Biểu tình Iran: Nấc thang mới trong quan hệ căng thẳng với Mỹ
VOV.VN - Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3/1 tuyên bố làn sóng bất ổn tại nước này trong vài ngày qua đã kết thúc.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hòa bình trong “khuôn khổ pháp luật” vẫn có thể tiếp tục diễn ra tại quốc gia Trung Đông này. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng bị đẩy lên một nấc thang mới khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt Iran liên quan đến các hoạt động trấn áp biểu tình, trong khi quốc gia Hồi giáo này ngày hôm qua (3/1) đã chính thức gửi thư cáo buộc Mỹ “kích động biểu tình” lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người biểu tình tại Iran. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Mohammad Ali Jafari cho biết, nước này đã có thể tuyên bố các hoạt động “nổi loạn” đã kết thúc. Theo ông Jafari, có tối đa 1.500 người tại mỗi địa điểm xảy ra nổi loạn và số người gây rối không vượt quá 15.000 người trên phạm vi toàn quốc.
Nhiều đối tượng gây rối “chủ chốt” được các phần tử phản cách mạng huấn luyện, đã bị bắt giữ và sẽ sớm bị đưa ra xét xử. Ông Jafari khẳng định, lực lượng vũ trang Iran chỉ can thiệp “một cách có giới hạn” đối với một số cuộc biểu tình “quá khích” tại các tỉnh Isfahan, Lorestan và Hamedan.
“Các phần tử phản cách mạng” hay “kẻ thù bên ngoài đất nước” được giới chức Iran những ngày qua xem là những kẻ “đạo diễn” cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở nước này.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho rằng, các kẻ thù của quốc gia này đang tìm kiếm cơ hội và kẽ hở để xâm nhập và tấn công Iran, bằng nhiều cách thức khác nhau như chính trị, vũ khí, vật chất thậm chí là tình báo. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, Ali Shamkhani cáo buộc Mỹ, Anh và Saudi Arabia là 3 nước đừng đằng sau các vụ bạo loạn trên.
Một loạt các cuộc tuần hành “ủng hộ chính phủ Iran” cũng đã diễn ra ngày hôm qua tại nhiều thành phố nhằm chống lại các “hoạt động gây rối” từ bên ngoài. Hàng nghìn người tuần hành mang khẩu hiệu ủng hộ lãnh đạo tối cao Kha-mê-nây và các khẩu hiệu phản đối Mỹ.
Thêm vào đó, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Gholamali Khoshroo cũng đã gửi một lá thư tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổng Thư ký Antonio Guterres, chính thức cáo buộc Mỹ can thiệp vào vấn đề nội bộ nước này. Ông Gholamali Khoshroo cáo buộc Mỹ hỗ trợ một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ, tạo điều kiện để những kẻ chống phá lợi dụng tình hình.
Do đó, Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời hối thúc các nước lên án những tuyên bố “thái quá” gần đây của Washington nhằm xúi giục người dân Iran tham gia vào những hành động nổi loạn.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn đang tìm cách áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan tới làn sóng bất ổn tại quốc gia Hồi giáo này trong vài ngày qua. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, chính phủ Mỹ đang đánh giá tình hình, dự kiến sẽ bắt đầu thu thập thông tin để làm cơ sở đưa ra các cơ chế trừng phạt.
Quốc tế đã đưa ra những phản ứng “nhất định” về các cuộc biểu tình tại Iran. Nhiều tổ chức Liên Hợp Quốc kêu gọi người dân Iran nên kiềm chế và bày tỏ “ý kiến” trong hòa bình, đồng thời kêu gọi chính phủ quốc gia Trung Đông này xử lý vấn đề một cách khéo léo.
Người phát ngôn Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Elizabeth Throssell hôm qua cho biết: “Cao ủy nhân quyền đang rất quan tâm đến tình hình tại Iran. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Iran nỗ lực hết sức để giải quyết căng thẳng, xử lý tình huống một cách cẩn thận, để tránh gây ra thêm các vụ tấn công và bạo lực”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không ngần ngại cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hậu thuẫn các cuộc biểu tình tại Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi duy trì đối thoại với Iran, đồng thời cảnh báo rằng các phát biểu của Mỹ, Israel và Saudi Arabia về tình hình tại Iran đang có nguy cơ “dẫn tới chiến tranh”.
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Mashhad - thành phố lớn thứ 2 của Iran hôm 30/12 vừa qua trước khi lan rộng ra các thành phố khác. Một trong những yêu sách của những người biểu tình là cải thiện điều kiện sống của người dân, giải quyết tình trạng thất nghiệp và tham nhũng kinh tế... Tuy nhiên, bạo loạn và đụng độ trong biểu tình đã diễn ra một số tỉnh, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hơn 450 người khác bị bắt giữ./.
Mổ xẻ lý do đằng sau các cuộc biểu tình bạo động chết người ở Iran