Tình tiết mới trong vụ lão nông 20 năm đi đòi công lý ở Đồng Nai

VOV.VN - Trước phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ việc “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” giữa lão nông Trần Hữu Sỹ với Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, bất ngờ xuất hiện nhiều tình tiết mới.

Đó là Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Vĩnh Cửu rút đơn kháng nghị; Tòa cũng thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, trong đó có việc “Cung cấp giá tiền các loại cá thời điểm năm 2000”. Đây là vụ việc tranh chấp mà nguyên đơn đã mất 20 năm "đội đơn" đi đòi công lý.

Viện Kiểm sát rút kháng nghị

Ngày mai (8/9), Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ đưa vụ việc “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi) và bị đơn là Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Đây là vụ việc kéo dài hơn 20 năm trải qua nhiều phiên tòa nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Đáng chú ý, trước phiên tòa này, Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã có văn bản rút toàn bộ kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do: Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và nội dung đã kháng nghị, nhận thấy việc kháng nghị bản án sơ thẩm là không cần thiết; đề nghị Tòa án đưa vụ việc ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Trước đó, Viện kiểm sát Nhân dân huyện Vĩnh Cửu kháng nghị cho rằng: Bản án sơ thẩm số 05/2019/DS-PT của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu xác định sai tư cách tham gia tố tụng của bà Trần Thị Điểm (vợ ông Trần Hữu Sỹ); chưa làm rõ vai trò của mẹ ông Sỹ là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai phải hoàn trả cho vợ chồng ông Sỹ số tiền hơn 1,312 tỷ đồng là không chính xác, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Cùng với việc VKS rút đơn kháng nghị, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó có thu thập “Giá tiền các loại cá thời điểm năm 2000”. Đây là lần thứ hai tài liệu này được đưa vào làm căn cứ để xử lý vụ việc. Ở phiên tòa lần đầu tiên cách đây 17 năm, HĐXX cũng đã căn cứ vào “giá thời điểm 1997-1998 do Chi cục Thủy sản Đồng Nai cung cấp” để yêu cầu bị đơn bồi thường cho ông Trần Hữu Sỹ số tiền 110 triệu đồng tiền cá. Tuy nhiên, sau đó, tài liệu này không hiểu sao lại không được đưa vào làm căn cứ giải quyết vụ án.

Để vụ việc kéo dài, chính quyền có phần trách nhiệm?

Năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ ký hợp đồng với Trung tâm Du lịch – thuộc Lâm trường Mã Đà thuê hồ vườn ươm 27ha với thời hạn 20 năm để thả cá. Tiền thuê là 5 triệu đồng/năm. Năm 1995, Trung tâm Du lịch giải thể, Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai) ký lại hợp đồng với ông Sỹ với nội dung tương tự như hợp đồng lần đầu. Trong giai đoạn từ năm 1995-1997, ông Trần Hữu Sỹ bỏ chi phí đầu tư xây dựng, ngăn bờ đập, nạo vét lòng hồ, cải tạo hồ… đồng thời thả 3 triệu con cá giống, thuê người cải tạo và nuôi cá…

Năm 1998, ngoài yêu cầu nộp số tiền thuê 25 triệu đồng/5 năm thì Lâm trường không cho ông Sỹ tiếp tục thả cá và thu hoạch. Đến tháng 6/2000, khi ông Sỹ hoàn tất nộp tiền thuê thì cũng là lúc Lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng và cho Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ Công an TPHCM tiếp tục thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Cho rằng, hành vi của Lâm trường là sai luật, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình nên ông Trần Hữu Sỹ đã khởi kiện ra tòa.

Từ năm 2000 đến năm 2010, trải qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, dù thắng kiện lâm trường nhưng quyền và lợi ích hợp pháp không được đảm bảo, ông Trần Hữu Sỹ làm đơn gửi lên cơ quan tố tụng Trung ương.

Từ kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại vụ việc từ đầu. Sau 10 năm trì hoãn, đến tháng 10/2019, Tòa án huyện Vĩnh Cửu mới đưa ra bản án sơ thẩm. Dù được tòa tuyên bố thắng kiện nhưng ông Trần Hữu Sỹ tiếp tục làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bởi quyền lợi của mình chưa được đảm bảo đúng pháp luật.

Đó là: Chưa tính toán tiền lãi cho khoản tiền bồi thường được tính từ năm 2000; việc xét xử trái với đường lối giải quyết vụ án của Tòa án Nhân dân Tối cao; trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Đồng Nai khi chỉ đạo việc thanh lý, thu hồi dự án như thế nào? Bởi trong công văn số 126/TBLT ngày 13/9/2000, Lâm trường Mã Đà khẳng định, việc thanh lý hợp đồng là theo chỉ đạo của Sở, nhưng đến nay qua nhiều phiên tòa, tài liệu chứng cứ này chưa được thu thập. Nhiều tài liệu, nhân chứng đều khẳng định việc ông Trần Hữu Sỹ thả cá giống nhưng không được xem xét bồi thường.

Một vấn đề đặt ra trong vụ việc này nữa là, bản thân ông Sỹ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhưng 20 năm qua, chưa một lần chính quyền tỉnh Đồng Nai làm việc với người nông dân này. Phải chăng việc giải quyết khiếu nại của người dân không thấu đáo cũng là một nguyên nhân khiến sự việc tranh chấp trên kéo dài (?!)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên