Chia tay 2016 tồi tệ, châu Âu đón 2017 bất an

VOV.VN - Đối với châu Âu, năm 2016 được đánh giá tệ hơn cả năm 2015 và năm 2017 mới này cũng có nhiều bất an.

Annus horribilis – năm khủng khiếp, là từ mà báo chí châu Âu đã đồng loạt sử dụng cách đây hơn 1 năm để tổng kết tình cảnh châu lục này trong năm 2015. Nhưng 2016 thậm chí còn tệ hơn trên nhiều khía cạnh.

Brexit

Để so sánh, có thể hình dung, năm 2016 có tất cả những điều tệ hại của năm 2015: kinh tế trì trệ, khủng hoảng tị nạn, tấn công khủng bố. Và cộng thêm Brexit.

Ảnh: beforeitsnews.

Brexit, việc kiện người dân Anh quốc dùng lá phiếu trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016 để quyết định đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu chính là sự kiện nổi bật nhất của châu Âu 2016. Đó là một cú sốc địa chính trị choáng váng với Liên minh châu Âu bởi mất đi nước Anh không chỉ là mất đi nền kinh tế lớn thứ 2 trong khối, mất đi một cường quốc hạt nhân và thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà nghiêm trọng nhất là mất đi thực chất và tính chính danh. Một cách từ từ.

Brexit đặt ra cho châu Âu quá nhiều vấn đề. Đầu tiên là tâm lý: nếu cuộc khủng hoảng Ukraina ở sườn phía Đông khiến sức cuốn hút của EU phai nhạt và quá trình mở rộng liên minh khựng lại thì việc nước Anh ở phía Tây rời bỏ đội ngũ buộc tất cả phải hoài nghi, liệu mô hình hội nhập của châu Âu phải chăng đã không còn phù hợp?

Nếu ngay cả một thành viên trụ cột lâu đời như nước Anh còn bỏ EU thì làm cách nào để thuyết phục người dân ở những nơi đang dao dộng nhất như Cộng hòa Séc, Hà Lan, Hy Lạp... tin rằng tương lai của toàn châu Âu vẫn là phải nằm trong một liên minh cùng nhau? Đột nhiên Brexit đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tồn tại hay không tồn tại đối với EU, hay chính xác hơn là việc phải thay đổi ra sao để tiếp tục tồn tại một cách phồn vinh.

Đi tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng bản thể nội sinh này cần nhiều thời gian, tâm trí và sức lực mà có vẻ như vì nó, không ít thành tựu của EU trong 2016 bỗng không được lưu tâm một cách xứng đáng, như việc khủng hoảng nợ công kéo dài gần 1 thập kỷ đã được kiểm soát tốt hơn nhiều và làn sóng tị nạn từ Syria và Bắc Phi cũng đã được ngăn lại nhờ một thoả thuận hiệu quả, tuy chưa bền vững, với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng 2017 sẽ chờ đợi châu Âu với những điều gì?

Đầu tiên vẫn sẽ là Brexit. Sau 6 tháng trôi qua tương đối vô nghĩa khi cả nước Anh lẫn EU đều thấp thỏm mà không đưa ra được hành động thực chất nào liên quan đến Brexit, 2017 sẽ là năm mà mọi chuyện phải trở nên rõ ràng. Chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May đã hứa chậm nhất đến cuối tháng 3/2017, nước Anh sẽ chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon về việc rút khỏi EU, chính thức biến Brexit thành hiện thực. Những gì đến sau đó dự kiến sẽ rất gian nan, phức tạp: các cuộc đàm phán. Mục tiêu mà hai bên đặt ra là hoàn tất Brexit trước 2019 nhưng đó là một nhiệm vụ không đơn giản.

Cả Anh lẫn châu Âu đều phải xác định xem mình muốn có một mối quan hệ tương lai ra sao với phía bên kia? Ưu tiên số 1 của nước Anh là vẫn giữ được quyền tiếp cận vào thị trường chung nhưng không muốn đánh đổi bằng việc cho phép công dân EU tự do đi lại vào Anh, nhưng đây lại đang là nguyên tắc mà Brussels tuyên bố không thể nhượng bộ.

Hai cuộc bầu cử quan trọng

Nhưng Brexit sẽ không còn là trọng tâm của 2017 mà là 2 cuộc bầu cử quan trọng khác: một ở Pháp và một ở Đức. Vào tháng 4/2017, người dân Pháp sẽ đi bầu Tổng thống mới thay ông Francois Hollande và đến tháng 9/2017, cuộc bầu cử lập pháp ở Đức sẽ quyết định liệu bà Angela Merkel có thể tiếp tục tại vị nhiệm kỳ thứ 4 ở chức Thủ tướng Đức hay không?

Hai cuộc bầu cử quan trọng bậc nhất ở 2 nền kinh tế đầu tàu, 2 quốc gia lãnh đạo EU sẽ diễn ra trong bầu không khí nhiều bất trắc. Ở Pháp là sự đe doạ của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) với thủ lĩnh Marine Le Pen mà nếu bà này thắng cử thì cú sốc đó sẽ có quy mô không thua kém Brexit. Ở Đức, là lo ngại về làn sóng an ninh bất ổn đang gia tăng với các vụ khủng bố gần đây và ở cả nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài vào tiến trình bầu cử, giống như điều được cho là đã xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Kết quả của 2 cuộc bầu cử quan trọng này không đơn giản nằm ở việc thay đổi lãnh đạo Pháp, Đức mà còn là bài thử quan trọng xem liệu các đảng dân tuý và bài châu Âu có tận dụng được hiệu ứng Brexit để trỗi dậy hay không? Đó mới là điều đáng ngại nhất với Brussels bởi nếu các đảng phái và các nhân vật chính trị này lên nắm quyền thì sự tan rã của Liên minh châu Âu sẽ là một thực tế hiển hiện.

Điều này sẽ phụ thuộc lớn vào thái độ của từng công dân châu Âu? Liệu họ có còn muốn tiếp tục xây dựng một tương lai chung cùng nhau hay muốn quay trở lại với biên giới quốc gia và để mặc cho giấc mơ hội nhập chết yểu?

Trước mắt thì câu trả lời có vẻ khiến Liên minh châu Âu tạm thời hài lòng. Hôm 29/12, một cuộc thăm dò ý kiến với 14.969 công dân toàn châu Âu do viện WIN/Gallup International thực hiện đưa ra kết quả là hơn 60% người dân ở các nước Pháp, Đức và Italy, tức 3 nền kinh tế lớn nhất EU hiện nay (không tính Anh) vẫn muốn nước mình ở lại trong EU. Tính trung bình ở toàn bộ 27 nước thành viên EU, khoảng 36% muốn bỏ phiếu rời Liên minh này, tăng nhẹ so với năm 2015 (33%) nhưng sau Brexit, việc nhóm này vẫn ở mức thiểu số là điều đáng mừng cho Liên minh châu Âu.

“Sai hướng”

Tuy nhiên, cũng có những con số khác khiến các nhà lãnh đạo EU phải thức tỉnh: hầu hết các công dân EU cho rằng đất nước mình đang đi sai đường. 90% người Hy Lạp, 82% người Pháp, 79% người Italy và 62% người Đức bày tỏ ý kiến rằng đất nước mình đang đi chệch hướng. Kết luận ở đây là: người dân châu Âu không muốn rời bỏ EU nhưng họ đang rất không hài lòng với thực tại ở mỗi quốc gia của mình. Vấn đề của các nhà lãnh đạo châu Âu vì thế là phải sớm đưa ra các chính sách để cải thiện tình hình nếu không muốn sự không hài lòng này thể hiện bằng hành động như Brexit.

Có một số chỉ dấu quan trọng để ưu tiên hành động: 60% dân châu Âu muốn châu lục này tiếp đón ít người tị nạn hơn. 86% người Hy Lạp, 75% người Italia muốn thấy ít dân tị nạn hơn trên đất nước mình. Ngay cả những người Đức nổi tiếng rộng lượng năm 2015 có vẻ cũng đã thay đổi quan điểm: 64% người Đức nói họ muốn Đức đón ít người tị nạn hơn.

Đây là một thông điệp rõ ràng cho các nhà lãnh đạo, đặc biệt là nhân vật được coi là thủ lĩnh châu Âu – bà Angela Merkel./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính phủ Anh tiến thoái lưỡng nan với kế hoạch Brexit
Chính phủ Anh tiến thoái lưỡng nan với kế hoạch Brexit

VOV.VN - Truyền thông Anh cho biết chính phủ nước này chưa có chiến lược toàn diện cụ thể cho Brexit dù Thủ tướng Anh khẳng định có kế hoạch cụ thể và rõ ràng.

Chính phủ Anh tiến thoái lưỡng nan với kế hoạch Brexit

Chính phủ Anh tiến thoái lưỡng nan với kế hoạch Brexit

VOV.VN - Truyền thông Anh cho biết chính phủ nước này chưa có chiến lược toàn diện cụ thể cho Brexit dù Thủ tướng Anh khẳng định có kế hoạch cụ thể và rõ ràng.

Hậu Brexit, Anh đang yếu thế trong cuộc đàm phán với EU?
Hậu Brexit, Anh đang yếu thế trong cuộc đàm phán với EU?

VOV.VN - Sẽ còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh những cuộc đàm phán với 27 thành viên còn lại của EU, và nước Anh không có nhiều lợi thế.

Hậu Brexit, Anh đang yếu thế trong cuộc đàm phán với EU?

Hậu Brexit, Anh đang yếu thế trong cuộc đàm phán với EU?

VOV.VN - Sẽ còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh những cuộc đàm phán với 27 thành viên còn lại của EU, và nước Anh không có nhiều lợi thế.

Sau Brexit, tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017?
Sau Brexit, tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017?

VOV.VN - Nếu giới lãnh đạo châu Âu không kiềm chế được sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, sự tồn tại của EU có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn.

Sau Brexit, tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017?

Sau Brexit, tương lai châu Âu sẽ đi về đâu trong năm 2017?

VOV.VN - Nếu giới lãnh đạo châu Âu không kiềm chế được sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, sự tồn tại của EU có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn.

Chùm ảnh: Brexit - cú sốc với cả thế giới trong năm 2016
Chùm ảnh: Brexit - cú sốc với cả thế giới trong năm 2016

VOV.VN - Việc cử tri Anh quyết định lựa chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được cho là đòn giáng mạnh vào nỗ lực hội nhập của châu Âu.

Chùm ảnh: Brexit - cú sốc với cả thế giới trong năm 2016

Chùm ảnh: Brexit - cú sốc với cả thế giới trong năm 2016

VOV.VN - Việc cử tri Anh quyết định lựa chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) được cho là đòn giáng mạnh vào nỗ lực hội nhập của châu Âu.

Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria
Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria

VOV.VN - Các vấn đề hóc búa như Brexit, lệnh trừng phạt Nga, hay chiến sự tại Syria đang phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh cuối cùng năm 2016 của EU.

Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria

Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria

VOV.VN - Các vấn đề hóc búa như Brexit, lệnh trừng phạt Nga, hay chiến sự tại Syria đang phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh cuối cùng năm 2016 của EU.