Thế giới 7 ngày: Tên lửa Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ

(VOV) -Hàn Quốc tìm thấy mảnh vở của tên lửa Triều Tiên, Mỹ đối mặt với "vách đá tài chính", Iran tập trận tại Hormuz...


Ngày 28/12, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cơ quan này đã tìm thấy một số mảnh vỡ được cho là của các động cơ tên lửa đã được Triều Tiên phóng thử hồi giữa tháng 12 (Ảnh Reuters). Trước đó, ngày 23/12, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên cho thấy, nước này đã phát triển được công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạn nhân với tầm bắn hơn 10.000 km, có thể chạm bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Lực lượng Hải quân Iran ngày 28/12 bắt đầu cuộc tập trận 6 ngày mang tên Bảo vệ 91 diễn ra tại eo biển Hormuz, vùng biển Oman và phía Bắc Ấn Độ Dương, nhằm thử nghiệm hệ thống tên lửa và phòng vệ, tàu ngầm và tàu chiến (Ảnh Reuters). Tuy nhiên, bác bỏ thông tin rằng nước này phong tỏa eo biển Hormuz. Đồng thời, Iran luôn khẳng định rằng không từ bỏ quyền làm giàu urani của mình.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản Shinzo Abe cúi chào khi đắc cử Thủ tướng mới của Nhật Bản trong phiên họp toàn thể của Hạ viện tại Tokyo, ngày 26/12/2012 (Ảnh Reuters). Nội các mới của tân Thủ tướng Abe sẽ tập trung vào khôi phục kinh tế, tái thiết vùng đông bắc bị động đất, sóng thần tàn phá và chịu ảnh hưởng của sự cố hạt nhân Fukushima.

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Miqdad (bên phải) gặp gỡ đặc phái viên Lakhdar Brahimi tại một khách sạn (Ảnh Reuters), sau khi ông Brahimi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus ngày 24/12/2012. Ông Brahimi gặp Tổng thống al-Assad thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài 21 tháng, nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) chào mừng đặc phái viên của Liên đoàn Arab và LHQ Lakhdar Brahimi tại Moscow ngày 29/12/2012 (Ảnh Reuters). Hai bên có kế hoạch thảo luận về một loạt vấn đề liên quan tới các giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria, theo đó, Nga ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp ngoại giao, và luôn khẳng định bác bỏ can thiệp quân sự vào Syria. 

Quan hệ Nga - Mỹ gia tăng căng thẳng vào những ngày cuối năm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/12 ký đạo luật Dima Yakovlev, cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga, để đáp trả "Đạo luật Magnitsky" được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Những bất đồng cũng như sự đáp trả lẫn nhau giữa Nga và Mỹ gần đây cho thấy, mối quan hệ này đang đứng trước một giai đoạn đầy sóng gió mới. Trong ảnh: Người dân cầm biểu ngữ "Ủng hộ đạo luật Dima Yakovlev" bên ngoài tòa nhà Quốc hội, khi Quốc hội nước này đang bàn thảo (Ảnh AP)

Tối 28/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với các quan chức cấp cao bao gồm Phó Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện John Boeher, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, để thảo luận về vách đá tài chính từ tháng 11 vừa qua (Ảnh WABC news). “Vách đá tài chính” còn gọi là “vách đá tài khóa” là khái niệm ám chỉ nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt khi đầu năm 2013 các đạo luật về giảm thuế tạm thời sẽ hết hiệu lực, thuế sẽ tự động tăng; đồng thời ngân sách liên bang tự động cắt giảm, với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD. Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực, nền kinh tế đang ốm yếu và phục hồi chậm chạp của nước Mỹ sẽ thực sự chịu một đòn giáng mạnh và hàng triệu người lao động sẽ bị ảnh hưởng. 


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên