Hậu bầu cử Hà Lan: châu Âu khoan kỳ vọng ở Pháp

VOV.VN-Thất bại của phe bảo thủ Hà Lan trong cuộc bầu cử lớn đầu tiên ở châu Âu sau Brexit không đảm bảo điều tương tự trong bầu cử Tổng thống Pháp tháng sau.

Đối thủ chính trị của ứng cử viên Tổng thống Pháp thuộc phe cực hữu Marine Le Pen đã thở phào nhẹ nhõm sau khi đồng minh của bà ở Hà Lan là ông Geert Wilders giành được ít ghế tại Quốc hội hơn so với kỳ vọng sau cuộc bầu cử ngày 16/3. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng họ không nên lấy kết quả này để suy đoán về cuộc đua vào điện Elysee.

Bà Marine Le Pen và ông Geert Wilders. Ảnh: Reuters.

Sợi dây liên hệ giữa bầu cử Hà Lan và Pháp

Sở dĩ một bộ phận dư luận dùng kết quả bầu cử ở Hà Lan để tiên lượng kết quả bầu cử ở Pháp là vì mối quan hệ đặc biệt gần gũi giữa bà Le Pan và ông Wilders. Hình ảnh 2 nhà lãnh đạo cực hữu này chụp ảnh “selfie” thân mật cùng nhau hồi tháng 1/2017 được xem là minh chứng cho điều đó.

Trong khi bà Le Pen vẫn giữ im lặng sau kết quả bầu cử ở Hà Lan, Tổng thư ký đảng Mặt trận Quốc gia (NF) của bà, ông Nicolas Bay đã chỉ ra khía cạnh có thể coi là tích cực từ “thất bại” của ông Wilders. Ông cho rằng việc đảng của ông Wilders có thêm 5 ghế (từ 15 lên 20) tại Quốc hội Hà Lan đã cho thấy “chiến thắng một phần dù không phải là chiến thắng cuối cùng”.

Thực tế là đảng của ông Wilders dù không có cơ hội tham gia chính phủ liên minh nhưng cũng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử vừa qua và giành được nhiều ghế hơn so với Quốc hội khóa trước.

Cái gọi là “thất bại” của ông Wilders một phần cũng do căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây trở thành yếu tố bất ngờ khích lệ sự ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte.

Và không giống như ở Hà Lan, bầu cử ở Pháp là cuộc đấu “một chọi một” mà ở đó người chiến thắng sẽ giành được tất cả.

Bà Le Pen có cơ hội chiến thắng lớn hơn ông Wilders

Giới quan sát chỉ ra rằng chiến dịch tranh cử của bà Le Pen được lên kế hoạch tốt hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn ông Wilders.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen, 48 tuổi, đã tạo dựng được một nền tảng ủng hộ vững chắc gồm những cử tri thuộc tầng lớp lao động tỏ ra bất mãn sau 5 năm cầm quyền của cánh tả.

Nền kinh tế Pháp trì trệ với tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên lên tới 25% không phải là tất cả những gì khiến người dân Pháp bi quan và chán nản. Những vụ tấn công khủng bố liên tiếp và những rạn nứt sâu sắc về văn hóa - xã hội tại quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu này mới khiến họ thực sự lo lắng.

Đa số những vấn đề mà nước Pháp đang phải đối mặt hiện nay không xuất hiện trong một sớm một chiều mà đã hình thành qua nhiều thập kỷ nhưng cả cánh tả và cánh hữu ở Pháp đều thất bại trong việc giải quyết chúng.

Những nỗ lực của Tổng thống Jacques Chirac để cải cách kinh tế Pháp từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã thất bại trước hàng loạt cuộc biểu tình. Tổng thống Nicolas Sarkozy một lần nữa đặt cải cách vào chương trình nghị sự nhưng cũng phải thoái lui vì vấp phải khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Tổng thống Francois Hollande còn có khởi đầu tồi tệ hơn với việc đưa ra mức thuế cao ngất ngưởng để rồi mất lòng cử tri đến nỗi không thể tái tranh cử.

Bà Le Pen và ông Macron đều “chẩn đoán” được những căn bệnh đó của đất nước nhưng lại đưa ra “phác đồ điều trị” hoàn toàn trái ngược.

Ông Macron cho rằng nước Pháp càng cởi mở thì sẽ càng mạnh mẽ hơn. Ông ủng hộ thương mại tự do, ủng hộ cạnh tranh lành mạnh, ủng hộ người nhập cư hợp pháp, ủng hộ tăng cường hội nhập EU.

Ngược lại, bà Le Pen đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài và cam kết bảo vệ cử tri bằng những hàng rào bảo vệ và mạng lưới an sinh xã hội chắc chắn hơn. Bà cho rằng toàn cầu hóa là mối đe dọa tới việc làm ở nước Pháp và rằng nguy cơ khủng bố xuất phát từ cộng đồng người Hồi giáo. Bà không ngần ngại gọi Liên minh châu Âu (EU) là “quái vật phản dân chủ” và kêu gọi trưng cầu ý dân về việc Pháp rời khỏi EU.

Không ai nắm chắc phần thắng

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, 39 tuổi, được cho là sẽ dễ dàng vượt qua cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 diễn ra ngày 23/4 tới và nhiều khả năng đánh bại bà Le Pen ở vòng 2 diễn ra ngày 7/5.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận thường xuyên cho thấy có tới 3/4 những người ủng hộ bà Le Pen đã rất chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu này. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri chắc chắn bỏ phiếu trong số những người ủng hộ ông Macron chỉ khoảng một nửa.

Chính vì thế, vẫn khó có thể nói ai sẽ nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp.

Những có một điều chắc chắn rằng, cả EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều không thể vượt qua được cú sốc mà bà Le Pen có thể tạo ra nếu đắc cử và thúc đẩy Pháp rời khỏi EU (Frexit).

Chuyện thúc đẩy “Frexit” không đơn giản vì Hiến pháp của Pháp ghi rõ “nền Cộng hòa là một phần của Liên minh châu Âu”. Để thay đổi điều này cần phải có sự đồng ý của cả Hạ viện và Thượng viện cộng với một cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi đó, hiện đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen chỉ có 2 ghế tại Hạ viện 577 ghế, nghĩa là để hiện thực hóa cam kết Frexit, bà cần giành được 287 ghế nữa trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6.

Tuy nhiên, chiến thắng cho bà Le Pen sẽ là đòn giáng mạnh vào phe ủng hộ sự tăng cường hội nhập của EU và thực sự kích hoạt hiệu ứng Domino đối với cuộc bầu cử ở Đức, quốc gia đầu tàu của châu Âu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Châu Âu tạm thở phào trước thắng lợi bầu cử Hà Lan?
Châu Âu tạm thở phào trước thắng lợi bầu cử Hà Lan?

VOV.VN - Lãnh đạo châu Âu tỏ ra “phấn khởi” khi Đảng trung hữu của Thủ tướng Mark Rutte trên đà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/3.

Châu Âu tạm thở phào trước thắng lợi bầu cử Hà Lan?

Châu Âu tạm thở phào trước thắng lợi bầu cử Hà Lan?

VOV.VN - Lãnh đạo châu Âu tỏ ra “phấn khởi” khi Đảng trung hữu của Thủ tướng Mark Rutte trên đà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/3.

Hà Lan: Đảng cực hữu bị đẩy lùi trong bầu cử Quốc hội
Hà Lan: Đảng cực hữu bị đẩy lùi trong bầu cử Quốc hội

VOV.VN - Cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Hà Lan.

Hà Lan: Đảng cực hữu bị đẩy lùi trong bầu cử Quốc hội

Hà Lan: Đảng cực hữu bị đẩy lùi trong bầu cử Quốc hội

VOV.VN - Cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Hà Lan.

Góc nhìn đa chiều về cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan
Góc nhìn đa chiều về cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan

VOV.VN - Cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan diễn ra gay cấn đến phút cuối. Đảng cực hữu dân túy đã bị đánh bại.

Góc nhìn đa chiều về cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan

Góc nhìn đa chiều về cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan

VOV.VN - Cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan diễn ra gay cấn đến phút cuối. Đảng cực hữu dân túy đã bị đánh bại.