Hội nghị G20 kết thúc thành công

G-20 đã ra tuyên bố chung khẳng định các nỗ lực chống khủng hoảng của họ đã thành công, và cam kết trao cho các cường quốc mới nổi vai trò quyết định hơn trong quá trình tái thiết và dẫn dắt kinh tế thế giới.

Ngày 25/09, kết thúc Hội nghị cấp cao hai ngày tại thành phố Pittsburgh (Mỹ), nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã ra tuyên bố chung khẳng định các nỗ lực chống khủng hoảng của họ đã thành công, và cam kết trao cho các cường quốc mới nổi vai trò quyết định hơn trong quá trình tái thiết và dẫn dắt kinh tế thế giới.

Mặc dù đến tận trước giờ khai mạc giữa các nước vẫn còn nhiều bất đồng, nhưng Hội nghị cấp cao 2 ngày Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc, với một kết quả được xem là khá khả quan, vượt qua sự mong đợi của nhiều người.

Kết quả quan trọng nhất chính là việc các lãnh đạo G20 đã đạt được nhất trí về những quy định mới và chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời tiếp tục duy trì các gói kích thích kinh tế, đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay.

Hội nghị cũng ghi nhận một bước tiến lịch sử trong việc công nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực châu Á và Mỹ La-tinh khi nhất trí để các nước hai khu vực này có tiếng nói quan trọng hơn. Đây được xem là một sự thay đổi lớn, cho thấy cán cân quyền lực trên thế giới đã dịch chuyển như thế nào trong 40 năm qua. Các nhà lãnh đạo cũng quyết định G-20 (bao gồm cả những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ) sẽ đảm nhận vai trò như một "ban giám đốc về hợp tác kinh tế toàn cầu" vốn từng do G-8 nắm giữ suốt hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, G-8 sẽ vẫn tiếp tục giải quyết các vấn đề chung như an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Obama nói: “Các thách thức của thế kỷ 21 không thể lặp lại như những gì  xảy ở thế kỷ 20. Vì thế nhóm G20 cần phải có cách tiếp cận mới về hợp tác. Các nền kinh tế mới nổi sẽ có tiếng nói lớn hơn trong đại gia đình của chúng ta . Và để giúp các nước dễ bị tổn thương nhất thoát khỏi đói nghèo, chúng tôi cũng quyết định xây dựng một thiết chế ngân hàng mới, có trách nhiệm hỗ trợ các khoản đầu tư, an ninh lượng thực, năng lượng sạch và nước sạch cho  những nước này”.

Tuyên bố chung của Hội nghị nhất trí xem xét lại toàn bộ quy định tài chính lỏng lẻo cũng như đưa ra một khuôn khổ hành động chung nhằm tái cân bằng sự tăng trưởng kinh tế và thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn vào trước cuối năm 2012 để kiểm soát hệ thống ngân hàng.

Tổng thống Pháp N. Sarkozy khẳng định: “Các Ngân hàng trung ương từ nay sẽ có thêm quyền giới hạn các khoản tiền thưởng. Một ngân hàng hoạt động có lãi sẽ không phải phân bổ tất cả cho các cổ đông, mà có thể giữ lại một phần. Bởi vì phần này sau đó có thể tạo ra nhiều khoản vay hơn cho các công ty hay hộ gia đình. Đây là lần đầu tiên,  cơ quan giám sát có quyền quy định các khoản tiền thưởng, tuỳ theo thu nhập của ngân hàng”.

Một trong những kết quả quan trọng khác là các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 đồng ý phê chuẩn để G20 trở thành một diễn đàn kinh tế thường trực, có vai trò điều phối hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Đến năm 2011, G20 sẽ chính thức thay thế vai trò của nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) đối với nền kinh tế toàn cầu. 

G20 thống nhất sẽ tổ chức hai hội nghị cấp cao, tại Canada và Hàn Quốc, trong năm sau và sau đó họp hàng năm, bắt đầu từ năm 2011 tại Pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên