Khai mạc Hội nghị G20

Hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, trong đó có nhóm 8 nước công nghiệp phát triển G8 cùng nhiều nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới

Sau khi tham dự phiên họp thường niên Đại hội đồng Liêp Hợp Quốc lần thứ 64 tại New York, nguyên thủ các quốc gia đã đến thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) tham dự Hội nghị cấp cao 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20). Sự kiện này thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị G20.

Hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, trong đó có nhóm 8 nước công nghiệp phát triển G8 cùng nhiều nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày và đưa ra thảo luận những vấn đề được dư luận chú ý như mất cân bằng thương mại, những biện pháp đẩy mạnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, ổn định tài chính, thay đổi khí hậu và giúp đỡ các nước nghèo…Tuy nhiên, hội nghị sẽ tập trung vào hai chủ đề chính đó là duy trì sự hồi phục kinh tế toàn cầu và cải tổ hệ thống tài chính để tránh khủng hoảng  như thời gian vừa qua. 

Tổng thống Barack Obama cho rằng, thông điệp chính của Hội nghị Pittsburgh là cần triển khai rộng hơn kế hoạch hành động ở Hội nghị London. Ông Obama mong muốn nhóm G20 sẽ đàm phán các vấn đề toàn cầu hóa trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi. Tổng thống Barack Obama cũng thúc giục lãnh đạo nhóm G20 cơ cấu lại nền kinh tế toàn cầu, và phụ thuộc ít hơn vào sức tiêu dùng của người dân Mỹ. Ông Obama cho rằng, nước Mỹ bây giờ cần phải tiết kiệm hơn, trong khi đó các nền kinh tế như Đức và Trung Quốc phải tiêu dùng nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn để giúp xây dựng  hệ thống thương mại toàn cầu bên vững. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo rằng, mục tiêu của Mỹ tại hội nghị này có thể làm phân tán sự tập trung của nhà lãnh đạo G20 vào mục tiêu quan trọng đó là cải cách thị trường tài chính. Thủ tướng Đức cho rằng thế giới phải rút ra bài học từ cuộc khủng khoảng và đảm bảo rằng sự việc đó không lặp lại.

Trước thềm hội nghị Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng, có 5 nhiệm vụ cấp bách mà các nhà lãnh đạo thế giới cần đạt được sự nhất trí cao, đó là ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, chấm dứt việc sản xuất vũ khí hạt nhân, khắc phục tình trạng đói nghèo và đảm bảo sự thịnh vượng chung. Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng lên tiếng thúc giục lãnh đạo các nước G20 lập kế hoạch "trách nhiệm toàn cầu hóa" tại hội nghị này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên