Năm 2012: Năm của bầu cử và chuyển giao quyền lực

(VOV) - Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành bầu cử và thay đổi bộ máy lãnh đạo.

Theo báo cáo của Vụ Chính sách Đối ngoại (Bộ Ngoại giao), năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, khó khăn hơn năm 2011, không đồng đều giữa các khu vực và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn.

Tình hình chính trị ở một số khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biễn phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, trong năm 2012, tại nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn đã diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng, bầu Người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của nhiều chính quyền mới đều hướng về khu vực châu Á –Thái Bình Dương (TBD).

** Trung Quốc: Đại hội 18 đề ra nhiều định hướng phát triển quan trọng

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch nước ông Tập Cận Bình. (ảnh: Guadian)

Nước này đã tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, với kết quả quan trọng là chuyển giao thế hệ lãnh đạo Trung Quốc - thế hệ lãnh đạo thứ 4 và đề ra những quyết sách quan trọng định hướng cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc. 

Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Phó Chủ tịch nước ông Tập Cận Bình tuyên bố tiếp tục tư tưởng “phục hưng”, “đổi mới”. Thông điệp khẳng định ông tiếp tục thực hiện chính sách của ông Hồ Cẩm Đào.

Đại hội 18 đề ra nhiều định hướng phát triển quan trọng cho Trung Quốc đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”, “cường quốc văn hóa”.

Theo GS Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Trung Quốc đang có nhiều thuận lợi: 10 năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng rất tốt những cơ hội, như việc Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố, một số nước có nền kinh tế phát triển ở châu Âu gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, Nhật Bản phải đương đầu với thảm họa thiên tai động đất, sóng thần,… Trung Quốc cũng đã tận dụng tốt thời cơ gia nhập WTO, tận dụng tốt cơ hội mà tình hình thế giới tạo ra nên đã bứt phá rất nhanh.

Về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, GS Đỗ Tiến Sâm nhấn mạnh: Trên cơ sở báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, chính sách đối ngoại của Trung Quốc không thay đổi, tiếp tục thực hiện ưu tiên quan hệ với các nước phát triển, các nước láng giềng, các nước đang phát triển, tích cực tham gia vào ngoại giao đa phương, đẩy mạnh ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính đảng.

** Mỹ điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo hướng toàn diện hơn

Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney. (ảnh: Radio Canada)

Bầu cử Tổng thống tại Mỹ đã diễn ra rất quyết liệt giữa Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney với kết quả ngoạn mục, khi ông Obama đã giành chiến thắng vang dội, tái cử Tổng thống nhiệm kỳ 2. Song các nghị sĩ Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ.

Ngay sau niềm vui chiến thắng, Tổng thống Obama đã có những điều chỉnh chiến lược “tái cân bằng” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo hướng toàn diện hơn, ngày càng coi trọng ASEAN. Việc chỉ ít ngày sau tái đắc cử Tổng thống, ông Obama chọn Thái Lan, Myanmar và Campuchia là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, được coi là thông điệp về quyết tâm của Nhà Trắng trong việc thực hiện các cam kết trong chính sách hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và việc ông Obama đề cử ông John Kerry đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho thấy chính sách đối ngoại của nước Mỹ những năm tới sẽ mềm dẻo và ôn hòa hơn. Bởi ông J.Kerry được coi là người rất tích cực phản đối và phản đối có hiệu quả cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước đây, cũng như thường xuyên chỉ trích chính sách ngoại giao “diều hâu” của chính quyền George W.Bush.

Về chính sách đối nội, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an), trong nhiệm kỳ 2 này, ông Obama chắc chắn sẽ có một số thay đổi về chính sách đối nội, trong đó có những thay đổi đáng kể về nhân sự trong bộ máy chính quyền của ông. Trong đó sẽ có những ưu tiên trong việc thay đổi tại lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Đồng thời ông cũng sẽ bổ sung chuyên gia giỏi về các vấn đề ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi.

 ** Nga: Cuộc chuyển giao quyền lực giữa bộ đôi Putin-Medvedev

Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng D.Medvedev. (ảnh: Ria)

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga ngày 4/3/2012 thực chất là cuộc chuyển giao quyền lực giữa bộ đôi Putin-Medvedev. Thủ tướng Vladimir Putin được bầu trở lại cương vị lãnh đạo cao nhất nước Nga và ông Medvedev trở lại là người đứng đầu Chính phủ xứ sở Bạch Dương này. 

Ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Putin đã tuyên bố chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế, quốc phòng và củng cố quan hệ đối ngoại theo hướng ưu tiên các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và coi trọng hơn khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Tại cuộc họp báo nhân kết thúc năm 2012 vào ngày 20/12, Tổng thống Nga V.Putin cũng khẳng định lại quyết tâm phát triển toàn diện nước Nga và coi trọng chính sách đối ngoại hướng đông, cải thiện quan hệ với các quốc gia vốn tồn tại bất đồng với Nga.

Các nhà phân tích của Nga cho rằng, chiến lược ngoại giao của ông Putin trong nhiệm kỳ thứ 3 đã trở nên thực dụng hơn và mạnh mẽ hơn. 

** Nhật Bản: ông Shinzo Abe, Chủ tịch LDP trở lại làm Thủ tướng

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (ảnh: AFP)

Khó khăn kinh tế và chính trị khiến Thủ tướng Noda đã 3 lần cải tổ Nội các (tháng 1,6 và tháng 9/2012) và giải tán Hạ viện (16/11) để tổ chức bầu cử sớm.

Với đa số phiếu đã được kiểm, riêng Đảng Dân chủ Tự do đã giành 255 ghế, chiếm quá bán tại Hạ viện. Với chiến thắng này, Đảng Dân chủ Tự do trở lại vị trí đảng cầm quyền sau 3 năm để mất về tay Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Theo hiến pháp Nhật Bản, Chủ tịch Đảng cầm quyền đương nhiên sẽ được bầu làm Thủ tướng. Bởi vậy, ngày 26/12/2012, ông Shinzo Abe, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã nhanh chóng được Quốc hội bầu làm Thủ tướng - một cuộc trở lại ngoạn mục. Ông đã phải rời cương vị này năm 2007 sau một năm cầm quyền sóng gió. Sau thắng lợi vang dội của Đảng LDP, ông Abe cho biết sẽ xem xét để thay đổi Hiến pháp sau thất bại của đảng cầm quyền hiện tại.

Về vấn đề kinh tế, Đảng Dân chủ Tự do cam kết sẽ buộc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải có những biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay, đồng thời sẽ sớm thiết lập khoản ngân sách bổ sung khổng lồ tới 10.000 tỷ yên cho tài khoá 2012 nhằm kích thích nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ.

Trong vấn đề đối ngoại, Đảng Dân chủ Tự do chủ trương tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản bằng việc tăng cường mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Ông Shinzo Abe cũng tỏ ý rằng Đảng Dân chủ Tự do sẽ có quan điểm cương quyết đối với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông mà nước này gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

** Hàn Quốc: Bà Park Geun-hye trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

Bà Park Geun-hye, 60 tuổi, đã giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Moon Jae-in trong cuộc đua gay cấn vào Nhà Xanh. (ảnh: AFP)

Cuộc bầu cử Tổng thống ở xứ sơ Kim Chi này đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nước này, khi bà Park Geun-hye, 60 tuổi, giành được 51,6% phiếu bầu, trong khi ông Moon Jae-in chỉ được 48% số phiếu.

Theo luật pháp Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ lên thay Tổng thống Lee Myung-bak khi ông kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo và rời cương vị này vào ngày 25/2/2013. Bà Park Geun-hye, con gái cựu Tổng thống Park Chung Hee và là nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Theo Telegraph, các cử tri coi bà là một người “nhân hậu, điềm tĩnh và đáng tin cậy” có khả năng “cứu đất nước”. Tuy nhiên, trên cương vị Tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa: từ khôi phục tăng trưởng kinh tế đến cải thiện quan hệ băng giá với CHDCND Triều Tiên.

Bà Park Geun-hye cam kết sẽ giải quyết thỏa đáng các vấn đề nổi cộm của đất nước hiện nay như: tình trạng quá tải giáo dục, nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ, nguy cơ mất việc làm trong nhóm lao động trên 40 tuổi và tình trạng người già bị bỏ rơi.

Trong quan hệ với các nước khác, bà Park Geun-hye cam kết duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước, chú trọng nâng mức quan hệ với quốc gia láng giềng Trung Quốc và ưu tiên tăng cường liên minh với Mỹ. Hàn Quốc cũng sẽ cân nhắc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Mỹ khi điều kiện cho phép.

** Pháp: sau 17 năm, quyền lực lại được chuyển giao từ cánh hữu sang cánh tả

Tổng thống Pháp Francois Hollande  (trái). (ảnh: Reuters)

Tại Pháp, sau 17 năm, quyền lực lại được chuyển giao từ cánh hữu sang cánh tả với thắng lợi của ứng cử viên Đảng Xã hội, ông Francois Hollande.

Tháng 5/2012, ứng cử viên theo đường lối cánh tả Francois Hollande vượt qua đương kim tổng thống Nikolas Sarkozy, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, đề ra chủ trương kích thích tăng trưởng thay cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết những khó khăn kinh tế của Pháp và Eurozone.

Người dân nóng lòng chờ đợi nước Pháp dưới sự lãnh đạo của ông Francois Hollande sẽ cải tổ cơ cấu, linh hoạt hóa thị trường lao động, cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, chính sách kinh tế của ông Francois Hollande bị phe cực tả cho là ông đã trở lại chính sách khắc khổ, cánh hữu nhận định ông "không nhìn thẳng vào thực tế".

Tăng thuế với người giàu là một trong những cam kết mà ông Hollande đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Sau 3 tháng nhậm chức, vào tháng 8/2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ban hành chính sách tăng thuế thu nhập đối với người giàu từ 48% lên đến 75%. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ năm 2013. Theo đó, những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm sẽ phải đóng thuế 75% kể từ năm tới.

Với những cuộc bầu cử quan trọng này, chắc chắn, các nước đã và đang có những thay đổi tích cực, không chỉ trong bộ máy lãnh đạo cấp cao, mà cả trong chính sách về các vấn đề đối nội và đối ngoại, tạo ảnh hưởng sâu rộng ở mỗi nước và đối với hòa bình an ninh ở khu vực và thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên