Không hy vọng!

Những động thái gần đây của Iran khiến những nỗ lực của nhóm P5+1 cùng những hy vọng về một kết quả nhỏ nhoi cho vấn đề hạt nhân đang trở nên mong manh. 

Ngày 1/10, tại Geneve (Thụy Sĩ) sẽ diễn ra cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga, cùng với Đức) với Iran về gói đề xuất mà Tehran đưa ra hồi đầu tháng 9. Nhưng những động thái gần đây của Iran khiến những nỗ lực trước đó từ cả hai phía để có thể gặp gỡ nhau tại Geneve cùng những hy vọng về một kết quả nhỏ nhoi cho vấn đề hạt nhân Iran đang trở nên mong manh. 

Để có thể tiến hành đàm phán vào ngày 1/10 tới, cả Iran lẫn nhóm P5+1 đã phải có những bước đi mềm dẻo. Đầu tháng 9, Iran đã đưa ra gói đề xuất mới nhằm giải toả những nghi ngại xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Mặc dù tài liệu mới này của Teheran không đề cập vấn đề hạt nhân của Iran mà tập trung vào kêu gọi hình thành cơ chế quốc tế để hủy bỏ và ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, nhóm P5+1 đã chấp nhận đề nghị mới của Teheran về việc tiến hành các cuộc đàm phán với hy vọng nó mang lại một cơ hội để bắt đầu đối thoại trực tiếp.

Đây có thể coi là một hướng đi tích cực và được coi là một “bước khởi đầu quan trọng” nhằm thúc đẩy sự minh bạch hơn trong chương trình hạt nhân của Iran. Thế nhưng, một tuần trước khi diễn ra cuộc gặp tại Geneve giữa nhóm P5 + 1 và Iran, Teheran đã thông báo về sự tồn tại của nhà máy sản xuất urani thứ hai của nước này, trong khi từ trước tới nay, thế giới chỉ biết về một nhà máy làm giàu urani của Iran ở thành phố Natanz hiện do thanh sát viên IAEA giám sát. Teheran cũng biểu dương sức mạnh bằng việc phóng tên lửa tầm ngắn và các loại tên lửa Shahab 1, 2, 3 trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên “Đại giáo đồ 4”, trong đó tên lửa Shahab 3 có thể nhắm tới mục tiêu xa từ 1.300 - 2.000km.

Dù Iran cho rằng, bằng việc thông báo về sự tồn tại của nhà máy sản xuất urani thứ hai cũng như việc Iran sẵn sàng ấn định thời gian cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát cơ sở hạt nhân này, chứng tỏ nước này muốn minh bạch về chương trình hạt nhân của mình trong khuôn khổ các quy định của IAEA. Iran cũng cho rằng, các vụ bắn tên lửa chỉ là hoạt động thử nghiệm bình thường, nhưng những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực giải toả căng thẳng, khiến dư luận không khỏi cho rằng đây là quân bài mới của quốc gia vùng Vịnh này nhằm làm tăng trọng lượng trong cuộc thương lượng sắp tới tại Geneve. Bởi vậy, những hy vọng về một kết quả nhỏ nhoi cho cuộc gặp ngày 1/10 đang dần trở nên mong manh khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang điều chỉnh hướng xử lý chương trình hạt nhân của Iran.

Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là nhóm P5+1, trong chính sách can dự với Iran, ông B.Obama đang kêu gọi sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn với Teheran. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Iran phải “làm sáng tỏ” chương trình hạt nhân của nước này tại cuộc đàm phán vào ngày 1/10 tới, đồng thời cảnh báo Washington không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, kể cả biện pháp quân sự, để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran.

Anh, Pháp và Mỹ, ngay cả Nga mặc dù còn những bất đồng về việc áp dụng biện pháp trừng phạt, cũng như mức độ của các biện pháp trừng phạt Iran, cũng đều lên tiếng yêu cầu Tehran minh bạch hoá những thông tin liên quan đến cơ sở hạt nhân mới với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Còn Israel cũng không bỏ lỡ dịp để kêu gọi Mỹ “hành động” đối với nhà máy làm giàu urani thứ hai của Iran.

Từ trước tới nay, các cường quốc phương Tây luôn nghi ngờ rằng, Iran dưới vỏ bọc của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, đang âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân. Những lo ngại này liên quan đến nỗ lực của Iran gia tăng nhanh chóng công suất chế tạo urani làm giàu để làm nhiên liệu cho lò phản ứng.

Bởi vậy, cuộc gặp giữa Iran và nhóm P5+1 sắp tới được hy vọng rằng, nếu Iran không đưa ra được bằng chứng thuyết phục về mục đích chương trình hạt nhân của mình thì chí ít đây cũng là một bước khởi đầu mở ra một “chương mới” tạo dựng sự tin cậy trong quan hệ quốc tế giữa phương Tây và Iran. Thế nhưng, những động thái vừa qua khiến những người lạc quan nhất cũng không tin rằng cuộc gặp nhóm P5+1 với Iran sắp tới có thể đạt được một kết quả dù rất khiêm tốn nào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên