Tai nạn hàng không Nga làm chết nhiều người nhất thế giới

Số vụ tai nạn hàng không ở Nga chiếm hơn 1/5 trong tổng số các vụ tai nạn hàng không trên toàn cầu.

Năm 2011, số người tử vong do tai nạn hàng không ở Nga chiếm hơn 20% trong tổng số người thiệt mạng do tai nạn máy bay trên toàn cầu, một chuyên gia Nga tiết lộ hôm 17/5.

Trao đổi với hãng tin Interfax, ông Alexander Kanshin, thành viên cao cấp của Phòng Công cộng Nga cho biết, trong tổng số 506 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn máy bay năm 2011 trên toàn thế giới, có 119 người thiệt mạng ở Nga. Trong khi người Nga tham gia các dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không chỉ chiếm 1,7% tổng số các chuyến bay trên toàn cầu.

Vụ tai nạn máy bay ATR-72 của Hãng hàng không Utair gần thành phố Tyumen, phía Tây Siberia
Được xem là một trong những cường quốc về hàng không, tuy nhiên, những vụ tai nạn máy bay chết người trong những năm gần đây đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nước Nga

Năm 2011 là năm an toàn nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng với 28 vụ tai nạn máy bay trên toàn thế giới, nhưng 6 vụ trong số đó xảy ra ở Nga.

Tháng 6/2011, chiếc máy bay chở khách RusAir Tu-134 chở 52 người đã đâm xuống khu vực phía Bắc của nước cộng hòa Karelie thuộc Nga, làm 46 người tử nạn.

Ba tháng sau, chiếc Yak-42 chở 45 người đã bị rơi sau khi cất cánh gần trung tâm của thành phố Yaroslav, làm 43 người thiệt mạng, hầu hết trong số đó là vận động viên khúc côn cầu.

Sau thảm kịch tháng 9/2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các ban ngành có liên quan phải chú trọng đến công tác đào tạo phi công hàng không dân dụng.

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch đó là do máy bay cũ, lạc hậu, công tác đào tạo kém và thiếu sự giám sát trong ngành công nghiệp này.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp máy bay trực thăng của Nga Fanis Mizayanov cho rằng, Nga đang tụt hậu so với các nước phát triển trong các lĩnh vực như an toàn bay, phi công, chất lượng và quản lý hàng không.

Ông Mizayanov cũng cho biết, mặc dù Nga đã gia nhập Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) từ năm 1970, tuy nhiên ngành công nghiệp hàng không của nước này lại từ chối áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến cũng như những quy định của ICAO./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên