Hình bóng quê hương

Trong nỗi nhớ nhà trên những vùng đất xa xôi, tôi đã gặp hình bóng quê hương ở những con người mang dòng máu Việt luôn hướng về cội nguồn

Cứ ngỡ ở một thành phố xa xôi tận miền Tây nước Đức như Bonn sẽ chẳng dễ dàng tìm được đồng hương. Sau chuyến bay dài hơn chục tiếng đồng hồ, quá cảnh qua 3 sân bay, tôi mới đến nơi từng là thủ đô Tây Đức. Nước Đức những ngày đầu tháng 7 là những đêm trắng. Đêm như ngày và ngày cũng như đêm.

Nhiều doanh nhân tâm sự với tôi rằng, trong những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, họ thèm nói tiếng Việt như thèm được ăn bát cơm nóng, chấm miếng rau trong trong chén mắm đặc mùi hoặc cắn trái ớt cay cháy lưỡi. Bởi thế, đặt chân tới bất kỳ thành phố nào trên trái đất này, họ cũng tìm hình bóng quê nhà. Tôi cũng vậy. Nghĩ là người Việt sống tập trung chủ yếu ở vùng đông Berlin, mà Berlin lại cách Bonn hàng trăm cây số, nên đừng mong sẽ có nhà hàng Việt, để được ăn món Việt và nói tiếng Việt.

Khách sạn tôi ở ngay trung tâm thành phố, gần quảng trường Chợ Cũ rộng thênh thang, nơi người ta bày hàng quán ra giữa trời để đón khách thập phương nhâm nhi bia và ngắm nhìn không gian yên bình bao trùm lên những toà nhà cổ kính. Nhưng kìa, chen giữa những bảng hiệu tiếng Đức là một dòng chữ Miss Saigon rõ to. “Đúng là nhà hàng Việt Nam”, tôi thốt lên. Chủ quán tên Lan, cùng với một vài nhân viên phục vụ nói giọng Bắc, đón tiếp tôi nhiệt tình. Nhà hàng mới mở cửa chừng một năm nay, bán nhiều món, cả Việt, Thái và Hoa. Lan kể cô là con nuôi của một cặp vợ chồng người Đức từ năm 13 tuổi. Không muốn dựa dẫm vào ba mẹ, Lan ra riêng buôn bán, dần tích luỹ tiền bạc để thành lập Miss Saigon.

Lan vẫn nói tiếng Việt khá tốt, dù đã xa quê chừng 20 năm. Cô kể, khách vào quán đa số là người Đức, thỉnh thoảng có ít khách châu Á, còn khách Việt chủ yếu là những người từ quê sang công tác. Lan không lý giải được lý do vì sao cô lại chọn cái tên Miss Saigon cho quán mình, cũng không trả lời được tại sao lại nấu món Việt, sắp tới đây sẽ nấu cả món phở đặc biệt, dù cô biết rõ nếu mở nhà hàng món Đức sẽ dễ dàng thu hút khách hơn. Lan treo trên vách tường những chiếc nón lá, treo những bức tranh gỗ hình cô gái mặc áo dài… Miss Saigon lạ lẫm trong khu phố châu Âu, cô chủ quán thì đau đáu một nỗi nhớ quê.

Người Việt có một vị trí đặc biệt ở Đức, đất nước đuợc nhìn nhận đã tương đối thành công trong nỗ lực xây dựng một xã hội multikulti (đa văn hoá). “Người Việt ở Đức rất ham học”, đó là câu mà tôi nghe chính những người Đức nói ra, và họ không ngần ngại so sánh con em gốc Việt với học sinh người Đức gốc và các cộng đồng nhập cư khác. Phước, cậu con trai duy nhất của anh Phong - người tôi tình cờ quen ở Đức, nhà ở thành phố Linz, cách Bonn chừng 50 cây số, được ba mẹ dạy dỗ như đang sống ở Việt Nam. Lễ phép, đi thưa về trình, đúng giờ đúng giấc, chăm lo học hành. Anh Phong rủ tôi về nhà ăn đồ Việt. Chẳng cần anh đề nghị lần thứ hai, tôi đã nhanh nhảu nhận lời. Vợ chồng anh Phong qua Đức theo diện hợp tác lao động, rồi ở lại làm công nhân trong nhà máy và nuôi Phước với hy vọng đời con sẽ khác đời ba mẹ. Đó cũng là lý do khiến trẻ em người Việt ở Đức bao giờ cũng học giỏi trong nhóm đầu lớp.

Anh Phong nấu hủ tiếu, kèm rau giá, gan heo, thịt heo, rau thơm và nước mắm. Hủ tiếu vợ chồng anh mua để sẵn, lúc thèm lấy ra nấu hoặc đãi khách quý. Rau thơm trồng ven hàng rào; rau giá, đậu hũ… bà con đồng hương làm, rồi tự cung tự cấp trong cộng đồng khoảng 200 người Việt ở Linz. Anh nói, anh và vợ hơn 20 năm dù có ở bất kỳ nơi nào trên nước Đức này, qua mấy lần chuyển nhà, chuyển chỗ, vẫn tự nấu món Việt để ăn. Thời thập niên 1990, nước mắm đâu dễ tìm ra ở trời Tây này, vậy mà vợ chồng anh cũng tìm cách nấu được nước mắm. Anh kể, vợ chồng nín nhịn chai nước mắm, hôm bữa, khi Phước còn bé, nói con ở nhà tự chiên trứng mà ăn, nhớ nhỏ vào trứng vài giọt nước mắm. Phước cứ tưởng nước mắm là nước xốt cậu thường ăn ở trường nên dốc hết chai vào, khiến vợ chồng anh tiếc đứt ruột mấy ngày trời. Phước ăn đồ Tây quen, dần không ăn được nước mắm, không ăn được hủ tiếu, rau giá, không cầm đũa. Chị vợ bảo, cho đến giờ, đó là điều vợ chồng chị không thể khiến Phước sống theo ý ba mẹ. Ở nhà, mỗi bữa ăn chia ra rõ ràng hai nền văn hoá Đông – Tây.

Nhớ hồi đầu năm ở Siem Riep, Campuchia. Thật lạ lùng. Chỉ cần bước qua cửa khẩu Mộc Bài, đã thấy cái nắng của hai đất nước khác nhau rõ rệt. Cái nắng bên này dịu hơn, còn bên kia rất gắt. Chưa kịp thích nghi, tôi bị say nắng và rồi bị sốt. Tối đó lang thang trong thành phố, tìm món ăn Việt hoài chẳng thấy, tôi tấp vào một quán lẩu. Tưởng là quán người Hoa, nhưng không. Bà chủ người Việt biết tôi từ Sài Gòn qua đã nhanh chóng kêu nhân viên phục vụ dọn bàn, ưu tiên cho khách cùng quê. Quán đông khách nhưng bà chủ quê gốc Trà Vinh, người đã nửa đời sống ở Siem Riep vẫn ngồi hỏi chuyện Việt Nam. Rồi bà sai người pha trà gừng, chạy ra ngoài mua thuốc hạ nhiệt, bảo khí trời xứ lạ khác quê mình, ra đường ban đêm mặc áo kín cổ, kẻo bệnh nặng thêm…

Hay như hôm ở chợ Đông Xuân của người Việt ở Berlin. Dù chưa từng gặp mặt, nhiều người nhiệt tình mời khách từ quê qua tới nhà chơi. Khi biết tôi chuẩn bị đi các nước Đông Âu, nhiều anh chị còn nhiệt tình chỉ đường đi nước bước, rồi ghi sổ điện thoại người quen bên đó, bảo tới đấy thì alô, thế nào cũng được mời về nhà ở, tiết kiệm tiền khách sạn, để dành tiền mà mua quà về quê cho gia đình, bạn bè. Còn hôm ở Bonn, lúc đi ăn tối, do buổi chiều chưa thể đổi USD qua đồng euro, các quán lại không chấp nhận trả bằng thẻ Visa, tôi vào một nhà hàng món Thái đối diện với khách sạn Hilton, chỉ để hỏi nếu họ nhận USD tôi sẽ ăn, còn không về lại khách sạn. Hỏi cô tiếp tân, có lẽ là người Ấn Độ, xong cô quay qua hỏi bà chủ. Người phụ nữ có gương mặt tròn phúc hậu cầm điện thoại hỏi một người khác bằng tiếng Việt rồi nhìn tôi lắc đầu. Chỉ cần thế, tôi nói ngay: “Em ở Việt Nam qua, chiều nay chưa đổi tiền kịp”. “Em là người Việt à? Vậy thì được. Em ăn gì nào?”, chị tức thời sốt sắng. Lát sau anh chồng về, mời tôi một ly bia thật to, rồi nói nếu còn ở lại Bonn nhiều ngày nhớ qua nhà anh chơi, sẽ đãi món Việt.

Hay như hôm ở sân bay Hongkong, tôi không vào được Hongkong vì đáng lý ra khi bay tới đây phải nhập cảnh ngay thì tôi lại nhập cảnh vào Trung Quốc trước. Đến khi quay lại nhập cảnh vào Hongkong bị từ chối. Lúc đó đã 5 giờ chiều, quay lại Trung Quốc rất khó do tôi đã làm thủ tục xuất cảnh, ở lại sân bay càng không thể vì vé của tôi hai ngày sau mới về Việt Nam. Tôi cầu cứu hải quan. Lát sau, một cô hải quan còn rất trẻ bước tới, sau khi giải thích rõ ràng với tôi về quy định, sợ tôi chưa hiểu hết, đã nói cô có mẹ là người Việt Nam. Rồi cô điện thoại cho mẹ, giải thích cho bà hiểu, sau đó đưa điện thoại cho tôi nói chuyện. Cô còn ghi cho tôi số điện thoại cơ quan, bảo lúc nào gặp khó khăn thì điện thoại tìm, rồi làm thủ tục cho tôi nhập cảnh lại Trung Quốc để hôm sau về Việt Nam. Nhiều người nói, cũng may hôm đó gặp đồng hương, nếu không sẽ rắc rối to bởi người Hongkong vốn rất lạnh lùng.

Hôm sau tôi bay về Việt Nam. Ở chỗ làm thủ tục lên máy bay, gần khu vực cô gái hải quan làm việc, tôi không thấy cô đâu để lần nữa nói lời cảm ơn. Nhưng dù gì, cái tên có vẻ Việt Nam của cô ấy thì khó mà quên được: Lee Suk Lan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên