Hàn Quốc hóa giải chiêu cũ của Triều Tiên từ các lần gặp trước

VOV.VN - Cả hai lần gặp thượng đỉnh Hàn-Triều trước đó, Triều Tiên đã trải thảm đỏ để đón tiếp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chưa đầy 24 giờ nữa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp lịch sử tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, khu vực biên giới phi quân sự chung giữa 2 nước. Đây là lần thứ 3 các lãnh đạo hàng đầu của hai miền Triều Tiên có cuộc gặp mặt đối mặt.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hóa giải 3 chiêu cũ của Triều Tiên từ các lần gặp trước. Ảnh: AP

Các lần đối thoại trước đó vào năm 2000 và 2007, hai bên đã đạt được một số kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã không có được những hành động cần thiết sau đó để tiến tới chấm dứt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Cả hai lần gặp thượng đỉnh Hàn-Triều trước đó, giữa cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il với hai cố Tổng thống Hàn Quốc là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun tại Bình Nhưỡng lần lượt vào các năm 2000 và 2007, Triều Tiên đã trải thảm đỏ để đón tiếp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tại cuộc gặp năm 2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, hai bên đã đạt được các thỏa thuận về viện trợ, đoàn tụ các gia đình bị ly tán và giải quyết các vấn đề liên quan... Ông Kim Dae-jung sau đó đã giành giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực của mình tại bàn đàm phán thượng đỉnh với Triều Tiên.

Tại cuộc gặp năm 2007 giữa Tổng thống Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Kim Jong-il năm 2007, hai bên đã ký một thỏa thuận hòa bình 8 điểm. Tuy nhiên, nhiều công việc của ông Roh Moo-hyun đã không được hoàn thành vì chỉ vài tuần sau đó Hàn Quốc có Tổng thống mới là Lee Myung-bak lên nắm quyền.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có sẵn những “bài học” để tránh đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm và đưa đàm phán liên Triều tới thành công.

Địa điểm tổ chức

Hình ảnh các cuộc đón tiếp long trọng của Triều Tiên với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc năm 2000 và 2007 đã được giới truyền thông phát đi toàn thế giới, chính xác như những gì Bình Nhưỡng muốn.

Triều Tiên đã có thể dễ dàng kiểm soát dòng thông tin và những hình ảnh tại các cuộc gặp thượng đỉnh khi đóng vai trò chủ nhà.

Cả 2 đời Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đều hiểu rõ những mạo hiểm khi tới gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và khả năng tay không trở về là rất cao.

Người con trai của cựu Tổng thống Kim Dae-jung, ông Kim Hong-gul tiết lộ với CNN rằng: “Triều Tiên lúc đó nói rằng hãy tới đàm phán tại Bình Nhưỡng, mọi thứ sẽ ổn cả. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố không chắc chắn và gây lo ngại”.

Với cuộc gặp năm 2007, Tổng thống Roh Moo-hyun quyết định tới Bình Nhưỡng dù rằng chính quyền của ông vô cùng lưỡng lự.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và là Bộ trưởng Bộ Thống nhất dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun cho biết: “Chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề chọn địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh, bởi vì phía Triều Tiên không sẵn sàng tới Seoul và chúng tôi không muốn tới Bình Nhưỡng lần thứ 2”.

Quyết định tới Bình Nhưỡng đã là lựa chọn “tồi” với cả 2 đời Tổng thống Hàn Quốc. Và trong trường hợp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã giành “chiến thắng” về mặt chiến lược và tuyên truyền, khi đưa được “đối thủ” tới Bình Nhưỡng để đối thoại. “Chiến thắng” này đủ để đảm bảo rằng, nếu các cuộc đàm phán thượng đỉnh liên Triều không đạt được kết quả gì thì nó cũng giúp giảm căng thẳng trong một thời gian dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in lần này đã hóa giải được chiêu thức của Triều Tiên. Cuộc gặp giữa ông Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Nhà Hòa Bình tại khu biên giới phi quân sự chung bên phần Hàn Quốc kiểm soát. Hay nói cách khác, cuộc đàm phán thượng đỉnh liên Triều lần này đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc.

Đặc biệt, 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều đã thỏa hiệp để lựa chọn địa điểm gặp mặt này. Với Tổng thống Moon Jae-in, lần này ông có được chiến “chiến thắng” của mình trong chiến lược tuyên truyền. Và giới báo chí Hàn Quốc sẽ được tiếp cận khu vực phi quân sự để ghi lại khoảng khắc ông Kim Jong-un đặt bước chân đầu tiên lên lãnh thổ Hàn Quốc.

Không hành động đơn độc

Khi Tổng thống Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng năm 2000, Mỹ và Hàn Quốc đã làm việc rất chặt chẽ để quan hệ ngoại giao không bị chệch hướng vì Triều Tiên.

Ông Kim Dae-jung rời bình Bình Nhưỡng với hàng loạt thỏa thuận ý nghĩa, đặc biệt là việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán vì chiến tranh và khoản đầu tư của Hàn Quốc vào nền kinh tế Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh năm 2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc  Kim Dae-jung (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải). Ảnh: Getty Images

Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ bấy giờ Bill Clinton đã cử Ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il, đồng thời Mỹ cũng tiếp đón một quan chức cấp cao của Triều Tiên tại Washington.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó đã nhận lời mời tới thăm Seoul, song ông chưa bao giờ thực hiện điều này.

7 năm sau đó, tình thế đã đảo ngược khi Tổng thống Roh Moo-hyun lại là người theo tư tưởng chống Mỹ. Ông Roh Moo-hyun từng nói rằng “các mối đe dọa an ninh lớn nhất với châu Á chính là Mỹ và Nhật Bản”.

Tuy nhiên, thời gian cầm quyền của ông Roh Moo-hyun lại quá ngắn. Ông muốn một thỏa thuận chắc chắn với Triều Tiên để đảm bảo rằng các chính phủ kế nhiệm tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã qua đời năm 2009.

“Tổng thống Roh Moo-hyun hy vọng chính phủ kế nhiệm ông vẫn sẽ duy trì một số chính sách của mình với Triều Tiên”, Giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin cho biết.

Thỏa thuận hòa bình 8 điểm đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2007 đã thể hiện tham vọng này của Tổng thống Roh Moo-hyun. Không giống như Tổng thống Kim Dae-jung, Tổng thống Roh Moo-hyun sau khi trở về từ Bình Nhưỡng đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế cho nỗ lực của mình.

 Tuy nhiên, Tổng thống kế nhiệm Lee Myung-bak lại không cùng quan điểm như vậy. Ông Lee Myung-bak không thực hiện phần thỏa thuận tiếp tục viện trợ kinh tế cho Triều Tiên với những điều kiện mềm mỏng đi kèm. Thay vào đó, bất cứ khoản viện trợ kinh tế nào của Hàn Quốc cho Triều Tiên phải đi kèm với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Thái độ cứng rắn của chính quyền Lee Myung-bak được cho là do sức ép từ chính phủ Mỹ lúc đó dưới thời Tổng thống George W. Bush. Mỹ muốn Hàn Quốc cứng rắn hơn nữa trong các mối quan hệ với Triều Tiên.

“Những kinh nghiệm quá khứ đã cho thấy Hàn Quốc đã “va vào tường” trong chính sách với Triều Tiên, khi Hàn Quốc thất bại trong việc thuyết phục Mỹ- đồng minh lớn nhất của nước này, ủng hộ chính sách với Triều Tiên”, nhà nghiên cứu Lee Seong-hyon tại Viện Sejong ở Seoul nhận định.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2007 giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải). Ảnh: Getty Images

Với Tổng thống Moon Jae-in, người mới lên cầm quyền chưa đầy 1 năm qua, chính sách của ông dường như cân bằng giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Để giữ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sát cánh cùng với các hành động của mình, Tổng thống Moon đã liên tiếp cử các cố vấn chủ chốt của mình tới Washington. Tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc, cố vấn an ninh quốc gia... đã tới Washington để làm việc cùng những người đồng cấp và giới chức cấp cao Mỹ.

Hồi tháng 3, Tổng thống Trump đã nhận lời mời tham dự cuộc gặp thượng đỉnh riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thông báo đầu tiên về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được chính các đặc phái viên của Hàn Quốc về Triều Tiên công bố trước báo giới bên ngoài Nhà Trắng, khi tới Washington để thông báo về chuyến công du Bình Nhưỡng trước đó.

“Tổng thống Moon hiểu rằng cách tiếp cận của Hàn Quốc với vấn đề Triều Tiên sẽ hiệu quả hơn nhiều khi có được sự ủng hộ của Mỹ”, nhà phân tích Lee Seong-hyon nói.

Không mang tiền tới bàn đàm phán

Tổng thống Kim Dae-jung theo đuổi chính sách “Ánh Dương”, theo đó thúc đẩy hợp tác kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Bình Nhưỡng để giảm căng thẳng. Còn Tổng thống Moon cũng được đánh giá là một trong những “kiến trúc sư trưởng” của chính sách này và cũng là người thân cận hàng đầu với cố Tổng thống Roh Moo-hyun.

Tổng thống Kim Dae-jung vẻ vang trở về nước sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng và giải Nobel Hòa bình đã nâng tầm uy tín cho các nỗ lực hòa giải với Triều Tiên của ông. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, hình ảnh này của ông Kim Dae-jung bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nguồn tin tiết lộ rằng Hàn Quốc đã phải chi 200 triệu USD cho Triều Tiên thông qua tập đoàn Hyundai chỉ vài ngày trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra.

Ông Kim Dae-jung đã phải công khai xin lỗi vì khoản chi không được công khai này, song vẫn khẳng định khoản tiền này nằm trong các thỏa thuận thương mại với Triều Tiên.

Tổng thống Kim Dae-jung lúc đó hy vọng, Triều Tiên sẽ dùng khoản tiền này để cải cách và tự do hóa nền kinh tế, nhưng điều này không hề diễn ra. Rất nhiều người Hàn Quốc đã nói rằng hàng triệu USD viện trợ này đã không khiến Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và vũ khí, cũng như không hề phục vụ cho lợi ích của Hàn Quốc.

Với bối cảnh chính trường Hàn Quốc hiện nay, bất cứ khoản chi “không minh bạch” nào cũng sẽ là vô cùng mạo hiểm với Tổng thống Moon Jae-in. Nhất là khi dư chấn từ bê bối tham nhũng chưa từng có của chính quyền tiền nhiệm Park Geun-hye vẫn chưa kịp lắng xuống.

Hơn nữa, khoản viện trợ của nào của Hàn Quốc cũng sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố, dù ngồi vào bàn đàm phán thượng đỉnh với Triều Tiên, nhưng Washington vẫn sẽ tiếp tục sức ép và trừng phạt tối đa với Bình Nhưỡng.

“Tổng thống Moon Jae-in không nên thách thức chính quyền Donald Trump hay làm điều gì đó khiến ông Trump nổi giận”, Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Liệu sẽ có sự thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên?
Liệu sẽ có sự thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên?

VOV.VN -Với tuyên bố mang tính lịch sử về việc ngừng các chương trình thử hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể đang hy vọng củng cố thế tiến về ngoại giao của mình. 

Liệu sẽ có sự thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên?

Liệu sẽ có sự thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên?

VOV.VN -Với tuyên bố mang tính lịch sử về việc ngừng các chương trình thử hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể đang hy vọng củng cố thế tiến về ngoại giao của mình. 

Mỹ lạc quan về đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Mỹ lạc quan về đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 23/4 đã bày tỏ lạc quan về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ lạc quan về đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

Mỹ lạc quan về đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 23/4 đã bày tỏ lạc quan về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc và Triều Tiên dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Hàn Quốc và Triều Tiên dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Theo một số nguồn tin, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức một số hội nghị trù bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tới.

Hàn Quốc và Triều Tiên dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Hàn Quốc và Triều Tiên dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều

VOV.VN - Theo một số nguồn tin, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức một số hội nghị trù bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tới.

Mỹ: Triều Tiên đang đi đúng hướng trong vấn đề phi hạt nhân hóa
Mỹ: Triều Tiên đang đi đúng hướng trong vấn đề phi hạt nhân hóa

VOV.VN - Mỹ cho rằng, Triều Tiên đang hành động công khai và đi đúng hướng trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Mỹ: Triều Tiên đang đi đúng hướng trong vấn đề phi hạt nhân hóa

Mỹ: Triều Tiên đang đi đúng hướng trong vấn đề phi hạt nhân hóa

VOV.VN - Mỹ cho rằng, Triều Tiên đang hành động công khai và đi đúng hướng trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.