Giải pháp nào cho Palestine gia nhập Liên Hợp Quốc?

Mỹ, một số nước Liên minh châu Âu (EU) và Israel đang tìm mọi cách ngăn cản kế hoạch của Palestine vì cho đây là hành động đơn phương, làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình Trung Đông.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa Khóa họp thường niên lần thứ 66 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ khai mạc tại thành phố New York, Mỹ. Một sự kiện đặc biệt được cả thế giới quan tâm đó là việc Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ đệ đơn xin Liên Hiệp Quốc công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của tổ chức này.

Là một đồng minh thân cận của Israel tại Trung Đông, Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của ngoại trưởng Palestine Riad Al Malaki rằng Tổng thống Abbas sẽ nộp đơn trực tiếp cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vào ngày khai mạc đại hội đồng diễn ra cuối tháng 9 này để xin công nhận là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Phản ứng về kế hoạch này, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố: “Đối với Palestine mọi hành động làm bất hợp pháp hóa Israel sẽ dẫn đến một thất bại và hành động tượng trưng đó của Palestine nhằm cô lập Israel tại Liên hợp quốc sẽ không tạo ra một nhà nước Palestine độc lập.”

Trong một nỗ lực nhằm ngăn cản kế hoạch của Palestine, Mỹ đã cử hai quan chức cấp cao của mình là ông David Hale, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Trung Đông và ông Dennis Ross, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama tới gặp các nhà lãnh đạo của cả Israel và Palestine để thuyết phục Palestine rút lại quyết định của mình và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, những nỗ lực đó  không mang lại hiệu quả do vậy Mỹ tiếp tục đe dọa sử dụng quyền phủ quyết nếu vấn đề này được đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Cách duy nhất để đạt được một giải pháp bền vững đó là thông qua con đường đàm phán trực tiếp giữa hai bên và giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề đó sẽ ở Jerusalem và Ramallah chứ không phải ở New York.”

Trong những ngày gần đây, các quan chức ngoại giao của cả Palestine và Israel đều hoạt động hết công suất nhằm thực hiện các hoạt động thăm dò, tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh và các thành viên khác thuộc Liên Hiệp Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon nói rằng nếu Palestine nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc điều đó sẽ dẫn đến việc  mọi thỏa thuận hiện tại giữa hai bên sẽ không còn giá trị. “Israel sẽ từ bỏ các cam kết và phía Palestine sẽ phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi đó, các nhà phân tích chính trị thì cho rằng việc chống lại kế hoạch này của Palestinesẽ làm tăng thêm làm sóng phản đối Mỹ trong thế giới Ả-rập, một khu vực vốn đã có quá nhiều biến động và bất ổn trong thời gian vừa qua. Ông Ghaith Al- Omari, giám đốc điều hành Nhóm đặc nhiệm của Mỹ về Palestine nhận định:“Sẽ có thêm nhiều các cuộc biểu tình chống Mỹ và tư tưởng phản đối Mỹ sẽ trở thành trung tâm trong cộng đồng Ả rập, Bên cạnh đó tôi cho rằng sẽ khó hơn rất nhiều cho chính phủ thân Mỹ ở Trung Đông tiến hành các hoạt động hợp tác.”

Vậy, trước các sức ép trên Palestine sẽ hành động như thế nào? Vấn đề của Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc sẽ có thể thực hiện theo hai cách: Thứ nhất  là đưa ra Hội đồng Bảo an, nếu được thông qua, Palestine sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đây là giải pháp không khả thi khi Mỹ, một trong 5 thành viên của Hội đồng Bảo an khẳng định sẽ dùng phủ quyết để ngăn chặn kế hoạch này. Giải pháp thứ 2 là Palestine sẽ đưa vấn đề đó ra Đại hội đồng, vì hình thức bỏ phiếu tại Đại hội đồng đơn giản hơn, chỉ với đa số phiếu Palestine cũng sẽ có thể trở thành một nước quan sát viên. Mặc dù chưa được là thành viên của Liên hợp quốc, nhưng với trạng thái này, Palestine có thể trở thành thành viên của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc như UNESCO, UNICEF. Đây là điều có lợi cho Palestine.

Theo nhận định của ông Saeb Erakat, người phụ trách đàm phán của Palestine thì nước này hy vọng có thể giành được sự ủng hộ của 150 thành viên trên tổng số 193 thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong đó Nga và Trung quốc, hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo an cũng ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Palestine./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên