Vai trò của Ai Cập trong tiến trình hoà bình Trung Đông

Dư luận khu vực cho rằng, chuyến thăm lần thứ 2 của Thủ tướng Israel Netanyahu tới Ai Cập vào thời điểm này là để nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ai Cập trong tiến trình hoà bình Trung Đông

>> Israel tìm kiếm sự ủng hộ từ Ai Cập

Vấn đề mà dư luận quan tâm là tại sao Ai Cập lại được ông Netanyahu lựa chọn là điểm đến trước khi lên đường sang Mỹ tham dự cuộc gặp tay ba mang tính quyết định đối với sự hồi sinh của tiến trình hoà bình Trung Đông.

Trong số các nước Arab thì Ai Cập là nước đầu tiên ký kết hiệp định hoà bình và thiết lập quan hệ với Israel. Kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, cả Israel và Ai Cập đều tập trung xây dựng, phát triển và củng cố mối quan hệ này trên tất cả các lĩnh vực. Đây có thể coi là mối quan hệ kiểu mẫu giữa Israel với một quốc gia Arab. Israel có thể đã xác định được rằng nếu muốn thiết lập quan hệ hoà bình với thế giới Arab còn lại, nước này cần phải thông qua quan hệ sẵn có và hữu nghị với Ai Cập. Cũng chính từ mối quan hệ này mà không chỉ Israel mà cả bản thân Ai Cập cũng cho rằng mình cần phải có vai trò trong việc thúc đẩy hoà giải, thiết lập quan hệ giữa Israel và thế giới Arab còn lại nhằm tiến tới việc thiết lập một nền hoà bình lâu dài và ổn định cho khu vực Trung Đông.

Trong thời gian qua, Ai Cập đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện vai trò trung gian trong việc đạt được một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel với Phong trào Hồi giáo Hamas cũng như thoả thuận trao đổi tù nhân giữa phong trào này với Israel. Mặc dù kết quả vẫn chưa được như mong đợi của các bên, nhưng Ai Cập vẫn thực hiện tốt được vai trò là cầu nối để Israel và phong  trào Hồi giáo Hamas tiếp tục duy trì sự trao đổi mặc cả nhằm đạt được một thoả thuận cho các vấn đề mà hai bên quan tâm.

Ai Cập cũng là nước đã đóng vai trò rất tích cực trong việc đứng ra tổ chức cho các phe phái đối địch tại Palestine tiến hành đối thoại hoà giải dân tộc nhằm tiến tới việc xây dựng một nhà nước Palestine thống nhất. Là nước có chung đường biên giới với Dải Gaza, trong thời gian qua, Ai Cập đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đảm bảo đời sống của người dân Palestine tại vùng lãnh thổ vốn bị Israel bao vây phong toả từ tháng 6/2007, khi Phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền kiểm soát dải đất này.

Ngoài ra, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Obama lên cầm quyền, nước Mỹ đã thể hiện được sự quan tâm tới tiến trình hoà bình Trung Đông và coi Ai Cập là nước trong khu vực có vai trò quan trọng trong việc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hoà bình nhằm giải quyết các mẫu thuẫn lâu dài và phức tạp giữa các phe phái, lợi ích khác nhau tại khu vực. Bức thông điệp của Tổng thống Obama gửi thế giới Hồi giáo tháng 6 vừa qua được phát đi từ thủ đô Cairo đã tạo cho Ai Cập một vai trò lớn hơn trong thế giới Hồi giáo cũng như Arab. Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Mubarak giữa tháng 8 vừa qua một lần nữa khẳng định mối quan hệ đang được củng cố và tăng cường giữa Mỹ và Ai Cập. Có thể là không quá lời khi cho rằng nếu xét về các quan hệ, lợi ích tại khu vực Trung Đông thì Mỹ là nhà bảo trợ từ xa còn Ai Cập là nhà trung gian tại chỗ.

Xét từ các yếu tố khách quan và chủ quan, các yếu tố bên ngoài cũng như các yếu tố bên trong khu vực thì có thể thấy, chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu đã đúng đích và đúng thời điểm. Trước khi đến Mỹ để khởi động lại tiến trình hoà bình với Palestine do Mỹ bảo trợ, ông Netanyhu đã tìm đến nhà trung gian. Có ý kiến cho rằng, việc khởi động lại tiến trình hoà bình Trung Đông lần này dường như sẽ diễn ra trong một hoàn cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, theo đánh giá, nếu chỉ có nhà trung gian thôi thì chưa đủ. Cần nhất vẫn là sự quyết tâm và thiện chí của những người trong cuộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên