Hy Lạp thông qua các biện pháp “khắc khổ” mới

Kế hoạch sẽ giảm 20% lương đối với những người có thu nhập từ 1.200 euro/tháng trở lên, đưa 30.000 viên chức vào lực lượng "lao động dự trữ"…

Ngày 21/9, Hy Lạp công bố các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới, với hy vọng tiếp tục nhận được cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi đó, IMF cảnh báo khủng hoảng nợ công ở châu Âu có nguy cơ "xé rộng" lỗ hổng về vốn tại các ngân hàng khu vực.

Kế hoạch này cho phép giảm 20% lương đối với những người có thu nhập từ 1.200 euro/tháng trở lên; đưa 30.000 viên chức vào lực lượng "lao động dự trữ", 1 hình thức sa thải tạm thời; hạ mức trần thu nhập phải nộp thuế xuống 5.000 euro và kéo dài thời hạn áp dụng sắc thuế mới về nhà ở. Chính phủ Hy Lạp cho rằng những biện pháp mới sẽ giúp Hy Lạp đáp ứng các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011-2012.

Hy Lạp đang phải thuyết phục EU và IMF, rằng chương trình khôi phục kinh tế của nước này đang đi đúng hướng để được giải ngân phần tiền cứu trợ tiếp theo, trị giá 8 tỷ euro. Đây là số tiền Hy Lạp cần được giải ngân trong tháng 10 tới, để trả lương và thanh toán một số khoản nợ đáo hạn. Nếu không, Hy Lạp có thể vỡ nợ và điều đó sẽ đe dọa nghiêm trọng toàn bộ Khu vực đồng euro.

Người biểu tình phía trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp, phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" (Ảnh: AFP)

Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao EU và IMF sẽ đến Hy Lạp vào tuần tới để đánh giá tiến bộ cải cách của Aten, trước khi quyết định có giải ngân phần cứu trợ này hay không.

Trong khi đó, người dân Hy Lạp tiếp tục phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ. Nhiều nghiệp đoàn đã thông báo kế hoạch bãi công, bao gồm cuộc bãi công trong khu vực nhà nước vào ngày 5/10 tới, và 1 cuộc bãi công khác phối hợp giữa khu vực nhà nước và tư nhân vào ngày 19/10.

Diễn biễn nợ công ở khu vực đồng euro đang làm dấy lên những quan ngại về 1 cuộc khủng hoảng tài chính, hay thời kỳ suy thoái kinh tế mới trên toàn cầu. Một quan chức tài chính cấp cao của Mỹ cảnh báo, những căng thẳng về nợ công và ngân hàng ở châu Âu là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty kêu gọi EU thực hiện các cam kết cứu trợ Hy Lạp, tránh để khủng hoảng nợ công biến thành khủng hoảng ngân hàng, tiếp đó trở thành khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên