Mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ: Viễn cảnh nào mở ra với Tổng thống Trump?

VOV.VN - Việc Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ sẽ phá vỡ thế độc tôn của Đảng Cộng hòa và kiềm chế quyền lực của Tổng thống Trump.

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đã kết thúc với kết quả hầu như đã được đoán trước: đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện, còn đảng Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế tại Thượng viện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Business Insider).

Quyền lực Tổng thống bị hạn chế

Thắng lợi của đảng Dân chủ được cho là sẽ phá vỡ thế độc tôn của Đảng Cộng hòa và giúp đảng này có khả năng can dự vào các quyết sách của Tổng thống Donald Trump cũng như thúc đẩy việc xây dựng một thế hệ chính trị mới đa dạng, trẻ hóa và có thêm nhiều tiếng nói của các nữ chính trị gia.

Theo CNN, tình trạng đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chắc chắn sẽ khiến nước Mỹ gặp nhiều khó khăn trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đồng thời góp phần định hình cuộc cạnh tranh giành chiếc ghế Tổng thống vào năm 2020 tới. Xu thế đối lập tại Hạ viện và Thượng viện đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về chính trị và văn hóa trong số các cử tri sống tại những thành phố lớn, các vùng ngoại ô hay giữa các cử tri thuộc nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội Mỹ.

Trong phản ứng đầu tiên ngay trong buổi tối 6/11, Tổng thống Trump đã lựa chọn ăn mừng chiến thắng của đảng Cộng hòa, mặc dù đảng này bị thua cuộc tại Hạ viện. Trên trang Twitter, ông viết: “Một thành công tuyệt vời trong buổi tối ngày hôm nay. Cảm ơn tất cả!” Ông Donald Trump cũng gọi điện cho Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi để chúc mừng đảng Dân chủ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Donald Trump bởi giờ đây mọi công việc của ông sẽ chịu sự giám sát của chủ tịch Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ - vốn luôn mong muốn hạn chế quyền lực của Tổng thống. Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, phe Dân chủ sẽ làm việc để kiềm chế các quyết sách tại Nhà Trắng, cũng như cải thiện vấn đề y tế, hạ giá dược phẩm và bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người dân Mỹ: “Cuộc bầu cử này có ý nghĩa lớn lao, không chỉ đối với đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Đó là việc khôi phục lại quyền kiểm soát việc tuân thủ Hiến pháp và tạo ra sự cân bằng quyền lực đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump”.

Đảng Dân chủ nuôi giấc mơ thêm một lần nữa

Hai năm sau cú sốc ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton bị đánh bại trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống, Đảng Dân chủ giờ đây đã dám mơ thêm một lần nữa. Họ chiến thắng tại Hạ viện bằng cách phát động chiến dịch tranh cử mạnh mẽ nhằm giành sự ủng hộ của các cử tri tại những khu vực ngoại ô, nơi mà tiếng nói của Tổng thống Donald Trump không được ưa thích. Họ cũng thu hút một số lượng lớn hơn các cử tri trẻ so với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cách đây 4 năm. Điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ.

Ông Van Jones, cây bút chuyên mảng bình luận của tờ CNN cho biết: “Chúng ta đã bắt đầu xây dựng một Đảng Dân chủ mới, trẻ hơn, tươi mới hơn, nhiều phụ nữ hơn, đa dạng về chủng tộc, màu da, có thể chiến thắng ở Michigan, Pennsylvania, Ohio”.

Tuy nhiên, điều khó khăn với đảng Dân chủ hiện nay là làm sao để kiềm chế quyền lực của Tổng thống ở một mức độ vừa phải mà không vượt quá giới hạn. Cần phải nhắc lại rằng, một số Tổng thống chẳng hạn như Bill Clinton hay Barack Obama đã phải đối mặt với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy cam go, nhưng chính sự công kích của các đối thủ ở Đồi Capitol đã khiến họ có đòn bẩy để tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Theo CNN, Tổng thống Donald Trump – “người chẳng yêu bất cứ thứ gì hơn ngoài việc đi tìm kiếm những kẻ thù mới”, sẽ là một đối thủ đáng gờm.

Chỉ vài phút sau khi chiến thắng tại Hạ viện được xác nhận, nhiều nghị sỹ Dân chủ đã đe dọa theo sau Tổng thống Trump để điều tra công việc kinh doanh và kê khai thuế thu nhập cá nhân của ông. Phát biểu với hãng tin CNN, nghị sĩ Elijah Cummings, người sắp trở thành Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Giám sát chính phủ thuộc Hạ viện Mỹ, cho biết, ông có ý định sẽ thông qua ủy ban này để tìm câu trả lời cho hàng loạt vấn đề mà bấy lâu đảng Cộng hòa phớt lờ, trong đó có các khoản thu nhập của một tổng thống và đặc biệt liên quan đến việc kinh doanh của gia đình ông. Hạ nghị sỹ Jerrold Nadler, người sắp nắm cương vị đứng đầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhấn mạnh: “Tổng thống Trump cần phải biết rằng ông ấy không thể đứng trên luật pháp”.

Cuộc đối đầu phức tạp hơn giữa hai phe

Những thông điệp mâu thuẫn gửi tới các cử tri vào tối ngày 6/11 đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Mỹ.

Đảng Cộng hòa ghi điểm mạnh mẽ tại những bang có truyền thống ủng hộ đảng này. Dù chỉ phát động chiến dịch tranh cử chớp nhoáng tại những bang đó, Tổng thống Donald Trump vẫn chứng minh được rằng ông là một nhân vật chính trị mạnh mẽ trong số những người bảo thủ. Theo thăm dò của CNN, tỉ lệ ủng hộ tổng thống tại các bang này rất tích cực, trên 50%.

Việc Đảng Cộng hòa tiếp tục giành quyền kiểm soát Thượng viện đặc biệt quan trọng với Tổng thống Donald Trump, bởi nó cho phép ông và Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, thúc đẩy các sáng kiến xây dựng di sản dưới thời Trump, thiết lập lại  hiến pháp liên bang cùng với những thành viên bảo thủ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn phải trả lời về vấn đề nhập cư mà ông đưa ra tại chiến dịch vận động, trong những ngày sát nút bầu cử, điều mà nhiều ý kiến cho rằng đã khiến Hạ viện rơi vào tay phe Dân chủ, thậm chí ngay khi Tổng thống biện minh việc đó đã giúp ông giúp nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa cán đích.

Việc để mất Hạ viện đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên chính trị “vàng son” đối với đảng Cộng hòa – Đảng đã thúc đẩy phong trào Tea Party, lên án chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Obama đẩy kinh tế vào suy thoái kéo dài. Với thất bại này, đảng Cộng hòa sẽ gặp khó khăn trong việc hủy bỏ chương trình Obamacare.

Về mặt lý thuyết, sau khi giành chiến thắng tại Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ có khả năng thúc đẩy tiến trình luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, dựa trên những cáo buộc đối với ông Trump, trong đó có cuộc điều tra ông Trump và đội ngũ tranh cử của ông đã cấu kết với Nga do Cố vấn Robert Mueller dẫn đầu.

Nhưng để thực sự luận tội Tổng thống là một quá trình phức tạp. Đầu tiên Hạ viện Mỹ cần đa số phiếu bầu quyết định luận tội. Dù quá trình này được thông qua ở Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số, thử thách tiếp theo sẽ là Thượng viện và ở đây họ cần ít nhất hai phần ba nghị sỹ ủng hộ. Vì Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện nên viễn cảnh xét xử Tổng thống và buộc ông phải từ chức sẽ khó diễn ra.

Ông Trump có thay đổi?

Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu cú sốc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có khiến Tổng thống Donald Trump thay đổi, trở nên hài hòa và “nhẹ nhàng” hơn  và thêm một lần nữa phá vỡ quy tắc của Washingron bằng cách bắt tay hợp tác với Đảng Dân chủ? Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với cá tính của Tổng thống Trump, điều này sẽ khó có khả năng xảy ra. Việc đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát tại Thượng viện đồng nghĩa với việc ông Trump vẫn có khả năng thực hiện các quyết sách của mình, như Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham đã nói: “Chuyến tàu hành pháp của các thành viên bảo thủ sẽ vẫn tiếp tục lăn bánh”.

Thậm chí quan trọng hơn, những xung đột với đảng Dân chủ có thể giúp thúc đẩy mục tiêu tái đắc cử Tổng thổng của ông vào năm 2020. Ông Trump sẽ có cái cớ để đổ lỗi cho lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi và đảng của bà về những mặt hạn chế của nước Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phản ứng của Trung Quốc về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
Phản ứng của Trung Quốc về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VOV.VN - Theo Người phát ngôn Hoa Xuân Doanh, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ không thay đổi quan điểm của Trung Quốc về quan hệ Trung-Mỹ.

Phản ứng của Trung Quốc về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Phản ứng của Trung Quốc về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VOV.VN - Theo Người phát ngôn Hoa Xuân Doanh, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ không thay đổi quan điểm của Trung Quốc về quan hệ Trung-Mỹ.

“Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ”
“Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ”

VOV.VN - Khi có các thống kê đầy đủ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 của Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành kỳ bầu cử tốn kém nhất lịch sử nước này.

“Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ”

“Bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ”

VOV.VN - Khi có các thống kê đầy đủ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 của Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành kỳ bầu cử tốn kém nhất lịch sử nước này.

Châu Âu chia rẽ quan điểm về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ
Châu Âu chia rẽ quan điểm về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ

VOV.VN - Mối quan tâm lớn hơn với châu Âu sau cuộc bầu cử tại Mỹ là liệu các vòng đàm phán về TTIP có được tái khởi động hay không.

Châu Âu chia rẽ quan điểm về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ

Châu Âu chia rẽ quan điểm về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ

VOV.VN - Mối quan tâm lớn hơn với châu Âu sau cuộc bầu cử tại Mỹ là liệu các vòng đàm phán về TTIP có được tái khởi động hay không.

Hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

VOV.VN - Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 45%, cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

VOV.VN - Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 45%, cao nhất trong vòng 50 năm qua.