Đối thoại Mỹ – Triều Tiên không thể thay thế Đàm phán 6 bên

Trả lời phỏng vấn báo chí, một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, mục đích của cuộc đối thoại song phương này nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa theo nội dung Văn kiện chung 19/9/2005.

Theo hãng tin Yonhap, Chính phủ Mỹ ngày 13/9 (giờ địa phương) khẳng định, cho dù cuộc đối thoại song phương Mỹ – Triều Tiên sẽ được xác định trong vòng 2 đến 3 tuần tới, nhưng nó không phải là cuộc đàm phán đơn độc, tách rời hoặc thay thế cơ chế Đàm phán 6 bên.

Trong cuộc trả lời báo giới cùng ngày, một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, mục đích của cuộc đối thoại song phương này nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa theo nội dung Văn kiện chung 19/9/2005, cuộc đối thoại này sẽ không thể trở thành điểm xuất phát của một hiệp định phi hạt nhân mới trên bán đảo Triều Tiên. Vị quan chức này cũng khẳng định, Đàm phán 6 bên chỉ là biện pháp chứ không phải điểm cuối của vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mục tiêu cuối cùng không thể thay đổi của vấn đề này là thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Liên quan đến kế hoạch đối thoại Mỹ – Triều tới đây, vị quan chức này cho biết, trên cơ sở trao đổi ý kiến với các bên liên quan như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc về thời cơ, mức độ, địa điểm, nội dung của cuộc đối thoại, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth đang tiến hành công tác chuẩn bị tiếp theo song vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không thể chấp nhận việc Bình Nhưỡng có ý thoát khỏi cơ chế Đàm phán 6 bên và những thỏa thuận đã đạt được, tuy nhiên Mỹ có thể đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên nếu có lợi cho việc nước này tuân thủ các nghĩa vụ của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên