EU ban hành lệnh cấm vận dầu lửa đối với Syria

Lệnh cấm vận dầu lửa của EU đối với Syria bao gồm việc cấm mua, nhập khẩu và vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ

Hôm qua (2/9), Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Syria và mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và thể nhân ở nước này. Lệnh cấm vận được đưa ra đúng vào thời điểm Hội nghị Ngoại trưởng EU tại Sopot, Ba Lan đang bàn về tình hình tại Libya và Syria.

Bà Catherine Ashton (áo xanh) và các đại biểu Hội nghị Ngoại trưởng EU chụp ảnh lưu niệm tại Khách sạn ở Sopot, Ba Lan (Ảnh Reuters)

Lệnh cấm vận dầu lửa của EU đối với Syria bao gồm việc cấm mua, nhập khẩu và vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ từ quốc gia Tây Á này. Các giao dịch dầu lửa với Syria cũng sẽ không được hưởng bất cứ một dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm nào. Lệnh cấm sẽ được thực hiện ngay từ hôm nay (3/9), mặc dù phải đến ngày 15/ 11 tới, các công ty châu Âu mới có thể kết thúc toàn bộ các hợp đồng cung cấp dầu mỏ với Syria. Đây là lệnh cấm đầu tiên của EU nhắm đến ngành công nghiệp của Syria.

EU cũng mở rộng danh sách các thể nhân và cá nhân bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh, trong đó có thêm 4 doanh nhân Syria bị cáo buộc cung cấp tiền cho chính phủ đương nhiệm Syria và 3 doanh nghiệp. Trước đó, đã có 50 cá nhân và thể nhân bị liệt vào danh sách trừng phạt của EU, trong đó có Tổng thống Syria Bashar Al Assad và 8 công ty của Syria và Iran. Các động thái này được xem là để tạo lên sức ép buộc ông Al Assad phải ra đi.

Phát biểu hôm qua, Ủy viên cấp cao phụ trách quan hệ đối ngoại và chính sách an ninh chung của Liên minh châu Âu - bà Catherine Ashton - cho biết: “27 đại diện của các nước thành viên đã xem xét những gì chúng tôi có thể làm để tạo thêm gây áp lực chính trị và kinh tế đối với Syria. Những cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn tiếp diễn. Gần như trong mỗi cuộc họp, chúng tôi lại đưa ra thảo luận các biện pháp cần phải làm. Trong suốt thời gian qua chúng tôi đã nỗ lực để có đưa ra 1 quan điểm chung của 27 nước thành viên về tình hình ở Syria. Và quan điểm đó lúc này đã thành sự thật. Chính quyền ở Syria phải chấm dứt bạo lực và giết chóc.” 

Trong khi đó, biểu tình đã xảy ra tại nhiều nơi ở Syria nhằm gia tăng sức ép đòi chính phủ đương nhiệm từ chức. Những nhà hoạt động đối lập cáo buộc ít nhất 3 người thiệt mạng và một số người bị thương khi đụng độ với lực lượng an ninh. Ngoài ra, phe đối lập còn thông báo những người biểu tình đã tập hợp quanh nhà riêng của người đứng đầu ngành tư pháp tỉnh Hama, ông Mohammed Adnan Al-Bakhour để ủng hộ quyết định từ chức của ông này. Theo các nguồn tin, trong một băng hình được công bố trên Internet, ông Al-Bakhour nói rằng ông từ chức để phản đối việc chính phủ dùng các biện pháp mạnh giải tán biểu tình. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Syria cho biết ông Al-Bakhour đã bị bắt cóc và bị ép buộc đưa ra những phát ngôn trên.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, bạo lực tại Syria trong 5 tháng qua đã làm ít nhất 2.000 người thiệt mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên