Một số hoạt động của tân Thủ tướng Nhật Bản tại Mỹ

Trong chuyến công du lần này, tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Tổng thống Nga  Medvedev và Hội kiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Hai nhà lãnh đạo còn nhất trí kế hoạch tổ chức cuộc họp tại Hirosima (Nhật Bản) vào tháng 10/2009 để bàn về việc thành lập một Uỷ ban quốc tế phụ trách vấn đề giải trừ quân bị và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời công bố báo cáo về giải trừ quân bị trong năm nay.

Hai bên còn khẳng định Nhật Bản và Australia - hai quốc gia không sở hữu hạt nhân sẽ làm hết sức mình nhằm hướng tới một thế giới không có hạt nhân.

Tối 23/9, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán phân chia lãnh thổ, đồng thời khẳng định sẽ tăng cường các cuộc đối thoại chính trị, tiến hành thường xuyên các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước. Hai bên còn nhất trí lịch trình cuộc gặp cấp cao lần thứ hai nhân tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.

Nhân chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã chọn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là vị lãnh đạọ đầu tiên làm đối tác tại các cuộc hội đàm song phương. Thời báo kinh tế Nikkei của Nhật Bản nhận định, đây là khúc dạo đầu trong chính sách ưu tiên ngoại giao với châu Á của ông Hatoyama. Tờ báo này còn đánh giá cao kế hoạch của hai nước Nhật - Trung về xây dựng cộng đồng Đông Á vững mạnh, coi đây là một chính sách ngoại mới đầy ấn tượng của ông Hatoyama, khác hẳn với tư tưởng hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền dưới thời các Thủ tướng của đảng Dân chủ Tự do.

Trong cuộc hội kiến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, Thủ tướng Nhật Bản đã khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu trung hạn tới năm 2020 sẽ cắt giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.

Ông Ban Ki Moon đánh giá cao những những nỗ lực của Nhật Bản trong việc đưa ra mục tiêu này đồng thời bày tỏ mong muốn các nước hãy cùng nhau nỗ lực vì sự nghiệp cứu trái đất khỏi thảm họa do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên