi ảnh của bố con thế ?

Hoàng im lặng không nói, lẳng lặng ăn hết bát cháo, đứng lên ra bể múc nước rửa mặt. Khi vào nhà, cậu ngồi bên mẹ nói thì thào:

- Đêm nay… con thấy một người… rất giống bố con…

Bà Huy chột dạ, nắm lấy tay Hoàng, hỏi nhanh:

- Thật hả con ? Ở đâu, người như thế nào ? Mặc quần áo gì ?

Hoàng nhìn xuống mặt bàn, giọng lí nhí:

- Ông ấy mặc quần áo của quân đội Pháp mẹ ạ.

Như bị ai dội nước lạnh vào gáy, bà Huy chặn bàn tay về phía Hoàng ra ý đừng nói nữa, bà cố nói giọng bình tĩnh:

-          Trên đời, nhiều người nhìn bề ngoài cũng thường giống nhau đấy con ạ. – Có tiếng gà gáy – Thôi, con đi ngủ một chút cho khỏe đã nhé.

Vịn vai Hoàng đưa đến bên giường, Hoàng ngả lưng xuống là nhắm mắt ngủ ngay. Chờ cho Hoàng ngủ say, bà Huy ra ban thờ lấy một gói giấy nhỏ dấu dưới bát hương dở ra tấm ảnh nhỏ 4 x 6 rưng rưng nước mắt bước tới để sát ngọn đèn nhìn tấm ảnh rất lâu rồi nói một mình:

- Năm năm không về nhà, không thư từ, không tin tức ??? Anh Huy… anh còn sống không ? Nếu anh đã về thành rồi sao không về nhà lấy một lần ? Thằng Hoàng nó giống anh như đúc, từ cách ngồi ăn, tính tình cả đến dáng đi nữa.

Bà nhìn ảnh chồng như muốn in vào tâm khảm từng nét trên khuông mặt của ông Huy rồi nhìn ra bên ngoài. Phía đông đang le lói ánh hồng của mặt trời đang lên. 

-- o0o -- 

Một số người đàn ông ngồi chụm đầu vào khay cờ ở góc vườn hoa. Trong đó có ông Nhân và anh Hòa đang có nhiệm vụ theo dõi chiếc xe đón tên Chủ tịch hội đồng an dân. Bên kia đường là gậm cầu, tiếng còi tàu hú từ ga Hàng Cỏ rồi đoàn tàu vùn vụt chạy qua. Ông Nhân luôn nhìn về phía ngôi nhà ở góc phố có cánh cửa sắt màu xám và nhìn đồng hồ. Lát sau, một chiếc xe Mercédes đen láng coóng từ từ dừng lại trước cổng nhà màu xám, ông Nhân ra hiệu cho anh Hòa. Hai người lẳng lặng rời khỏi đám người đánh cờ bình tĩnh băng qua vườn hoa. Tên Chủ tịch hội đồng an dân xách cặp xuất hiện cùng tên cận vệ kè kè phía sau, lập tức ông Nhân và anh Hòa rút lựu đạn và súng chạy tới. Tên lái xe đang mở cửa xun xoe mời sếp thì hai tiếng lựu đạn nổ rền làm văng tên cận vệ và tên lái xe ra chết tại chỗ. Tên Việt gian bị thương nặng một tay vẫn giữ cái cặp, tay kia ôm mặt đầy máu khật khưỡng chúi người vào cánh cổng rồi đổ xuống gục vào chân tường. Ông Nhân và anh Hòa mỗi người một xe đạp gò người phóng nhanh ra khỏi khu vực đó. Tiếng còi xe cảnh sát hụ inh ỏi rượt theo ông Nhân và anh Hòa, nhưng cuối cùng một chiếc xe cảnh sát cũng đuổi kịp được xe đạp của ông Nhân. Tên cảnh sát lần trước đã thẩm vấn ông Nhân trong hiệu sách xấc xược, rít qua kẽ răng:

- Bây giờ mày là thằng nào hả ông giáo mất dạy ?! – Hắn nghiến răng đấm vào bụng ông rồi hất hàm ra lệnh cho hai tên đang bẻ quặt tay ông ra sau, quát – Tống lên xe !

Anh Hòa đạp xe vượt lên cách đó chừng vài chục mét ngoái lại thấy ông Nhân bị bắt nhưng biết không thể làm được gì nên đành đạp xe tiếp. 

 -- o0o -- 

Mặt hồ Tây đã nhuộm màu xanh tím sẫm, gió chiều thu se se lạnh. Tiếng chuông chiều từ trong chùa rung vào gió thả xuống mặt hồ, ông Hậu trong bộ thường phục đi ra đến gần chiếc ghế đá đang có một người đàn bà ngồi chờ, đó là bà Nhân. Vừa ngồi xuống ông nói ngay:

-  Tôi được nghe bên phòng chấp pháp của Sở Liêm phóng nói vụ ám sát tên chủ tịch Hội đồng an dân đã làm chấn động dư luận, rất có thể anh Nhân bị chúng xử tử hình.

 Bà Nhân lấy khăn mùi xoa chấm nước mắt, mím chặt môi khỏi bật khóc. Ông đưa tờ báo cho bà Nhân :

-          Hôm nay, báo đã đưa tin quân đội ta đã chiếm được Điện Biên Phủ, chị đọc đi.

 Cầm tờ báo, bà Nhân nhẩm đọc: “Năm mươi sáu ngày đêm quân ta liên tục tấn công, tiêu diệt dần từng bộ phận, từng cứ điểm cho đến hàng vạn quân địch đầu hàng, quân ta chiếm được chỉ huy sở của chúng, bắt tướng giặc và toàn bộ chỉ của chúng. Cờ đỏ “Quyết chiến, Quyết thắng” phất bay trên nóc hầm tướng Đơ Caxtri”. Bà Nhân hơi sững người, nói:

 - Tôi không tin vào mắt mình nữa. Nghe nói trường kỳ kháng chiến mà tôi cứ nghĩ cả đến đời con mình cũng sẽ phải đương đầu với chiến tranh.

 Ông Nhân :

 - Ban chỉ huy Quân khu nhận định Pháp đã thất thủ ở Điện Biên Phủ, có lẽ chỉ nay mai Chính phủ ta và quân đội Pháp sẽ ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định đình chiến. – Ngừng một lát – Chị Nhân ạ, tôi hy vọng là ngày đó bọn chúng chưa kịp xử bắn anh Nhân. Trưa nay, trên đường đưa Menras về, Menras cho biết Pháp sẽ rút quân 4 tỉnh phía nam, nhưng ngày mai chúng vẫn tổ chức diễu binh tại khu vực tòa thị chính và quanh Bờ hồ chỉ là để chứng minh chúng vẫn hùng mạnh tại Hà Nội.

 Bà Nhân:

 - Ta để yên cho chúng dương oai diễu võ giữa Thủ đô như vậy ư ?

 Ông Hậu:

 - Không phải là cuộc bắt bớ, khủng bố nên chúng ta không nên có hành động gì cả. Tình hình đang có nhiều thay đổi, chúng ta phải thường xuyên liên lạc để nhận chỉ thị của quân khu đối phó tình hình kịp thời.

 Bà Nhân:

 - Mấy ngày qua, tôi có sang nhà anh thăm chị. Chị nhà cũng hay nhắc đến anh… Hình như chị và cháu Hoàng cũng đã biết anh còn sống và đang hoạt động trong nội thành. Nhưng cháu Hoàng tuy tuổi còn nhỏ cũng biết tôn trọng nguyên tắc hoạt động nên không biểu hiện gì bên ngoài.

 - Ngày tôi được chính thức về nhà cũng tới gần rồi mà. Chắc là anh Nhân cũng vậy. – Ông Hậu như tự động viên mình và an ủi bà Nhân.

-- o0o -- 

Ông Nhân ngồi dựa lưng vào tường, chân tay đều bị xích. Mấy ngày nay ít thấy tên Pháp nào dòm ngó vào phòng giam ? Trong lòng ông nôn nao lạ thường chỉ ước mong được một cái tin gì đó thật nhỏ nhoi cũng được. Một tiếng nói làm ông Nhân giật mình, đó là tên lính mang bát cơm tới phòng ông Nhân nói cộc lốc:

 - Tử tù Nguyễn Nhân. Cơm này. Chưa phải là bữa cơm đặc biệt của tử tù đâu, nhưng cơm có nhiều thức ăn đấy.

 Ông Nhân nhận biết ba chữ “nhiều thức ăn” liền chộp lấy bát cơm, chờ tên lính đi khuất bới dưới bát cơm lấy miếng đỗ xanh rút miếng giấy nhỏ cuộn tròn trong ruột ra thầm đọc “Chính phủ ta và Pháp đã ký hiệp định đình chiến. Hãy vận động anh em không cho bọn cai ngục thủ tiêu những tử tù của ta X 4”. Ông Nhân ngửa mặt lên thở phào thật mạnh, mắt nhìn lên trần nhà nước mắt trào ra. Giá như lúc này được nhẩy lên mà gào như điên cho bõ những ngày không muốn nói cười với ai cả.

 

Bà Nhân đang ngồi ở ghế tràng kỷ, Thanh chạy về, bà Nhân thẫn thờ nhìn chúng hỏi :

 - Báo hôm nay có tin tức gì mới không các con ?

 Quang từ ngoài chạy vào nói nhanh :

-Mợ… có thư mợ ạ.

 Bà Nhân ngạc nhiên trước nét mặt hồ hởi của Quang, hỏi:

- Thư nào vậy con ?

 Quang cầm tay mẹ nói :

 - Con ra phố mua báo thì có một người giúi vào tay con mảnh giấy này.

Bà Nhân mở ra đọc :

-          “Vận động bà con làm thật nhiều cờ đỏ sao vàng “X 4” – Giọng run lên – Ôi… bí danh của bác Thọ. Bác Thọ còn sống, mấy tháng nay không nhận được tin tức gì cứ tưởng bác Thọ đã bị bắt…

 Quang và Thanh reo lên:

 - Thật hả mợ ?

 Nước mắt bà Nhân trào ra :

-   Quân ta sắp về giải phóng thành phố rồi. Đúng là sắp giải phóng rồi các con ơi. 

-- o0o -- 

Bà Huy ngồi ở bàn như đang chờ đợi ai. Hoàng ngồi ở bậc cửa ngóng cổ ra bên ngoài. Bà Huy:

- Hoàng ơi. Vào đây con. Sao mẹ thấy nóng ruột quá.

Hoàng đứng lên tới gần mẹ:

- Mẹ… Nếu bác Thọ báo như vậy thì thế nào cũng có người đến báo tin về bố con mà.

Bà Huy :

- Không biết là tin vui hay tin buồn đây ? Mẹ hồi hộp quá con ơi.

Có tiếng cửa xe ô tô đóng bên bên ngoài. Hoàng nhìn ra thấy một người đàn ông đi vào sân liền lay tay mẹ:

- Mẹ… Họ đến rồi…

Người đàn ông đó là ông Hậu. Vừa nhìn thấy, bà Huy như bị thôi miên hút theo, bà từ từ đứng lên cứ thế nhìn trân trân vào người đang ngày một bước tới gần, nước mắt cứ thế giàn giụa:

- Hoàng ơi… Bố con đấy… Ông ấy đấy…

Ông Hậu đứng trước mặt vợ, hai người lặng đi nhìn nhau rất lâu. Bà Huy nói thổn thức:

- Sao bố nó không lần nào nhắn tin về cho tôi thế ?… Gần mười năm trời không một lần về nhà, không thư từ tin tức gì…

Ông Hậu kéo vợ ôm trong vòng tay, nước mặt ứa ra. Bao xa cách yêu thương, bao lời nói của ông thể hiện hết lên hai bàn tay run rẩy xoa lên đôi vai đã gánh chịu bao nhọc nhằn một mình chờ chồng nuôi con đang rung lên của vợ.

Hoàng từ nãy hết mỉm cười sung sướng lại quệt nước mắt, đứng nhìn người bố như ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật. Ông Hậu tới gần Hoàng cúi xuống hôn lên trán con, nói:

- Đồng đội tý hon của bố. Bố tự hào về con. Anh em Quang và con rất dũng cảm, đã cùng với lực lượng vũ trang của thành phố làm được nhiều việc đáng khâm phục. Con ạ, từ nay bố sẽ lại có cái tên thật là Huy như hàng xóm vẫn gọi mẹ con là “bà Huy”, cái tên Hậu chỉ là cái tên trong ký ức mà thôi. – Quay sang nói với vợ – Nào, bây giờ chúng ta ra đón mừng bộ đội về Thủ đô nhé.

Mọi người đã tập trung đầy đủ ở nhà bà Nhân. Tất cả người lớn ngồi chật cứng trong xe. Quang, Hoàng và Thanh thì thò đầu và tay ra rồi cười nói không ngớt. Chẳng bao lâu chiếc xe đã đậu trước cửa nhà tù Hỏa lò. Ông Nhân và những cán bộ từ trong hỏa lò đi ra. Ông Nhân vóc dáng hơi tiều tụy, chân tập tễnh. Hai đoàn người chạy ào tới trong những cái ôm hôn đẫm nước mắt giữa những tiếng hò reo xúc động trong rừng người, rừng cờ hoa đón mừng ngày giải phóng Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên