Dấu ấn Đông Bắc Á 2012: Chuyển giao quyền lực và tranh chấp

(VOV) - Cùng với các cuộc chuyển giao chính trị, an ninh Đông Bắc Á thu hút sự quan tâm của nhiều người

Có thể nói, 2012 là một trong những năm đáng nhớ nhất trong lịch sử Đông Bắc Á khi hầu hết các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực này (trừ CHDCND Triều Tiên) đều lần lượt chứng kiến những cuộc chuyển giao chính trị. Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Những cuộc chuyển giao
Đông Bắc Á khởi đầu một năm đầy biến động bằng cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 14/1. Đây là cuộc bầu cử trực tiếp lần thứ 5 ở vùng lãnh thổ này. Trong cuộc bầu cử đó, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

Vào đầu tháng 11/2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành đại hội lần thứ 18. Đại hội này đã xác lập được dấu ấn của thế hệ lãnh đạo thứ 4 khi đặt “quan điểm phát triển khoa học” bên cạnh học thuyết Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và thuyết “Ba đại diện”. Đây chính là những nền tảng của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc mang màu sắc Trung Quốc. Ngày 15/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên sau đại hội và quyết định bầu Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Ảnh AFP)

Chỉ một ngày sau cuộc chuyển giao ở Trung Quốc, tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã phải giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Đây là một trong những cam kết của Thủ tướng Noda để giành được sự ủng hộ của phe đối lập nhằm thông qua một số dự luật quan trọng. Trong cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra một tháng sau đó, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đã giành thắng lợi áp đảo. Chiến thắng này đã giúp LDP giành lại quyền kiểm soát chính phủ và đưa Chủ tịch LDP Shinzo Abe trở lại chiếc ghế thủ tướng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh Reuters)

Những cuộc chuyển giao chính trị ở Đông Bắc Á đã kết thúc bằng cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 19/12/2012. Trong cuộc bầu cử mang tính lịch sử đó, các cử tri của “xứ sở kim chi” đã bầu bà Park Geun-hye, Chủ tịch Đảng Saenuri cầm quyền, làm tổng thống thứ 11 của nước này. Đây là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm nguyên thủ ở Đông Bắc Á, nơi mà tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Theo dự kiến, bà Park sẽ nhậm chức vào ngày 25/2/2013.

Trong số các nước/vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á, chỉ duy nhất CHDCND Triều Tiên không có sự thay đổi về người lãnh đạo. Năm 2012, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un thuộc thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Triều Tiên đã có hàng loạt các động thái để củng cố vị thế lãnh đạo ở trong nước, đồng thời tiến hành điều chỉnh nhân sự và chính sách kinh tế. Ông Kim đã lần lượt được suy tôn làm Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động Triều Tiên, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, Nguyên soái.

Căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh thổ
Cùng với các cuộc chuyển giao chính trị, trong năm 2012, tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á cũng là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Các động thái của Trung Quốc như tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và gia tăng các hoạt động ở trên biển đã khiến nhiều nước trong và ngoài khu vực lo ngại. Sự lo ngại này càng gia tăng khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông tiếp tục nóng lên.

Năm qua, Hàn Quốc đã có nhiều động thái nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản, trong khi Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát và Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền. Những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ đã đẩy quan hệ Trung-Nhật và Hàn-Nhật rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Đáng chú ý,  vào giữa tháng 9/2012, các cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra ở trên khắp Trung Quốc.

Do đều có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo Hàn Quốc về phía mình. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa thành công trong quá trình thực hiện chiến lược này bởi vì, bản thân Bắc Kinh cũng có vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Tô Nham/Ieodo với Seoul. Đáng chú ý, quan hệ Trung-Hàn đã nóng lên sau cuộc đụng độ trên biển giữa ngư dân của Trung Quốc và lực lượng bảo vệ biển của Hàn Quốc hồi tháng 10.

Đối với quan hệ liên Triều, mối quan hệ này vẫn diễn biến hết sức phức tạp nhưng không có đột biến lớn. Năm qua, Triều Tiên đã 2 lần phóng thử vệ tinh Kwangmyyongsong3 (ngày 13/4 và 12/12). Động thái này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.

Bất chấp những tranh chấp và khác biệt đang tồn tại âm ỉ trong quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á, khu vực này đã bước qua năm 2012 trong hòa bình. Từ Bắc Kinh tới Seoul và Tokyo, tất cả các nhà lãnh đạo đều hiểu rằng các tranh chấp và khác biệt đó không thể giải quyết một sớm một chiều và các hành động quân sự sẽ không giúp giải quyết tranh chấp mà chỉ đẩy khu vực và thậm chí cả thế giới tới bên bờ vực chiến tranh.

Nhận định về tình hình Đông Bắc Á trong năm 2013, nhà phân tích Charles Armstrong của tổ chức Asia Society cho rằng, những cuộc chuyển giao chính trị năm trước có thể tạo ra cơ hội mới cho hợp tác khu vực. Tuy nhiên, các thách thức cũ vẫn sẽ đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực, đặc biệt là các thách thức liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ giữa ba nền kinh tế lớn nhất Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ do các tham vọng khu vực của Trung Quốc và xu hướng chuyển hướng chiến lược sang châu Á của Mỹ.

Cũng theo ông Armstrong, thách thức lớn nhất trong năm nay có thể vẫn là các vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên. Trong một vài năm trước, quan hệ liên Triều đã tụt xuống mức thấp nhất trong những thập kỷ qua và mặc dù Tổng thống mới được bầu của Hàn Quốc đã cam kết có cách tiếp cận thận trọng với Bình Nhưỡng nhưng không ai biết rõ Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào. Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Bình Nhưỡng và chỉ trích nhẹ nhàng đối với các hành động mà những nước khác trong khu vực coi là có tích chất gây hấn cao của Triều Tiên. Nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, sẽ rất khó giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đông Bắc Á trước nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu
Đông Bắc Á trước nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu

(VOV) - Nhật Bản, Hàn Quốc liên tiếp phóng vệ tinh, trong khi Triều Tiên gấp rút hoàn thành việc thử hạt nhân lần 3 khiến khu vực thêm nóng.

Đông Bắc Á trước nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu

Đông Bắc Á trước nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu

(VOV) - Nhật Bản, Hàn Quốc liên tiếp phóng vệ tinh, trong khi Triều Tiên gấp rút hoàn thành việc thử hạt nhân lần 3 khiến khu vực thêm nóng.

Diễn đàn Đông Bắc Á kêu gọi hợp tác để đối phó với khủng hoảng
Diễn đàn Đông Bắc Á kêu gọi hợp tác để đối phó với khủng hoảng

Các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Diễn đàn khu vực Đông Bắc Á diễn ra ngày 12/4 tại Busan (Hàn Quốc) đã kêu gọi 3 nước cần hợp tác hơn nữa để đối phó với khủng hoảng tài chính và toàn cầu

Diễn đàn Đông Bắc Á kêu gọi hợp tác để đối phó với khủng hoảng

Diễn đàn Đông Bắc Á kêu gọi hợp tác để đối phó với khủng hoảng

Các chuyên gia từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Diễn đàn khu vực Đông Bắc Á diễn ra ngày 12/4 tại Busan (Hàn Quốc) đã kêu gọi 3 nước cần hợp tác hơn nữa để đối phó với khủng hoảng tài chính và toàn cầu

Đông Bắc Á nóng lên từng giờ trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh
Đông Bắc Á nóng lên từng giờ trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã điều tàu khu trục đến vùng biển gần Triều Tiên.  

Đông Bắc Á nóng lên từng giờ trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh

Đông Bắc Á nóng lên từng giờ trước việc Triều Tiên phóng vệ tinh

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã điều tàu khu trục đến vùng biển gần Triều Tiên.