Thế giới 7 ngày: Mỹ tuyên bố chiến lược mới với Iran

VOV.VN -Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố chiến lược mới với Iran, UNESCO có tân Tổng giám đốc, Catalonia hoãn ngày tuyên bố độc lập...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 tuyên bố không xác nhận việc Iran đang tuân thủ Kế hoạch hành động chung (JCPOA). Ông Trump cũng công bố chiến lược mới đối với Iran, trong đó nhấn mạnh đảm bảo Tehran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân. (Ảnh: AP). Việc ông Trump không xác nhận Iran tuân thủ đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 60 ngày để thảo luận áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran. Ngay sau tuyên bố này, các nước phản ứng với dư luận trái chiều.
Chính quyền UAE ngày 12/10 tuyên bố chấm dứt hoạt động đối với Đại sứ không thường trú của nước CHDCND Triều Tiên tại quốc gia này. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực mới cho công dân và giấy phép hoạt động của doanh nghiệp Triều Tiên tại UAE cũng sẽ bị ngừng lại. (Ảnh: AP).

Quyết định của UAE theo sau những động thái tương tự của Qatar và Kuwait hồi tháng trước, bao gồm việc hạ cấp quan hệ ngoại giao và dừng cấp thị thực cho công dân của Triều Tiên. Động thái của các nước vùng Vịnh được cho là hưởng ứng theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, do Mỹ đề xuất hồi tháng trước, nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong ảnh: vũ khí Triều Tiên trong cuộc duyệt binh (AP).

Trong tuyên bố ngày 11/10, Nga cáo buộc Mỹ lấy trộm quốc kỳ Nga ở Lãnh sự quán tại San Francisco, tuy nhiên phía Mỹ nhanh chóng phản bác thông tin này. Bộ ngoại giao Mỹ cho biết đã hạ quốc kỳ Nga ở Lãnh sự quán San Francisco một cách trân trọng và cất giữ an toàn trong tòa nhà. Trước đó, các nhân viên ngoại giao Nga rời lãnh sự từ tháng 9/2017 sau khi Washington yêu cầu Moscow rút bớt người tại cơ sở ngoại giao. Trong ảnh: Đại sứ quán Nga tại WDC, Mỹ (Reuters).

Tân Đại sứ Mỹ tại Nga ông Jon Huntsman hôm 7/10 cho biết, sự tin tưởng giữa Nga và Mỹ hiện đang ở điểm thấp sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016; vấn đề Ukraine và hạt nhân Triều Tiên sẽ là những vấn đề trọng tâm mà ông sẽ làm để cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ. (Ảnh: AP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/10 đã tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở thủ đô Washington nhằm thảo luận về các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Mối quan hệ song phương với Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với Canada vì 75% hàng xuất khẩu nói chung và 98% xuất khẩu dầu mỏ nói riêng của Canada là sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Reuters).
Sau 5 vòng bầu cử, Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã bầu được Tổng Giám đốc, là Audrey Azoulay, ứng cử viên đến từ Pháp. Với nước Pháp, việc bà Audrey Azoulay được chọn là Tổng Giám đốc UNESCO là một thắng lợi ngoại giao quan trọng. Bà Azoulay còn cần được Đại hội đồng UNESCO thông qua trong phiên họp đầu tháng 11/2017 nhưng đây chỉ là vấn đề thủ tục. (Ảnh Reuters).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: “Ngày 12/10/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova về quyết định rút khỏi tổ chức này..." Người đứng đầu UNESCO, bà Irina Bokova cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ, nhấn mạnh đây là một mất mát với cả Mỹ và tổ chức. Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do. (Ảnh NYT).
Căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tiếp tục bị đẩy lên một nấc cao hơn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12/10 cáo buộc Mỹ đang giấu một kẻ tình nghi có liên quan đến giáo sĩ Gulen ở lãnh sựquán Mỹ tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ quyết định dừng dịch vụ cấp thị thực cho công dân Mỹ là để trả đũa động thái mà phía Mỹ đưa ra trước đó (Ảnh Reuters).

Lực lượng người Kurd tại Syria (YPG) tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trên bờ vực bị tiêu diệt hoàn toàn ở thành phố Raqqa. Miền Bắc Syria là một trong những khu vực giao tranh phức tạp nhất, trong đó Raqqa, thành trì quan trọng nhất của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” là chiến trường ác liệt nhất. (Ảnh: TASS).

 Theo báo cáo mới nhất của giới chức Mỹ công bố hôm 13/10, ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng tại California, Mỹ. Cháy bùng phát từ đêm 8/10 và hiện vẫn chưa xác nhận được nguyên nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng thảm họa, cho phép huy động các nguồn lực, nguồn ngân sách liên bang hỗ trợ địa phương này. Trong ảnh: Cảnh hoang tàn sau đám cháy ở Santa Rosa, California, Mỹ  (Reuters).

Ngày 10/10, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sau cuộc họp nghị viện đã không tuyên bố độc lập như được chờ đợi mà chỉ hứa hẹn rằng, “Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập”. Đối với những người ủng hộ việc vùng Catalonia ly khai thì việc ông Carles Puigdemont lựa chọn giải pháp trung hoà này bị xem như là điều đáng thất vọng. Trong ảnh: Phản ứng khác nhau của người dân khi nghe thông báo kết quả họp nghị viện (Reuters).

Ngày 9/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế năm 2017 cho giáo sư Richard H. Thaler của Đại học Chicago (Mỹ) vì những đóng góp của ông cho kinh tế học hành vi. (Ảnh: AP)./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên