Bản lĩnh và nghị lực của người phụ nữ Việt trên đất khách

“Mình thì có gì mà kể, chỉ là sự cố gắng thôi”, chị đã nói vậy nhiều lần khi tôi ngỏ ý muốn viết về chị

Chị tên thật là Nguyên Thị Thu, sinh năm 1968 tại một khu phố nghèo ở Hải Phòng thời đó. Cha mẹ chia tay nhau từ khi chị còn nhỏ. Một mình bà mẹ, vốn là cựu công nhân của nhà máy cơ khí Hải Phòng. Do sức khỏe yếu, bà phải về hưu sớm và tần tảo nuôi mấy đứa con khôn lớn. Chị là con thứ hai, nhà nghèo nhưng hiếu học, chị đã thi đậu trường đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, ngành tiếng Pháp, khóa 87-92. “Ngày ấy chị vất vả lắm em ạ, mỗi khi được nghỉ, chị thường về nhà phụ mẹ bán ốc trong ngõ nhỏ để lấy thêm tiền mua sách để học”, chị bùi ngùi nhớ lại thời niên thiếu của mình. Rồi chị tốt nghiệp đại học đúng vào thời kỳ ngành du lịch nước ngoài phát triển tại Việt Nam, chị hối hả lao vào nghề hướng dẫn viên du lịch, để “vừa được đi đây đó, được giao tiếp và học hỏi nhiều mà thu nhập cũng khá, nhưng nghề này cũng vất vả, chẳng bao giờ biết đến ngày lễ hay tết gì, cứ có việc là đi liền”.

Gia đình hạnh phúc của chị Thu

Thế rồi, chị gặp anh, một ông chủ nhà hàng người Pháp, trong một lần anh sang du lịch tại Việt Nam. Thư qua, thư lại, chàng Gaulois đã say mê cô gái Việt có nụ cười dễ mến. Anh chị làm đám cưới tại Việt Nam, rồi họ đưa nhau về Pháp.

“Ngày đó, anh là chủ nhà hàng này”, chị đưa tay chỉ khắp ngôi nhà mà anh chị đang ở cùng hai cô con gái xinh đẹp  được kết tinh bởi hai dòng máu Pháp - Việt, ngoài những cái tên Pháp, các cháu còn có tên Việt thật dễ mến Mỹ Lan và Anh Đào. Tôi đưa mắt nhìn cả quần thể ngôi nhà và vườn rộng mênh mông. Ngôi nhà đó vốn là một lâu đài hay ít ra chủ nhân trước đây cũng là một trong những gia đình quý tộc, ta vẫn còn nhìn thấy những bức tranh tường từ đầu thế kỷ XIX đẹp lộng lẫy kiêu sa. Các kiểu cách văn hoa, các bức gờ tường... Cả khu vườn đầy hoa với những cây lâu năm. Tôi đùa “Ở nhà chị, mỗi sáng chỉ cần chạy hai vòng trong khu vườn này cũng đã mệt nhỉ !”. Chị kéo tôi vào phòng tập thể dục của chị, có đủ hai bộ máy mà nhiều phụ nữ mơ ước.

“Sao anh chị lại không tiếp tục nghề nhà hàng nữa?”. Bọn mình dừng nghề này phần chính là để có nhiều thời gian hơn với các con, nhưng vẫn tiếp tục làm việc  trong lĩnh vực này”. Vâng, lĩnh vực này của anh vẫn là ẩm thực, nếu ai đó đi tham quan du lịch tại thành phố Fontainebleau thơ mộng và thích thưởng thức sô cô la hảo hạng của Pháp theo cách sản xuất thủ công thì ắt sẽ tìm thấy cửa hàng mang tên PLAISIRS ET GOURMANDISES nằm tại số nhà 61 rue Grande, và ông chủ chính là chàng rể Việt tài hoa, Patrice Emery. Còn chị hiện giờ đang làm kế toán cho một công ty.

Khi được hỏi tại sao chị lại được nhận vào làm kế toán, vì đây không phải là công việc dễ dàng vì ông chủ doanh nghiệp không mấy khi trao cho người nước ngoài nắm giữ túi tiền của họ. Chị nhìn tôi, rồi giọng trầm hẳn xuống: “Chuyện dài lắm em ạ!”. Rồi chị bắt đầu kể... Xác định mình là người ngoại quốc, để có một chỗ đứng trong xã hội, thì phải cố gắng gấp nhiều lần người bản địa.

Trước khi quyết định đóng cửa nhà hàng, chị quyết định theo học một khóa ở Viện Công nghệ Tổng hợp, một chi nhánh của trường đại học Paris XII, Créteil, có trụ sở tại Fontainebleau. Qua tìm hiểu, nếu ghi tên học nhân danh người Việt thì lệ phí đóng học hàng năm có thể lên đến gần chục ngàn Euro, nhưng nếu là người bản xứ thì sẽ có nhiều ưu đãi và không phải nộp lệ phí. Và khóa học đó kéo dài trong hai năm. Chị đã ghi tên theo học ngành G.E.A (Quản lý Doanh nghiệp Và Hành chính).

Trước câu hỏi tại sao chị lại chọn Ban ấy, chị bảo vì trong đó có ngành Kế toán Tài chính. Qua lời chị kể, tôi dễ dàng hình dung những khó khăn mà chị gặp phải trong suốt quá trình học đường này. Để có thể qua được kỳ thi tuyển, ngoài những buổi phỏng vấn với người tuyển mộ, chị phải dành thời gian sưu tầm các loại sách toán của Pháp. Chương trình này rất khác với những gì chị đã từng được học ở Việt Nam. Và theo chị, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất.

Đã qua được kỳ thi tuyển, vào trường thì lại là một khó khăn khác. 37 tuổi, lẫn trong các bạn trẻ kém mình cả một thế hệ (tuổi trung bình trong lớp chừng 18). Chương trình học rất nặng, và giờ học bắt đầu từ tám giờ, chị ra đi khỏi nhà khi trời còn tối, và chiều về, sáu giờ thì trời cũng đã tối, lại còn phải lo cơm nước, tắm giặt cho các cháu, rồi kèm học, dạy tiếng Việt... “Ở tuổi mình trình độ tiếp thu không còn nhanh nhạy như các bạn trẻ nữa, thêm vào đó lại có nhiều từ chuyên môn”.

Cũng may ngày đó, chồng chị, sau khi đóng cửa nhà hàng, đã nghỉ ngơi trong một thời gian trước khi thực thi công việc mới, và trong thời gian ấy đã có thời gian chăm sóc con (con gái chị khi ấy, cháu nhỏ gần bốn tuổi, và cháu lớn gần bảy tuổi).

Khi con cái đã lên giường ngủ, một mình chị chong đèn ôn bài. “Cũng may em ạ, trong lớp có một cô bạn người Pháp, bị tàn tật nên không thể cầm bút viết, nên cô ấy ghi bài giảng bằng cách đánh luôn vào máy tính, rồi có một blog cá nhân, cô ấy thường post  bài mình ghi lên trang ấy, để giúp các bạn nước ngoài bổ sung thêm những phần mà họ không thể ghi được”.

Và như vậy, hầu như chị đã phải in tất cả các bài của cô bạn Pháp tốt bụng ấy để điều chỉnh vào bài viết của mình. “Mỗi tối chị mất ít nhất là một giờ cho công việc này”. Mấy tháng đầu, chị đã nản muốn bỏ, nhưng rồi lại được chồng động viên, chị lại muốn cố gắng. Và trời đã không phụ công chị, kết quả học kỳ đầu được trên trung bình, kết thúc năm thứ nhất chị đã đứng thứ 15/125 sinh viên của khóa đó. Trong đó có rất ít người ngoại quốc. Và khi học xong năm thứ hai, chị đã có bằng kế toán...

Vừa nói chuyện, tay chị vẫn thoăn thoắt làm việc. Nhìn chị cứ tất tả, tôi rụt rè hỏi: “Với cơ ngơi của anh chị như thế này, anh có thể đảm bảo cho cuộc sống của ba mẹ con chị, sao chị cứ phải vất vả bươn chải thế?”. Chị quay sang nhìn sững tôi, như thể câu hỏi đến thật không đúng chỗ, rồi giọng chị trầm xuống: Đúng vậy, chồng mình hoàn toàn có thể lo cho ba mẹ con, nhưng mình thích tự lập và  độc  lập, muốn có tiếng  nói của  riêng  mình. Cái chính mình luôn tâm niệm có làm thì mới có ăn, và nhất là, mình không muốn người bản xứ không tôn trọng mình, trước tiên là chồng mình. Vả lại, khi chi tiêu với chính đồng tiền mình làm ra, mình cảm thấy tự do hơn. Bạn biết không, mình biết một số người Việt lấy chồng ngoại quốc mà không  chịu cố gắng, họ an phận hoặc dễ dàng  chấp nhận những  điều đến với họ mà  không chủ động  xây dựng và  làm phong phú cho cuộc  sống  của  chính mình. Phụ nữ Việt Nam vốn không vậy”.

Vâng, chứng kiến cuộc trò chuyện của anh chị, sự san sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái, tôi thực sự thấy họ nói chuyện rất chân thành cởi mở và bình đẳng. Khi được hỏi về những dự định sau này của chị, chị cười và nói: “Vẫn còn xa lắm, nhưng điều mình ấp ủ nhất là khi thời gian cho phép, sẽ về Việt Nam, hay đúng ra là tại đất cảng Hải Phòng để mở một cửa hàng bánh ngọt theo đúng công thức của Pháp!. Tôi miên man trong suy nghĩ về nhân tình thế thái khi đi vẩn vơ trong khu vườn mênh mông của nhà chị trong buổi sáng đầu thu, nắng vàng óng ả, chiếu lên những đám lá rụng rải rác, chạy lao xao trên thảm cỏ mỗi khi có cơn gió thổi tới, “Fontainebleau cách Việt Nam cả hàng chục ngàn cây số, vẫn tồn tại một người phụ nữ không chịu an phận trước cuộc sống an nhàn, chị muốn chứng tỏ bản lĩnh và nghị lực của một phụ nữ Việt Nam sống trên đất khách”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên