Liên minh châu Âu 2012: Tiến bộ và ngờ vực

(VOV) -Năm 2012, châu Âu dành toàn bộ nguồn lực chống chọi khủng hoảng nên rất ít can dự vào các điểm nóng.

“EU vừa trải qua năm tốt đẹp nhất kể từ 4 năm qua”. Nhận định Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Phần Lan Alex Stubb có thể đúng nếu xét đến nhiều dấu hiệu tích cực trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra cho liên minh. Nhưng song hành với những tiến bộ, là không ít ngờ vực… Bởi câu hỏi về sự cần thiết của liên minh, về sự tồn tại của đồng euro đang được đặt ra nghiêm túc và phổ biến. 


Trong năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) phải thường xuyên họp thượng đỉnh, có lúc mỗi tháng một cuộc họp. Các cuộc tranh luận thâu đêm nhiều khi không mang lại kết quả khiến người ta có cảm giác liên minh đang gặp phải những vướng mắc tưởng như không giải quyết nổi, từ khủng hoảng tài chính cho đến khủng hoảng nợ công và kéo theo đó là khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia thành viên.

Năm 2012- Năm của các hội nghị thượng đỉnh EU

Đúng là chưa bao giờ sự thống nhất nội khối của EU bị đe dọa nhiều đến thế, sự tồn tại của đồng euro bị đặt nhiều dấu hỏi ngờ vực đến vậy; nhưng cũng chính những cuộc họp liên miên đó lại thể hiện EU đang nỗ lực để bảo vệ những thành tựu hội nhập của họ. Nói một cách lạc quan, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Phần Lan Alex Stubb mới đây khẳng định năm 2012 là năm tốt đẹp nhất đối với EU kể từ 4 năm qua, bởi liên minh đã đạt được những “thắng lợi nhỏ” trong việc đối phó với khủng hoảng toàn diện. Nói như nhà lãnh đạo này, EU đã cố gắng làm tất cả những gì có thể ở tầm khu vực và việc còn lại là nhiệm vụ của các nước thành viên.

Nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện
Khủng hoảng kinh tế hiện tại vô cùng nghiêm trọng nhưng qua cách thức giải quyết EU cũng cho thấy họ có tính tổ chức cao thế nào. Sau 3 năm chìm trong bế tắc, rất nhiều dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Đầu tiên là vấn đề Hy Lạp. Suốt 3 năm qua, Hy Lạp là quả bom nổ chậm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đe dọa làm sụp đổ Liên minh, nhưng đến nửa cuối 2012, việc cứu trợ Hy Lạp không còn là điểm nhức nhối nhất nữa. Các bên đã đạt được những thỏa thuận về các gói cứu trợ theo từng giai đoạn, gắn liền với các cam kết của chính phủ Hy Lạp về thắt chặt chi tiêu. Dù vẫn rất gian khổ nhưng Hy Lạp gần như đã qua cơn nguy kịch nhất.

Nhưng ở tầm vĩ mô, quyết sách quan trọng nhất trong vài tháng qua là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được phép mua không hạn chế các trái phiếu chính phủ trên các thị trường thứ cấp. Từ trước đến nay Đức, nền kinh tế số 1 của EU, vẫn không muốn dùng Ngân hàng Trung ương châu Âu như một công cụ để kiềm chế khủng hoảng nhưng nay đã bật đèn xanh. Sự tham gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm đi rất nhiều nguy cơ phá sản của các quốc gia.

Tiếp theo, đầu tháng 10/2012, Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) chính thức có hiệu lực, với số vốn hành động thường trực là 400-500 tỷ euro và có thể huy động thêm 200 tỷ euro. Các chuyên gia kinh tế châu Âu đánh giá Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cơ chế bình ổn châu Âu giờ giống như khẩu súng Bazoka hai nòng của Eurozone và có thể can thiệp nhanh chóng, hiệu quả.

Cuối cùng, năm 2012 cũng chứng kiến việc EU thông qua được Hiệp ước Ngân sách. EU vẫn cần thêm thời gian để rà soát các hệ thống ngân hàng trước khi Hiệp ước Ngân sách chính thức có hiệu lực nhưng có được Hiệp ước này, EU sẽ ngăn ngừa tốt hơn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Tranh cãi về ngân sách – Mới mà không mới
Năm 2012 một vấn đề lớn nổi lên là tranh cãi về ngân sách dài hạn 2014-2020 cho Liên minh và cho đến hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm vừa diễn ra giữa tháng 12 cũng chưa đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Đây là một vấn đề tuy mới nhưng thực chất lại không hề mới của EU.

Một số điểm mới là ngân sách giai đoạn 7 năm tiếp theo được đề xuất cao hơn 5% so giai đoạn trước do tính đến sự gia nhập của thành viên mới là Croatia. Cụ thể, Ủy ban châu Âu đưa ra mức cam kết khoảng 1.000 tỷ euro cho 7 năm. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên tuyên bố không ủng hộ nếu phần đóng góp của họ tăng lên, đi đầu là Anh, Đan Mạch, Thụy Điển…

Nước Pháp tuyên bố không nhượng bộ bất kỳ thay đổi nào về khoản dành cho trợ cấp nông nghiệp, do nước này có lợi ích nhiều trong đó. Sự chia rẽ trong châu Âu trở nên hiện hữu hơn khi một số nước đóng góp nhiều thành lập “Nhóm những người bạn chi tiêu tốt hơn” đối trọng với “Nhóm những người bạn của sự minh bạch”- gồm các thành viên được hưởng lợi nhiều từ ngân sách chung và bị ngờ vực về sự chi tiêu minh bạch.

Dù có một số chi tiết mới như vậy, nhưng vấn đề thực chất lại không mới ở chỗ tranh cãi và chia rẽ về vấn đề đóng góp tài chính vào hoạt động của Liên minh đã có từ lâu; rồi trầm trọng hơn khi Liên minh mở rộng và đón nhận nhiều thành viên có tiềm lực kinh tế không mạnh lắm ở phía Đông. Mấu chốt vấn đề vẫn là các nước giàu có đóng góp nhiều lại không được hưởng nhiều lợi ích từ ngân sách chung và những nước này cảm thấy không công bằng khi các thành viên ở phía Đông không đóng góp nhiều thì lại được hưởng nhiều. Thế rồi tranh cãi về ngân sách cho 7 năm tiếp theo lại càng làm bộc lộ rõ hơn thái độ từ lâu của nước Anh muốn “giãn ra” trong liên kết nội khối EU.

Giải Nobel Hòa bình còn nhiều tranh cãi
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2012 là việc Liên minh châu Âu nhận được giải Nobel Hòa bình. Rất nhiều người chỉ trích giải thưởng đó. Lý do mà họ đưa ra là EU chưa đóng vai trò tích cực vào việc phi quân sự hóa, giải quyết hòa bình các điểm nóng trên thế giới, mà thậm chí còn can dự bằng vũ lực hay bằng cách tiếp viện vũ khí vào một số nơi. Và điều đó trái với mục đích của giải Nobel Hòa bình là tôn vinh những con người, những tổ chức góp phần thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

Tuy nhiên, hãy tạm gạt qua một bên những tranh cãi đó, bởi nguyên nhân sâu xa trong những ý kiến phản đối EU nhận giải Nobel Hòa bình là sự bất mãn đối với cách thức làm việc của Hội đồng xét duyệt giải Nobel tại Oslo – Nauy hơn là sự bất mãn với EU. Dù đang trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II nhưng không ai có thể phủ nhận được sự thành công của EU. EU đã liên kết các quốc gia châu Âu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xóa bỏ hầu hết những xung đột chính trị và tạo dựng một khu vực phát triển thịnh vượng trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Pháp – Đức: Có còn là cặp bài trùng?

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Francois Hollande (ảnh: Reuters)

Năm 2012, chúng ta chứng kiến một sự thay đổi quan trọng trong quan hệ Pháp-Đức do sự thay đổi lãnh đạo trên chính trường Pháp. Tháng 5/2012, ông Nicolas Sarkozy thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và phải nhường ghế cho ông Francois Hollande của Đảng Xã hội.

Việc ông Sarkozy thất bại ban đầu tạo ra nhiều lo ngại tại châu Âu do ông và bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, là cặp bài trùng quyền lực – mà báo chí hay gọi là “Merkozy”, đưa ra hầu như mọi quyết sách của EU trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, không có quá nhiều biến động xảy ra khi ông Francois Hollande hợp tác với bà Merkel, dù trong quá trình vận động tranh cử ở Pháp, ông Hollande từng nhiều lần lớn tiếng đòi đàm phán lại các thỏa thuận trước dưới thời ông Sarkozy. Thực ra, bản thân ông Hollande hiểu rất rõ rằng Pháp-Đức phải hợp tác chặt chẽ thì mới đưa liên minh ra khỏi khủng hoảng và ông Hollande cũng chưa lăn lộn để hiểu rõ cuộc khủng hoảng này nên hợp tác với bà Merkel là giải pháp tốt nhất.

Một lần nữa, vai trò của nước Đức, cụ thể là bà Merkel, là rất lớn trong năm 2012, thể hiện nổi bật qua việc Tòa án Hiến pháp Đức cho phép Đức phê chuẩn Hiệp ước Ngân sách và chính quyền bà Merkel không còn cản trở Ngân hàng Trung ương châu Âu tham gia vào cứu trợ khủng hoảng.

Nước Anh ngày càng rời xa…
Năm 2012, nước Anh tham gia rất ít trong việc hoạch định các chính sách thời khủng hoảng ở châu Âu, thậm chí là nhiều lần không phê chuẩn các chính sách này, như Hiệp ước về ngân sách; hay đe dọa phủ quyết đề xuất ngân sách cho giai đoạn 2014-2020. Chưa khi nào nước Anh tỏ ra xa cách với châu Âu như hiện nay và chủ đề nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu đã được nhắc đến một cách rất nghiêm túc.

Nước Anh, với đặc thù riêng của trung tâm tài chính thế giới London, không muốn bị bó buộc bởi các chính sách thắt chặt của EU, nhất là việc có thể đánh thuế các giao dịch tài chính. Các ý kiến bảo thủ ở Anh đã gây sức ép lên Thủ tướng David Cameron nhằm đưa Anh đứng tách ra khỏi khối trong khi ở châu Âu, nhiều người bực tức, chán nản trước thái độ của nước Anh và kêu gọi rằng châu Âu không thể là “con tin” của London. Việc nước Anh ra khỏi EU là điều không đơn giản bởi nó ảnh hưởng lớn đến kinh tế Anh nhưng mối quan hệ này chắc chắn sẽ còn sóng gió trong tương lai.

Xáo trộn các xã hội châu Âu
Châu Âu khủng hoảng được gần 4 năm thì trong ¾ thời gian, các quốc gia dính vào cái vòng luẩn quẩn: nợ công nhiều, cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, nhưng thắt lưng buộc bụng lại không tạo ra việc làm, thất nghiệp tăng cao…

Ở những nước như: Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp là trên 25%, riêng lao động trẻ là 50%. Ngay cả ở Pháp, tỷ lệ thất nghiệp cũng đã ở mức 2 con số, trên 10%. Tính chung của EU, tỷ lệ thất nghiệp cách đây 2 tháng là 11,7%. Thất nghiệp đồng nghĩa với khủng hoảng xã hội. Rất nhiều thiết chế và các quan hệ xã hội đã lung lay.

Ở Hy Lạp, các đảng cực hữu và cực tả nhảy vào chính phủ, dân chúng hầu như ngày nào cũng biểu tình vì không có việc làm, thậm chí không có gì để ăn.

Ở Tây Ban Nha, khủng hoảng làm bùng lên làn sóng ly khai, cụ thể là ở xứ Catalan. Báo chí Tây Ban Nha còn đăng những bài viết đau lòng về việc có những đoàn người xếp hàng chờ phát chẩn, lục thùng rác để tìm thức ăn hay có những nơi người dân cướp đất của các điền chủ để tự canh tác nuôi sống bản thân. Đó là điều mà không ai có thể hình dung ở những nước châu Âu phát triển thịnh vượng vài năm trước.

Rất may là đến thời điểm này, dường như các nền kinh tế EU đã nhận ra vấn đề rằng thắt lưng buộc bụng không phải là cách tốt nhất để chống chọi khủng hoảng. Các chính sách khắc khổ vẫn được thực thi, một số loại thuế vẫn tăng nhưng mục tiêu chính không còn là giảm nợ công mà là tạo công ăn việc làm và tăng trưởng”.

Mất tiếng nói trong các vấn đề lớn của thế giới?
Khi châu Âu khủng hoảng, dường như châu lục này cũng đánh mất dần tiếng nói trong các vấn đề lớn của thế giới. Đó là cảm nhận chung và cũng có thể là một thực tế. Trong năm 2012, châu Âu dành toàn bộ nguồn lực chống chọi khủng hoảng nên rất ít can dự vào các điểm nóng. Nơi có sự can dự nhiều nhất là Syria, thể hiện qua rất nhiều động thái của các nhà lãnh đạo châu Âu khi ủng hộ lực lượng đối lập ở nước này. EU cũng ra một số quyết sách liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, 2012 là năm khá bình lặng về mặt đối ngoại với EU bởi đối nội đã chiếm toàn bộ tâm lực của các nhà lãnh đạo khối này.

Quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nga
Quan hệ với Mỹ vẫn tốt đẹp. Nhưng Mỹ cũng đang có khủng hoảng riêng của họ nên trong các chuyến đi đến châu Âu, sự ủng hộ của ông Barack Obama dành cho các nước đồng minh chỉ dừng lại ở sự khích lệ. Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc dường như tiến nhanh hơn. Châu Âu đã nhiều lần mời gọi Trung Quốc tham gia vào Quỹ bình ổn của khối này bằng cách mua các trái phiếu chính phủ và Trung Quốc cũng tỏ ý muốn tham gia.

Các cuộc gặp cấp cao EU-Trung Quốc cho thấy Trung Quốc sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn trong quan hệ với châu lục này và thực tế thì ở châu Âu bây giờ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang xâm chiếm rất nhanh, từ việc mua các cảng biển ở Hy Lạp hay là mua những trang trại rượu nho ở Pháp. Riêng quan hệ với Nga khá bình lặng, dù không mấy thân thiện. Trong năm 2012, nước Nga bầu Tổng thống và báo chí châu Âu phần lớn tỏ thái độ bất bình với cái họ cho là phi dân chủ trong tranh cử, bầu cử và trong những quyết sách cứng rắn của ông Putin với các nhóm đối lập. Tuy nhiên, do nước Nga chú trọng tiến về phía Đông nên trong quan hệ với EU, không có nhiều vấn đề nổi cộm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

EU họp thông qua kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng
EU họp thông qua kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng

(VOV) -Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, kế hoạch liên minh ngân hàng cần được thông qua để cơ chế giám sát sớm đi vào hoạt động.

EU họp thông qua kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng

EU họp thông qua kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng

(VOV) -Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, kế hoạch liên minh ngân hàng cần được thông qua để cơ chế giám sát sớm đi vào hoạt động.

EU nhận giải Nobel hòa bình tại Na Uy
EU nhận giải Nobel hòa bình tại Na Uy

(VOV) - Các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/12 đã có mặt tại Oslo, Na Uy để chuẩn bị nhận giải Nobel hòa bình 2012.

EU nhận giải Nobel hòa bình tại Na Uy

EU nhận giải Nobel hòa bình tại Na Uy

(VOV) - Các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/12 đã có mặt tại Oslo, Na Uy để chuẩn bị nhận giải Nobel hòa bình 2012.