Canh bột lá yao – Món ăn “cộng đồng” của người Êđê

VOV.VN - Trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, người Êđê thường nấu các món ăn truyền thống trong đó canh bột lá yao là món được nhiều người yêu thích. 

Tiếng chày giã vang lên nhịp nhàng, từng nhát chày nện thình thịch vào cối gạo tẻ ngâm mềm, giã cùng lá yao cho nhuyễn mịn. Đó là nguyên liệu chính không thể thiếu của người Êđê khi chế biến món canh bột lá yao.

Các nguyên liệu chính để nấu món canh bột lá yao.
Chị H Linh Ayun, ở buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, canh bột lá yao là món ăn truyền thống của người Êđê đã có từ thời ông bà, được ưa chuộng tới tận ngày nay.

Mỗi khi trong gia đình hay trong buôn có đám, tiệc, các chị em phụ nữ lại tụ họp, mỗi người một tay chuẩn bị các nguyên liệu, người chặt cây chuối, người thái mít non, người nhóm bếp củi thật to để chuẩn bị nấu canh.

Trong gian bếp, các chị em người Êđê đang tất bật nấu ăn.
“Canh bột lá yao có ý nghĩa rất quan trọng với người Êđê vì đây là món ăn truyền thống của người Êđê từ ngày xưa và đến nay vẫn còn tồn tại. Có những dịp lễ ăn mừng hoặc là lễ đầu năm ăn cơm trong gia đình, sum họp gia đình hay các ngày lễ ăn mừng hoặc đám ma thì cũng nấu món canh này”, Chị H Linh Ayun nói.

Canh bột lá yao thường được nấu trong những chiếc nồi đồng hay nồi gang to. Món ăn này có nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp như thịt bò, xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, lõi cây chuối non, ớt, củ nén. Các nguyên liệu này có thể thay đổi theo sở thích hoặc khẩu vị của người nấu, tận dụng những nguyên liệu có sẵn theo mùa.

Tô canh bột lá yao (góc dưới bên phải) được bày ra cùng nhiều món ăn truyền thống trong bữa ăn.
Đặc biệt, thành phần không thể thiếu là gạo và lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm, hình dáng gần giống lá trầu không). Gạo sau khi ngâm mềm sẽ được để ráo nước, sau đó giã chung với lá yao cho tới khi nát đều, mịn như bột, bột càng mịn thì món canh càng ngon.

Chị H Saly Mlô, ở buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước kia, lá yao chỉ có ở trên rẫy, trong rừng nên để nấu món canh này, các chị em phải đi hái lá yao từ sáng sớm hoặc từ chiều hôm trước. Khi hái thường chọn những lá vừa già tới, có màu xanh đậm, không hái lá non vì khi nấu món canh sẽ không có được màu xanh đẹp mắt.

Cả gia đình cùng thưởng thức bữa ăn với những món ăn truyền thống.
“Lá yao thì được hái từ trong rừng hoặc trên rẫy sau đó về dùng gạo ngâm cho đến khi gạo mềm ra thì giã cùng với lá yao đó. Ta nấu nồi nước trên bếp cho sôi và bỏ các nguyên liệu vào sau đó mới hòa bột lá yao đã giã vào nấu chung. Thường thì sẽ cho các loại thịt nấu cùng hình như thịt heo hay thịt bò, như vậy món canh bột lá yao sẽ càng thêm ngon”, chị H Saly Mlô cho biết thêm.

Khi nấu món canh bột lá yao, người Êđê thường xào sơ phần thịt hoặc hầm xương cho nhừ, sau đó cho mít non, lõi chuối non, cà đắng khô vào nấu mềm, rồi mới đến các nguyên liệu như môn thục, môn nước. Khi các nguyên liệu gần chín tới thì mới bỏ nước chắt từ hỗn hợp bột gạo giã vào nồi và khuấy đều, nêm, nếm cho vừa ăn. Sau khi đã bỏ bột vào thì phải bớt lửa đồng thời phải đảo liên tục để bột gạo không bị lắng xuống gây cháy nồi, ảnh hưởng độ ngon của nồi canh.

Chị H Loan Byă, ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuy cuộc sống ngày càng hiện đại và nhiều nét sinh hoạt của người Êđê dần mất đi theo thời gian, nhưng trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, người Êđê vẫn được gắn kết bởi những món ăn truyền thống. Nhất là đối với các chị em, đây chính là dịp để nhiều thế hệ các bà, các chị cùng trò chuyện, truyền lại cho nhau bí quyết chế biến các món ăn của cộng đồng.

“Đây là một món được yêu thích trong gia đình, nhất là đối với những người con đi xa nhà lâu ngày như đi học hoặc đi làm thì mỗi khi trở về nhà đây là món khiến người ta thèm và nhớ nhất. Đối với tôi là một người trẻ thì tôi vẫn rất mong được học cách chế biến món canh này không chỉ nấu cho bản thân thưởng thức mà còn để có thể hướng dẫn cho bạn bè, các chị em, cả con cháu sau này nữa để họ cũng có thể gìn giữ và biết cách nấu món canh này”, Chị H Loan Byă nói.

Cũng như cà đắng, món canh bột là món ăn truyền thống, mang đặc trưng của người Êđê. So với canh cà đắng thì canh bột lá yao có chút kỳ công hơn khi chuẩn bị nguyên liệu. Trong những dịp lễ, tiệc quan trọng thì món canh bột là món ăn phổ biến được gia chủ làm để thiết đãi khách quý.

Trong bữa ăn, món canh bột lá yao thường được ăn kèm với cơm, cùng với các món truyền thống khác của người Êđê như cà đắng giã muối ớt, đu đủ giã kiến vàng, lá mì (sắn) xào, xôi nếp hấp… Giữa nhiều món ăn được bày ra, tô canh bột lá yao hấp dẫn người thưởng thức bởi màu sắc và mùi thơm dìu dịu. Khi ăn vào sẽ cảm nhận chút vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị béo béo của thịt nấu nhừ và cả mùi thơm dịu của lá yao. Có lẽ vì vậy mà càng ăn canh bột lá yao càng hao cơm, càng muốn ăn và sau đó nhớ mãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đắk Lắk: Phục dựng lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê
Đắk Lắk: Phục dựng lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê

VOV.VN -Sáng nay (24/9), Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê trước khi chặt hạ cây long não cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng.

Đắk Lắk: Phục dựng lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê

Đắk Lắk: Phục dựng lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê

VOV.VN -Sáng nay (24/9), Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ cúng chặt hạ cây của người Ê Đê trước khi chặt hạ cây long não cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng.

Kpan - Chiếc ghế quyền lực của người Ê đê
Kpan - Chiếc ghế quyền lực của người Ê đê

VOV.VN - Khi cùng ngồi trên ghế Kpan, mọi hận thù, khoảng cách về giai cấp địa vị sẽ được xóa đi, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại.

Kpan - Chiếc ghế quyền lực của người Ê đê

Kpan - Chiếc ghế quyền lực của người Ê đê

VOV.VN - Khi cùng ngồi trên ghế Kpan, mọi hận thù, khoảng cách về giai cấp địa vị sẽ được xóa đi, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại.