Liên minh cầm quyền nào sẽ lãnh đạo nước Đức?

Mặc dù liên minh cầm quyền CDU/CSU và FDP là “kịch bản” được nhiều người dự đoán sẽ nhiều khả năng xảy ra nhưng mọi yếu tố bất ngờ còn ở phía trước!

Ngày hôm nay (27/9),  hơn 62 triệu cử tri Đức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội Liên bang mới, Quốc hội khóa 17. Đây là thời điểm được người dân Đức cân nhắc và quyết định chọn một gương mặt lãnh đạo mới chèo lái nước Đức trong bốn năm tới.

Ra tranh cử vào Quốc hội Đức lần này có 29 chính đảng nhưng trên thực tế đây là “cuộc đua song mã” giữa một bên là đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel với một bên là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier.

Do có nhiều đảng chạy đua vào Quốc hội nên khó đảng nào có thể giành được đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ. Vì thế để tăng khả năng giành thắng lợi trong cuộc đua này, CDU đã quyết định liên minh với CSU thành Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Bên cạnh đó, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, bà Angela Merkel còn tuyên bố “bắt tay” với Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP). Việc lựa chọn FDP, đảng đối lập để liên kết cũng nhằm mục đích đưa nước Đức vượt qua được tình trạng khó khăn về kinh tế hiện nay.

Lợi thế dường như đang nghiêng về bà Merkel. Với khẩu hiệu “Không cần thử nghiệm”, đương kim Thủ tướng Merkel có vẻ đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri trước hết là nhờ những cách bà lèo lái đất nước sớm vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Merkel tập trung vào việc khôi phục kinh tế, cắt giảm thuế, tạo thêm việc làm cho người lao động. Thủ tướng Merkel còn cam kết sẽ đặt mục tiêu bảo vệ vị trí số một về xuất khẩu của đất nước trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình nếu trúng cử. Đức từng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng nay Trung Quốc đã vượt lên ngôi vị này. Ông Steinmeier thì được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ việc giúp cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại, nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Đức.

Tổng thống Koehler là một trong 62 triệu cử tri Đức đi bỏ phiếu

Cuộc đua giữa liên minh CDU/CSU và SPD khá quyết liệt và đang rất sát nút. Thăm dò dư luận gần đây của tạp chí Der Spiegel cho thấy Liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Merkel giành được khoảng 35% số phiếu ủng hộ của cử tri Đức và FDP được khoảng 13%. Cả hai nếu kết hợp lại được 48% số phiếu, đủ giành đa số tại Quốc hội gồm 598 ghế. Tuy nhiên, tổng số phiếu này cũng chỉ hơn đảng SPD của ông Steimeier có 2%. Do vậy, vẫn chưa thể khẳng định rằng bà Merkel sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu cuối cùng. Bởi, cho đến ngày hôm qua (26/9) vẫn còn khoảng 25% trong số 62 triệu cử tri Đức vẫn chưa quyết định ủng hộ đảng nào!  

Tuy nhiên điều mà dư luận Đức và thế giới đang rất quan tâm lại là Liên minh cầm quyền nào sẽ xuất hiện sau Tổng tuyển cử ngày 27/9 chứ không chỉ là đảng nào thắng cử hay ai sẽ trở thành Thủ tướng mới của Đức. Vì cho dù Liên minh nào lên cầm quyền 4 năm tới cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Về đối nội, chính phủ mới sẽ phải chèo chống nền kinh tế đất nước thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế. Trong năm nay chi tiêu công nhiều khả năng sẽ thâm hụt 4,7% GDP và dự đoán có thể lên tới 10% vào năm 2010. Công nợ của Đức sẽ tăng từ 66% GDP lên mức 84%. Về đối ngoại, việc quân Đức có mặt tại tại Afghanistan, việc thực hiện các cam kết quốc tế về thị trường tài chính toàn cầu cũng như chống biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề không dễ gì giải quyết. Hiện cả bà Merkel lẫn ông Steimeier chưa đưa ra được một lộ trình cụ thể cho việc rút quân đội khỏi quốc gia Nam Á như cử tri mong muốn.

Liên minh nào sẽ chiến thắng vẫn là một câu hỏi lớn đầy bất ngờ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên