"Đánh cắp" công nghệ vũ khí:

Tin tặc Trung Quốc đe dọa an ninh Mỹ đến mức độ nào?

(VOV) - Căng thẳng Trung-Mỹ trong vấn đề gián điệp mạng ngày càng tăng và là chủ đề chính trong cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình sắp tới.

Năm 2013 là một năm căng thẳng đặc biệt về vấn đề tin tặc (hacker) giữa siêu cường đã “xác lập” Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc. Vào tháng 2, công ty bảo mật Mandiant của Mỹ tung ra bản báo cáo chấn động cáo buộc quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty lớn của Mỹ. Đến đầu tháng 5, đến lượt Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục đưa ra báo cáo nêu đích danh chính phủ và quân đội Trung Quốc có dấu hiệu bảo trợ tin tặc tấn công nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên một cơ quan chính phủ đưa ra một cáo buộc như vậy.

Không dừng lại ở đó, vào cuối tháng 5, tờ Washington Post tiết lộ 1 bản báo cáo mật của Lầu Năm Góc cho thấy bản thiết kế hàng chục vũ khí tối tân của Mỹ đã bị các hacker nước ngoài xâm nhập. Trong Đối thoại Shangri-La 12 vừa tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chính thức lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh đã nhiều lần tham gia vào hoạt động gián điệp mạng chống lại Mỹ, và hối thúc Trung Quốc “tuân thủ luật lệ” quốc tế. Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Obama mong sớm tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp phi chính thức vào ngày 7 và 8/6, nhằm thảo luận an ninh mạng và gửi tới Trung Quốc thông điệp “các chính phủ phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công xuất phát từ lãnh thổ nước họ”.

Tổng thống Obama quan sát ông Tập Cận Bình (khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc) tại Nhà Trắng vào cuối năm 2012 (ảnh: AP)

Hãng thông tấn Reuters ngày 1/6 trích dẫn một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Obama muốn có “một cuộc đối thoại kín, nhưng rất thẳng thắn với Tập Cận Bình về các mối quan ngại cụ thể của chúng tôi”. Vị này nói, Tổng thống Mỹ sẽ không ngại chỉ ra các quan ngại đó và cũng không chấp nhận những phản đối mang tính chiếu lệ của Trung Quốc rằng bản thân nước này cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Nhà Trắng cũng đã công bố chiến lược chống tin tặc quốc tế.

Như vậy, có thể thấy Mỹ tỏ ra rất sốt sắng và nghiêm túc trong vấn đề này như thể các lợi ích của họ đang bị đe dọa vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể họ đã bị tổn hại như thế nào?

Tổn thất vô hình nhưng lớn

Tờ Washington Post đưa tin, các hacker từ Trung Quốc đã truy cập vào dữ liệu của khoảng 40 chương trình vũ khí công nghệ cao của Mỹ, bao gồm chiến đấu cơ F-35, phi cơ trinh sát không người lái Global Hawk, chiến hạm duyên hải LCS mới “toanh”, các hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot và Aegis, và máy bay FA-18. Theo AP, còn có khoảng 30 công nghệ quốc phòng khác nữa của Mỹ cũng bị tin tặc Trung Quốc chọc thủng.

Đài CNN dẫn lời James Lewis, chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng gián điệp mạng theo một số cách khiến máy bay chiến đấu của Mỹ gặp nguy hiểm: sao chép công nghệ vũ khí, đối phó với vũ khí Mỹ dựa trên kiến thức thu thập được, hoặc phá rối cơ chế hoạt động của các vũ khí đó thông qua việc can thiệp vào các phần mềm.

Cụ thể, Lewis nói , “nếu đụng chạm vào phần mềm thì máy bay sẽ không bay được, tên lửa sẽ trượt mục tiêu, còn tàu chiến sẽ không đi tới đích”.

Trong khi đó, vẫn trên CNN, nghị sĩ Mike Roger - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện - cho rằng gián điệp mạng như trên là “cực kỳ nghiêm trọng”. Ông này phân tích: Một khi đối thủ ăn cắp được công nghệ của Mỹ, nước này sẽ phải mất công thiết kế lại, thay đổi công nghệ và chi hàng tỷ USD để đảm bảo vẫn có lợi thế đi trước đối thủ.

Bản thân bản báo cáo bị tiết lộ của Lầu Năm Góc cũng cảnh báo, chiến tranh mạng “có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các lực lượng Mỹ khi tham chiến”, bao gồm việc vũ khí Mỹ không hoạt động được, hệ thống liên lạc có vấn đề, và máy bay hoặc vệ tinh có thể rơi.

Công ty bảo mật Mandiant cho biết, mặc dù hệ thống phòng thủ mạng của Lầu Năm Góc nhìn chung là tốt, vẫn còn nhiều chỗ “mỏng yếu” như là tại các cơ sở học thuật hay công nghiệp quốc phòng, và nhiều nơi trong số đó đã đã bị “chọc thủng” về mặt an ninh mạng trong hơn 10 năm qua.

Máy bay tối tân F-35 của Mỹ (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, một số quan chức quốc phòng Mỹ cố gắng làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề khi cho rằng các vụ xâm nhập của hacker chưa gây tổn hại đến năng lực công nghệ vũ khí của Lầu Năm Góc. Chẳng hạn, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc là George Little cho rằng họ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào nền tảng công nghệ vũ khí của họ.

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ tự tin cho biết, nếu chỉ nắm giữ một phần chứ không phải tổng thể công nghệ thì sẽ rất khó tự phát triển vũ khí.

Nhu cầu của Trung Quốc

Các cáo buộc nói trên diễn ra trong thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đẩy mạnh nâng cấp quân đội, đầu tư mua sắm hoặc phát triển các loại khí tài quân sự mới bao gồm cả hàng không mẫu hạm, tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, máy bay tân tiến. Trung Quốc được cho là đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách về công nghệ quân sự với Mỹ và xây dựng ảnh hưởng chính trị ngang tầm tốc độ phát triển kinh tế. Thực tế, theo nguồn tin CNN, trong vài năm trở lại đây Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa bắn hạ được vệ tinh, thực hiện bay thử đối với phi cơ tàng hình, triển khai tàu sân bay đầu tiên và phát triển một loại tên lửa diệt mẫu hạm.

Như thường lệ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc tin tặc. Riêng Bộ Quốc phòng nước này gọi các cáo buộc là lố bịch và cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp “trí tuệ” của dân tộc Trung Hoa cũng như khả năng của họ trong việc phát triển công nghệ vũ khí. Bắc Kinh còn lập luận rằng các hacker có thể tạo ra các địa chỉ IP giả bắt nguồn từ Trung Quốc để đánh lừa dư luận.

Tuy nhiên, chính Eric Schmidt - Chủ tịch điều hành của gã khổng lồ tin học Google - cũng đã phải “khen” Trung Quốc là trung tâm tin tặc tinh vi và phong phú nhất thế giới.

Bản tin hôm 4/6 của AP cho rằng tấn công mạng là biện pháp rất kinh tế cho những nước đang phát triển như Trung Quốc. Tác giả Martha Mendoza của AP lập luận, với cách này, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền đáng lẽ phải chi cho việc tự nghiên cứu hoặc mua bản quyền sở hữu trí tuệ. Theo tác giả này, các hãng nổi tiếng của Mỹ như Apple, Facebook, Google, hay Twitter đều đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công.

AP dẫn lời Tim Junio - chuyên nghiên cứu về tấn công mạng tại Đại học Stanford - cho rằng “Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ việc ăn cắp tài sản trí tuệ của nước Mỹ”. Và do vậy, theo ông này, Tổng thống Obama sẽ rất khó thuyết phục phía Trung Quốc giảm cường độ tấn công mạng.

Đài RT của Nga dẫn nguồn tin của báo New York Times cho hay, cả các chuyên gia an ninh mạng và các quan chức Mỹ đều khẳng định rằng biệt đội tin học tinh nhuệ của Quân giải phóng Trung Quốc đã nối lại các hoạt động tấn công mạng sau khi bị công ty bảo mật Mandiant chỉ “đích danh đích địa” hồi tháng 2.

Kevin Mandia, Giám đốc Mandiant, nói với New York Times rằng sau khi bị phát giác, đơn vị tin học nói trên của quân đội Trung Quốc đã tạm ngừng tác chiến một thời gian và tập trung xóa sạch các dấu vết số (như phần mềm gián điệp và các công cụ gián điệp khác dùng để theo dõi các doanh nghiệp Mỹ). Nhưng Kevin cũng cho hay, chỉ 1 tháng sau đó, các tay hacker này đã quay lại dùng các phương tiện tinh vi để moi một cách cẩn thận và bí mật các thông tin tình báo từ các máy tính Mỹ. Ông này khẳng định, đơn vị nói trên (số hiệu 61398) hiện đang hoạt động ở mức 60-70% trước khi bị phát giác.

Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, nhìn từ trên không (ảnh: Reuters)

Công ty Mandiant cho biết nhiều mục tiêu hiện nay vẫn như hồi trước và các tin tặc vẫn sử dụng các phần mềm độc hại giống như trước đây, chỉ chỉnh mã một chút. Ngoài ra, họ còn dùng các server mới để tấn công nạn nhân và cài thêm nhiều công cụ giúp họ lấy được thông tin mà không bị phát hiện.

Diễn tập số hóa trong quân đội Trung Quốc

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu số hóa quân đội nước này bằng việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Trang web đài RT ngày 29/5 cho biết Trung Quốc sắp thử nghiệm các đơn vị quân sự “số hóa” hiện đại vào cuối tháng 6/2013. Cụ thể, theo Tân Hoa xã, 2 binh đoàn hợp thành của Bộ Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh sẽ diễn tập tại căn cứ Zhurihe ở vùng tự trị Nội Mông, với nội dung tập trung vào các lực lượng chiến đấu có các đơn vị số hóa và tác chiến điện tử.

Việc phát triển các đơn vị như trên nằm trong các ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Theo đó, bộ đội “số hóa” sẽ tận dụng công nghệ thông tin hiện đại để giành chiến thắng trên chiến trường. Các hệ thống tin học hóa tích hợp được sử dụng để thu thập tình báo, đánh giá tình hình chiến đấu, liên lạc và kiểm soát 1 đơn vị quân sự.

Đối sách của Mỹ

Tất nhiên các giải pháp ngoại giao đã được Mỹ áp dụng, thể hiện qua bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel tại Đối thoại Shangri-La 12, và cuộc gặp sắp tới của Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, Mỹ không giới hạn bản thân vào các hoạt động ngoại giao. Người Mỹ cũng đưa tư tưởng quân sự “đánh phủ đầu” vào không gian mạng.

Tờ USA Today ngày 4/6 nhận định Mỹ đang bắt đầu tung ra ý niệm cho rằng sẽ hoàn toàn hợp lý nếu tiến hành trả đũa dữ dội các gián điệp mạng.

Trang web đài RT hôm 20/5 cho biết, tướng Keith Alexander đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến tranh mạng của Mỹ từng nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng cho đến năm 2015, cơ quan của ông ta sẽ huấn luyện được 13 đơn vị riêng rẽ chuyên chủ động mở các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu nước ngoài.

Tại phiên điều trần hạ viện Mỹ, tướng Alexander nói các đơn vị này cũng tương tự như các tiểu đoàn trong lục quân, thủy quân lục chiến hay phi đoàn của hải quân và không quân. “Nói một cách ngắn gọn, họ sẽ mau chóng có khả năng hoạt động độc lập, với 1 loạt kỹ năng tác chiến và tình báo cùng đội ngũ nhân viên cả quân sự và dân sự.”

Sử dụng hacker là 1 phương cách rất kinh tế (ảnh: AFP)

Nhà phân tích chính trị Nile Bowie viết trên trang web RT vào hôm 4/6 rằng, Bộ Tư lệnh nói trên có 2 nhiệm vụ song song là bảo vệ dữ liệu quan trọng của Mỹ và chế ra các mã độc để đi tấn công các nước khác.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên trường hợp sâu vi tính siêu hạng Stuxnet (phát hiện năm 2010) được cho là do các nhà khoa học Mỹ và Israel tạo ra để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Cho đến nay, đây vẫn là mã độc tinh vi nhất được phát hiện. Theo Bowie, trong lúc các nhà khoa học hạt nhân của Iran bị ám sát thì sâu vi tính này đã vô hiệu hóa hệ thống điều khiển khẩn cấp tại cơ sở hạt nhân Natanz (Iran) và làm hỏng gần 1.000 (trong tổng số 5.000) máy ly tâm tại đây bằng cách thay đổi tốc độ quay.

Vẫn theo Bowie, một cựu điều phối viên Nhà Trắng về vũ khí hủy diệt hàng loạt tên là Gary Samore khi được hỏi về sâu Stuxnet tại 1 buổi họp báo đã hồ hởi trả lời: “Tôi rất vui được nghe tin họ [Iran] gặp rắc rối với các máy ly tâm, và Mỹ cùng với các đồng minh đang làm mọi thứ có thể nhằm gây thêm phức tạp cho họ”.

Đài RT cho biết mặc dù Nhà Trắng chưa chính thức thừa nhận Stuxnet là do mình tạo ra, một số quan chức giấu tên trong chính quyền Obama đã chứng thực việc Washington ra lệnh sử dụng Stuxnet và các loại mã độc hại khác chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran.

Một số người tin rằng nước Mỹ, với hạ tầng tin học cực mạnh và trường hợp sâu vi tính Stuxnet khét tiếng nói trên, chính là “trùm tin tặc” thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nước Mỹ đoàn kết quanh chiến lược chống tin tặc quốc tế
Nước Mỹ đoàn kết quanh chiến lược chống tin tặc quốc tế

(VOV) - Nhà Trắng đã công bố chiến lược chống các tin tặc nước ngoài chuyên moi bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ đoàn kết quanh chiến lược chống tin tặc quốc tế

Nước Mỹ đoàn kết quanh chiến lược chống tin tặc quốc tế

(VOV) - Nhà Trắng đã công bố chiến lược chống các tin tặc nước ngoài chuyên moi bí mật thương mại của Hoa Kỳ.

Cuộc chiến tin tặc  Trung-Mỹ đã đến hồi công khai
Cuộc chiến tin tặc Trung-Mỹ đã đến hồi công khai

(VOV) - Lần đầu tiên một cơ quan chính phủ Mỹ lên tiếng cáo buộc phía Trung Quốc có dấu hiệu bảo trợ các vụ tấn công mạng.

Cuộc chiến tin tặc  Trung-Mỹ đã đến hồi công khai

Cuộc chiến tin tặc Trung-Mỹ đã đến hồi công khai

(VOV) - Lần đầu tiên một cơ quan chính phủ Mỹ lên tiếng cáo buộc phía Trung Quốc có dấu hiệu bảo trợ các vụ tấn công mạng.

Chính phủ Mỹ là trùm tin tặc thế giới?
Chính phủ Mỹ là trùm tin tặc thế giới?

(VOV) - Một nhà báo Reuters cho rằng chính phủ Mỹ đi đầu trong việc mua và dùng các phần mềm hack cực kỳ lợi hại.

Chính phủ Mỹ là trùm tin tặc thế giới?

Chính phủ Mỹ là trùm tin tặc thế giới?

(VOV) - Một nhà báo Reuters cho rằng chính phủ Mỹ đi đầu trong việc mua và dùng các phần mềm hack cực kỳ lợi hại.

Trung Quốc cũng phản đối tin tặc
Trung Quốc cũng phản đối tin tặc

(VOV) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định không ủng hộ tội phạm mạng, đồng thời phản đối hoạt động tin tặc.

Trung Quốc cũng phản đối tin tặc

Trung Quốc cũng phản đối tin tặc

(VOV) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định không ủng hộ tội phạm mạng, đồng thời phản đối hoạt động tin tặc.

Hacker Trung Quốc lấy được công nghệ vũ khí tối tân của Mỹ?
Hacker Trung Quốc lấy được công nghệ vũ khí tối tân của Mỹ?

(VOV) - Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí lớn của quân đội nước này đã bị tin tặc đánh cắp.

Hacker Trung Quốc lấy được công nghệ vũ khí tối tân của Mỹ?

Hacker Trung Quốc lấy được công nghệ vũ khí tối tân của Mỹ?

(VOV) - Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí lớn của quân đội nước này đã bị tin tặc đánh cắp.