Thế giới 7 ngày: Nóng bỏng cả Hoa Đông và Trung Đông

Tranh cãi về chủ quyền trên biển Hoa Đông giữa Nhật - Trung - Hàn cùng những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại Trung Đông đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc đang nóng trở lại sau khi Hạ viện Nhật Bản ngày 24/8 đã thông qua hai nghị quyết liên quan đến các nhóm đảo tranh chấp. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng ngày đã mạnh mẽ chỉ trích các hành động gần đây của Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.

Cùng với những động thái tổ chức các chuyến thăm của các bên đến các quần đảo tranh chấp, các cuộc biểu tình do các tổ chức tiến hành cũng đang khiến bầu không khí căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia liên quan đến tranh chấp là Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản.

Với những tuyên bố cứng rắn và hành động ngày càng quyết đoán giữa các bên liên quan, giới phân tích nhận định tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải trên biển Hoa Đông sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Trong ảnh: Một nhóm người Nhật Bản lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày 19/8 (Ảnh: AFP).

Trong khi quốc tế tiếp tục có những nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho Syria bằng việc bổ nhiệm ông Lakhdar Brahimi làm đặc phái viên mới thì tình hình chiến sự tại nước này vẫn tiếp tục có những diễn biến căng thẳng.

Quân đội Syria với sự yểm trợ của xe tăng ngày 24/8 tuyên bố đã kiểm soát được vùng ngoại ô thủ đô Damascus, sau ba ngày oanh tạc dữ dội bằng pháo và máy bay trực thăng. Trong khi đó, tại thành phố Aleppo, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy với phần thắng tạm nghiêng về quân chính Syrria.

Chiến sự diễn biến phức tạp tại Syria khiến phương Tây đang tính đến khả năng áp đặt một vùng cấm bay tại quốc gia này. Tổng thống Mỹ Obama tuần qua đã tuyên bố sẽ "không dung thứ" nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học. Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Cộng hoà Mitt Romney cũng tuyên bố cứng rắn rằng, Mỹ sẵn sàng đưa quân tới Syria. Trong ảnh: Phiến quân thuộc lực lượng Quân đội Syria Tự do giao tranh với quân chính phủ tại Aleppo (Ảnh: AFP).

Không nằm ngoài dự đoán, vòng đàm phán hạt nhân thứ 6 giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran đã kết thúc ngày 24/8 tại Áo mà không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Phát biểu với báo giới sau hơn 7 giờ đàm phán, Phó Tổng giám đốc IAEA Herman Nackaerts khẳng định, hai bên chưa thu hẹp được bất đồng trong vấn đề chủ chốt là việc cho phép các thanh sát viên của IAEA tiếp cận căn cứ quân sự Parchin của Iran. Thậm chí, hai bên còn chưa thống nhất được việc khi nào sẽ tiến hành vòng đối thoại mới. Trong ảnh: Quốc kỳ Iran trước cửa Đại sứ quán nước này tại Vienna, Áo (Ảnh: Reuters).

Tòa án liên bang Mỹ tại San Jose, bang California ngày 24/8 chính thức ra phán quyết hãng công nghệ Samsung của Hàn Quốc đã vi phạm 6 bằng sáng chế của Apple, đồng thời phải bồi thường cho Apple trên 1 tỷ USD.

Phản ứng sau quyết định này, Samsung tuyên bố: quyết định với giá trị vô cùng lớn liên quan vấn đề bản quyền của một tòa án Mỹ hậu thuẫn cho Apple là một "mất mát cho người tiêu dùng Mỹ" và phát quyết đó "chưa phải là phán quyết cuối cùng cho vụ này". Ảnh minh hoạ cuộc chiến pháp lý giữa Samsung và Apple (Ảnh: Korean Times).

Tạp chí Forbes vừa bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2012. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Thủ tướng Merkel đứng đầu danh sách bình chọn thường niên dành cho các nữ chính trị gia, doanh nhân và các nhân vật truyền thông, quảng cáo.

Kết quả trên phản ảnh vai trò quan trọng của bà trong việc chèo lái con thuyền đưa Liên minh châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Trong ảnh: Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AFP).

Ngày 22/8, Nga chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới sau 18 năm đàm phán căng thẳng. Chính phủ Nga kỳ vọng sự gia nhập này sẽ thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước và giảm bớt sự phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi khoảng 918 tỷ USD/năm nhờ các ưu đãi về thuế quan, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc trở thành thành viên chính thức của WTO sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi về đầu tư bằng 3% tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 3 năm đầu tiên và 11% GDP sau 10 năm. Trong ảnh: Trụ sở chính của WTO tại Geneva (Ảnh: Ria)

Ngày 20/8, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung nhằm mang tên Người Bảo vệ Tự do Ulchi (UFG), với sự hỗ trợ của các hệ thống máy tính, diễn ra từ 20 - 31/8, huy động hơn 56.000 binh sĩ Hàn Quốc và khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ.

Phản ứng về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn lần này, Triều Tiên cho rằng, đây là một lời tuyên chiến đối với Bình Nhưỡng, gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả thích đáng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong ảnh: Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận UFG (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngày 20/8, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã tuyên phạt mức án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án 2 năm về tội cố ý giết người đối với bà Cốc Khai Lai, vợ của nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Trương Hiểu Quân - tòng phạm với bà Cốc Khai Lai trong vụ án giết người này bị tuyên án 9 năm tù giam.

Ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng, với mức án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án 2 năm, bà Cốc Khai Lai đã thoát khỏi tội chết. Trong ảnh: Bà Cốc Khai Lai và đồng phạm Trương Hiểu Quân nghe Toà tuyên án (Ảnh: CCTV).

Tòa án Oslo của Nauy ngày 24/8 đã tuyên án 21 năm tù với tên Breivik, kẻ thực hiện vụ thảm sát hồi tháng 7/2011 tại Nauy làm 77 người thiệt mạng. 

Luật sư bào chữa của kẻ sát nhân Lippestad cho biết, tên này có thể chấp nhận án tù, nhưng vẫn kháng cáo vì cho rằng hành động tội ác của hắn được thực hiện trong lúc quẫn trí. Trong ảnh: Hành động của Breivik sau khi bị tuyên án (Ảnh: Norwegian News Agency).

Người dân châu Âu đang phải đối mặt với một đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ tại đây liên tục giữ ở mức 400C trong nhiều ngày qua. Nhiều người đã phải đi cấp cứu, nhất là người cao tuổi và trẻ em, với nguyên nhân chủ yếu do nóng bức, ngạt thở. Trước tình hình nắng nóng bất thường, các nhà chức trách Pháp đã phải công bố mức báo động cấp hai (màu cam) tại ít nhất 33 tỉnh ở Pháp.

Một loạt vụ cháy rừng đã xảy ra tại các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Croatia trong khi thời tiết ở Đức, Thụy Sĩ và Ý cũng nóng hơn bình thường. Người dân Paris đổ dồn về vòi phun nước công cộng tại quảng trường Trocadero để giải toả cơn nóng bức (Ảnh: AFP).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên