SCMP: Bất ngờ về nạn phân biệt chủng tộc ở Hàn Quốc

VOV.VN - Tình trạng phân biệt chủng tộc thường gắn với các nước phương Tây, nhưng thực tế đó cũng tồn tại ở rất gần, tại một số nước châu Á như Hàn Quốc...

Những ngày qua, biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Anh, Australia... liên quan đến việc một người da màu tên George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát ghì gối vào cổ trong gần 9 phút ở Minneapolis (Mỹ) ngày 25/5. Các cuộc biểu tình thuộc phong trào Black Lives Matter (tạm dịch là Mạng người da đen có giá trị) đã lan sang cả những nước như Hàn Quốc (thuộc Đông Bắc Á).

Người Hàn Quốc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Ảnh: EPA.

Những người biểu tình ở Hàn Quốc vừa thể hiện sự đoàn kết với phong trào Black Lives Matter ở Mỹ, vừa kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở chính xứ sở Kim Chi.

Luật Hàn Quốc chưa định nghĩa về phân biệt chủng tộc

Các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc đã gợi nhớ đến thực tế là quốc gia này vẫn thiếu chế tài đối với hành vi phân biệt dựa trên sắc tộc dù rằng tại đây công chúng ý thức rất rõ rằng nạn phân biệt sắc tộc là có tồn tại ở Hàn Quốc.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư ở Hàn Quốc, cứ 9 trong 10 người Hàn Quốc thừa nhận “phân biệt chủng tộc nói chung tồn tại ở Hàn Quốc”. Phổ biến các thông tin về tình trạng người này người kia bị các quán bar hay các hãng taxi dựa trên sắc tộc mà khước từ phục vụ.

Ấy thế nhưng, Lee Wan - một nhà hoạt động cho tổ chức Đoàn kết vì Nhân quyền và Văn hóa châu Á, chỉ ra rằng “đất nước này thậm chí không có định nghĩa pháp lý về phân biệt chủng tộc”.

Hồi năm 2006 một nỗ lực thực thi luật chống phân biệt đã thất bại. Các nỗ lực tương tự cũng đã bị đình lại kể từ đó, thậm chí kể cả sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc khuyến nghị luật này vào năm 2015. Dù vậy, vẫn có chút hy vong, với việc Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc nói rằng họ đang soạn một dự luật đề xuất Quốc hội Hàn Quốc trừng phạt tệ phân biệt dựa trên chủng tộc, giới tính, và việc làm...

Shim Ji-hoon, một nhân viên xã hội 34 tuổi đứng ra tổ chức cuộc tuần hành nói trên ở Hàn Quốc, cho biết: “Người ta hỏi tôi sao lại tổ chức biểu tình như thế này ngay ở chính nước mình. Còn tôi, tôi biết có những công nhân nhập cư, các gia đình đa văn hóa, và các sinh viên quốc tế đối mặt với tệ phân biệt chủng tộc ngay chính trong nước tôi... Nếu thái độ đó không thay đổi thì những gì xảy ra với George Floyd có thể tái diễn ở đây”.

Tệ phân biệt có thật

Có một người da đen làm nghề giáo viên đã tham gia cuộc biểu tình này. Đề nghị giấu tên, anh giải thích như sau: “Phân biệt chủng tộc ở đây là như thế này: Trong tàu điện ngầm, mọi người cố gắng ngồi tránh xa tôi ra. Tại các câu lạc bộ, tôi và bạn bè bị xua đuổi mà không có lý do. Còn các nhà tuyển dụng thì chỉ muốn thuê những người da trắng”.

Theo Lee, một trong các dạng định kiến dễ thấy nhất là loại định kiến đối với các công nhân nhập cư đến từ các nước châu Á đang phát triển – những người phải lao động vất vả nhưng chỉ được trả lương bèo bọt.

Lee cho biết, các công nhân nhập cư thường được đưa tới những công trường xây dựng nguy hiểm mà không được cung cấp kiến thức và công cụ bảo hộ phù hợp. “Các ông chủ Hàn Quốc coi thường các người di cư đến từ những nước chưa phát triển và thậm chí đôi lúc còn lạm dụng họ nữa”.

Một báo cáo của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chỉ ra rằng công nhân bản xứ của Hàn Quốc có rủi ro bị tai nạn lao động công nghiệp là 0,8% trong khi con số của lao động nước ngoài tại đây lên tới 1,16%.

Lee cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình xấu đi. “Người nhập cư dù phải đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ của bất cứ công dân bình thường nào tại nước sở tại nhưng lại bị đưa ra ngoài danh sách được trang bị các khẩu trang và quỹ hỗ trợ giảm nhẹ thảm họa ngay từ đầu đại dịch này”.

Chân dung Pape San. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Một kỹ sư da đen tên là Pape San cho biết nhiều người Hàn Quốc rất nhạy cảm trước cảnh nam giới da đen đi cùng với phụ nữ Hàn Quốc. Anh tâm sự: “Tôi nhận thấy nếu người ta không nhất thiết chú ý đặc biệt đến tôi khi tôi ở một mình thì lại họ càng chú ý đến tôi khi tôi ở bên một phụ nữ Hàn Quốc”.

Theo San, đây là một rào cản khiến anh khó kết nối sâu hơn với người Hàn Quốc.

Cuộc đấu tranh của thế hệ trẻ mang tư tưởng mới

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho hay một thế hệ mới của người dân Hàn Quốc sẵn lòng xem xét lại các thành kiến thâm căn cố đế của xã hội mình. Như vậy, vẫn có hy vọng cho tương lai.

Một nhân vật nổi bật trong cuộc đấu tranh này là nhà biếm họa trực tuyến Yerong. Vào ngày 31/5 vừa qua, Yerong vẽ một bức biếm họa trình bày chi tiết về các sự kiện dẫn tới cái chết của Floyd để giải thích cho độc giả Hàn Quốc.

Phần đăng tải bức ảnh trên lên mạng Instagram đã nhận được hơn 39.000 like (lượt thích) và giúp họa sĩ biếm họa này có thêm hơn 50.000 người theo dõi (follow) trên mạng xã hội. Nội dung trong bức biếm họa đã được các fan ở nước ngoài của Yerong dịch ra 8 thứ tiếng, trong đó có tiếng Trung Quốc, Anh, và Italy. Bản giấy của bức họa này cũng xuất hiện ở Canada.

Yerong, 26 tuổi (tên thật là Ko Ye-sung), nói: “Tôi nghĩ rằng truyền thông đóng vai trò lớn trong hình thành quan điểm của chúng ta về các vấn đề xã hội, nên tôi thấy có trách nhiệm phải làm điều gì đó sau khi chứng kiến những gì xảy ra với George Floyd... Chúng ta không thể chỉ bóc lột người nước ngoài, chúng ta cần chấp nhận họ như họ vốn có, như những cá nhân tham gia vào xã hội chúng ta”.

Trong những ngày gần đây, Yerong đã phải uống thuốc để chống rối loạn hoảng loạn do một bức email hận thù mà cô nhận được sau khi đăng tải bức họa. Một người nào đó viết rằng cô nên “quan tâm đến đất nước mình thay vì tập trung vào việc của người khác”. Những người khác thì nói với cô rằng việc phân biệt chủng tộc là “một bản năng tự nhiên, đầy chất con người”.

Đối với Pape San, một kỹ sư dữ liệu 24 tuổi đến từ nước Pháp thì các cảm xúc trên là quá quen thuộc. Bố mẹ San là người Senegal. San bắt đầu kênh YouTube của riêng mình khi anh tới Hàn Quốc vào năm 2017. Kể từ thời điểm đó San đã sử dụng kênh YouTube này để giúp các cộng đồng thiểu số thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề xã hội với 173.000 người đăng ký kênh của anh.

Dù San hay bị người Hàn Quốc săm soi mỗi khi anh ở bên phụ nữ Hàn Quốc, vẫn có một số người chào đón anh. “Trong phòng tắm công cộng, cũng có người tiến lại chỗ tôi, bắt chuyện với tôi và chia sẻ thức ăn cho tôi. Giới trẻ ở đây cho tôi nhiều hy vọng hơn so với thế hệ trước”.

Nguồn gốc phân biệt chủng tộc ở Hàn Quốc?

Lee, thuộc tổ chức Đoàn kết vì Nhân quyền và Văn hóa châu Á cho hay tệ phân biệt chủng tộc trong thế hệ cao tuổi hơn cần được xem xét trong bối cảnh. Cha mẹ và ông bà thời nay từng sống trong một thời kỳ nhấn mạnh đến sự thống nhất dân tộc do đối mặt với nguy cơ xâm lược thường trực và nhu cầu cạnh tranh công nghiệp với các nước láng giềng.

Lee nói: “Theo một cách nào đó, nạn phân biệt với người thiểu số được biện minh thông qua nhu cầu sinh tồn và thịnh vượng”.

Vẫn lời của Lee: “Dân số đồng nhất của Hàn Quốc trong quá khứ không có nhiều tiếp xúc với người nước ngoài nhưng người Hàn Quốc thời nay cần khoan dung hơn với các dân tộc khác trong bối cảnh Hàn Quốc chưa bao giờ quốc tế hóa đến như vậy”.

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số người nước ngoài sống ở nước này đã tăng thêm 7% vào năm ngoái, lên mức 2,5 triệu người.

Các nhà hoạt động như Lee tự tin nói rằng trong cuộc biểu tình vừa rồi ở Hàn Quốc có cả những gương mặt trẻ. Một trong số họ là Seline Sohn, mới 12 tuổi, đã làm trái ý gia đình bằng cách đi tới đó.

Cô bé trung học này nói: “Phần nhiều người già khá phán xét. Gia đình cháu cũng thuộc diện phân biệt chủng tộc. Bố cháu hoàn toàn phản đối cháu dự sự kiện này. Nhưng cháu nói với bố rằng đây là việc riêng của con”.

Nhà biếm họa Yerong cũng chia sẻ một số tia hy vọng.

Cô nói: “Vài người trước đây tung ra các bình luận hận thù thì nay đã gửi cho tôi vài tin nhắn riêng nói rằng họ đã thay đổi quan điểm về các vấn đề như phân biệt chủng tộc sau khi đã có những trải nghiệm riêng của mình... Khi đó tôi nhận ra rằng công việc của mình không phải là công cốc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên