Biểu tình chống Chính phủ tiếp diễn tại Syria

Cùng với Libya, tình hình tại một quốc gia Arab khác là Syria cũng đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường

Ngày 3/9, hàng trăm người Syria đã đổ ra các đường phố ở những thành phố lớn tham gia các cuộc biểu tình chống Chính phủ. Đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình tiếp tục xảy ra và gây thương vong. Trong khi đó, quốc tế tiếp tục bất đồng về các biện pháp trừng phạt Syria.

Biểu tình chống chính phủ ở Syria (Ảnh: AFP)

Đụng độ giữa các lực lượng an ninh Syria với những phần tử chống đối tiếp tục diễn ra căng thẳng khiến 3 người thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương.

Ủy ban phối hợp địa phương- tổ chức của các nhà hoạt động đối lập tại Syria, cho biết lực lượng an ninh chính phủ đi trên 50 xe khách cùng nhiều xe tăng đã mở đợt truy quét tại Maarrat, thuộc vùng Idlib, làm 2 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Tại thành phố Hama, lực lượng quân đội cũng tiến hành một chiến dịch quân sự khiến một người thiệt mạng.

Cùng ngày, Đài Truyền hình Nhà nước Syria đã phát sóng lời thú tội của các thành viên tổ chức khủng bố và các nhóm vũ trang tại nước này về việc tung những thông tin giả làm gia tăng bất ổn ở Syria.

Một thành viên tổ chức khủng bố bị bắt giữ tại tỉnh Hama thừa nhận y đã đóng vai nhân chứng và bịa đặt về những thông tin trong các đoạn băng hình về tình hình Syria cho kênh truyền hình Al-Jazeera. Tên này cũng thừa nhận đã cộng tác với các tổ chức nước ngoài để thành lập các nhóm vũ trang trong nước tấn công lực lượng an ninh và quân đội Syria, cũng như nhằm vào dân thường.

Đài Truyền hình Nhà nước Syria cáo buộc kênh Al-Jazeera kích động người dân sử dụng vũ khí chống lại Chính phủ Syria, cũng như việc kênh truyền hình này và các hãng truyền thông khác đã thông tin sai sự thật nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống al Assad.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm gia tăng sức ép với Chính phủ Syria. Tại hội nghị không chính thức bàn về tình hình Libya và Syria diễn ra trong hai ngày (2-3/9) ở Sopot, Ba Lan, Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã thông qua lệnh cấm vận bao gồm việc cấm mua, nhập khẩu và vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ từ Syria, áp dụng từ ngày 3/9.

EU cũng mở rộng danh sách các thể nhân và cá nhân bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh, trong đó có thêm 4 doanh nhân Syria bị cáo buộc cung cấp tiền cho chính phủ đương nhiệm Syria và 3 doanh nghiệp. Phát biểu với báo chí nhân kết thúc hội nghị, bà Catherine Ashton, người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU cho biết: EU đã thông qua các biện pháp giới hạn mới nhằm ngăn chặn các nguồn thu tài chính của chính quyền Syria. Mục tiêu của những biện pháp đó là gia tăng áp lực kinh tế để đạt được kết quả chính trị, qua đó chấm dứt tình trạng đổ máu và giúp người dân Syria đạt được những nguyện vọng chính đáng của họ.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phản ứng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mới của EU. Phát biểu với báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại Dushanbe, Tajikistan, ông Lavrov khẳng định Nga phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều này sẽ phá hỏng phương pháp đối thoại trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Còn cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arab và hiện là ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống Ai Cập, ông Amr Moussa cho rằng số phận của mỗi nước thành viên cần do chính người dân nước đó quyết định.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Syria ngày 15/3, đã có hơn 2.200 người thiệt mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên