Iran sẽ là tâm điểm của Hội nghị Phong trào Không liên kết

Động thái của Mỹ và Israel đối với chương trình hạt nhân Iran sẽ là nội dung quan trọng được đem ra bàn thảo tại Hội nghị lần này.

 Từ ngày 26-31/8 tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết sẽ diễn ra tại Thủ đô Tehran của Iran. Điểm đặc biệt của Hội nghị lần này là được tổ chức tại một quốc gia đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới-Iran, nước đang phải chịu nhiều sức ép của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Vì vậy, bên cạnh việc thảo luận các nguyên tắc cơ bản và định hướng của Phong trào, đồng thời đề ra những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò và tiếng nói của Phong trào trên trường quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần này chắc chắn sẽ giành thời lượng đáng kể cho nội dung về tình hình bất ổn tại Trung Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng các nước Phong trào Không liên kết tại Iran tháng 7/2008 (Ảnh: Getty Images)

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16, đã xuất hiện những thông tin cho rằng, Israel quyết định sẽ triển khai các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Phản ứng trước thông tin này, phía Iran hết sức bình thản khi nhận định đây “chỉ là cuộc chiến tâm lý và truyền giáo”, đồng thời nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16 sẽ là dịp để Tehran khẳng định lại chính sách hạt nhân của mình với cộng đồng quốc tế. Những động thái của các bên liên quan cho thấy, chắc chắn vấn đề hạt nhân Iran sẽ là một nội dung hết sức nóng của Hội nghị này.

Mỹ-Israel muốn gây sức ép với Iran

Như thường lệ, Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16 dự kiến vẫn tập trung đánh giá tình hình quốc tế và khu vực, nhất là những vấn đề được các thành viên quan tâm như: mức độ tăng trưởng của kinh tế thế giới, các nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc (LHQ), thúc đẩy các vấn đề phát triển, xã hội, quyền con người, trao đổi về định hướng của Phong trào, cách giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay nhằm thúc đẩy vai trò của Phong trào trên trường quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, thông qua văn kiện cuối cùng của Hội nghị…

Tuy nhiên, khi mà Iran đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, trong đó có các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, việc tiếp quản nhiệm kỳ 3 năm lãnh đạo Phong trào Không liên kết tại hội nghị lần này sẽ là cơ hội để Iran tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với chương trình hạt nhân của mình.

Trước khi hội nghị chính thức khai mạc, Mỹ - nước đang đi đầu trong cuộc chiến chống lại chương trình hạt nhân của Iran đã có những bước đi nhằm giảm bớt những lợi thế mà Iran có được từ vị trí lãnh đạo Phong trào Không liên kết trong nhiệm kỳ 3 năm. Cụ thể, trước khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Tehran, Mỹ đã có cuộc thảo luận song phương với Ấn Độ về tất cả những mối lo ngại của Mỹ liên quan đến Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland còn bày tỏ hy vọng trong chuyến thăm này, Ấn Độ sẽ chỉ ra những điểm quan trọng để Iran quay lại tôn trọng các cam kết quốc tế, sử dụng cơ hội mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đưa ra để đạt được những tiến bộ thực sự. Ngoài Ấn Độ, Mỹ còn gửi đi thông điệp: Mỹ hy vọng bất cứ lãnh đạo nước nào có cơ hội đến Iran đều đưa ra những điểm lớn hơn liên quan đến hòa bình và an ninh đã được cam kết.

Cùng với Mỹ, Israel – nước đồng minh với Mỹ và cũng là nước có mối quan ngại lớn nhất về chương trình hạt nhân của Iran cũng đã đưa ra những thông tin về việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Chưa rõ mức độ xác thực của những thông tin này như thế nào, nhưng việc được đưa ra vào ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị cũng là một lời cảnh báo mà Israel muốn gửi tới cộng đồng quốc tế về tính chất quan trọng của vấn đề hạt nhân Iran. Bên cạnh đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon không đến tham dự hội nghị ở Tehran bởi cho rằng, chuyến đi sẽ hợp pháp hóa “một chế độ đại diện cho mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và thế giới”.

Có lẽ Iran cũng không bất ngờ trước những động thái của Israel, Mỹ và các nước phương Tây. Vì vậy, trong chương trình nghị sự dự kiến, Iran đã có có kế hoạch tìm kiếm sự ủng hộ cho chương trình làm giàu hạt nhân của mình, đồng thời chống lại cái mà Tehran gọi là “sự thống trị” của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Iran còn cho rằng, hội nghị sẽ thể hiện chức năng quan trọng là nhấn mạnh chính sách của Tehran, đặc biệt là từ chối ngừng chương trình làm giàu uranium của mình, mà theo lời Phó Tổng thống Iran Ali Saidlu, đó là “cơ hội để thế giới hiểu hơn về nền văn minh và văn hóa giàu bản sắc cũng như những tiến bộ về khoa học, công nghệ của Iran”.

Như vậy, với việc Iran đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16, sau đó sẽ trở thành đại diện của Phong trào Không liên kết trong một số cuộc họp quốc tế, bắt đầu là Đại hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 9 tới tại New York, vấn đề hạt nhân Iran sẽ càng trở thành bài toán khó giải hơn với Mỹ, phương Tây và các nước đồng minh của mình.

Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln hoạt động ở eo biển Hormuz (Ảnh: Reuters)

Phong trào Không liên kết là một chủ thể quốc tế hết sức đặc biệt, một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quốc tế. Với đặc thù là một tập thể gồm các nước vừa giành được độc lập, các nước đang phát triển, đến nay, Phong trào Không liên kết vẫn không có trụ sở hay cơ chế thường trực. Tuy nhiên, bất chấp việc bị đánh giá là có thể chế lỏng lẻo, đến thời điểm này, Phong trào Không liên kết vẫn là nơi mà các nước thành viên tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế, thể hiện sức mạnh đoàn kết của Phong trào.

Iran tranh thủ sự ủng hộ của 120 nước cho chương trình hạt nhân

Phong trào Không liên kết ra đời cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 của thế kỷ trước trong cao trào giải phóng dân tộc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và trong bối cảnh chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Mặc dù hết sức đa dạng về văn hóa tín ngưỡng, chế độ chính trị, lợi ích dân tộc, song các thành viên phong trào Không liên kết - với nguyện vọng chung là hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước đã góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế gai góc trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Sự đoàn kết của nước độc lập non trẻ đã tạo ra sức mạnh to lớn trong việc giải quyết các vấn đề như phi thực dân hóa, chống chủ nghĩa Apatheid ở Nam Phi, yêu cầu các nước công nghiệp phát triển có trách nhiệm giải quyết các vấn đề kinh tế mà chính họ gây ra…

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước thuộc Phong trào Không liên kết nhận thức rõ phải có những hoạt động mới nhằm thích ứng với những biến đổi của thời đại, và các nước thành viên đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quốc tế. Lợi thế tinh thần này thể hiện qua những đóng góp của Phong trào tại các hội nghị quốc tế thời hậu Chiến trqanh lạnh như: Hội nghị cấp cao Thiên Niên kỷ mới của LHQ (tháng 9/2000) với việc thông qua các Mục tiêu Thiên niên kỷ; Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (tháng 5/2000), Hội nghị chống phân biệt chủng tộc Nam phi (tháng 9/2001); Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững (tháng 9/2002); Hội nghị về chống biến đổi khí hậu (Copenhaghen 2009)… Đặc biệt, Phong trào Không liên kết  chính là nòng cốt của nhóm G77 - nhóm kinh tế của các nước đang phát triển và hiện đã có tới hơn 100 thành viên, có tiếng nói quan trọng trong cuộc đấu tranh vì một trật tự kinh tế thế giới mới công bằng hơn, đòi các nước giàu phải xóa nợ cho các nước nghèo.

Gần đây nhất, sức mạnh đoàn kết của Phong trào Không liên kết đã được thể hiện tại cuộc họp các Bộ trưởng tại Ai Cập tháng 5/2012. Tại đó, 120 quốc gia thành viên của Phong trào đã ra tuyên bố ủng hộ chương trình phát triển hạt nhân dân sự của Iran. Đây chắc chắn là nguồn động lực to lớn giúp Iran chống trả lại sức ép ngày một gia tăng của các nước phương Tây. Và điều này có khả năng sẽ được lặp lại trong Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 16 tới đây tại Iran.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (thứ hai từ trái sang) dự một buổi lễ giới thiệu những dự án hạt nhân mới ở Tehran hôm 15/2 (Ảnh: Reuters)

Mặc dù các nước thành viên Phong trào Không liên kết đã từng sát cánh bên nhau để cùng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh cũng như sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, song đến thời điểm này, đã có những câu hỏi, thậm chí ngay trong nội bộ các nước thành viên về thể chế của Phong trào. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, để có thể giữ vững và nâng cao vai trò của Phong trào Không liên kết trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, Phong trào cần có những thay đổi, trong đó phải tìm ra hướng đi mới, những hình thức hoạt động mới nhằm thích ứng với những biến đổi của thời thế.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, Phong trào Không liên kết vẫn đứng vững trước rất nhiều biến cố nhờ luôn kiên trì với "5 nguyên tắc chung sống hòa bình", đặc biệt là nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia. Nhưng cũng chính vì thế, cho đến nay Phong trào vẫn chưa thể chế hóa và chưa có nhiều các hoạt động hợp tác với các kết quả cụ thể, hầu hết mới dừng lại ở mức trao đổi nhằm đạt được các tuyên bố, lập trường chung. Chính vì vậy, trong cuộc cạnh tranh với các tổ chức, liên kết quốc tế hay khu vực, Phong trào ngày càng tỏ ra thiếu nhanh nhạy và hiệu quả. Bên cạnh đó, cùng với thời gian, các nước thành viên đều có xu hướng điều chỉnh chính sách theo hướng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và khi đó, quan hệ với những tổ chức, liên kết kinh tế khu vực, thậm chí là ở cấp độ toàn cầu, sẽ luôn là sự lựa chọn có tính ưu tiên hàng đầu. Do đó, quá trình tìm được sự đồng thuận giữa các nước thành viên về những vấn đề quốc tế ngày càng khó khăn hơn, dẫn đến sự phản ứng chậm chạp và bị động trong một số vấn đề, ví dụ như sự can thiệp từ bên ngoài vào các nước Bắc Phi – Trung Đông thời gian qua.

Để thổi một luồng sinh khí mới vào Phong trào Không liên kết, đưa phong trào tiếp tục phát triển, nhiều ý kiến đề xuất đã được đưa ra, bao gồm: việc mở rộng kết nạp thành viên mới của phong trào, bao gồm cả các nước như Nga, Trung Quốc hay các nước phương Đông, phương Tây khác; tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên trong việc phát triển kinh tế; xây dựng trụ sở thường trực của phong trào tại 3 châu lục Á, Phi, Mỹ Latinh nhằm điều phối các chương trình hợp tác… Và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các thành viên là làm thế nào để đạt được sự đoàn kết, nhất trí cao trong quá trình tham gia vào các hoạt động của Phong trào. Với 120 thành viên chiếm 2/3 tổng số thành viên LHQ và với hơn 1/2 dân số thế giới, bên cạnh các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, Phong trào Không liên kết cũng cần tăng cường phối hợp quan điểm tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có LHQ, chú trọng nâng cao vai trò của Đại hội đồng Bảo an LHQ và tính đại diện của các nước đang phát triển tại Hội đồng Bảo an LHQ qua đó đóng góp vào việc phát huy vai trò điều phối của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Phong trào Không liên kết từ năm 1976, và từ đó đến nay đã có những hoạt động tích cực, phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của phong trào. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009), Việt Nam đã có nhiều sáng kiến được các nước Không liên kết đánh giá cao, đặc biệt là việc lấy ý kiến đóng góp của các nước thành viên cho Báo cáo hoạt động năm của Hội đồng Bảo an, được hoan nghênh và phản ánh trong Văn kiện cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 15 tại Ai Cập.

Trong những năm gần đây, với những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, Việt Nam được bạn bè trong Phong trào đánh giá cao và trông đợi sẽ có thêm những đóng góp thiết thực đối với sự nghiệp chung của Phong trào, nhất là trong giai đoạn Phong trào cần có những đổi mới để nâng cao vị thế trên các diễn đàn quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng và Nhà nước đã xác định những nhiệm vụ mà Việt Nam cần tập trung thực hiện trong khuôn khổ Phong trào là bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ cho các hoạt động tại LHQ và Phong trào Không liên kết, đẩy mạnh công tác dự báo hoạt động, đồng thời tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của Phong trào.

Với định hướng này, Việt Nam không chỉ nâng cao hình ảnh một thành viên có trách nhiệm của Phong trào Không liên kết, mà ngược lại, còn có thể tận dụng triệt để vai trò, nguồn lực của Phong trào để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên