“Cối xay thịt” Verdun - trận đánh đẫm máu giữa lính Pháp và Đức

VOV.VN - Cả Pháp và Đức đã mất rất nhiều binh sĩ trong những cuộc bắn phá đẫm máu kéo dài trong trận đánh Verdun “địa ngục”.

Khu vực nông thôn phía bắc nước Pháp từng là nơi diễn ra trận đánh Verdun đúng một thế kỷ trước.

Cối xay thịt

Bên dưới cánh rừng Bois Azoule là hài cốt của hàng ngàn người lính mà không ai trong số họ có thể tìm thấy được do tác động của các chất hóa học và chất nổ. Có những vùng cấm lai vãng bên trong khu rừng này do còn bom mìn vương lại.

Chiến trường Verdun. Ảnh: Getty.

Tại Verdun, người Đức chủ động làm cho người Pháp “mất máu” đến chết, theo đúng nghĩa đen của từ này. Và do vậy trận đánh Verdun – trận đánh dài nhất trong Thế chiến thứ 1, đã để lại những hậu quả nặng nề và thương vong lớn và làm cho Pháp mất vị thế cường quốc lớn.

Trận Verdun đã tiêu diệt tinh thần chiến binh của người Pháp và nước Pháp dù cho họ luôn cố phủ hào quang lên trận chiến đó.

Trong nhiều thập kỷ sau trận này, người Pháp sẽ cố gắng ở mức có thể để tránh phải đánh nhau. Chính vì trận này mà họ đã nhanh chóng đầu hàng Hitler vào năm 1940.

Vào riêng ngày đầu tiên, người Đức đã tung 140.000 lính vào cuộc tàn sát. Kèm với đó là một triệu quả đạn pháo.

Ý tưởng của Erich von Falkenhayn, tổng tham mưu trưởng quân đội Đức khi đó là đánh tiêu hao quân Pháp một cách tàn bạo.

Nhưng khi quân Đức sau đó tiến lên vùng đất đã bị xé nát vì đạn đại bác thì họ vẫn vấp phải một số ổ đề kháng Poilus. Các tay súng Pháp đã kiên cường bắn trả đối phương.

Cách thức chiến đấu trong ngày đầu tiên đó kéo dài trong hàng tháng trời ở Verdun: Quân Đức giội bão lửa lên trận địa đối phương rồi ồ ạt xông lên. Quân Pháp sẽ bít các lỗ hổng và đáp trả bằng những đòn chết người. Cứ thế mọi việc diễn ra lặp đi lặp lại.

Khi quân Đức chiếm được một số chiến hào vòng ngoài và pháo đài Douaumont, phía Pháp đã cử tướng Philippe Petain đến bảo vệ Verdun với mệnh lệnh phải giữ thị trấn này bằng bất cứ giá nào.

Tướng Philippe Petain tuân thủ mệnh lệnh. Ông bố trí một đường tiếp tế dài 50 dặm tên là “La Voie Sacrée” để đưa quân của mình vào cái “cối xay thịt” này.

Trong số 330 trung đoàn bộ binh của lục quân Pháp, có 259 trung đoàn chiến đấu ở Verdun.

Tướng Petain đã không khôn ngoan khi tham gia “trò chơi” của tổng tham mưu trưởng Đức Falkenhayn.

Tất nhiên người Đức cũng đổ máu nhiều.

Franz Marc, một họa sĩ Đức làm lính kỵ binh đã chứng kiến cảnh đồng đội bị thương phải tháo lui ồ ạt khỏi cao điểm Le Mort Homme.

Viết thư về nhà, ông miêu tả: “Trong nhiều ngày tôi chỉ thấy độc có những cảnh hãi hùng nhất có thể vẽ ra trong đầu. Verdun là hình ảnh địa ngục”.

Bản thân Marc về sau đã thiệt mạng vì một mảnh pháo văng trúng đầu.

Nã pháo liên tục trong gần 1 năm

Đến giữa hè 1916, trận Verdun trở thành một cuộc chém giết lẫn nhau bằng đại bác. Quân lính hai bên bị ghim chặt xuống chiến hào trong những ngày dài bất tận.

Một lính Pháp nhớ lại: “Anh phải ăn bên cạnh xác chết, anh phải uống bên cạnh tử thi, anh đi vệ sinh rồi ngủ cũng bên cạnh người chết”.

Trung úy Henri Desagneaux, thuộc trung đoàn bộ binh số 2 của Pháp, viết trong nhật ký: “Đó là trận đánh hủy diệt – người chọi với pháo”. Bom rơi 24/7. “Đêm, mặt trận cũng nóng rẫy vì lửa đạn”.

Người ta ước tính 60 triệu quả đạn pháo đã bắn đi trong suốt 303 ngày diễn ra trận đánh này. Chín ngôi làng bị xóa sổ.

Việc ném bom bão hòa đã biến phong cảnh nơi đây thành nơi hoang tàn.

Người Đức còn sử dụng các loại vũ khí độc hại như là khí phosgene và súng phun lửa. Trận chiến giằng co từng tí một cho đến cuối tháng 6/1916.

Khi đó chiến thắng gần như nằm trong tay người Đức. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Vào “phút 89”, lực lượng quân Đồng minh của Pháp ở các mặt trận khác đã kịp thời cứu Pháp. Cuộc tấn công Brusilov của Nga ở mặt trận phía Đông đã buộc tướng Falkenhayn phải điều bớt quân sang mặt trận phía Tây.

Thêm vào đó, nguyên soái Anh Haig nhất trí đẩy ngày mở màn trận đánh Somme lịch sử lên sớm, vào ngày 1/7.

Trước tình hình đó, quân Đức có ít quân hơn và cuộc tấn công Verdun suy yếu dần. Gió đổi chiều. Quân Pháp phản công và quân Đức phải bám trụ. Quân Pháp xung phong nhiều đợt, quăng tới 240.000 quả lựu đạn mỗi ngày, bước qua nhiều xác chết của lính Đức.

Một lính Pháp nhớ lại: “Mọi người phải bước qua nhiều xác chết đang phân hủy, còn tay và quần áo thì dính mùi thối rữa”. Họ chiến đấu một cách điên cuồng.

Đến ngày 18/12/2016, quân Pháp đã đẩy lui quân Đức trở lại vị trí ban đầu.

Để giành “chiến thắng”, phía Pháp đã mất tới 162.000 lính. Cứ 10 lính Pháp chết trận trong Thế chiến 1 thì có 1 người ở Verdun. Sau năm 1918, Pháp rất ngại phải đổ máu tiếp.

Sau này nguyên soái Petain đã đề xuất xây dựng chiến lũy kiên cố Maginot bằng bê tông dọc theo biên giới Pháp-Đức để tranh nguy cơ bị đổ máu một lần nữa.

Thế nhưng vào năm 1940, các binh đoàn xe tăng đã thực hiện đi vòng để vượt qua chiến lũy này. Đức vận dụng vận động chiến còn Pháp vẫn bám lấy tư tưởng chiến tranh tĩnh và do vậy chuốc lấy thất bại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2
Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

VOV.VN - Trận đánh Stalingrad là một trong các chiến dịch bản lề trong Thế chiến 2. Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử chiến tranh kết thúc vào ngày 3/2/1943.

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

Loạt ảnh tư liệu về trận đánh lịch sử Stalingrad trong Thế chiến 2

VOV.VN - Trận đánh Stalingrad là một trong các chiến dịch bản lề trong Thế chiến 2. Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử chiến tranh kết thúc vào ngày 3/2/1943.

10 trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến thứ 2
10 trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến thứ 2

VOV.VN - Lò lửa Thế chiến 2 đã tước đoạt mạng sống của hơn 60 triệu người. Có 10 trận đánh đẫm máu với thương vong từ gần 0,2 triệu đến gần 2 triệu người.

10 trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến thứ 2

10 trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến thứ 2

VOV.VN - Lò lửa Thế chiến 2 đã tước đoạt mạng sống của hơn 60 triệu người. Có 10 trận đánh đẫm máu với thương vong từ gần 0,2 triệu đến gần 2 triệu người.

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới
Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

VOV.VN - Trong những trận đánh diễn ra trong 1 ngày này, trận huyết chiến Borodino trên đất Nga được coi là đẫm máu nhất khi có tới 80.000 lính thương vong.

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

Những trận đánh một ngày đẫm máu nhất lịch sử quân sự thế giới

VOV.VN - Trong những trận đánh diễn ra trong 1 ngày này, trận huyết chiến Borodino trên đất Nga được coi là đẫm máu nhất khi có tới 80.000 lính thương vong.

Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử
Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử

VOV.VN - Trận Stalingrad giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô được coi là đẫm máu nhất không chỉ trong Thế chiến 2 mà còn cả trong lịch sử nhân loại.

Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử

Diễn biến trận đánh Stalingrad đẫm máu nhất lịch sử

VOV.VN - Trận Stalingrad giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô được coi là đẫm máu nhất không chỉ trong Thế chiến 2 mà còn cả trong lịch sử nhân loại.

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20
Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

VOV.VN - Thế kỷ 20 chứng kiến 10 trận đánh hoặc chiến dịch quân sự đẫm máu với tổn thất sinh mạng chưa từng có trong lịch sử loài người.

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

Những trận đánh đẫm máu nhất thế kỷ 20

VOV.VN - Thế kỷ 20 chứng kiến 10 trận đánh hoặc chiến dịch quân sự đẫm máu với tổn thất sinh mạng chưa từng có trong lịch sử loài người.