Mải theo thỏa thuận với Triều Tiên, Mỹ khiến đồng minh “ngồi trên lửa"

VOV.VN - Tuyên bố của Tổng thống Trump hoãn tập trận chung với Hàn Quốc đã khoét sâu nỗi lo lắng của đồng minh về cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh khu vực. 

Đối với các đồng minh của Mỹ tại Châu Á, kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore hôm 12/6 vừa qua là tín hiệu “vừa mừng vừa lo”.

Tổng thống Mỹ tuyên bố hoãn tập trận chung với Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Với cam kết giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đưa ra trong tuyên bố chung tại Hội nghị, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bùng phát chiến tranh trong khu vực. Tuy nhiên, các nước này cũng không thể “thở phào” khi Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và sớm rút lực lượng Mỹ gồm 28.000 binh sỹ ra khỏi Bán đảo Triều Tiên. Sự nhượng bộ này của ông Trump với Triều Tiên đã khoét sâu nỗi lo lắng của đồng minh về cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực.

Hãng tin CNN dẫn lời nhà phân tích Michael J.Green, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS nhận định: “Khi Tổng thống Mỹ đơn phương tuyên bố với Nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc Mỹ sẽ dừng tập trận quân sự với các đồng minh, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không được nói trước về vấn đề này. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên”.

Nhiều học giả đã ca ngợi ông Trump vì chính sách theo đuổi đối thoại thay vì đối đầu, song cũng có người lo ngại vì nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra mục tiêu mà cả Triều Tiên và Trung Quốc đã tìm kiếm từ lâu, trong khi không có sự tham vấn với đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Giới phân tích cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump có thể tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược quốc phòng của Mỹ ở Đông Bắc Á và mâu thuẫn với quan điểm kéo dài nhiều thập kỷ qua của giới chức nước này về tầm quan trọng của các cuộc tập trận chung.

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc, vai trò của Mỹ đã được mở rộng tại Đông Bắc Á, với việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh chủ chốt. Mỹ đã triển khai lực lượng lớn các binh sỹ tại Hàn Quốc và xây dựng các căn cứ không quân, hải quân tại Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn duy trì sự hiện diện quân sự tại các khu vực khác trong khu vực nhằm hỗ trợ một hiệp ước quốc phòng đòi hỏi Mỹ phải trợ giúp đồng minh trong trường hợp các nước này bị tấn công. Vì thế ngay sau tuyên bố của ông Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Nhật Bản “ngồi trên lửa”

Tại Nhật Bản, nhiều quan chức cho rằng Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quá nhiều nhượng bộ đối với Triều Tiên, đồng thời đặt câu hỏi liệu Triều Tiên có thực sự muốn từ bỏ chương trình hạt nhân hay nước này đang tính toàn một nước cờ khác?

Khi Tổng thống Donald Trump nói ông muốn hoãn các cuộc tập trận chung như một cách thể hiện thiện chí trong cuộc đàm phán với Triều Tiên, một số nhà phân tích Nhật Bản nhận định, đây có thể là ý định thực sự của ông Trump. Bởi trước cuộc đàm phán, Nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần cho rằng, Mỹ đã phải trả quá nhiều chi phí để duy trì lực lượng tại Hàn Quốc, cũng như đảm bảo an ninh cho đồng minh tại Châu Á.

Tờ New York Times dẫn lời chuyên gia Fumiaki Kubo tại Đại học Tokyo nhấn mạnh: “Ông Trump từng bày tỏ ý định này kể từ chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Vấn đề không phải ở chỗ Mỹ mang chuyện tập trận chung ra mặc cả với Triều Tiên mà đây là ý đồ ông đã theo đuổi từ lâu”. 

Đối với Nhật Bản, nỗi sợ hãi lớn nhất là các cuộc đàm phán tiếp theo của Mỹ và Triều Tiên sẽ không dẫn tới tiến trình giải trừ hạt nhân, thay vì đó khiến Mỹ rút dần lực lượng ra khỏi khu vực. Phát biểu với báo chí hôm 13/6, một ngày sau khi kết thúc Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng: “Các cuộc tập trận chung với lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh Đông Á”.

Thực tế cho thấy, Nhật Bản thường xuyên lo ngại về tương lai liên minh với Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Chính vì vậy, Thủ tướng Sinzo Abe đã thực hiện nhiều nỗ lực duy trì quan hệ gắn kết chặt chẽ với Mỹ và cũng nhiều lần tìm kiếm các cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ.

Trong trường hợp xấu nhất, Nhật Bản buộc phải xem xét lại các biện pháp quân sự của nước này. Thủ tướng Sinzo Abe từ lâu đã đặt mục tiêu tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội Nhật Bản và ấp ủ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Hòa bình, được ban hành từ năm 1947.

Một số ý kiến cho rằng, nếu Triều Tiên vẫn duy trì vũ khí hạt nhân còn Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự, Nhật Bản cũng cần phải theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp khả thi bởi Nhật Bản từng gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào tháng 8/1945, do đó người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ phản đối đề xuất phát triển vũ khí hạt nhân. Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Ichiro Fujisaki, cựu  Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ khẳng định: “Bấy lâu nay Nhật Bản luôn cho rằng Mỹ là đối tác tin cậy. Nếu điều này thay đổi thì chúng tôi sẽ phải suy nghĩ khác đi.”

Hàn Quốc bất an

Phía Hàn Quốc dù lạc quan hơn về cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng cũng không gạt bỏ được mối lo ngại về an ninh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khen ngợi kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, song ông đã tránh nhắc đến quyết định của Tổng thống Trump về hoãn cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Trước đó, ông Moon Jea-in nhiều lần khẳng định, các cuộc tập trận chung giữa hai nước không liên quan đến vấn đề Triều Tiên.

Còn các chính trị gia bảo thủ của Hàn Quốc thì có cách nhìn tiêu cực hơn khi xem tuyên bố của ông Trump là một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ sẵn sàng hy sinh trụ cột liên minh Mỹ-Hàn để theo đuổi thỏa thuận với ông Kim Jong-un. Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời một quan chức Hàn quốc giấu tên cho biết: “Tôi bị sốc khi ông Donald Trump gọi các cuộc tập trận chung là hành động “khiêu khích” – từ ngữ mà chẳng ai nghĩ một Tổng thống Mỹ sẽ dùng.”

Tờ báo này cũng trích dẫn quan điểm của học giả khác, ông Lee Il-woo, giám đốc phụ trách Mạng lưới quốc phòng tại Seoul cho rằng: “Hàn Quốc sẽ cảm thấy bối rối trước tuyên bố của ông Trump. Nước này có thể nhất trí giảm cường độ các cuộc tập trận chung – vì điều đó giúp giảm căng thẳng kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng đồng thời sẽ lo lắng vì giảm mức độ bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc.”

Phát biểu với tờ Los Angeles Times, ông Thomas Countryman, nguyên trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách an ninh quốc tế và chống phổ biến vũ khí hàng loạt nhận định: “Toàn bộ quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể thành công khi Hàn Quốc và Mỹ phối hợp chặt chẽ với nhau. Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không phải là dấu hiệu tích cực nhưng cũng không quá nguy hiểm vì nó có thể được đảo ngược.” Cùng chung quan điểm này, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mitchell Reiss cho rằng, Mỹ cần phải tham vấn chặt chẽ trước với Hàn Quốc trước khi quyết định dừng bất cứ cuộc tập trận chung nào.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra ý tưởng dừng các cuộc tập trận chung với đồng minh để khiến Triều Tiên nhất trí với thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Năm 1992, chính quyền Tổng thống Mỹ H.W. Bush đã từng hủy cuộc tập trận có sự tham gia của hàng trăm nghìn binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc, nhằm khuyến khích Triều Tiên hợp tác trong tiến trình thanh tra hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Bill Clinton cũng có động thái tương tự từ năm 1994 đến 1996, tuy nhiên đến năm 1997, các cuộc tập trận chung đã được nối lại trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ muốn giải trừ hạt nhân Triều Tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump
Mỹ muốn giải trừ hạt nhân Triều Tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump

VOV.VN - Mỹ mong muốn chương trình hạt nhân cơ bản của Triều Tiên sẽ được giải trừ trong 2 năm rưỡi tới.

Mỹ muốn giải trừ hạt nhân Triều Tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump

Mỹ muốn giải trừ hạt nhân Triều Tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump

VOV.VN - Mỹ mong muốn chương trình hạt nhân cơ bản của Triều Tiên sẽ được giải trừ trong 2 năm rưỡi tới.

Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?
Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, các bước đi nhằm khôi phục lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhiều khả năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.

Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?

Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, các bước đi nhằm khôi phục lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhiều khả năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.

Đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un: Ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên
Đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un: Ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên

VOV.VN - Tại sự kiện này, các quan chức Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn bất cứ sự cố nào có thể xảy ra với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un: Ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên

Đảm bảo an toàn cho ông Kim Jong-un: Ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên

VOV.VN - Tại sự kiện này, các quan chức Triều Tiên sẽ tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn bất cứ sự cố nào có thể xảy ra với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.