Cô gái Việt làm dâu nước Ý

Mặc dù hai đứa con đều có thể nói được 4 thứ tiếng, cả 2 vợ chồng Ngân vẫn quyết định, sẽ đưa các cháu trở về Việt Nam một thời gian để học trôi chảy ngôn ngữ quê mẹ

Mối tình đẹp như một dải lụa

Chúng tôi gặp Ngân lần đầu tiên tại nhà thờ Thánh Peter ở Vaticano (Rome, Italy). Khi đó có xuất hiện trong vai trò dịch lời của cô hướng dẫn viên người Italy sang tiếng Việt. Rất nhiều người trong đoàn ngạc nhiên khi thấy một cô gái nhỏ nhắn, nói giọng Bắc có một vẻ đẹp thuỳ mị thông minh.

Suốt hành trình gần 10 ngày qua nhiều thành phố của đất nước hình chiếc ủng, Ngân là người đồng hành cùng cả đoàn. Cô không phải hướng dẫn viên (thực tế đoàn Việt Nam có một hướng dẫn viên nam, người gốc Việt sống ở Italy đã 28 năm), song những lời nói, câu chuyện kể xuất phát từ tấm chân tình của cô đã cuốn hút mọi người.

Gia đình hạnh phúc của Ngân

Ngân năm nay 31 tuổi, sang kinh đô thời trang thế giới - thành phố Milano (thuộc miền Bắc Italy) sống cùng chồng đã được 6 năm. Họ sinh được cô con gái Giulia Vân sắp bước qua tuổi thứ 4 và cậu con trai Alberto Minh, cũng đã 3 tuổi. Ngân kể, quê gốc cô ở Hà Đông, song từ nhỏ đã cùng gia đình chuyển vào TP HCM sinh sống. Học tập và lớn lên ở thành phố này, song không hiểu vì sao giọng Ngân vẫn không thay đổi, giữ nguyên lối nói nhỏ nhẹ, cuốn hút của người con gái xứ Bắc.

Mối tình của Ngân như một định mệnh - một chàng trai gốc Italy “sệt” đã đem lòng thương mến một cô gái Á Đông. Trước tấm lòng chân thành của anh, Ngân đã mở rộng cánh cửa trái tim mình.

Bao nhiêu câu chuyện buồn của các cô gái đi lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc… khiến cho Ngân phải suy nghĩ. Hiểu những suy nghĩ trong lòng người yêu, anh chàng người Italy lẳng lặng mua vé máy bay, mời Ngân sang Milano cho biết cửa biết nhà. “Trăm nghe không bằng một thấy”, sang thăm bố mẹ chàng, ngó nghiêng nhà cửa và đặc biệt biết chắc rằng chàng… chưa có vợ, lúc này Ngân mới chịu gật đầu. Cả hai lại về Việt Nam, chàng rể Tây lái xe máy Dream đưa Ngân xuôi ngược trên đường phố bụi mù mịt về Hà Đông làm thủ tục kết hôn. Thế mà thấm thoát đã gần 10 năm trôi qua.

Đưa con về Việt Nam để… “du học Ta”

Có một chuyện mà Ngân kể về những đứa con của mình khiến nhiều người trong đoàn suy nghĩ mãi. Ông bà nội các cháu đều có thể nói được cả tiếng Áo và tiếng Đức nên hiện nay cô con gái và cậu con trai của Ngân có thể nói được đến 4 thứ tiếng, bao gồm 2 ngôn ngữ trên cộng thêm tiếng Italy và tiếng Anh.

Tuy nhiên điều cô đau đáu trong lòng là “các cháu gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt, vì cộng đồng người Việt Nam ở Italy khá ít”. Chồng Ngân cũng rất khuyến khích việc cho các con học tiếng Việt, cả hai dự tính khi các cháu đủ tuổi vào học lớp 1 sẽ thu xếp mọi công việc trở về Việt Nam trong vài năm - khoảng thời gian đủ để các cháu nói sõi tiếng Việt rồi mới quay về Italy sống tiếp. “Ôi, nhiều người cản ý định của vợ chồng em lắm” – Ngân tươi cười - “Từ bố mẹ em đến bạn bè, ai cũng bảo: người ta cho con đi “Tây học” còn chẳng xong chúng mày lại muốn cho con “Ta học”. Nhưng vợ chồng em nghĩ khác, dù có sống ở đâu thì quê hương vẫn sẽ là nguồn cội”.

Có lẽ chính vì suy nghĩ này, mà mỗi khi có đoàn Việt Nam sang thăm, Ngân đều cố gắng thu xếp ổn thoả công việc ở công ty của mình để có thể đến giúp đỡ mọi người một cách nhiệt thành, không vụ lợi, dù rằng nhiều khi từ Milano (nơi vợ chồng Ngân sinh sống) đến Roma (nơi đoàn chúng tôi đặt chân đến đầu tiên) là khoảng cách đến gần 800 km. Ngân không hề học một ngày nào về nghiệp vụ hướng dẫn viên, song cô cứ áp dụng cái nhìn của mình từ ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân xuống Italy hoa lệ và những gì đã trải nghiệm, học hỏi thêm trong suốt 6 năm sinh sống ở đây nên nói cái gì cũng dễ đi vào lòng người nghe.

Ví như khi đang đứng dưới chân một công trình kiến trúc kỳ vĩ nào đó, kể về những mảng văn hoá thời Phục hưng huy hoàng và lãng mạn của Italy, bỗng Ngân bất chợt đưa người nghe trở về với những câu chuyện hết sức thực tại kiểu: “Hàng Việt Nam đã vào được Italy theo tiêu chuẩn châu Âu thì được chuộng lắm. Nhiều khi vào một siêu thị, em thấy một đôi giày hay cái áo mang mác “Made in Vietnam” vừa thấy nhớ quê, vừa thấy tự hào vô cùng”; hay “Italy là đất nước có dân số tương đối già, do họ đạt tuổi thọ cao. Chuyện con gái đến 35 – 38 mới lấy chồng là khá phổ biến, thậm chí tuổi đó họ có thể lấy nhau nhưng lại ngại sinh con. Đối với người Việt Nam, khi 70 tuổi thường người ta chỉ thích vui vầy với con cháu; song nhiều người Italy ở độ tuổi này, họ vẫn vạch ra kế hoạch làm việc cho 15 – 20 năm sau”…

Gửi hồn Việt vào lòng Italy

Sang quê chồng sinh sống, Ngân cũng yêu đất nước Italy rất nhiều. Cô cho rằng, Italy và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, mà một trong những điểm tương đồng nhất đó là coi trọng truyền thống gia đình. Đối với nhiều nước châu Âu khác, con cái đến tuổi trưởng thành là tách ra sống tự lập, đến thành phố khác, nước khác làm ăn, lâu lâu mới trở về nhà thăm cha mẹ. Song ở Italy, nhiều người lại chọn cách ở cùng bố mẹ già để phụng dưỡng, rất giống với Việt Nam. Hiểu được điều này, Ngân luôn coi mẹ chồng như mẹ đẻ, thậm chí cô dùng luôn từ “mẹ đẻ” trong tiếng Italy để gọi mẹ chồng. Điều này gây ngạc nhiên cho ngay chính chồng và mẹ chồng Ngân, sau này cô mới giải thích cho mọi người rằng, đó chính là đạo làm con dâu của người Việt. Không chỉ thế, Ngân sống thực với chính mình, luôn hết lòng chăm sóc cha mẹ chồng - khỏi phải nói ông bà đã cảm động và hãnh diện như thế nào khi có được một người con dâu tuyệt vời như vậy đến từ một đất nước Á Đông xa xôi.

Một điểm tương đồng khác là đức tính tiết kiệm, Ngân kể: “Người Italy sống thực tế và tiết kiệm lắm các anh chị ạ. Em học được đức tính này của họ, có thể đó là một triệu phú, song khi tiêu tiền họ sẽ tính đến từng euro lẻ”. Có lẽ chính vì điều này, nên mặc dù sống ngay gần khu thương mại nổi tiếng Corso Vittorio Emanuele và Piazza del Duomo (quảng trường Duomo - nơi được mệnh danh là “thiên đường mua sắm tại Milano” với hàng loạt những nhãn hàng nổi tiếng toàn thế giới: Versaco Prada, Gucci, Ferragamo, Cavalli, Armani… song những chiếc túi xách  mà Ngân chọn để dùng chỉ có giá khoảng 50-70 euro, nhưng vẫn rất đẹp.

Cả đoàn đến Milano, đúng với truyền thống hiếu khách, Ngân và chồng tha thiết mời mọi người đến chơi nhà. Tiếc rằng, người lái xe không còn đủ thời gian để ghé qua (ở Italy, lái xe du lịch chỉ được phép hoạt động 10 giờ/ngày, tính từ khi bắt đầu nổ máy buổi sáng. Cảnh sát có thể kiểm tra hộp đen trên xe, nếu phát hiện lái xe quá giờ quy định sẽ phạt nặng, thậm chí bị thu bằng lái). Vì thế, hôm đoàn Việt Nam rời đất nước Italy, hai vợ chồng dù đã tạm biệt từ hôm trước, vẫn quay lại, phóng ô tô đến sân bay Milano để giúp mọi người làm thủ tục, Ngân rất vui vẻ đứng chụp ảnh lưu niệm với từng người. Đến lúc này, nhiều người mới biết rằng Ngân từng là một diễn viên điện ảnh, cô đã tham gia đóng các phim: “Chúa Tàu Kim Quy”, “Không thể siết cò”… và đặc biệt là vai nữ chính trong phim “Người đàn bà yếu đuối”.

Lưu luyến nói lời tạm biệt nhau và hẹn ngày gặp lại, thậm chí một người còn không rõ họ của cô là gì, chỉ biết gọi ngắn gọn là Ngân - một sự giản dị như chính người con gái Việt làm dâu trên đất Italy vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên