Tái diễn xung đột vũ trang Lebanon- Israel

Dù kịch bản chiến tranh khó lặp lại một lần nữa, song tình hình ở khu vực đang rất phức tạp cùng với bất ổn chính trị gia tăng tại Lebanon.

Ngày 11/9, xung đột vũ trang lại tái diễn giữa Lebanon và Israel khi 2 quả rốc-két được bắn từ lãnh thổ Lebanon sang miền Bắc Israel và sau đó phía Israel đã bắn trả lại. Dù kịch bản chiến tranh khó lặp lại một lần nữa, song tình hình ở khu vực đang rất phức tạp cùng với bất ổn chính trị gia tăng tại Lebanon.

Thật trùng hợp khi xung đột giữa Lebanon và Israel xảy ra đúng vào lúc bộ phim tài liệu có tên “Lebanon” về cuộc chiến giữa hai nước năm 1982 đoạt giải Sư tử vàng 2009. Quá khứ và mối đe doạ thực tế xen lẫn càng làm sống dậy những ký ức đau thương về các cuộc chiến tranh giữa hai nước. Cũng giống như cuộc chiến năm ngoái từng làm 1.200 người Lebanon và 160 người Israel thiệt mạng, lần này, xung đột bùng nổ khi rốc-két được bắn từ phía Libăng vào lãnh thổ Israel và Israel đáp trả lại. Quan hệ hai nước sau vài tháng yên tĩnh lại tiến sát bờ vực chiến tranh.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Israel sẽ chỉ dừng lại ở việc bắn trả đạn pháo trở lại chứ không đưa quân tiến vào lãnh thổ Lebanon như hồi cuối năm ngoái. Nhà chính trị lão luyện của Israel, Thủ tướng Netanyahu hẳn không dại dột đi vào vết xe đổ chiến tranh từng khiến chính phủ của cựu Thủ tướng Ehud Olmert  chịu làn sóng chỉ trích nặng nề cả ở trong và ngoài nước. Song vào lúc này, không có hy vọng nào về khả năng hoà dịu giữa Israel với Lebanon, dù cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.

Những làn đạn pháo bắn lẫn nhau ở vùng biển hẹp giữa Israel với Lebanon thực tế lại không đơn giản là mâu thuẫn song phương giữa hai nước. Vấn đề rất phức tạp khi bao gồm trong đó cả xung đột giữa Israel với Palestin, phía Israel tuyên bố rốc-két xuất phát từ vùng lãnh thổ thuộc Lebanon có 12 ngôi làng của người tị nạn Palestine sinh sống và chỉ trích lực lượng an ninh Libăng không sát sao kiểm soát khu vực này. Đó cũng là mâu thuẫn bao trùm giữa Israel với người Hồi giáo, khi ngày 13/9, Giáo sĩ người Hồi giáo dòng Shia hàng đầu ở Lebanon đã ban bố một sắc lệnh Hồi giáo nghiêm cấm nước này bình thường hóa quan hệ với quốc gia láng giềng Israel.

Và đặc biệt đằng sau xung đột mới giữa Israel và Lebanon là cả câu chuyện chính trị bất ổn tại Lebanon. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc Lebanon đang chưa lấp đầy được khoảng trống quyền lực đang ngày càng dãn rộng kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6. Ba tháng đã trôi qua, Thủ tướng được bầu Saad al-Hariri vẫn không thể thành lập được chính phủ bởi không dung hoà được các mâu thuẫn nội bộ quốc gia này. Thậm chí ông Saad al-Hariri đã tuyên bố có thể từ chức do thất bại trong thành lập chính phủ. Để tháo gỡ bế tắc trên chính trường, ông Saad al-Hariri đã phải đề xuất dành cho phe đối lập, tức là lực lượng chính trị của phong trào Hezbollah 10 ghế trong nội các. Đây là điều mà Israel kịch liệt phản đối song thực tế lại không thể làm gì để đảo ngược tình hình.

Trách người thì cũng phải ngẫm đến ta! Dư luận cho rằng chính chính sách của Israel đối với Palestine, điển hình là việc Ten A-víp ngang nhiên triển khai xây dựng các khu định cư Do Thái mới trên lãnh thổ của Palestine, đã khiến cả thế giới Hồi giáo bất bình. Và việc các lực lượng vũ trang hồi giáo mạnh như Hezbollah phản ứng để ủng hộ người Palestine chống lại Israel cũng là hệ quả tất yếu. Nếu chính phủ của Thủ tướng Netanyahu không thiện chí hơn trong việc giải quyết xung đột với Palestin thì nguy cơ tái diễn các cuộc tấn công tương tự vào lãnh thổ Israel là khó tránh khỏi. Việc Israel phản ứng cứng rắn với Hamas và Netanyahu thậm chí có thể gây tác động “ngược” là khiến người dân ở Palestine, Lebanon và những nước khác tăng cường ủng hộ cho các nhóm này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên