Iran trong vòng xoáy bất ổn kinh tế và chính trị nghiêm trọng
VOV.VN - Làn sóng biểu tình ở Iran leo thang căng thẳng nhanh ngoài dự đoán và hiếm thấy ở đất nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong khi đó, chính quyền cảnh báo sẽ sử dụng “quả đấm sắt” để đối phó với người biểu tình quá khích và vi phạm luật pháp. Dù tình hình đã được kiểm soát gần như hoàn toàn, những những biến động này cho thấy Iran bước vào năm 2018 với nhiều thách thức cả trong nội bộ về kinh tế, chính trị cũng như ảnh hưởng của vòng xoáy bất ổn khu vực và sự can thiệp từ bên ngoài.
Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Ảnh: Reuters |
Trong 5 ngày qua, nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Iran đã nổ ra và lan rộng đến ít nhất 40 thành phố, bao gồm cả thủ đô Tehran phản đối tình trạng lạm phát và thất nghiệp tăng cao.
Theo các nguồn tin khu vực, tính tới ngày 2/1 ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và gần 400 người, trong đó có 200 người ở Tehran bị bắt giữ do quá khích hoặc xúi giục, kích động biểu tình. Theo đánh giá của các nhà phân tích khu vực cuộc biểu tình lần này nằm ngoài dự đoán và "rất phức tạp”, khác biệt với các sự kiện trong quá khứ.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Iran kể từ năm 2009 khi hàng loạt người biểu tình ủng hộ Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad phản đối kết quả của cuộc bầu cử gây tranh cãi đã đưa ông lên nắm quyền.
Tuy nhiên, người phát ngôn của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Ramezan Sharif cho biết cảnh sát và lực lượng an ninh nước này đã kiểm soát hoàn toàn tình hình tại Tehran và các thành phố khác. Các cơ quan thực thi pháp luật đang giải quyết tốt nhiệm vụ của họ, không cần sự trợ giúp của IRGC cũng như sự can thiệp thêm vào tình hình hiện nay.
Trước đó, các đơn vị đặc nhiệm chống bạo loạn của Iran đã kiểm soát tình hình ở những nơi diễn ra biểu tình. Chính quyền Iran tuyên bố sẽ mạnh tay với các cuộc biểu tình "bạo lực và khủng bố", những người biểu tình quá khích sẽ phải trả giá đắt nếu họ vi phạm pháp luật.
Nga - Iran củng cố “cuộc hôn nhân” đa lợi ích
Nguyên nhân gì sâu xa hơn?
Trong vòng 20-30 năm qua, Iran gần như không xảy ra tình trạng biểu tình. Do đó, cuộc biểu tình lần này cũng là sự bất ngờ đối với chính quyền Iran. Tổng thống Iran đã thừa nhận, các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra là kết quả của những vấn đề trong nước cũng như tác động từ bên ngoài.
Phó Tổng thống Iran Ishaq Jahangiri nói rằng "các vấn đề kinh tế đã được sử dụng như một cái cớ. Có nhiều kịch bản khác nhau đang diễn ra bí mật.” Báo chí khu vực cho rằng, giá lương thực cơ bản như trứng và gia cầm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao đã khiến người dân phản đối.
Cụ thể như tỷ lệ thất nghiệp là 12,4% trong năm tài chính này và khoảng 3,2 triệu người Iran đang thất nghiệp, trong tổng số 80 triệu. Các cuộc biểu tình đòi hỏi cải cách kinh tế, nhanh chóng trở thành nhu cầu chính trị của Tổng thống Rowhani.
Cuộc biểu tình cũng cho thấy một số người dân có thể đã thất vọng hoặc không hài lòng với các cải cách của chính phủ khi không giúp nước này thoát khỏi tình trạng suy sụp kinh tế.
Bởi thực tế không phải 100% người dân Iran ủng hộ Tổng thống Hassan Rowhani nhất là những người theo đường lối cứng rắn, bảo thủ (phe đối lập) không chấp nhận đường lối ôn hòa, cải cách của Tổng thống. Điều đó cũng cho thấy ngay trong nội bộ Iran có những bất đồng.
Ngoài ra, sau khi ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, giúp cho Iran cởi mở hơn với bên ngoài. Điều này cũng khiến cho việc người dân có nhiều cơ hội tiếp xúc, đánh giá và bộc lộ mong muốn, suy nghĩ của mình hơn trước. Do đó, việc người dân biểu tình phản đối chính phủ như một quy luật của sự phát triển.
Chính Tổng tống Rowhani cũng cho rằng người dân có quyền thể hiện quan điểm, song mọi hành động không được dẫn tới bạo lực và không được làm tổn hại tới tài sản công cộng. Ông còn cho hay các cuộc biểu tình là một "cơ hội, chứ không phải là mối đe dọa".
Cuộc biểu tình lần này cũng được cho là có sự can thiệp từ bên ngoài. Iran cáo buộc các bên nước ngoài mô tả là "kẻ thù" đứng sau những gì đang xảy ra và can thiệp để làm mất ổn định an ninh và ổn định của Iran.
Tổng thống Iran nói rằng Israel, Mỹ và Saudi Arabia muốn gây ra cuộc chiến bên trong Iran và cáo buộc Mỹ và Israel xúi giục một số người biểu tình để trả đũa chống lại Iran. Bởi từ lâu nay, Mỹ và Israel đều coi Iran là mối đe dọa lớn ở Trung Đông.
Đáng chú ý là các diễn biễn xảy ra khi mà Iran được cho là đang giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, kinh tế và ảnh hưởng ở khu vực khi giúp củng cố lực lượng Chính phủ Syria, Lebanon, mở rộng quan hệ và ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh.
Tổng thống Nga thăm Iran: Một mũi tên trúng nhiều đích
Iran cáo buộc sự kích động để trả đũa từ bên ngoài
Những mâu thuẫn và bất đồng giữa Iran và một số nước trong đó có Israel, Mỹ và gần đây là Saudi Arabia vẫn luôn âm ỉ và xung đột dưới nhiều hình thức. Mới đây, Tổng thống Mỹ còn tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 khi cho rằng Iran không tuân thủ đầy đủ các nội dung của thỏa thuận. Trong khi đó, Iran và ngay cả cộng đồng quốc tế, Cơ quan IAEA lại phủ nhận điều này.
Thời gian qua, Saudi Arabia cũng cáo buộc Iran cung cấp vũ khí và tên lửa cho lực lượng Houthi ở Yemen tấn công nước này và cáo buộc Iran can thiệp công việc nội bộ các nước Arab, vùng Vịnh. Do đó, chính quyền Iran cáo buộc rằng có “âm mưu chính trị” đằng sau làn sóng biểu tình cũng là điều dễ hiểu. Iran cho rằng đây là sự trả đũa của các đối thủ muốn Iran mất ổn định, ngăn cản ảnh hưởng của nước này ở khu vực Trung Đông.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Liên bang Nga (Senate) Constantine Kosachov cho rằng có yếu tố bên ngoài đằng sau các cuộc biểu tình ở Iran, mặc dù những lý do nội bộ đầu tiên có ảnh hưởng. Thượng nghị sĩ Nga chỉ ra rằng những người biểu tình hô vang những khẩu hiệu kêu gọi từ bỏ bất kỳ vai trò nào của Iran ở Syria, Lebanon và Dải Gaza.
Trong khi đó, Mỹ chính thức tuyên bố ủng hộ đầy đủ cho những người biểu tình phản đối ở Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "đã đến lúc thay đổi" ở Iran. Ông Trump khẳng định "Iran đang thất bại ở mọi cấp độ, bất chấp thỏa thuận tồi tệ mà họ đã đạt được với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama," ám chỉ thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và sáu cường quốc hồi năm 2015.
Thế giới 7 ngày: Mỹ tuyên bố chiến lược mới với Iran
Nhiều thách thức với ông Hassan Rowhani
Tới thời điểm này cuộc biểu tình đã tạm thời được kiểm soát dù sự bùng phát vừa qua là khá bất ngờ đối với Iran. Tổng thống Rowhani khẳng định người dân Iran là những người hiểu rõ tình hình của đất nước cũng như của khu vực và thế giới.
Theo ông Rowhani, các cuộc biểu tình trong những ngày qua cho thấy Iran là một đất nước tự do và theo hiến pháp, mọi người dân đều có quyền chỉ trích chính phủ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của các cuộc biểu tình phải hướng tới cải thiện tình hình đất nước. Ông Hassan Rowhani cam kết thúc đẩy các nỗ lực giải quyết những vấn đề về kinh tế, thất nghiệp, lạm phát cũng như ô nhiễm không khí.
Về dài hạn, thì đường lối đối ngoại và vấn đề nội bộ sẽ quyết định tình hình Iran thời gian tới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Rowhani đã đưa ra những tham vọng thậm chí còn lớn hơn nhiệm kỳ đầu của mình như chỉnh sửa hệ thống ngân hàng hiện đang gặp khó bởi các khoản cho vay bất động sản xấu, và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt còn lại của quốc tế liên quan đến những vấn đề như chương trình tên lửa đạn đạo và nhân quyền.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bloomberg, nhiệm vụ này khó có thể thực hiện được. Đồng thời, chương trình nghị sự của ông tới đây chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều sức ép trong nước, khi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei có quyền phủ quyết mọi chính sách trong lúc phe bảo thủ vẫn kiểm soát các lực lượng an ninh và tư pháp.
Điều đó cho thấy, chính quyền của Tổng thống Rowhani sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Iran vẫn giữ được sự ổn định trong nước, tiếp tục mở rộng quan hệ và từng bước phục hồi kinh tế./.