“Ẩn số” Macron trong bầu cử Tổng thống Pháp liên tục bị chỉ trích

VOV.VN - Emmanuel Macron, ứng viên được xem là “ẩn số” có thể gây đột biến trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, bắt đầu bị công kích dữ dội.

Sau làn sóng tấn công nhằm vào Francois Fillon, ứng cử viên hàng đầu của cánh hữu, đến lượt Emmanuel Macron, nhân vật được đánh giá là có khả năng tạo đột biến nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sau 2 tháng nữa, lọt vào tầm công kích của mọi đối thủ.

"Ẩn số" Emmanuel Macron. Ảnh: AFP


Tranh cãi mới nhất liên quan đến Macron là phát biểu được cho là gây sốc với nhiều người Pháp khi ứng cử viên trẻ tuổi này tuyên bố trong chuyến đi đến Algeria cuối tuần trước là “nước Pháp thực dân đã phạm vào tội ác chống lại loài người trong giai đoạn đô hộ Algeria”.

Ngay lập tức các đối thủ của Macron, đặc biệt là bên cánh hữu và cực hữu, đã tấn công dữ dội ứng cử viên này. Francois Fillon, người vẫn đang trong vòng xoáy khủng hoảng vì scandal tạo việc làm “ảo” cho vợ, chỉ trích Macron là “miệt thị lịch sử nước Pháp và không xứng đáng làm ứng cử viên cho chức Tổng thống Pháp”. Marine Le Pen, nữ Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), còn công kích nặng nề hơn: “Liệu có điều gì nghiêm trọng hơn khi một người muốn làm Tổng thống mà lại đi ra nước ngoài buộc tội đất nước mình phạm phải tội ác chống lại loài người? Đó là giọng điệu của bọn lưu manh ở những vùng ngoại ô khi chúng chống lại nước Pháp, nhất là các lực lượng bảo vệ pháp luật”.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một chính trị gia hàng đầu của Pháp đề cập đến một chủ đề vô cùng nhạy cảm là quá khứ thực dân của nước Pháp, đặc biệt là quá khứ đẫm máu với Algeria, vùng đất mà nước Pháp đô hộ 132 năm. Các đời Tổng thống Pháp gần đây như Nicolas Sarkozy hay Francois Hollande đều từng đề cập đến giai đoạn thực dân của Pháp ở Algeria và cũng đều thừa nhận các tội ác của nước Pháp trong giai đoạn đó.

Năm 2007, ông Sarkozy từng nhận định: “các sai lầm và tội ác trong quá khứ đó là không thể tha thứ”. Năm 2012, khi phát biểu trước Nghị viện Algeria, ông Francois Hollande cũng lên án “một hệ thống bất công và tàn khốc mà nước Pháp đã thực thi ở Algeria”. Tuy nhiên, cả hai đời Tổng thống Pháp cũng như các chính trị gia khác chưa từng chính thức xin lỗi về quá khứ thực dân của Pháp tại Algeria. Cũng chưa có nhân vật nào đi xa như Emmanuel Macron khi tuyên bố “đây là tội ác chống lại loài người”.

Phát biểu gây tranh cãi này đang tạo ra các tác động tiêu cực đến uy tín của Emmanuel Macron, người vốn luôn hành động rất kín kẽ và thận trọng kể từ đầu chiến dịch tranh cử. Một cách vô tình, Macron đã tạo cơ hội tốt cho các đối thủ Fillon và Marine Le Pen lôi kéo dư luận khỏi các scandal liên quan đến “việc làm ảo” và nhận thù lao mờ ám ở nước ngoài mà 2 ứng cử viên đang bị điều tra. Mũi công kích nhằm vào Fillon từ cách đây 2 tuần và vào Le Pen cách đây vài ngày, đã chuyển hướng sang Macron.

Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Chính trị (CEVIPOF) thuộc trường Chính trị Paris kết hợp với Viện IPSOS tiến hành hôm 17/2 cho kết quả: sự ủng hộ đối với Macron tuy vẫn cao nhưng có dấu hiệu không vững chắc. Cụ thể, ông Macron dự đoán giành được 23% phiếu bầu ở vòng 1, xếp trên ông Francois Fillon (19%) nhưng vẫn xếp sau bà Marine Le Pen (26%). Nếu kết quả này được chứng thực, Macron và Le Pen sẽ vào vòng 2 và khi đó cơ hội chiến thắng của Macron sẽ rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng ngại với Macron là sự lưỡng lự của những người đang tuyên bố ủng hộ Macron, theo đó chỉ có 33% số người ủng hộ Macron cho biết lá phiếu của họ “không thay đổi đến cùng”. Con số này kém xa tỷ lệ 74% trung thành với Marine Le Pen, 61% cho Francois Fillon, 53% cho Jean-Luc Melenchon hay 39% cho Benoit Hamon.

Đây là chi tiết rất đáng chú ý bởi lẽ nó cũng phản ánh được những tính chất đặc trưng trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên được xem là “ngôi sao lạ” của chính trường Pháp hiện nay, đó là “không tả, không hữu”. Macron đã áp dụng chiến lược “không tả, không hữu” này ngay từ đầu và đã dành được không ít sự ủng hộ của những thành phần cử tri “có hơi hướng cánh hữu” bên cánh tả và lượng cử tri trung dung bên cánh hữu. Nhưng chiến lược này đang biến thành con dao hai lưỡi bởi các đối thủ của Macron đang tập trung công kích sự “nửa vời” này của Macron, nhất là khi Macron vẫn chưa công bố chi tiết chương trình hành động đối với các chủ đề nóng như kinh tế hay an ninh. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến các cử tri đang ủng hộ Macron nhưng lại có xu hướng chưa tin chắc vào lựa chọn của mình.

Nhưng, đối với Macron thì làn sóng tấn công còn đến từ nhiều phía khác, trong đó một trong những lo ngại lớn nhất là vấn đề an ninh mạng. Hôm 15/2, Richard Ferrand, Tổng thư ký của phong trào En Marche! (Tiến bước) do Macron sáng lập, đã công khai chỉ trích trên báo chí Pháp việc phong trào này và cá nhân ông Macron đang bị các tin tặc nước ngoài tấn công, trong đó nêu rõ cáo buộc nhằm vào nước Nga. Mounir Mahjoubi, chuyên viên phụ trách kỹ thuật của trang web En Marche! cho biết trang web này phải hứng chịu hàng nghìn cuộc tấn công mạng mỗi ngày, từ tấn công từ chối dịch vụ cho đến các âm mưu đánh cắp cơ sở dữ liệu.

Trong bối cảnh căng thẳng lan rộng ở các nước phương Tây sau các cáo buộc của Mỹ về việc tin tặc có chỉ đạo từ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Donald Trump, những lo ngại từ chính trường Pháp và cá nhân ông Macron không phải không có cơ sở. Trong số 3 ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Pháp vào tháng 5 tới, Macron được xem là nhân vật “ít thân Nga” nhất so với Francois Fillon và Marine Le Pen. Ông Fillon từng công khai chiến lược sẽ thắt chặt quan hệ với Nga và ông Poutine hơn còn đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen được cho là đã nhận được các khoản vay ưu đãi từ một ngân hàng Nga đã tiến hành các chiến dịch tranh cử trước đây. Ngược lại, Macron, dù chưa từng công khai quan điểm về Nga, nhưng lại là người ủng hộ chủ nghĩa kinh tế tự do và thắt chặt các mối liên hệ ở Liên minh châu Âu. Tất nhiên, cho đến thời điểm này, mọi lo ngại về việc Nga “tấn công” Macron vẫn chỉ dừng lại ở mức độ những cáo buộc chưa có bằng chứng vững chắc.

Nhưng, điều chắc chắn có thể khẳng định, đó là thời điểm khó khăn thách thức nhất với “hiện tượng” Macron đã bắt đầu, khi mọi đối thủ ở mọi phía đang dồn sức tấn công để hạ bệ nhân vật được xem là không thuộc hệ thống nhưng lại có khả năng tạo ra bất ngờ lớn trong cuộc đua vào chiếc ghế đứng đầu nước Pháp./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử Tổng thống Pháp cao
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử Tổng thống Pháp cao

Cho tới đầu giờ chiều 6/5 (theo giờ địa phương), tỉ lệ cử tri Pháp đi bầu cử Tổng thống là 30,66%.  

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử Tổng thống Pháp cao

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử Tổng thống Pháp cao

Cho tới đầu giờ chiều 6/5 (theo giờ địa phương), tỉ lệ cử tri Pháp đi bầu cử Tổng thống là 30,66%.  

Bầu cử Tổng thống Pháp vừa khởi động đã có bất ngờ
Bầu cử Tổng thống Pháp vừa khởi động đã có bất ngờ

VOV.VN - Mùa bầu cử Tổng thống Pháp 2017 chính thức bắt đầu bằng cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu và trung dung diễn ra ngày 20/11.

Bầu cử Tổng thống Pháp vừa khởi động đã có bất ngờ

Bầu cử Tổng thống Pháp vừa khởi động đã có bất ngờ

VOV.VN - Mùa bầu cử Tổng thống Pháp 2017 chính thức bắt đầu bằng cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu và trung dung diễn ra ngày 20/11.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đấu không khoan nhượng
Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đấu không khoan nhượng

Lần đầu tiên lãnh đạo Liên đoàn lao động Pháp tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Francois Hollande, trái với truyền thống của liên đoàn.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đấu không khoan nhượng

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đấu không khoan nhượng

Lần đầu tiên lãnh đạo Liên đoàn lao động Pháp tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên Francois Hollande, trái với truyền thống của liên đoàn.

Bầu cử Tổng thống Pháp biến động khó lường
Bầu cử Tổng thống Pháp biến động khó lường

VOV.VN - Chính trường nước Pháp đang có những diễn biến vô cùng khó lường trong chọn người kế vị ông Francois Hollande đứng đầu nhà nước Pháp

Bầu cử Tổng thống Pháp biến động khó lường

Bầu cử Tổng thống Pháp biến động khó lường

VOV.VN - Chính trường nước Pháp đang có những diễn biến vô cùng khó lường trong chọn người kế vị ông Francois Hollande đứng đầu nhà nước Pháp