Nhớ Tết người Việt ở trời Âu

Vật chất thì đầy đủ nhưng thiếu không gian quê Việt, thiếu cái náo nức, bồn chồn, bận rộn, tất tả của những ngày cuối năm

Cận Tết Nguyên đán Việt Nam năm ấy, anh em làm báo tại Cộng hoà Czech nói với tôi: “Anh du xuân đón Tết cùng với cộng đồng mình ở mấy nước xung quanh đi. Anh quen biết nhiều có khi về lại viết được cái gì đấy…”.

Vốn là kẻ ham chơi, ham đi và… ham đủ thứ. Tất nhiên viết và viết hay bao giờ cũng thôi thúc, lôi cuốn mỗi khi đi xa. Tôi thu xếp hành trang gọn nhẹ, máy ảnh, máy tính xách tay, ghi âm và chút quà đặc sản của Czech. Mặt thì giả vờ buồn khi phải xa nhà mà trong lòng vui… như Tết.

Prague

Trước lúc đi, tôi cùng anh em bạn bè ăn Tết sớm tại Prague. Những thập niên cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Ở Czech không có bánh chưng, giò lụa, chả và các món ăn “Quốc hồn quốc tuý” dù con số người Việt lúc đó ngót nghét khoảng 40.000 người. Giờ nhìn mâm cơm chẳng thiếu gì, hình như cái bánh chưng bọc lá dong kia vừa được mẹ vớt ra? Đĩa dưa hành, bát thịt gà nấu đông, giò, chả, rau thơm của quê hương như được ông thần đèn trong câu chuyện cổ vượt nửa vòng trái đất bưng về đây.

Tất cả đã hiển hiện trước mắt tôi và bạn bè một góc của quê hương.

Đồ ăn Việt thì đủ cả, nhưng chẳng riêng gì tôi mà mọi người đều thấy thiếu một cái gì đấy, thấy nhạt như khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn không mặn. Chẳng muốn nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu là thiếu không gian quê Việt, thiếu cái náo nức, bồn chồn, bận rộn, tất tả của những ngày cuối năm đã xa ngái ngàn trùng, giờ chỉ còn phát quang trong hoài niệm. Mấy năm qua, tại Cộng hoà Czech nói chung, Prague nói riêng, người Việt thường tập trung đón Tết trong những hội trường khang trang. Cũng có hoa đào, hoa mai, có đủ món ăn ngày Tết, có cả pháo hoa, ca nhạc… nhưng sau thời khắc đó, trở về nhà, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, nhìn qua cửa sổ thấy tuyết bay trắng trời, thấy lòng mình trĩu xuống, thấy buồn, nỗi buồn này không biết đặt tên là gì, để nói ra cho thấu nghĩa?

… Tiễn tôi ra xe khởi đầu cho chuyến du xuân. Bạn tôi nói: đón giao thừa ở hội trường hiện đại có khác gì ăn thịt chó trong… khách sạn năm sao. Không gian đón Tết, không gian ẩm thực là cái mà chúng ta thiếu. Cố tạo ra, cũng chỉ là hoa nhựa, có đúng không ông?

Có lẽ, bạn tôi nói đúng?

Paris

Tôi tới Paris thường xuyên. Với tôi, Paris giống một làng to, còn Hà Nội của tôi là cái làng nhỏ. Hai làng ngày giống nhau về kiến trúc cổ, biển tên phố và cả rãnh nước cống, biển số nhà. Chẳng nói ra, ai cũng biết một phần lớn phố phường, các công trình kiến trúc của Hà Nội do người Pháp xây dựng khi Tổ quốc tôi bị thực dân Pháp đô hộ 100 năm.

Tôi đón Tết cùng “Hội người Việt Nam tại Pháp” vào ngày 29. Già có, trẻ có, thế hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Có thể nói: Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hình thành sớm nhất trong cộng đồng người Việt tại mọi châu lục.

Bác Khánh sang Pháp từ trước năm 1945 theo diện lính thợ (mà giờ ta gọi là công nhân quốc phòng các nước thuộc địa). Sống ở Pháp, lấy vợ Tây hơn nửa thế kỷ mà bác thuần Việt hơn cả những người sinh ra, lớn lên tại Việt Nam mà tôi có dịp gặp. Bác nói: mấy năm nay, năm nào tôi cũng đón giao thừa với người mình ở đây. Cũng chính tại nơi này, tôi thấy mình như được ăn Tết Việt Nam, ngửi được không khí Tết quê hương cháu ạ! Tôi xa Việt Nam khi học xong tú tài, qua Pháp làm thông ngôn (phiên dịch). Dẫu bây giờ mang quốc tịch Pháp về mặt pháp lý. Nhưng quốc tịch văn hoá, huyết thống tôi thuần Việt một trăm phần trăm.

Tôi tin khi bác nói điều này, bởi lẽ, khi nhìn các em bé trên sân khấu hát điệu “Trống cơm” bác bảo: không Quan họ chút nào. Sao vũ điệu lại pha cả Hiphop vào đây? Thế mới biết. Dòng chảy của văn hoá Việt đã ngấm vào bác, vô hình dung biến bác khắt khe, khó tính, không chấp nhận được sự lai tạp. Bác muốn văn hoá Việt thuần khiết, tinh khôi, ngay cả vũ điệu, ngôn ngữ.

… Khói hương lan toả. Những cành đào, cành mai Việt treo những phong bì lì xì (mừng tuổi) cho các cháu bé ngọng nghịu tiếng Việt, lưu loát tiếng Pháp khi nói lời cám ơn khiến lòng tôi se lại…

Vừa nói chuyện, nâng cốc với mọi người chúc mừng  năm mới. Tôi vẫn nhìn thấy những bà già Việt bỏm bẻm nhai trầu. Ôi! Sự tích chung thuỷ của trầu cau, khói hương, ngâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn hiện diện ở nơi này: Paris!

Bánh chưng, bánh tét, nem… các món ăn ngày Tết của Tổ quốc tôi trong ngày Tết được trình bày hài hoà, đẹp mắt trong mắt thực khách người Pháp và cả người Việt.

Lúc này, sau khi đốt pháo và màn múa lân. Anh Mai lên sân khấu nói bằng tiếng Pháp, Anh, Việt về chữ Tết, về sự tích cây nêu, bánh chưng bánh dày.

Khi biết tôi từ Czech sang, ông Martin - một người nghiên cứu văn hoá Việt hỏi tôi:

- Ngày Tết, với người Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

- Rất thiêng liêng! Nó nhắc người ta nhớ tới cội nguồn. Một dân tộc nếu không còn văn hoá của chính mình. Thì đó là sự huỷ diệt!

Ông nói: tôi hiểu, và càng hiểu các bạn hơn khi cùng các bạn đón Tết. Tết của người Việt là sự gieo hạt văn hoá Việt vào các thế hệ sau. Nói một cách khác. Là một cuộc chuyển trao văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù sống ở bất cứ đâu trên trái đất này.

… “Tà áo em bay bay bay trên phố dịu dàng/ dù ở đâu/ Paris, London hay những miền xa/ thoáng bóng áo dài bay trên đường phố/ bỗng thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi!…”

Ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng, Từ Huy do tốp ca nữ người Pháp gốc Việt vang lên trên sân khấu đón xuân với những tà áo dài, những vũ điệu dân gian minh hoạ. Trong thoáng chốc khiến tôi thấy mình đang ở trong lòng Tổ quốc, quê hương.

3. Amsterdam

Người Việt tại Hà Lan không nhiều, chỉ có hơn 10.000 người, sống rải rác khắp nơi trên xứ sở của hoa Tuylip, cối xay gió, và các công trình đê biển nổi tiếng thế giới. Cứ nghĩ người Việt sống xa nhau như vậy thì năm hết, Tết đến chắc khó có điều kiện tụ lại đón xuân, và tôi đã lầm.

Hội thánh đạo Tin lành ở Thủ đô Amsterdam năm nào cũng dành cho người Việt hội trường để cộng đồng khắp nơi về đây đón giao thừa. Anh Chinh nói: Bây giờ chưa đông người tới đâu. Có người còn phải đi làm, Tết của mình chứ có phải Tết của Tây đâu. Mấy đứa con nhà tôi chúng nó thích Tết Dương lịch hơn Tết Nguyên đán. Bởi lẽ, Tết Dương lịch trong nhà, ngoài phố đèn hoa rực rỡ. Mấy năm gần đây, tôi dẫn chúng tới chỗ này đón Tết ta. Ban đầu chúng chưa quen, nhưng bây giờ thì thích rồi, chỉ mong tới Tết.

Đã thấy nhiều tà áo dài của các bà, các bác, các cô gái thấp thoáng trong hội trường. Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ là 5 giờ chiều, chỉ còn một tiếng nữa ở Việt Nam là 12 giờ đêm, đúng thời điểm giao thừa. Tôi không rõ những người thân tại quê nhà có biết ở khắp chân trời góc bể có bầy chim xa xứ đang khắc khoải đợi chờ đón phút giây thiêng liêng khởi đầu cho một năm mới hay không?

Mâm ngũ quả, khói nhang, câu đối đỏ được đặt trang trọng trên một bục cao, dàn máy DVD phát ra hình ảnh, âm thanh cảnh đón Tết khắp ba miền Bắc, Trung, Nam chiếu lên màn hình cỡ lớn. Lũ trẻ thì vui, mắt của những người có tuổi thoáng buồn:

… “Mùa xuân, mùa xuân. Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…” Anh Chinh nói với tôi: lời trong bài hát là mùa xuân nho nhỏ. Không nhỏ đâu, bởi dư chấn của mùa Xuân, Tết, Lễ hội Việt nó lay động trái tim của hàng triệu người Việt, trong cũng như ngoài nước. Anh nói tiếp: Hồi tôi mới sang Hà Lan, vừa đi học, vừa phải làm thêm trong quán để kiếm tiền trang trải chi tiêu. Nhớ có năm vào đúng thời điểm giao thừa tại Việt Nam vẫn phải đứng trong bếp nấu ăn cho khách. Ống nước của bếp bị vỡ, mình chân ngập trong nước, tay thì xào chảo thịt, khóc thầm không ra tiếng.

… Sáng mùng 1 Tết, cháu Miên - con anh Chinh cứ nằng nặc đòi tôi dẫn ra biển cho chim hải âu ăn bánh mì. Cháu nói: Chú cháu mình ăn Tết thì cũng phải cho các bạn chim ăn chứ! Chim hải âu có ăn bánh chưng và mứt không chú? Tôi trả lời: chắc là có.

Biển Bắc nước đục ngầu, không trong xanh như biển Tổ quốc tôi, sóng chồm lên dữ dội, từng cánh hải âu chấp chới chao mình. Cháu Miên bẻ từng mẩu bánh, mứt, vứt ra mặt biển, bầy chim sà xuống, thi thoảng lại kêu lên những âm thanh ngộ nghĩnh, tôi nói: Các bạn hải âu cám ơn cháu và khen là bánh chưng Việt, mứt Việt rất ngon. Cháu hồn nhiên hỏi lại: chú nghe được tiếng của các bạn chim à? Chú mời các bạn sang năm tới đón giao thừa, ăn Tết cùng với cháu nhé.

Chú sẽ mời! Tôi trả lời cháu rồi nói thêm: biết đâu hôm qua các bạn cũng đã bay về Việt Nam đón giao thừa rồi? Các bạn hải âu bay đi khắp nơi và chỉ cần nơi nào có biển. Mà biển Việt Nam của cháu rất đẹp…

Cháu Miên ngắt lời tôi: Tết, và giao thừa ở quê hương Việt Nam mình cũng rất vui, lúc nào cháu cũng mong ước được về quê ăn Tết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên