Hợp tác ASEM: Vượt khó đi tới ổn định và thịnh vượng

(VOV) - Hội nghị ASEM năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và thách thức, kinh tế châu Âu ảm đạm.

Trong hai ngày 5 và 6/11, tại Thủ đô Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9), với chủ đề "Bạn bè vì hòa bình, Ðối tác vì thịnh vượng". 

Sự kiện quan trọng diễn ra định kỳ hai năm một lần luân phiên tại mỗi châu lục, lần này thu hút sự tham dự của các nguyên thủ và các nhà lãnh đạo thành viên ASEM, khẳng định nỗ lực của ASEM tiếp tục duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác và gắn kết giữa hai châu lục quan trọng trên thế giới.

Thách thức bao trùm

Hội nghị cấp cao ASEM lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt ở cả phía châu Âu lẫn phía châu Á. Châu Âu vẫn chưa thoát được ra khỏi khủng hoảng tài chính, nhịp độ tăng trưởng kinh tế tại các nước châu Á cũng đã giảm so với trước. Ở khu vực này lại có những diễn biến mới gây lo ngại chung sâu sắc về chính trị an ninh. Chính vì thế, khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro, việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa châu Á và châu Âu, và vấn đề ổn định và an ninh khu vực là những nội dung thảo luận chủ yếu tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9).

 

Hội nghị Cấp cao ASEM 9 diễn ra tại Vientiane (ảnh: BBC)

Trong phát biểu chào mừng Hội nghị, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong khẳng định, với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 sẽ tập trung trao đổi nhiều biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hợp tác ASEM trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Tại phiên họp kín về “Các vấn đề kinh tế - tài chính”, các vị lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, cân bằng và đồng đều, chú trọng hợp tác tài chính, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm, khôi phục lòng tin của thị trường, tăng cường minh bạch và cải cách hệ thống tài chính. Hội nghị bày tỏ ủng hộ các biện pháp của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Los Cabos (2012) về thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEM cần tạo động lực mới cho trụ cột hợp tác kinh tế của Diễn đàn thông qua phối hợp chặt chẽ hơn chính sách kinh tế - tài chính, triển khai mạnh mẽ hơn “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” và “Kế hoạch hành động xúc tiến  đầu tư” của ASEM, đồng thời làm sống động lại cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM đã bị gián đoạn gần 10 năm qua. Trong quá trình hợp tác, Thủ tướng cho rằng ASEM cần quan tâm thỏa đáng các vấn đề phát triển, các chương trình kết nối khu vực và liên khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành viên phát triển và đang phát triển.

Mở rộng thành viên

Một trong những dấu ấn của Hội nghị lần thứ 9 là việc chính thức mở rộng thành viên lần thứ tư của ASEM với việc kết nạp thêm 3 thành viên mới, nâng số lượng thành viên của ASEM từ 48 lên 51.

Tiếp tục khẳng định vai trò và đi vào thực chất

Thực tế cho thấy, trong nhiều thập kỷ gần đây, quan hệ giữa hai châu lục Á-Âu đã có bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong đó sự hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á-Âu đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển này. Bắt đầu từ khi thành lập năm 1996, ASEM hình thành và phát triển, trở thành diễn đàn mới để hai châu lục cùng trao đổi, phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình.

Hội nghị Hợp tác Á Âu lần thứ 9 này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEM, khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào nỗ lực duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác và sự gắn kết giữa hai châu lục quan trọng. Trong bối cảnh hai châu lục và cả thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng, sự gắn kết và hợp tác giữa các thành viên của ASEM càng trở nên có ý nghĩa góp phần giải quyết các vấn đề chung của hai châu lục cũng như vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của nhân loại.

Thực tế, trong 16 năm qua, ASEM đã phát triển nhanh chóng với mục đích gây dựng mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa châu Á và châu Âu. Từ đó, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kết nối về kinh tế, mà còn thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc giữa nhân dân hai châu lục, đồng thời thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng. Bằng chứng là các nước châu Âu thành viên ASEM đã trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng với việc hình thành Liên minh Tiền tệ châu Âu và việc sử dụng đồng tiền chung euro vào tháng 1/1999. Việc Liên minh châu Âu đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa cả về chiều rộng và chiều sâu, đã và đang tạo đà cho những cơ hội hợp tác mới. Trong khi đó, vai trò của châu Á ngày càng lớn mạnh trong hệ thống kinh tế  và chính trị quốc tế với tiềm năng to lớn về cơ hội thương mại và đầu tư.

Sự liên kết giữa hai khối kinh tế lớn này thông qua ASEM sẽ tạo ra một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục phát triển, xây dựng một sức mạnh tổng hợp của 3 khối kinh tế lớn là EU, Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.       

Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua thời kỳ khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục hoành hành, nhiều chuyên gia cho rằng châu Á chính là một trong những khu vực quan trọng nhất để thúc đẩy nền kinh tế của lục địa già tăng trưởng. Và ASEM 9 chính là một cầu nối giúp châu Âu tiến gần hơn đến châu Á trong thời kỳ khó khăn như hiện nay.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, trong bối cảnh Mỹ và các nước Bắc Mỹ đã xây dựng và đang phát triển mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế với các nước châu Á trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), châu Âu lại có liên hệ chặt chẽ với Bắc Mỹ qua quá trình lịch sử và mạng lưới dày đặc của những thể chế xuyên Đại Tây Dương, hợp tác ASEM còn có một ý nghĩa mang tính chất chiến lược, đó là chiếc cầu nối thắt chặt hơn châu Âu với châu Á, tạo nên sức mạnh giúp thế giới đương đầu với những thách thức toàn cầu. Cũng với ý nghĩa lo lớn này, ASEM không chỉ thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia mà còn ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong nỗ lực kiến tạo một thế giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển. Chính vì thế, ASEM 9 lần này được xem là một cơ hội mới để hai châu lục Á và Âu tìm kiếm những giải pháp giải quyết khó khăn hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khuôn khổ Diễn đàn lần này, rất ít khả năng có được những quyết định chính trị lớn lao và khả thi liên quan đến việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và hiệu quả các vấn đề đang đặt ra cho EU và châu Á nói chung cũng như cho ASEM nói riêng. Tuy nhiên, hội nghị này cũng vẫn rất quan trọng đối với hai phía và đối với tương lai của khuôn khổ diễn đàn này. Châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm chung của thế giới. Châu Âu tuy vẫn bị tác động của khủng hoảng nhưng có tiềm lực to lớn về mọi phương diện. Vì thế, hiện tại cũng như về lâu dài, hợp tác Á - Âu có nhiều tiền đề thuận lợi hơn hẳn các tổ chức khu vực và châu lục khác để gây dựng quan hệ hợp tác "vì hòa bình và thịnh vượng".

Các kỳ hội nghị ASEM từ trước tới nay

1- Hội nghị Cấp cao ASEM 1 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), tháng 3/1996, với chủ đề "Tạo dựng một quan hệ đối tác mới toàn diện Á - Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn". Ðây là HNCC thành lập ASEM, diễn ra trong bối cảnh xu thế mạnh mẽ của toàn cầu hóa và kinh tế Ðông Á phát triển ở đỉnh cao. Quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa hai khu vực là cơ sở cho quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa châu Á và châu Âu để xây dựng một quan hệ hợp tác Á - Âu toàn diện.

2- Hội nghị Cấp cao ASEM 2 diễn ra tại London (Anh), tháng 4/1998, trong bối cảnh châu Á đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, chủ đề "Châu Á và châu Âu: Một quan hệ đối tác mới". Đã thông qua văn kiện "Khuôn khổ hợp tác Á - Âu", là cơ sở để chỉ đạo, tập trung và điều phối các hoạt động của ASEM. Nhóm viễn cảnh Á - Âu được thành lập, có nhiệm vụ xây dựng tầm nhìn trung đến dài hạn để giúp chỉ dẫn tiến trình ASEM tiến vào thế kỷ 21.

3- Hội nghị Cấp cao ASEM 3 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc), tháng 10/2000, là một mốc quan trọng của tiến trình ASEM khi bước vào Thiên niên kỷ mới, chủ đề "Quan hệ đối tác vì phồn vinh và ổn định trong Thiên niên kỷ mới". Văn kiện "Khuôn khổ hợp tác Á - Âu" (AECF) đã được bổ sung và thông qua, định ra viễn cảnh, các nguyên tắc, mục tiêu, ưu tiên, và cơ chế cho tiến trình ASEM trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

4- Hội nghị Cấp cao ASEM 4 tổ chức tại Copenhagen (Ðan Mạch), tháng 9/2002, trong tình hình thế giới thay đổi sâu sắc sau vụ tiến công khủng bố 11/9 vào nước Mỹ, chủ đề "Thống nhất và lớn mạnh trong đa dạng". Nội dung đối thoại chính trị được tập trung vào vấn đề khủng bố quốc tế và hợp tác chống khủng bố. Hợp tác kinh tế được coi trọng với việc thành lập Nhóm đặc trách về quan hệ đối tác kinh tế gần gũi để soạn thảo một chương trình thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa châu Á và châu Âu.

5- ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), tháng 10/2004, là mốc quan trọng trong hợp tác ASEM vì là HNCC đầu tiên của một ASEM mở rộng, với việc ba nước Campuchia, Lào, Myanmar và 10 thành viên mới của EU được kết nạp và tham dự HNCC ASEM 5. Với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn", hội nghị đã thảo luận và thông qua "Tuyên bố của Chủ tịch", "Tuyên bố Hà Nội về quan hệ kinh tế Á - Âu chặt chẽ hơn" và "Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh" định hướng cho hợp tác ASEM trong tương lai.

6- ASEM 6 tổ chức tại Helsinki (Phần Lan), tháng 9/2006, chủ đề "10 năm ASEM: Thách thức toàn cầu - ứng phó chung". HNCC nhìn lại mười năm hợp tác đã qua và định hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo; dành nhiều quan tâm các vấn đề an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu. Hội nghị đã đưa ra ba văn kiện là Tuyên bố của Chủ tịch, Tuyên bố Helsinki về Tương lai ASEM, Tuyên bố Helsinki về thay đổi khí hậu.

7- ASEM 7 tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 10/2008, là mốc đánh dấu đợt mở rộng ASEM lần thứ hai với việc kết nạp thêm sáu thành viên mới là: Ấn Ðộ, Mông Cổ, Pakistan, Ban Thư ký ASEAN, Bulgaria và Roumania. Với chủ đề "Tầm nhìn và hành động: Hướng tới các giải pháp cùng có lợi", hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề tài chính kinh tế thế giới, tình hình an ninh khu vực, các vấn đề toàn cầu, phát triển bền vững, đối thoại văn hóa văn minh và các lĩnh vực hợp tác khác của ASEM.

8- Hội nghị Cấp cao ASEM 8 được tổ chức tại Brussels (Bỉ), tháng 10/2010, với chủ đề "Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân". HNCC chứng kiến đợt mở rộng lần thứ ba của ASEM với việc Nga, Australia và New Zealand chính thức được kết nạp thành Nhóm thứ ba tạm thời; tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng của thế giới như tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu, phát triển bền vững và các vấn đề khu vực khác.

9- Hội nghị Cấp cao ASEM 9, tổ chức tại Vientiane (Lào), tháng 11-2012 với chủ đề "Bạn bè vì hòa bình - Ðối tác vì thịnh vượng". Những dấu ấn của Hội nghị cấp cao ASEM 9 sẽ là đợt mở rộng ASEM lần thứ tư, việc giải tán Nhóm thứ ba tạm thời để Nga, Australia và New Zealand gia nhập Nhóm châu Á và Myanmar lần đầu tham dự ở cấp tổng thống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc họp quan chức cấp cao chuẩn bị cho ASEM 9
Cuộc họp quan chức cấp cao chuẩn bị cho ASEM 9

(VOV) -Các thành viên đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của nước chủ nhà Lào trong quá trình chuẩn bị Hội nghị Cấp cao.

Cuộc họp quan chức cấp cao chuẩn bị cho ASEM 9

Cuộc họp quan chức cấp cao chuẩn bị cho ASEM 9

(VOV) -Các thành viên đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của nước chủ nhà Lào trong quá trình chuẩn bị Hội nghị Cấp cao.

Hơn 750 nhà báo nước ngoài đăng ký tham dự Hội nghị ASEM9
Hơn 750 nhà báo nước ngoài đăng ký tham dự Hội nghị ASEM9

(VOV) - Bộ Ngoại giao Lào đã hoàn tất công tác chuẩn bị với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu.

Hơn 750 nhà báo nước ngoài đăng ký tham dự Hội nghị ASEM9

Hơn 750 nhà báo nước ngoài đăng ký tham dự Hội nghị ASEM9

(VOV) - Bộ Ngoại giao Lào đã hoàn tất công tác chuẩn bị với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu.

Lào tăng cường an ninh trước thềm hội nghị ASEM
Lào tăng cường an ninh trước thềm hội nghị ASEM

(VOV) - Nước này đã huy động cảnh sát để giữ gìn an nình và tuyên bố 2 ngày nghỉ ở Vientiane nhằm hạn chế lượng giao thông.

Lào tăng cường an ninh trước thềm hội nghị ASEM

Lào tăng cường an ninh trước thềm hội nghị ASEM

(VOV) - Nước này đã huy động cảnh sát để giữ gìn an nình và tuyên bố 2 ngày nghỉ ở Vientiane nhằm hạn chế lượng giao thông.

Kinh tế và an ninh là những chủ đề chính của ASEM 9
Kinh tế và an ninh là những chủ đề chính của ASEM 9

ASEM 9 sẽ tập trung vào những tranh luận kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo.

Kinh tế và an ninh là những chủ đề chính của ASEM 9

Kinh tế và an ninh là những chủ đề chính của ASEM 9

ASEM 9 sẽ tập trung vào những tranh luận kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo.