Cảnh báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên muốn gì ở ông Trump?

VOV.VN - Triều Tiên ngày 16/5 tuyên bố sẽ không tham gia đàm phán với Mỹ nếu Mỹ chỉ tập trung gây sức ép mà không tính đến quyền phòng vệ của Triều Tiên.

Triều Tiên phản đối áp dụng hình mẫu của Lybia

Thứ trưởng Ngoại giao Thứ nhất Triều Tiên Kim Kye-gwan ngày 16/5 tuyên bố, nước này sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào chỉ đơn phương đề cập đến tiến trình phi hạt nhân hóa mà không tính đến quyền phòng vệ của Triều Tiên, tương tự như mô hình giải trừ hạt nhân ở Lybia.

Triều Tiên đe dọa hủy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến được tổ chức ở Singapore. Ảnh: CNN.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, ông Kim Kye-gwan đã lên tiếng chỉ trích yêu cầu của Mỹ về việc đòi hỏi Triều Tiên phải nhượng bộ cũng như từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện.

“Chúng tôi sẽ không quan tâm đến đàm phán Mỹ-Triều nữa nếu Mỹ cố gắng dồn chúng tôi vào đường cùng và buộc chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sẽ không tránh khỏi việc chúng tôi phải xem xét lại việc xúc tiến Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới với Mỹ”.

Nhà ngoại giao này cũng khẳng định: “Đây không phải là nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đối thoại mà thực sự là ý đồ áp dụng mô hình lật đổ chính phủ kiểu Lybia và Iraq đối với Triều Tiên. Tôi nghi ngờ liệu Mỹ có thực sự muốn đối thoại hay đàm phán không. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng, thế giới nên hiểu Triều Tiên không phải là Lybia hay Iraq”.

Ông Kim Kye-gwan cũng lên án việc gây sức ép thông qua tăng cường áp đặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời cáo buộc Washington đang hiểu nhầm “sự rộng lượng và thiện chí” của Triều Tiên là sự yếu đuối. Theo quan chức này, Mỹ nên tham gia đàm phán với sự chân thành và Triều Tiên sẽ đưa ra những phản ứng phù hợp.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo hủy một cuộc đối thoại cấp cao đã lên lịch từ trước với Hàn Quốc, dọa rút khỏi Thượng đỉnh Mỹ - Triều nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận.

Trước đó nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ sự không hài lòng đối với các phương án giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên, trong đó có hình mẫu kiểu Lybia, cho rằng hết sức phi lý khi so sánh một quốc gia đang ở giai đoạn đầu phát triển hạt nhân với một quốc gia đã sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhắc lại nhu cầu được đảm bảo an ninh từ phía Bình Nhưỡng, đề nghị Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên. Thêm vào đó, phía Triều Tiên cho biết không quan tâm đến tuyên bố của Mỹ đưa ra ưu đãi về kinh tế đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Mỹ nói rằng sẽ đảm bảo sự phát triển kinh tế cho Triều Tiên nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ tìm cách phát triển kinh tế bằng cách đặt mọi kỳ vọng vào phía Mỹ và thỏa thuận như vậy sẽ không bao giờ xảy ra”, ông Kim Kye-gwan cho biết thêm.

Thế nào là phi hạt nhân kiểu Lybia?

Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox New hôm 29/4 về việc liệu Triều Tiên có nhận được nhượng bộ nào từ Mỹ trước khi từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, tên lửa hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết:  “Chúng tôi đã nghĩ trong đầu kiểu mẫu Lybia từ những năm 2003-2004”. Đây được coi là phương pháp giải trừ hạt nhân nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Theo kiểu mẫu Libya, Triều Tiên sẽ phải giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được bất kỳ nhượng bộ nào từ Mỹ. Mỹ đã áp dụng thành công phương pháp này để chặn được sự phát triển vũ khí hạt nhân của Lybia trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

“Có sự khác nhau rõ ràng. Chương trình hạt nhân của Libya nhỏ hơn nhiều. Nhưng về cơ bản đó là sự thống nhất chúng tôi đã có” - ông Bolton nói, ám chỉ việc Triều Tiên đã đồng ý với Hàn Quốc năm 1992 sẽ từ bỏ mọi mặt của chương trình hạt nhân, bao gồm làm giàu uranium và tái chế plutonium.

Lybia đã tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh của nước này trong bối cảnh quan hệ giữa Lybia và Mỹ xấu đi sau vụ đánh bom chiếc máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am  từ London tới New York, khiến 243 hành khách và 16 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng năm 1988.

Khi phải đối mặt với làn sóng trừng phạt và sự cô lập từ cộng đồng quốc tế, cùng với mối đe dọa an ninh sau cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, Lybia đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân vào năm 2003. Trường hợp giải trừ hạt nhân của Lybia được coi là khá thành công và chỉ mất chưa đầy 2 năm để nước này tháo dỡ các cơ sở hạt nhân cũng như chuyển các nguyên liệu trong chương trình hạt nhân tới Mỹ. Tuy nhiên, sau thành công này là sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi.

Giới quan sát nhận định, đề xuất áp dụng mô hình kiểu Lybia đối với Triều Tiên, Mỹ ngầm gửi thông điệp rằng quá trình phi hạt nhân hóa cần phải được thực hiện hoàn toàn, minh bạch và không thể kéo dài.

Triều Tiên muốn gì ở Mỹ?

Giới quan sát cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ như không thực sự muốn hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bởi xét cho cùng, một trong những điều mà Triều Tiên mong muốn nhất hiện nay là cuộc gặp mặt đối với mặt với Tổng thống Mỹ, điều mà các cố lãnh đạo Triều Tiên trước kia chưa từng thực hiện.

Tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên là phép thử đối với Tổng thống Donald Trump. Trước đó, ông Trump từng mạnh miệng khẳng định ông là người có công lớn nhất đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán, thông qua những biện pháp trừng phạt và gây áp lực liên tục.

Ông Ankit Panda, chuyên gia phân tích của Triều Tiên cho rằng, Triều Tiên có thể đang thử thách xem nhà lãnh đạo Mỹ muốn một cuộc gặp như thế nào và liệu ông có dám hủy cuộc tập trận để đảm bảo cuộc gặp sẽ diễn ra. “Những gì đang diễn ra ở đây là chiêu bài ngoại giao”, ông Panda nói. Tất cả những gì Triều Tiên thể hiện không đồng nghĩa với việc Triều Tiên không quan tâm đến cuộc gặp sắp tới. Theo nhà nghiên cứu Triều Tiên Jeffrey Lewis, tại Học viện Quốc tế Middlebury: “Triều Tiên sẽ không bỏ lỡ cuộc gặp lần này”.

Cựu phóng viên kỳ cựu Frida Ghitis của CNN và Washington Post cho rằng ông Kim đang cố gắng làm chính xác những gì mà các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il đã làm, đó là đòi nhượng bộ, đạt lợi ích về chính trị, kinh tế đổi lấy việc Triều Tiên hạn chế ở một mức độ nào đó chương trình hạt nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Kim Jong-un viết gì trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa Bình?
Ông Kim Jong-un viết gì trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa Bình?

VOV.VN - Trước khi hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã để lại bút tích trong sổ lưu niệm tại tòa Nhà Hòa Bình.

Ông Kim Jong-un viết gì trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa Bình?

Ông Kim Jong-un viết gì trong sổ lưu niệm tại Nhà Hòa Bình?

VOV.VN - Trước khi hội đàm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã để lại bút tích trong sổ lưu niệm tại tòa Nhà Hòa Bình.

“So găng ngoại giao” giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ: Ai sẽ thắng?
“So găng ngoại giao” giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ: Ai sẽ thắng?

VOV.VN - Cả Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có những toan tính và lợi ích riêng trước khi bước vào bàn đàm phán.

“So găng ngoại giao” giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ: Ai sẽ thắng?

“So găng ngoại giao” giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ: Ai sẽ thắng?

VOV.VN - Cả Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều có những toan tính và lợi ích riêng trước khi bước vào bàn đàm phán.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?
Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, thông qua rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ gửi cảnh báo đến Triều Tiên?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, thông qua rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều.