‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật

(VOV) - Từ thời kỳ đầu, Mỹ đã can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước và ít dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ dễ dàng từ bỏ...

Tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn âm ỉ từ lâu và đã không ít lần cuộn sóng dữ dội. Gần đây, căng thẳng trong khu vực này lại bùng phát sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa 3 trong 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với giá chuyển nhượng 26 triệu USD (theo báo chí Nhật) trong nỗ lực kiểm soát hiệu quả hơn các đảo này.

Tờ The Australian cho biết, chủ tư nhân trước đó của các hòn đảo đã yêu cầu chính quyền Tokyo hoặc chính phủ Nhật phải xây dựng 1 căn cứ hải quân ở đây để bảo đảm chủ quyền của nước Nhật đối với các hòn đảo.

Thoạt tiên người ta dễ nghĩ rằng đây hoàn toàn là chuyện giữa 2 kỳ phùng địch thủ ở Đông Á và ít có đất cho sự can thiệp của người Mỹ ở tận bên kia bán cầu. 

Đảo Uotsuri trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông (ảnh: AP)

Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử thì có thể thấy sự liên quan của Mỹ với tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là có tính hệ thống và diễn ra từ rất sớm.

Lý lẽ của Nhật Bản

Đất nước Mặt trời mọc cho rằng nhóm đảo nói trên trở thành lãnh thổ chính thức của nước này vào năm 1895. Từ năm 1885, chính phủ Nhật đã khảo sát quần đảo nhỏ này và khẳng định các đảo Senkaku/Điếu Ngư trước đó là đất vô chủ.

Dựa trên kết luận này, Nội các Nhật vào ngày 14/1/1895 quyết định dựng cột mốc chủ quyền trên đảo để chính thức sáp nhập nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư vào lãnh thổ Nhật Bản. Kể từ đó đến nay (trừ thời kỳ quân quản của Mỹ), các đảo Senkaku/Điếu Ngư được Nhật coi là một bộ phận hợp thành của quần đảo Nansei Shoto (có tên khác là Ryukyu).

Nhật khẳng định rằng trong quá khứ, các đảo Senkaku/Điếu Ngư không thuộc Đài Loan lẫn quần đảo Bành Hồ từng bị nhà Thanh (Trung Quốc) nhượng cho Nhật theo Điều 2 của Hiệp ước Shimonoseki có hiệu lực từ tháng 5/1895. Và do vậy, các đảo Senkaku/Điếu Ngư không nằm trong số lãnh thổ mà Nhật buộc phải từ bỏ theo Điều 2 của Hòa ước San Francisco ký năm 1951. Những hòn đảo này sau đó đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ trong một số năm (theo Điều 3 của Hòa ước nói trên), trước khi được trao trả lại cho Nhật quản lý.

Trong thời gian cai quản quần đảo Nansei Shoto (bao trùm lên cả khu vực Senkaku/Điếu Ngư), Mỹ đã cho không quân luyện tập ném bom trong khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Đến tháng 6/1971, Mỹ và Nhật ký thỏa thuận hoàn trả toàn bộ quyền quản lý, lập pháp và tài phán đối với khu vực Okinawa và các đảo xung quanh (trong đó có các đảo Senkaku/Điếu Ngư) cho phía Nhật Bản.

Nhật Bản viện dẫn thực tế Trung Quốc không hề phản đối địa vị các hòn đảo khi đặt dưới quyền quản lý của người Mỹ theo Điều 3 Hòa ước San Francisco, và cho rằng điều này chứng tỏ Trung Quốc không coi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần thuộc Đài Loan.

Theo Nhật Bản, phải mãi đến khi người ta bắt đầu phát hiện có dầu mỏ ở khu vực này vào cuối những năm 1960 thì Trung Quốc mới tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một nhóm người Nhật ra khảo sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 2/9 (ảnh: Jiji)

Lập luận của Trung Quốc

Theo Trung Quốc, các sử liệu của nước này mô tả chi tiết việc phát hiện cũng như các đặc điểm địa lý của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã có từ tận năm 1403. Trong vài thế kỷ, các hòn đảo được cai quản như một bộ phận của Đài Loan và ngư dân Trung Quốc đã liên tục dùng khu vực này làm cơ sở hoạt động. Đài Loan đã được nhượng cho Nhật Bản năm 1895 sau chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 1. Ban đầu, trong thời gian Nhật chiếm đóng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý của tỉnh Đài Bắc.

Tại Hội nghị Cairo năm 1943, ba nhà lãnh đạo là Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Tổng tư lệnh Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch nhất trí một khi Thế chiến 2 kết thúc, “Nhật Bản sẽ bị tước bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã giành hoặc chiếm đóng kể từ đầu Thế chiến thứ 1 năm 1914, và tất các các lãnh thổ mà Nhật đã cướp của Trung Hoa Dân Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ sẽ được giao lại cho Trung Hoa Dân Quốc”.

Trung Quốc cho rằng: Điếu Ngư/Senkaku là một phần của Đài Loan do Trung Quốc cai quản trước năm 1895, đồng nghĩa với việc khu vực này phải được trả lại cho Trung Quốc cùng với các đảo bị thôn tính khác.

Các đợt căng thẳng bùng phát trước đây

Theo Global Security, từ năm 1995, tàu bè Trung Quốc đã vào khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Tháng 6/1996, Nhật Bản tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay lập tức, Trung Quốc gia tăng việc hiện diện ở vùng đặc quyền quanh Senkaku/Điếu Ngư này bằng tàu thuyền các loại, từ tàu thăm dò dầu khí, tàu nghiên cứu đại dương đến chiến hạm.

Làn sóng bài Nhật đầu tiên liên quan đến Sensaku/Điếu Ngư xảy ra vào tháng 7/1996, đặc biệt là ở Hong Kong và Đài Loan, ngay sau khi 1 nhóm người Nhật lập 1 ngọn hải đăng trên 1 đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Sang năm 1997, tàu bè người Hoa tiếp tục tiến vào vùng đảo tranh chấp (do phía Nhật Bản hoàn toàn kiểm soát trên thực tế). Đến tháng 9/1998, một nhóm biểu tình người Hoa đã đặt chân lên đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi va chạm với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật.

Tàu hải giám Trung Quốc (dưới) và tàu tuần duyên Nhật Bản lượn gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (ảnh: Reuters)

Năm 2003, cả Trung Quốc và Đài Loan khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tháng 1/2004, tàu tuần tra của hải quân Nhật Bản (tên chính thức là Lực lượng Phòng vệ Biển) bị cáo buộc tấn công 2 tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển gần khu vực đảo tranh chấp. Tháng 3 năm ấy, cảnh sát Nhật lần đầu tiên bắt 7 nhà hoạt động Trung Quốc sau khi những người này đặt chân lên hòn đảo chính trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc.

Ngày 21/7/2004, phía Nhật phát hiện 1 tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc trong khu vực đặc quyền kinh tế cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 40km. Đến ngày 10/11/2004, một tàu ngầm được cho là lớp Hán, lặn 2 tiếng đồng hồ vào lãnh hải Nhật, khiến hải quân Nhật phải báo động lần thứ 2 kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2. Nhật đã dùng khu trục hạm và máy bay tuần tiễu để xua đuổi chiếc tàu ngầm này.

Tháng 2/2005, Nhật quốc hữu hóa một ngọn hải đăng do các nhà hoạt động Nhật dựng lên trên hòn đảo lớn nhất của Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 1988. Động thái này bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi là “1 sự khiêu khích và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”.

Một vấn đề liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là việc phân chia khu đặc quyền kinh tế ở vùng biển Hoa Đông. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, hai bên có khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng Biển Hoa Đông chỉ rộng có 360 hải lý, nên có 1 vùng chống lấn 40 hải lý. Nhật đề nghị chia đôi vùng chống lấn bằng đường trung tuyến tính từ bờ biển 2 nước, nhưng Trung Quốc lại nhất quyết mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình vượt qua đường trung tuyến này. Hai bên đã có nhiều hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này.

Chiếc ô an ninh của Mỹ

Khu vực Biển Hoa Đông đã dậy sóng từ những năm 1990 và đặc biệt là vào những tuần gần đây, khi đó người ta đặc biệt quan tâm đến “nhân tố” Mỹ trong tranh chấp này.

Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật (ký năm 1960) nêu rõ, “mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.

Điều 6 của Hiệp ước quy định: “Vì mục đích đóng góp cho an ninh Nhật Bản và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông, các lực lượng hải lục không quân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được trao quyền sử dụng các cơ sở và khu vực ở Nhật Bản.”

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho đến tháng 12/2009, Mỹ có gần 36.000 nhân viên quân sự thuộc các quân chủng hải lục không quân và thủy quân lục chiến đóng tại Nhật Bản.

Trực thăng của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Okinawa, Nhật Bản (ảnh: World Time)

Mặc dù có những va chạm nhất định giữa dân địa phương và lực lượng Mỹ, nhìn chung người Nhật ủng hộ Hiệp ước Tương trợ An ninh Mỹ-Nhật và sự hiện diện của quân Mỹ trên đất Nhật. Một cuộc thăm dò ý kiến do Thời báo Okinawa (Nhật Bản) tiến hành cho thấy, có tới 73,4% cư dân Nhật đánh giá cao Hiệp ước trên cũng như sự có mặt của quân đội Mỹ.

Tháng 11/1996, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Campbell tuyên bố quan điểm cơ bản của Mỹ là Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật phải bảo vệ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là William Perry tái xác nhận vào tháng 12/1996.

Tuy nhiên giới ngoại giao Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng trong tuyên bố liên quan đến chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Chẳng hạn, tháng 12/1996, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập đến quan điểm trung lập của nước này đối với vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Adam Ereli, cũng phát biểu vào tháng 3/2004: “Mỹ không có quan điểm về chủ quyền cuối cùng của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư… Chúng tôi mong các bên tuyên bố chủ quyền sẽ thực hiện kiềm chế  và giải quyết vấn đề này thông qua biện pháp hòa bình.”

Mặc dù vậy, hãng thông tấn Kyodo của Nhật vào ngày 10/7/2012 đưa tin, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ có nói với hãng này rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của Điều 5 trong Hiệp ước Hợp tác và Tương trợ An ninh Mỹ-Nhật năm 1960, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ Nhật trước các cuộc tấn công.

Trong khi đó hôm 17/9 tại Tokyo, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba khẳng định tuy ông không mang vấn đề ra thảo luận nhưng cả hai phía Nhật và Mỹ “đều hiểu rằng quần đảo [Senkaku/Điếu Ngư] nằm trong phạm vi Hiệp ước [tương trợ an ninh Nhật-Mỹ]”.

Sau cuộc gặp cùng ngày với Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Satoshi Morimoto, ông Panetta phát biểu Mỹ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Trung-Nhật. Tuy nhiên, bản tin của Hãng thông tấn Jiji (Nhật) hôm 18/9 cũng đồng thời dẫn lời ông Panetta tái khẳng định lập trường của Mỹ cho rằng các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dân Trung Quốc vây chặt sứ quán Nhật tại Bắc Kinh
Dân Trung Quốc vây chặt sứ quán Nhật tại Bắc Kinh

(VOV) - Cùng lúc, hàng chục ngàn người Trung Quốc biểu tình tại nhiều thành phố, tấn công các xe hơi do Nhật sản xuất.

Dân Trung Quốc vây chặt sứ quán Nhật tại Bắc Kinh

Dân Trung Quốc vây chặt sứ quán Nhật tại Bắc Kinh

(VOV) - Cùng lúc, hàng chục ngàn người Trung Quốc biểu tình tại nhiều thành phố, tấn công các xe hơi do Nhật sản xuất.

“Chiêu bài” kinh tế trong tranh chấp Nhật - Trung
“Chiêu bài” kinh tế trong tranh chấp Nhật - Trung

(VOV) - “Vũ khí” kinh tế có thể được Trung Quốc sử dụng để buộc Nhật Bản phải nhượng bộ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

“Chiêu bài” kinh tế trong tranh chấp Nhật - Trung

“Chiêu bài” kinh tế trong tranh chấp Nhật - Trung

(VOV) - “Vũ khí” kinh tế có thể được Trung Quốc sử dụng để buộc Nhật Bản phải nhượng bộ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao
Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao

(VOV) - Mỹ cho rằng, quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực.

Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao

Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao

(VOV) - Mỹ cho rằng, quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực.

Trung- Nhật tranh chấp đảo sẽ ảnh hưởng đến kinh tế
Trung- Nhật tranh chấp đảo sẽ ảnh hưởng đến kinh tế

(VOV) -Căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đảo có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế-thương mại của cả 2 nước.

Trung- Nhật tranh chấp đảo sẽ ảnh hưởng đến kinh tế

Trung- Nhật tranh chấp đảo sẽ ảnh hưởng đến kinh tế

(VOV) -Căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đảo có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế-thương mại của cả 2 nước.

Học giả Đài Loan hiến kế độc trong tranh chấp Điếu Ngư
Học giả Đài Loan hiến kế độc trong tranh chấp Điếu Ngư

Kế độc của học giả này là coi Điếu Ngư và vùng biển phụ cận là khu vực bắn thử đạn pháo của quân đội Trung Quốc

Học giả Đài Loan hiến kế độc trong tranh chấp Điếu Ngư

Học giả Đài Loan hiến kế độc trong tranh chấp Điếu Ngư

Kế độc của học giả này là coi Điếu Ngư và vùng biển phụ cận là khu vực bắn thử đạn pháo của quân đội Trung Quốc