Mỹ không yên khi Pakistan xích lại gần Iran

(VOV) - Dù là đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng Pakistan đã phớt lờ đề nghị của Washington để ký kết dự án khí đốt với Iran.

Ngày 11/3, tại thành phố cảng Chabahar, miền Nam Iran giáp với Pakistan, lãnh đạo hai nước đã dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt trị giá 7,5 tỷ USD nối liền hai nước. Động thái trên khiến Mỹ và phương Tây không hài lòng và cho rằng Pakistan đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Từ “lách luật”…

Iran hiện đang phải đối mặt với 3 lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc. Trong khi các lệnh trừng phạt đang ngày càng hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran, thì xuất khẩu điện đang được xem là cứu cánh của nền kinh tế Iran.

Tổng thống Pakistan và Tổng thống Iran trong Lễ khởi công dự án (Ảnh Pakistan News)

Để khắc phục sự hạn chế xuất khẩu dầu mỏ do sự cấm vận của Mỹ và phương Tây, Iran đã “lách luật” bằng việc tăng cường xuất khẩu điện. Đây cũng là ngành sinh lời có thể gây cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Iran, và các khách hàng mua điện của Tehran đều là đồng minh của Mỹ.

Theo Cơ quan thông tin Năng lượng của Mỹ, Iran là nước xuất khẩu điện sang 5 nước láng giềng (Armenia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan) đồng minh của Mỹ và phương Tây, động thái trên của các nước này đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Iran.

Thống kê cho biết, từ tháng 8/2007, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký kết một dự án xây dựng nhà máy điện, với công suất 6.000 megawatt, trong đó một phần được xuất khẩu sang các tỉnh phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ nơi có chung đường biên giới dài gần 500 km với Iran. Chỉ tính từ tháng 3 đến10/2012, Iran đã xuất khẩu được 6.624 gigawatts điện sang 5 nước láng giềng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong tương lai gần, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng dram của Armenia, đồng rupi của Pakistan, đồng dina Iraq và đồng afghani của Afghanistan sẽ tiếp tục chảy vào kho bạc của Iran để đổi lấy các nguồn cung cấp điện đáng tin cậy.

Ngày 27/10/2012, Iran và Ấn Độ cũng đã ký một bản ghi nhớ, theo đó Iran sẽ xuất khẩu 4.000 megawatt điện cho Ấn Độ qua Pakistan. Trong thỏa thuận này, Pakistan cũng sẽ nhập khẩu thêm 2.000 megawatt với vai trò trung gian. Việc Iran tăng cường xuất khẩu điện sang các nước láng giềng khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ không những không thân thiện với Iran mà còn có nguy cơ liên lụy đến các nước nhập khẩu năng lượng của Tehran.

Đến “phá rào”

Ngay sau lễ khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Iran–Pakistan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã cảnh báo: “nếu thỏa thuận khí đốt giữa Iran và Pakistan được hoàn thành, điều này sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran”. Mỹ kêu gọi Pakistan sử dụng đường ống chạy từ khu khai thác dầu của Turkmenistan, tới Afghanistan, qua Pakistan và Ấn Độ.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Pakistan nhấn mạnh, dự án có tác động lớn đến nền kinh tế nước này. Pakistan hi vọng Mỹ sẽ hiểu tầm quan trọng của nguồn khí đốt này trong thời điểm khủng hoảng năng lượng tại Pakistan hiện nay.

Được biết, phần đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước, nằm trên lãnh thổ Pakistan có chiều dài 781km, kéo dài từ khu vực biên giới chung tới khu vực Navabshah, trong khi tổng chiều dài của toàn tuyến đường ống là 1.881km. Phía Iran đã hoàn tất tiến trình thi công đường ống nằm trên lãnh thổ nước này, trong khi công trình tại Pakistan vẫn chưa được triển khai do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm số vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD và vấp phải sự phản đối của Mỹ.

Trong tuyên bố chung sau lễ khởi công dự án, Tổng thống Iran Ahmadinejad và Tổng thống Pakistan Zardari khẳng định, dự án khi đưa vào vận hành sẽ góp phần vào hòa bình, an ninh và phát triển của cả Iran và Pakistan, đồng thời củng cố vững chắc các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh giữa hai nước.

Tổng thống Ahmadinejad còn nhấn mạnh: “Ðây là một ngày lịch sử. Dự án đường ống dẫn khí đốt mở ra một khối lượng công việc lớn. Phương Tây không có quyền cản trở dự án”. Về phần mình, Tổng thống Zardari nêu rõ: “Ðể tự cứu mình, chúng tôi phải có nền kinh tế mạnh”, và rằng dự án này không chỉ giúp Pakistan giảm bớt tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng trước mắt, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho Pakistan. Ông Zardari bày tỏ lời cảm ơn Iran đã hỗ trợ nguồn kinh phí quý báu để giúp dự án thực thi.

Theo thỏa thuận, Teheran cam kết chi 500 triệu USD giúp Pakistan xây dựng đoạn đường ống nằm trên phần lãnh thổ nước này, số tiền còn lại Islamabad dự tính sẽ tìm nguồn vay từ Trung Quốc và kêu gọi người dân Pakistan đóng góp. Pakistan dự định nhập khẩu 21,5 triệu m3 khí đốt/ngày từ Iran thông qua đường ống này để sản xuất 20% sản lượng điện nhằm giải quyết tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng như hiện nay.

Sau gần hai thập kỷ đàm phán khó khăn, chủ yếu do vấn đề kinh phí và bị Mỹ phản đối, dự án cuối cùng cũng đã được khởi công. Mỹ đã có sự phản ứng, tuy nhiên dự án này không tạo ra sản phẩm có thể từ đó mà chế tạo ra bom hạt nhân như phát biểu của Tổng thống Iran Ahmadinejad.

Lợi ích vượt lên tất cả

 Phản bác lại phía Mỹ, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng, dự án không liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran bởi theo ông “người ta không thể chế tạo một quả bom nguyên tử trong một đường ống dẫn khí đốt”. Về phần mình, Tổng thống Zardari nhấn mạnh, Pakistan là một quốc gia có chủ quyền và hành động vì lợi ích của đất nước. Ông hy vọng, qua thời gian, những người chỉ trích sẽ lưu ý hơn đến nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Pakistan, cũng như sự cần thiết của dự án này.

Trước đó, trong chuyến thăm Iran ngày 27/2 vừa qua, Tổng thống Zardari đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Chính phủ và tôn giáo Iran. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Ðại giáo chủ Khamenei, tuyên bố, dự án đường ống khí đốt Iran - Pakistan là một ví dụ điển hình cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh, Teheran và Islamabad cần kiên quyết vượt qua mọi trở ngại để mở rộng quan hệ song phương.

 Điều quan trọng là, Pakistan, đồng minh chiến lược ngoài NATO của Mỹ lại “phớt lờ” đề nghị của Washington mà tiếp tục theo đuổi dự án trên với Iran. Theo các nhà phân tích, tuy Pakistan là đồng minh chiến lược của Mỹ từ năm 2004 tới nay, song Washington thường đối xử với Islamabad theo kiểu “sai bảo” và nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Pakistan khiến cho nhiều người dân Pakistan đều cảm thấy không hài lòng với Mỹ.

Như vậy, thỏa thuận giữa Pakistan và Iran cùng đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt khiến Mỹ và phương Tây không hài lòng. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, dân tộc Islamabad đã vượt lên tất cả, mặc dù Pakistan vẫn là một trong những đồng minh chiến lược của Mỹ về quân sự ở khu vực Nam Á./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ukraine muốn đàm phán với Nga về khí đốt
Ukraine muốn đàm phán với Nga về khí đốt

(VOV) -Ngày 4/3, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow.

Ukraine muốn đàm phán với Nga về khí đốt

Ukraine muốn đàm phán với Nga về khí đốt

(VOV) -Ngày 4/3, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow.

Iran- Pakistan khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt
Iran- Pakistan khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt

(VOV) -Hai bên hy vọng khi hoàn thành vào tháng 12 năm sau, đường ống này sẽ cung cấp khoảng 21,5 triệu m3 cho Pakistan mỗi ngày

Iran- Pakistan khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt

Iran- Pakistan khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt

(VOV) -Hai bên hy vọng khi hoàn thành vào tháng 12 năm sau, đường ống này sẽ cung cấp khoảng 21,5 triệu m3 cho Pakistan mỗi ngày

Pakistan nổ đường ống khí đốt
Pakistan nổ đường ống khí đốt

Những kẻ lạ mặt đã cho phát nổ một quả bom tự chế tại đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho nhiều khu vực của tỉnh Sindh.

Pakistan nổ đường ống khí đốt

Pakistan nổ đường ống khí đốt

Những kẻ lạ mặt đã cho phát nổ một quả bom tự chế tại đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho nhiều khu vực của tỉnh Sindh.

Iran bắt đầu xuất khẩu khí đốt tới Iraq
Iran bắt đầu xuất khẩu khí đốt tới Iraq

(VOV) - Iraq và Iran, Syria từng ký một biên bản ghi nhớ về xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ 3 nước.

Iran bắt đầu xuất khẩu khí đốt tới Iraq

Iran bắt đầu xuất khẩu khí đốt tới Iraq

(VOV) - Iraq và Iran, Syria từng ký một biên bản ghi nhớ về xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ 3 nước.