Dấu hiệu nhận biết cán bộ tình báo CIA đằng sau vỏ bọc ngoại giao

VOV.VN - Mật vụ KGB đã tỉ mỉ tìm ra các dấu hiệu này và dựa vào đó để “nhổ” hàng loạt điệp viên của cơ quan tình báo CIA (Mỹ) cài cắm ở Liên Xô.

Trong một bài viết mới đây, sử gia về Chiến tranh Lạnh Jonathan Haslam đã giải thích lý do vì sao các đặc vụ CIA ở nước ngoài liên tục bị các đối thủ Xô viết phanh phui. Sử gia này lý giải rằng đó là nhờ cách tiếp cận hệ thống của cơ quan tình báo Liên Xô trong hoạt động phân tích tình báo con người, chứ không phải là nhờ cài cắm gián điệp vào hàng ngũ CIA. Nhờ cách tiếp cận đó mà Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đã nhanh chóng nhổ tận gốc hàng loạt mạng lưới điệp viên CIA trên lãnh thổ Liên Xô.

Các đồ vật đi kèm của một cán bộ cơ quan an ninh-tình báo KGB, bao gồm 1 thẻ KGB, được trưng bày tại Bảo tàng Gián điệp ở thành phố Oberhausen của Đức vào tháng 4/2015. Ảnh: AFP.

Lùng sục điệp viên Xô viết

Tác giả Haslam là một giáo sư về lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Cambridge (Anh). Ông nhớ lại rằng CIA đã sốt sắng đẩy mạnh hoạt động trong nhiều thập kỷ Chiến tranh Lạnh để lật tẩy các điệp viên hai mang trong hàng ngũ của mình. Thế nhưng họ ít biết được rằng chính phương pháp hệ thống của Liên Xô trong công tác phản gián, chứ không phải là cài điệp viên hai mang vào CIA, mới là nguyên nhân chủ yếu khiến các chiến dịch tình báo của Mỹ liên tục thất bại.

Trong tiến trình Chiến tranh Lạnh, cơ quan KGB đã rất hiệu quả trong việc bóc gỡ các điệp viên CIA sử dụng vỏ bọc nhân viên ngoại giao, kéo theo vô số thất bại của người Mỹ, từ các chiến dịch không thành công cho tới việc các đặc vụ của họ bị bắt giữ.

James Angleton, trưởng Bộ phận Phản gián của CIA giai đoạn 1954-1975, đã rơi vào trạng thái hoang tưởng, nhìn đâu cũng nghi có gián điệp Liên Xô dẫn tới thất bại của CIA. Ông ta không nhận ra yếu tố năng lực phân tích của KGB.

Theo cách nói của Haslam, “vấn đề” trong “cách tư duy” của Angleton đối với gián điệp và đặc vụ hai mang là “nó không đánh giá cao an ninh của CIA cũng như là đánh giá thấp trí tuệ của các đối thủ Nga”.

Sự thực, theo sử gia này, đơn giản hơn nhiều.

Trong thời gian đến công tác ở Thái Lan và Nhật Bản vào cuối những năm 1950, một nhân viên KGB tên là Yuri Totrov bắt đầu xây dựng một hệ thống nhằm loại bỏ một cách có hệ thống các đặc vụ của tình báo Mỹ.

Không cần tiếp cận các hồ sơ nhân sự Mỹ, Totrov và KGB đã phát triển một hệ thống “khéo léo kết hợp sự hiểu biết sâu về hành vi con người với kiến thức hiểu biết chung và suy luận logic chặt chẽ” để tìm ra các đặc vụ Mỹ.

Nhận diện mẫu điệp viên Mỹ

Quay trở lại Moscow sau giai đoạn công tác ở châu Á, Totrov bắt đầu nghiên cứu các tàng thư của KGB nhằm vạch ra các mẫu hành vi ở các đặc vụ Mỹ từng bị giám sát, nghiên cứu tài liệu mở liên quan đến tình báo Mỹ, cùng với các dữ liệu do giới chức cảnh sát ở vô số nước tập hợp lại. Sau này, các đồng nghiệp của ông, cùng với các đối tác của Liên Xô trong khối Warsaw và Cuba tham gia vào dự án này.

Phù hiệu Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô, KGB. Ảnh: Tlegend.

Kết quả là - theo nhận xét của Haslam - Totrov và nhóm của ông đã đưa ra được “26 chỉ dấu bất biến với tư cách một mô hình nhận diện các nhân viên tình báo Mỹ”.

Các dấu hiệu này bao gồm các khác biệt trong cách đối xử đối với các nhân viên đại sứ quán chính cống và các nhân viên CIA khoác vỏ bọc ngoại giao, bao gồm sự khác biệt về mức lương, nhiệm kỳ ở các vị trí công tác, các chi tiết về độ tuổi tuyển dụng, và việc không phải đáp ứng yêu dự khóa học ngắn hạn ở Viện Ngoại giao của chính phủ Mỹ (các nhà ngoại giao thật của Mỹ đều được yêu cầu phải qua đào tạo ở đây). Các chỉ dấu khác bao gồm sự cách biệt về tiểu sử được công bố của đặc vụ mật, khả năng của họ thay đổi nơi làm việc mà không cần có lý do rõ ràng...

KGB phát hiện thấy các đặc vụ mật của Mỹ thường có vỏ bọc quan chức “chính trị” hoặc “lãnh sự”, nhưng khi họ về nước thì danh sách chính thức của Bộ Ngoại giao không có tên của họ hoặc nếu họ xuất hiện thì thường dưới danh nghĩa nhân viên phụ trách nghiên cứu và lập kế hoạch, hay an ninh lãnh sự. Tuy nhiên, các quan sát cho thấy văn phòng của các nhân viên này thường được đặt bên trong khu vực hạn chế tiếp cận của đại sứ quán, và các nhân viên đó thường sắp xếp gặp gỡ vào buổi tối, thường là ở ngoài thành phố, vào khoảng 19h30-20h. Trong khi các nhân viên thật của Ngoại giao Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về dự bữa ăn tối thì các nhân viên tình báo lại dễ dàng đi ăn theo ý mình.

Hơn nữa, Haslam giải thích thêm, “các dấu hiệu nhỏ nhặt hơn có thể bị nhân viên phản gián cảnh giác phát hiện ra”. Nhà sử học này lưu ý rằng Cục Nhân sự hải ngoại của CIA mắc một số lỗi cẩu thả như khi nhân viên CIA thay thế nhau thì thường giữ cùng một vị trí ngang cấp bậc, cùng đi một loại xe, và cùng thuê một căn hộ...

Điểm yếu cấu trúc

Sử gia Haslam nhắc lại rằng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và Liên Xô sụp đổ, CIA đã hứa trả Totrov “nhân vật huyền thoại được ví như giám đốc nhân sự ngầm bên trong CIA” một khoản tiền lớn để ông xuất bản hồi ký của mình, đồng thời tiết lộ các bí mật của các chiến dịch thu thập tình báo của KGB. Thế nhưng người cựu cán bộ KGB đó đã từ chối.

Theo quan điểm của Haslam, việc Totrov có thể tạo ra những tập danh sách (nhỏ như danh bạ điện thoại) tập hợp danh tính các nhân viên của CIA và các cơ quan tình báo đối ngoại khác cho Chủ tịch KGB Yuri Andropov đã chứng minh các khiếm khuyết cấu trúc bên trong chính phủ Mỹ, trong mối quan hệ giữa các cơ quan chính yếu trong lĩnh vực chính sách đối ngoại.

Haslam viết: “Một khi nắm được khiếm khuyết này, tất cả những gì Totrov làm là xâu chuỗi một cách hệ thống và vạch ra mẫu chung. Đây là tình báo con người ở mức độ trật tự cao nhất và khi người ta biết được điều này thì nó gây ra sự bối rối lớn cho những người chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động tình báo đối ngoại của Mỹ”.

Tác giả Jonathan Haslam đã viết một vài cuốn sách về lịch sử Chiến tranh Lạnh, bao gồm cuốn sách mới “Các láng giềng gần và xa: Lịch sử mới về Tình báo Xô viết” vừa được xuất bản vào đầu tháng 9/2015./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cơn ám ảnh tình báo của nước Mỹ
Cơn ám ảnh tình báo của nước Mỹ

(VOV) - Không có nước nào trên thế giới bị “nghiện” tình báo như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Cơn ám ảnh tình báo của nước Mỹ

Cơn ám ảnh tình báo của nước Mỹ

(VOV) - Không có nước nào trên thế giới bị “nghiện” tình báo như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đặc nhiệm Mỹ sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử các thủ lĩnh IS
Đặc nhiệm Mỹ sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử các thủ lĩnh IS

VOV.VN - Thay vì gửi lục quân, quân đội Mỹ phối hợp với tình báo CIA lập hồ sơ từng thủ lĩnh IS rồi sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử từng tên.

Đặc nhiệm Mỹ sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử các thủ lĩnh IS

Đặc nhiệm Mỹ sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử các thủ lĩnh IS

VOV.VN - Thay vì gửi lục quân, quân đội Mỹ phối hợp với tình báo CIA lập hồ sơ từng thủ lĩnh IS rồi sử dụng phi cơ không người lái để trừ khử từng tên.

Tình báo Israel đã ám sát tư lệnh quân sự Hamas ra sao?
Tình báo Israel đã ám sát tư lệnh quân sự Hamas ra sao?

(VOV) - Chiếc ô tô chở tư lệnh al-Jabari thuộc phong trào Hamas đang từ từ lăn bánh trên phố bỗng đột nhiên nổ tung.

Tình báo Israel đã ám sát tư lệnh quân sự Hamas ra sao?

Tình báo Israel đã ám sát tư lệnh quân sự Hamas ra sao?

(VOV) - Chiếc ô tô chở tư lệnh al-Jabari thuộc phong trào Hamas đang từ từ lăn bánh trên phố bỗng đột nhiên nổ tung.